Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Lý Quí Chung và Trịnh Công Sơn

Lý Quí Chung và Trịnh Công Sơn

- Webmaster cập nhật lần cuối 24/04/2008 17:46
Lý Quí Chung : "Hồi ký không tên", nxb Trẻ, 2005, 488 trang.


Lý Quí Chung sinh sau Trịnh Công Sơn hơn một năm (01/09/1940) tại Mỹ Tho, cũng học trường Chasseloup-Laubat, ban Triết, và mất sau Trịnh Công Sơn 4 năm, ngày 03/03/2005, cũng tại Sài Gòn.

Đọc quyển « Hồi ký không tên », nxb Trẻ, 2005, 488 tr., chúng tôi bắt gặp một số đoạn ông nói về Trịnh Công Sơn, và ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn đối với ông ; để bạn đọc tham khảo, xin mạn phép chép lại những đoạn liên quan từ bản điện tử của Talawas, chúng tôi có đối chiếu với bản in, và có sửa lại vài lỗi đánh máy hoặc trích sai ca từ Trịnh Công Sơn từ bản in.
(PvĐ, 19/04/2008)


-trang 124 :

... Slogan tranh cử Quốc hội lập pháp của tôi – “Một miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập” – như một thứ công chức hòa bình – theo suy nghĩ của tôi – cho cuộc chiến mà lúc đó tưởng như không thể tìm ra lối thoát. Cái chính là chấm dứt chiến tranh, buộc người Mỹ rút quân, không can thiệp vào vấn đề nội bộ của người Việt Nam. Là một cá nhân độc lập, không đại diện cho bất cứ thế lực chính trị nào, cũng không còn là con cờ của một cường quốc nào – nên rốt cuộc lời kêu gọi của tôi cho công thức này như tiếng kêu giữa sa mạc. Tôi không khác gì một Don Quichotte của nhà văn Cervantès. Tôi cũng ý thức được việc mình làm là “đội đá vá trời” nhưng tôi vẫn tin rằng trong tất cả các cuộc đấu tranh cho những chính nghĩa lớn, tiếng nói của từng người, dù là người rất bình thường, nếu được mạnh dạn bày tỏ công khai cũng có thể góp thành dư luận và sức mạnh. Nhưng mặt khác sự dấn thân và bày tỏ thái độ cũng là nhu cầu tự thân của những thanh niên trí thức như tôi ở vào thời điểm ấy. Vào những lúc này, tôi còn nhớ, nhạc Trịnh Công Sơn cũng là thứ thuốc kích thích tinh thần cho những người như tôi, lên lại “giây cót” mỗi khi cảm thấy buồn nản, bế tắc. Nhạc Trịnh đã thúc đẩy sự dấn thân cho nhiều thanh niên và trí thức đấu tranh vì hòa bình và dân tộc.


Scan lại từ phụ trang ảnh nằm giữa các trang 478-479 trong Hồi ký không tên

-trang 146-154 :

Rõ ràng lập trường “đứng giữa” của tôi lúc đó gây phản ứng với các thế lực chống Cộng như thế. Tôi chấp nhận sự “ngây thơ chính trị” của mình để có thể tự tách mình ra khỏi một chế độ không đáp ứng lý tưởng của mình mà cũng không đại diện nguyện vọng của nhân dân miền Nam. Lập trường “đứng giữa” làm tức tối các phần tử chống cộng, nhưng cũng chính thức không nghiêng về phía cộng sản, nên không có đủ lý do để chính phủ Thiệu đóng cửa tờ báo.

Với tôi, lúc đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là một “người Việt cô đơn”, một “người Việt đứng giữa”. Có một hôm tôi mời anh Sơn đến tòa soạn TNDT chơi và trong một giây phút cao hứng tôi đề nghị anh sáng tác một bản nhạc dành cho người Việt đứng giữa. Nhưng Sơn khéo léo nói sang chuyện khác. Tôi biết Sơn ngại dính líu vào chính trị. Dù tôi không tham gia một đảng phái chính trị nào nhưng tôi cũng đang hoạt động chính trị. Sơn vẫn đặt các sáng tác của anh trên những xúc cảm chung nhất của dân tộc: chống chiến tranh, vì hòa bình thống nhất đất nước, vượt lên trên những vấn đề thời sự cụ thể. Anh đau niềm đau chung của dân tộc.

