Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Đất Khổ

Đất Khổ

- Webmaster cập nhật lần cuối 18/04/2008 16:18
Đinh Từ Bích Thúy (giám đốc phụ trách Chương Trình Phim Việt Nam trong Liên Hoan Phim Á Mỹ Năm 1996), nói về lịch sử phim Đất Khổ. damau.org, 24.10.2007
bìa DVD


Đất Khổ, một phim của miền Nam Việt Nam, với phụ đề tiếng Anh trong nguyên bản, có thể được coi như một tạo tác lạ kỳ--một chứng nhân lịch sử gần như đã bị lịch sử bỏ quên. Đạo diễn của phim là Hà Thúc Cần, trước là nhiếp ảnh viên cho chi nhánh đài truyền hình CBS của Hoa Kỳ ở Việt Nam vào thập niên 1960s. Trước Đất Khổ, cố đạo diễn Hà Thúc Cần (qua đời năm 2004 ở Singapore), đã nhiều lần tháp tùng nhà báo Morley Safer làm phóng sự cho đài truyền hình và có mặt trong biến cố hỏa hoạn ở Cẩm Nê. Bài tường thuật về biến cố Cẩm Nê của Morley Safer đã gây tiếng vang sôi nổi trong dư luận báo chí Hoa Kỳ trong thời điểm "leo thang chiến tranh" (escalation) và làm Tổng Thống Lyndon Johnson nổi giận, gây áp lực với CBS đòi cất chức Morley Safer. Morley Safer sau đó đoạt giải Pulitzer về báo chí cho bài tường thuật về biến cố Cẩm Nê. ông kể lại bối cảnh của biến cố này, mặc dù diễn ra trong năm 1965, nhưng không khác gì chuyện chiến tranh Iraq năm 2007:

Lính Mỹ vào làng và bắt đầu đốt cháy từng túp lều, từng nhà một—tôi thấy vậy với chính mắt mình, từng nhà một, có lúc cũng có người chạy ra, nhưng hầu hết [bọn lính] chỉ điềm nhiên dùng tên lửa. Không có ai trong bọn lính là người biết tiếng Việt. Một kỵ binh có tên lửa được lệnh đốt một căn nhà, và nhiếp ảnh viên thu hình của tụi tôi, anh Hà Thúc Cần, một con người phi thường, lập tức đặt máy quay phim xuống, cản, "Đừng làm vậy! Đừng! Đừng!" Hà Thúc Cần đi vào căn nhà này, tôi cũng đi theo, rồi một trung sĩ cũng vào theo. Chúng tôi nghe có tiếng người khóc.

Ảnh 1

Hiện giờ nhà nào ở Việt Nam cũng có một hầm trú. Thường thì nó chỉ là một hầm chứa gạo được đào sâu dưới mặt đất. Chúng tôi vào thì thấy cả một gia đình, có lẽ độ 6 người, và một đứa trẻ sơ sinh. Họ sợ cứng người. Tôi nói nhỏ nhẹ; nhưng họ nhất định không chịu ra. Hà Thúc Cần nói với họ, cũng nhỏ nhẹ, và anh ấy dụ họ ra được. Sau đó, ngôi nhà này bị thiêu hủy, như tất cả những ngôi nhà trên đường đi, bằng tên lửa, diêm, hay dụng cụ bật lửa nhãn hiệu Zippo.

Nhóm lính, sau khi tấm ảnh Cẩm Nê bị đốt được xuất bản trên báo, tự cho mình danh hiệu "Sư Đoàn Zippo."

Cuối cùng tôi cũng về được Đà Nẵng để gửi bài phóng sự qua telex. Lúc đó phải mất một ngày rưỡi gửi bài đi từ Việt Nam. Harry Reasoner đọc tin vào buổi tối, và ông đọc bài phóng sự của tôi.

Dĩ nhiên, nhóm Thủy Quân Lục Chiến, sau bài phóng sự của tôi được lên truyền hình, lập tức thủ thế đề phòng tối hậu (red alert), chối hết mọi chuyện, nói rằng chỉ có vài nhà bị thiêu cháy vì "tổn thương phụ thuộc" (collateral damage) từ pháo đạn nhắm vào quân địch.