Nhạc Trịnh Công Sơn có những lúc là cái phao tinh thần cho cá nhân tôi. Nhiều buổi tối trở về nhà chán nản, tâm trạng khủng hoảng, bế tắc sau một cuộc xuống đường mệt mỏi nhưng chẳng lay động được gì chế độ Mỹ - Thiệu, tôi nằm ngay trên sàn nhà, không cần bật đèn, chỉ bật nhạc Trịnh Công Sơn để nghe như nghe chính tâm trạng mình, nhưng đồng thời lại nuôi nấng được trong con tim niềm hi vọng hòa bình và ước mơ được thấy một ngày nào đó, Huế - Sài Gòn – Hà Nội sẽ liền một dải. Thế là nhạc Trịnh làm tươi lại tâm hồn tôi và làm mới ý chí tôi.

Có những đêm, sau cuộc họp chính trị tại Dinh Hoa Lan (biệt thự của tướng Dương Văn Minh) tôi không về thẳng nhà mình mà đến phòng trà Khánh Lý trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) để ngồi nghe một mình nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh chống chiến tranh nhưng không hề khiến những người yêu nước mềm ý chí. Anh kêu gọi hòa bình nhưng không làm cho những ai đang chiến đấu vì đồng bào và Tổ quốc lại gác súng. Trái lại nó nuôi ý chí làm quật khởi những tâm hồn yêu nước.

Cuộc sống quá hối hả, dồn dập lắm biến chuyển không có nhiều cơ hội để tôi và Trịnh Công Sơn gặp nhau. Vả lại tôi và Sơn hoạt động ở hai quỹ đạo rất khác nhau. Sau 1975, chúng tôi gặp nhau thường hơn, nhưng vì tôi không uống rượu và cũng không sành về âm nhạc nên cũng không lọt vào cái quỹ đạo đặc biệt của Sơn gồm những bạn rượu và văn nghệ sĩ. Mỗi lần tôi tới chơi nhà Sơn, tôi đều báo trước và thường ngồi nói chuyện với nhau chỉ có hai đứa.

Khi tôi lấy vợ lần thứ hai (năm 1985) và tổ chức đám cưới tại hội trường báo Tuổi Trẻ, tôi có mời Sơn. Tôi và Sơn rất mê khiêu vũ nên giữa buổi tiệc chúng tôi dẹp bớt đi bàn ghế và cho nhạc trỗi lên. Vào thời điểm này hầu như không ai dám “liều” như chúng tôi. Khai mạc buổi khiêu vũ, Sơn mời cô dâu nhảy đầu tiên, còn tôi mời chị Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Tôi còn nhớ đó là một bản nhạc theo nhịp Be Bop. Sơn rất thích nhảy Be Bop. Sau này khi bệnh tiểu đường trở nặng, đi đứng khó khăn, Sơn không còn khiêu vũ được, làm anh hối tiếc vô cùng. Có một hôm (khoảng đầu năm 2000) tôi cùng vợ tôi khiêu vũ ở vũ trường Tự Do ở đường Đồng Khởi, đang nhảy ngoài piste, tôi linh cảm có ai nhìn mình từ quầy bar, tôi quay lại và nhìn thấy Trịnh Công Sơn. Đứng bên cạnh là họa sĩ Trịnh Cung. Anh đưa tay lên chào tôi. Khi bản nhạc kết thúc tôi liền đến chỗ anh. Tôi hỏi Sơn: “Ông không nhảy à?”. Giọng Sơn buồn man mác: “Mình đi đứng còn khó khăn thì làm sao nhảy. Thấy toa nhảy, moa thèm quá”. Sơn còn hỏi thêm: “Hình như toa nhảy disco hơi khác người ta phải không?”. Tôi cười trả lời: “Khiêu vũ đâu nhất thiết phải giống như người khác. Mình nhảy theo cảm xúc của mình – như thế tự do và hứng thú hơn”. Nhìn Sơn đứng bên piste mà không nhảy, tôi buồn và thương anh vô cùng. Tôi biết bệnh tình của anh đã tới thời kỳ khá nặng.

Mùng 5 Tết năm Tân Tị (năm 2001), tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy cùng với họa sĩ Trịnh Cung thăm Sơn. Đây là lần cuối cùng tôi gặp mặt người nghệ sĩ tài hoa này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngày 1-4-2001, anh vĩnh viễn từ giã bạn bè và tất cả những người yêu thương và ngưỡng mộ anh. Cuộc gặp Sơn tại bệnh viện Chợ Rẫy, tôi có ghi lại thành một bài báo đăng trên tạp chí Đẹp số đầu tháng 2-2001:

“...Sơn vẫn nằm trên giường khi nói chuyện với chúng tôi, nhưng trông anh vẫn khỏe khoắn, thần sắc tinh anh. Tôi chợt cười thầm trong bụng bởi một ý nghĩ thú vị vụt đến: Con người gầy gò và nhẹ bâng này đang mang nhiều thứ bệnh trong người, tưởng như dễ dàng rơi vào tay tử thần, lại là người chiến đấu cho cuộc sống bản thân dữ dội nhất.

Cách đây mấy năm, Sơn bị đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Lần đó, bạn bè thật sự lo lắng cho anh. Cuối cùng Sơn vẫn trở về an toàn. Gặp lại Sơn tại nhà riêng của anh lần đó, tôi tò mò hỏi: “Đúng là ông trở về từ cõi chết, vậy ông suy nghĩ gì về... cái chết?”

Tôi vẫn gọi Sơn như thế, từ “ông” được dùng theo cách xưng hô thân mật. Có lúc chúng tôi gọi nhau bằng “toa” và “moa”, cách xưng hô giữa những người bạn có thời học trường Pháp. Sơn không cần suy nghĩ, trả lời ngay: “Chết là thiệt thòi. Người Pháp nói: Les absents ont toujours tort. Chết, mình không còn họp mặt với bạn bè, không còn được ngắm cuộc đời rất đẹp này”. Nhớ câu trả lời cách đây mấy năm, tôi tò mò muốn biết nằm trên giường bệnh lần này, anh nghĩ gì. Câu trả lời còn nhanh hon và gọn hơn lần trước: “Mình muốn ra khỏi đây càng sớm càng tốt”.

    Hãy cứ vui chơi cuộc đời
    Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau
    Còn đây em ngọt ngào
    Đứng bên ngày yêu dấu
    Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao
    («Hãy cứ vui như mọi ngày»)


Vóc dáng mảnh khảnh, quen thuộc của anh Sơn với mọi người trong nhiều năm qua, khiến không ai có thể nghĩ rằng Sơn đã có một thời trai trẻ là con nhà thể thao chính cống. Mỗi sáng anh đều quần một hai hiệp quyền Anh. Anh đồng thời còn là đệ tử Vovinam từ những ngày đầu môn này được thành lập ở Sài Gòn, và là vận động viên điền kinh 10 môn. Nếu người em trai của Sơn không tung một cú quật trong một lần luyện võ với nhau, khiến ngực anh đập xuống nền nhà làm vỡ mạch máu phổi phải nằm trên giường suốt hai năm, thì chắc chắn chúng ta chỉ có một vận động viên Trịnh Công Sơn (chưa bảo đảm là xuất sắc) nhưng mất đi một Trịnh Công Sơn tài năng âm nhạc. Đó là khúc quanh cuộc đời của anh. Sơn nói: “Trên giường bệnh mình suy nghĩ rất nhiều...”. Khi rời giường bệnh năm 1957, trong anh đã có một đam mê khác: âm nhạc. Với nhiều người, tác phẩm đầu tay của Sơn là “Ướt mi”. Nhưng Sơn tiết lộ:

“Bản nhạc đầu tiên đúng nghĩa của mình có tên “Sương đêm”. Không ai biết sáng tác này. Nó đã thất lạc. Bản thân mình cũng không nhớ lời và nhạc như thế nào!”.