(Morley Safer, trong Reporting America at War: The Burning of Cam Ne)

Ảnh 2

Tương tự như dư luận Hoa Kỳ sau biến cố Cẩm Nê, phim Đất Khổ, khởi sự quay đầu thập niên 1970 và hoàn tất năm 1973, với kịch bản dựa trên tác phẩm Đêm Nghe Tiếng Đại BácGiải Khăn Sô Cho Huế của nhà văn Nhã Ca và lấy bối cảnh từ ba biến cố chính trong lịch sử chiến tranh Việt Nam: vụ Tranh Đấu Phật Giáo năm 1965 ở Huế, Tết Mậu Thân (1968), và mùa hè Đỏ Lửa (1972), cũng gây nhiều sôi nổi và bị cấm chiếu trước 1975 ở miền Nam Việt Nam vì nội dung "phản chiến và khuynh tả." Cuốn phim soi rọi những khía cạnh của cuộc chiến qua tâm cảnh của những nhân vật sống trong thời cuộc: người lính Biệt Động Quân bị lạc ra khỏi binh chủng (được thủ vai bởi nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt, hiện sinh sống ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn); một người anh đi lính quân lực Việt Nam Cộng Hòa; người em trai nghệ sĩ đào ngũ với cái nhìn hiện sinh nhưng nhân bản và trung dung về cuộc chiến (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở lứa tuổi 30, với trang phục jacket, quần jeans và đàn guitar như Bob Dylan); bà mẹ góa chịu đựng (ca sĩ Bích Hợp); cô chị gái, như Hòn Vọng Phu, mòn mỏi đợi ý trung nhân chưa về (Xuân Hà), và cô em út, một teenage sâu sắc với nhiều chất vấn và bất mãn về thời thế (Vân Quỳnh). Phim Đất Khổ cũng có sự xuất hiện của diễn viên Hoa Kỳ Jerry Liles, trong vai một người Mỹ nhân sự cao lồng ngồng, bị "mồ côi" và bất lực trong bối cảnh Việt Nam, rất khác với vai trò chủ động của những nhân vật người Mỹ trong những phim ảnh Hollywood về chiến tranh Việt Nam.

Ảnh 3

Trong phim, diễn viên Jerry Liles theo Quân (Trịnh Công Sơn) về ăn Tết Mậu Thân với gia đình Quân ở Huế. (Ảnh 1). Đất Khổ tiêu biểu cho tính chất phim thật (cinema verité), với những cảnh nhà cửa bị tàn phá, người dân chạy loạn trên Quốc Lộ 1, quay đúng vào thời điểm lịch sử của Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, nhưng để làm bối cảnh của biến cố Tết Mậu Thân 1968 trong truyện phim. (Ảnh 2.) Đất Khổ cũng có âm vọng từ biến cố Cẩm Nê. Gần cuối phim, Nghĩa (Lưu Nguyễn Đạt) trở về làng quê, nay đã xơ xác và điêu tàn vì bom đạn, và đến trước một căn nhà bỏ trống. Nghe tiếng động từ trong nhà, Nghĩa rút súng lục phòng thủ, định bắn xả vào thì bỗng dưng thấy một bé gái xuất hiện. Nhìn vào trong, Nghĩa thấy gian nhà có lối xuống hầm trú, và trong hầm có thêm hai nhân mạng, một đứa bé chưa biết đi và thằng anh nó trạc 9, 10 tuổi. Đây là những người em nhỏ còn sống sót của Nghĩa, sống chui nhủi dưới hầm trú sau một ngọn "lửa thân thiện" (friendly fire) rơi trúng vào làng. Nghĩa giúp các em thu xếp quần áo và vật dụng di tản ra khỏi ngôi làng. Trước khi rời căn nhà, Nghĩa và em gái thắp nhang ở bàn thờ tổ tiên, từ biệt cha mẹ quá cố, và xin được người chết phù hộ cho người sống trong cuộc hành trình trước mặt. (Ảnh 3).