Tác phẩm đầu tiên của Sơn – “Ướt mi” – như công chúng yêu nhạc biết, đã được Thanh Thúy – ca sĩ thời thượng những năm 50, người có giọng ca liêu trai, trình diễn lần đầu tại phòng trà Văn Cảnh. Không như suy nghĩ chung của nhiều người, Khánh Ly không phải là người đầu tiên và duy nhất hát thành công nhạc Trịnh Công Sơn trước năm 1975. Sau Thanh Thúy, một giọng ca lừng danh khác của Sài Gòn thời đó góp phần giới thiệu tác phẩm của Sơn – đó là nữ ca sĩ Lệ Thu.

Khánh Ly là người thứ ba và là người hát toàn bộ các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Lần đầu chính Sơn chủ động tiếp xúc với Khánh Ly tại phòng trà Night Club ở Đà Lạt bằng cách tự giới thiệu mình là tác giả bài “Ươt mi”. Sau một tháng tập bể cả giọng, Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn xuất hiện lần đầu tiên tại sân sau Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (hiện là Thư viện Quốc gia) trước 5000 sinh viên. Khánh Ly trình bày luôn 24 sáng tác của Sơn trong đêm đó. Sau đó Khánh Ly đã nói với Sơn: “Trước đây mình chỉ hát trong phòng trà, lần đầu tiên hát trước hàng ngàn sinh viên, tối đó mình không làm sao ngủ được”. Đó là năm 1965, các sáng tác của Sơn bấy giờ đều là tình ca.

Đến năm 1968, Sơn mới sáng tác nhạc phản chiến.

Hình như Trịnh Công Sơn có hai bài sáng tác về Hà Nội và chẳng có bài nào viết về Huế. Tôi hỏi anh điều ấy. Sơn không trả lời thắc mắc của tôi mà nói: “Có lần Hoàng Hiệp phát biểu, bài nào của Sơn cũng có Huế trong đó mặc dù không có đề cập Huế trực tiếp”.

Thêm một thắc mắc, tò mò khác: “Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện lấy vợ?”

- Có một lần thoáng qua lúc mình trẻ. Nhưng thời đó, các cô gái ít chịu lấy mấy ông chồng nghệ sĩ sống bấp bênh.

- Bao nhiêu phần trăm các sáng tác của ông lấy cảm hứng từ một người đẹp nào đó?

- Một phần năm mình viết cho một người cụ thể.

Họa sĩ Trịnh Cung, bạn thân của Trịnh Công Sơn từ thời trẻ, nói chen vào:

- Theo tôi hơn con số đó. Phải là 40%. Tôi có thể chứng minh bài nào ông viết cho người nào.

Sơn không phản đối. Tôi lại hỏi Sơn: “Bửu Ý viết Thay lời tựa cho Tuyển tập những bài ca không năm tháng của ông, có đoạn nói rằng ông đã chuẩn bị tinh thần cho cái phút sau rốt cuộc đời bằng cách trích lại 4 câu ở 4 sáng tác khác nhau của ông:

... một trăm năm sau mãi ngủ yên (“Sẽ còn ai”)
... mai kia chào cuộc đời (“Những con mắt trần gian”)
...một hôm buồn lên núi nằm xuống (“Tự tình khúc”)
...một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời (“Bên đời hiu quạnh”)

- Vậy ông có thật sự chuẩn bị cho cái chết?

- Mình không chuẩn bị cho cái chết. Lạ lùng là sau cơn hôn mê, mình tỉnh lại vẫn không thấy vui mừng. Thế mà ngủ nằm mơ thấy chết, sáng thức dậy lại mừng. Đúng là có những người chuẩn bị hẳn hòi cho cái chết của mình và có những người chẳng chuẩn bị gì cả, coi thường cái chết. Riêng mình hơi khác, mình không sợ cái chết nhưng nếu phải rời bỏ cuộc đời này mình rất luyến tiếc. (Sơn dùng thêm tiếng Pháp regret). Trong khi sống mình đã nuối tiếc rồi, mình sợ mất nó. Mình khát sống.

- Ông có bao giờ nghĩ đến chuyện viết di chúc?

- Không. Một cô ca sĩ đã hỏi mình câu đó. Mình có tài sản chi đâu? Với mình cái hiện tại là cái có thật, cùng sống với nó. Còn cái sau đó...

- Bây giờ nhìn lại cuộc đời đã qua, về tình yêu, ông thấy thế nào?

- (Không cần suy nghĩ) Thất bại nhiều, thất bại nặng. Thời trẻ sự thất bại mang lại nỗi đau bàng bạc, kéo dài. Bây giờ nó dữ dội, nhưng ngắn. Mình để nó rơi vào quên lãng, không lục soát lại, coi như một xác chết của quá khứ.

Tôi chuyển sang chuyện khác và hỏi: Ông có kẻ thù không?

- Có (Rồi dừng lại một giây suy nghĩ). Đúng ra là không. Dĩ nhiên cũng có người ghét mình. Riêng mình đã loại trong đầu mình khái niệm kẻ thù.

- Ông là nhạc sĩ dấn thân – engagé?

- Từng giai đoạn, nhưng nói chung mình chủ trương ‘nghệ thuật vị nhân sinh’ chứ không ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Cho nên nếu vì một hoàn cảnh nào đó buộc mình đi tu, thì mình sẽ đi tu giữa cuộc đời này.

- Ông có hối tiếc vì không có con để nối dõi?

- Không nghĩ tới. Mình chưa bao giờ nghĩ tới một Trịnh Công Sơn con. Tại sao? Để mình xem có lý do nào không? (Sơn suy nghĩ một lúc) Mình không thấy lý do nào cả. Có lẽ cuộc sống vội vàng đi qua, đi qua, rồi... Thỉnh thoảng xưa kia các em mình có nhắc, mẹ mình cũng có nhắc nhưng không ai đặt thành vấn đề, rồi thôi...

Thoắt một cái người đã 61 tuổi, người đã 62. Nhớ lại lần gặp nhau tại tòa soạn báo Tiếng Nói Dân Tộc ở Sài Gòn năm 1966, thế là đã 35 năm.

Cùng thời điểm Sơn sáng tác những bài hát phản chiến (bắt đầu từ năm 1968), phần tôi trên báo Tiếng Nói Dân Tộc cũng tổ chức cuộc thi viết phóng sự với chủ đề “Viết cho quê hương, dân tộc” dành cho bạn đọc. Các bài dự thi đều chống cuộc chiến, chống sự can thiệp của người Mỹ, phản ánh tâm trạng và thực trạng khắp miền Nam, tất cả hợp thành một bức tranh xúc động và trung thực của nửa phần Tổ quốc phía Nam. Những bài đoạt giải như “Phục sinh đất chết” nói về hậu quả của chất độc hóa học của quân đội Mỹ rải xuống ruộng vườn; “Khi người Mỹ đến”, mô tả chi tiết quá trình một xã ven đô hiền hòa bị biến thành một nơi buôn hoa bán phấn vì chạy theo đồng đô la Mỹ; hoặc “Ông lão trong vùng oanh kích tự do” bi kịch của một ông lão sống trong vùng đất bị quân đội Mỹ coi là “Free Fire Zone” nhưng nhất định không chấp nhận dời căn lều của mình đi nơi khác v.v...

-trang 387-388 :

Ông Minh nhận trách nhiệm trước lịch sử ở lại đóng nốt vai trò của mình bất kể sự việc kết thúc sẽ ra sao. Sự ra đi của con gái và hai cháu ngoại giúp cho ông nhẹ bớt âu lo chuyện riêng tư. Bà Dương Văn Minh thì vẫn ở lại bên chồng.

Mãi đến 12 giớ đêm tôi mới về đến nhà ở đường Nguyễn Tri Phương. Vợ tôi chưa ngủ, vẫn thức chờ tôi. Năm đứa con đã ngủ. Đứa lớn nhất Lý Quí Hùng 13 tuổi, kế đó Lý Quí Dũng 11, Lý Quí Trung 9 tuổi, Lý Quỳnh Kim Trinh – con gái duy nhất – 7 tuổi và Lý Quí Chánh nhỏ nhất mới 5 tuổi. Trong giấc ngủ, chúng như những thiên thần. Trong đầu tôi bỗng lóe lên một ý nghĩ: chiếc thuyền tôi đang lèo lái chở khẳm quá, trong khi biển đang sóng to gió lớn, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nước mắt như chực trào ra. Không biết tại sao. Nhưng tôi kịp ngăn lại. Thay quần áo xong, tôi để một băng nhạc Trịnh Công Sơn vào máy AKAI, bật lên và nằm dài trên thảm. Nhiều lần tôi đã làm như thế sau một ngày chống Thiệu gay go. Với tôi, nhạc Trịnh Công Sơn luôn là một liệu pháp tinh thần kỳ diệu.