Đất Khổ cũng cho ta thấy một thế giới phù du (floating world) của những nghệ sĩ muốn tìm khuây khỏa trong âm nhạc và nét đẹp u hoài của một văn hóa trên đà mai một. Cảnh ca hát trong khoang thuyền về đêm, trên một giòng sông đen lặng sóng, là một cảnh biểu lộ cái nhìn hiện sinh của Quân. Trái với những cảnh sống thực khác trong phim, cảnh này có nhiều kịch tính, như thể nói lên đặc thù mâu thuẫn của nghệ thuật, vừa là lối thoát cho đời sống, vừa là một cạm bẫy dẫn đến sự bại hoại cho tâm thần chính vì tính chất hư ảo của nó. (Ảnh 4)

Ảnh 4

Đất Khổ gần như bị quên lãng trong một xó hầm nhà của George Washnis, một nhà đầu tư Hoa Kỳ (investor) của phim, và trong thập niên 1970 là phu quân của một nhà sản xuất phim ảnh có liên hệ mật thiết với Đất Khổ. ít lâu sau khi phim bị cấm chiếu, ông George Washnis và vợ rời Việt Nam với một ấn bản của phim. Sau đó hai người ly dị, và ông Washnis thừa hưởng "gia tài" Đất Khổ. Vào năm 1996, George Washnis liên lạc với Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute, "AFI") ở Kennedy Center, Hoa Thịnh Đốn, nhờ cơ quan này phổ biến phim Đất Khổ. Đất Khổ được chiếu lần đầu tiên ở rạp hát AFI, sau 23 năm nằm trong hộp đựng phim có niêm dán kín, nhưng với rất ít sự tham dự của khán giả trong vùng vì không nhiều quảng cáo. Vào tháng 11 năm 1996, Đất Khổ coi như được "chính thức" ra mắt khán giả Việt Nam ở vùng Hoa Thịnh Đốn, trong chương trình Phim Việt Nam của Liên Hoan Phim Mỹ á năm thứ 15, ở viện đại học George Mason và viện đại học Maryland. Sau đó phim cũng được đi trình chiếu ở Texas và California.

Trước dịp Đất Khổ ra mắt ở Hoa Thịnh Đốn, nhóm tổ chức chương trình Phim Việt Nam trong Liên Hoan Phim Mỹ á năm 1996 đã cố truy tầm tin tức về đạo diễn Hà Thúc Cần để mời ông sang Hoa Kỳ dự buổi ra mắt phim. Việc này không thành tựu vì lúc đó ban tổ chức không tìm được người đã có những liên lạc mật thiết với nhà đạo diễn này. Mãi về sau, qua lời kể của ông Võ Tá Hân, một nhà kinh doanh và nhạc sĩ, cũng là một người bạn thân của cố đạo diễn Hà Thúc Cần hiện đang sinh sống ở Singapore, thì biết được rằng sau thời gian 1975, Hà Thúc Cần cũng đã định cư nhiều năm ở Singapore. ông chuyển sang lãnh vực hội họa và có một gallery mua bán và triển lãm tranh Việt Nam ở quốc gia này. Hà Thúc Cần cũng viết nhiều những bài nhận định về hội họa và nghệ thuật Việt Nam cho những tạp chí mỹ thuật trên diễn đàn quốc tế. Theo lời ông Võ Tá Hân, đạo diễn Hà Thúc Cần không giữ bản quyền phim Đất Khổ, đinh ninh rằng chỉ có một ấn bản phim Đất Khổ ở Pháp, và không biết phim đã được ra mắt ở Hoa Kỳ. Lúc sinh thời đạo diễn Hà Thúc Cần nhắc đến Đất Khổ rất nhiều lần với ông Võ Tá Hân, coi cuốn phim này như một trong những thành tích sâu đậm nhất trong đời ông.

Vào tháng 5 năm 2007, George Wachnis, qua công ty sản xuất phim DVD Remis, LLC, cho ra mắt Đất Khổ trong thể DVD, thêm tựa đề tiếng Anh, Land of Sorrows. Như một lời mỉa mai cuối cùng của định mệnh, DVD Đất Khổ, mặc dù tượng trưng cho dĩ vãng sống thực của cuộc chiến nhìn từ miền Nam, được hãng Remis mang bán cho dân Hoa Kỳ với bao phim có nền (cờ) đỏ sao vàng.

Đinh Từ Bích Thúy
damau.org, 24.10.2007


Các thao tác trên Tài liệu