    Người con gái Việt Nam da vàng
    Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
    Người con gái Việt Nam da vàng
    Yêu quê hương nước mắt lưng dòng...
    Em chưa biết quê hương thanh bình
    Em chưa thấy xưa kia Việt Nam
    Em chưa hát ca dao một lần
    ...
    (“Người con gái Việt Nam”, Ca khúc da vàng)


Cha mẹ tôi chưa biết quê hương thanh bình. Tôi cũng chưa biết quê hương thanh bình một ngày nào. Hy vọng thanh bình ấy sẽ đến với các con tôi chăng? Mây đen đang vần vũ trên bầu trời nhưng ánh sáng tươi đẹp đang ló dạng? Tôi thiếp ngủ lúc nào không biết...

Bộ mặt của Sài Gòn sáng 29-4-1975 khác hẳn ngày hôm trước. Đó là những dấu hiệu đầu tiên của hoảng loạn. Từ nhà riêng ở đường Nguyễn Tri Phương ra Dinh Hoa Lan, ô tô của tôi được hai chiếc xe Jeep của cảnh sát bảo vệ. Một chiếc chạy phía trước và một chiếc chạy bọc sau.

Trước khi bước lên xe, tôi nhận ra sự hiện diện của bốn viên cảnh sát đã từng theo dõi tôi đứng trong tư thế sẵn sàng bên chiếc xe đi theo bảo vệ. Khi ông Thiệu bỏ chạy ra nước ngoài, bốn viên cảnh sát này liền liên hệ với những người bảo vệ tôi và ngỏ ý nhập vào toán cận vệ của tôi nếu ông Minh trở thành tổng thống. Và tôi đã chấp nhận. Họ và tôi chẳng có gì để hận thù nhau. Họ chỉ làm phận sự do cấp trên giao.

-trang 420 :

Sau này khi ra Hà Nội nhiều lần tôi thường ghé lại thăm ông Nguyễn Tuân và ông Văn Cao. Khi có dịp vào TP. HCM, hai ông cũng thường đến dùng cơm tại nhà tôi. Hai người có cách sống hoàn toàn khác nhau. Căn phòng của ông Tuân ấm cúng và sắp xếp như một appartement của một người sống độc thân... ở Paris. Căn phòng vừa là nơi ăn ngủ làm việc và tiếp khách. Lúc nào ông cũng có rượu Tây loại ngon. Mùa đông có một lò sưởi cá nhân tự tạo đặt kế bên giường. Ông nói chuyện duyên dáng, dí dỏm và không né tránh những nhận xét đầy hình tượng dành cho các đồng nghiệp hoặc các nhân vật nổi tiếng khác cùng thời. Căn nhà của ông Văn Cao có vị trí thoáng đẹp hơn. Bao giờ ông tiếp khách cũng có vợ ông, bà Băng. Tại phòng khách có treo bức chân dung rất đẹp của bà Băng thời trẻ do ông Văn Cao vẽ. Bất cứ lãnh vực nào mà Văn Cao đặt tay vào cũng đều đạt đỉnh cao từ âm nhạc, thơ cho đến họa. Thường ông ngồi im lặng như pho tượng. Tôi có cảm tưởng: có lẽ người gần như duy nhất gây cho ông sự hứng thú để trao đổi là Trịnh Công Sơn. Cùng với Trịnh Công Sơn bên cạnh, ông đã đồng ý xuất hiện một lần tại Nhà Văn hoá Thanh Niên trong buổi giao lưu với thanh niên TP. HCM.


(Tư liệu PvĐ)

-trang 459 :

Hai ngày sau khi nàng mất tôi đã tổ chức cuộc chia tay cho Cúc Phượng với người thân và bạn bè đúng như nàng đã phác họa. Danh sách bạn bè được mời đến do chính Cúc Phượng nêu tên: Vợ chồng anh Tống Văn Công (cựu tổng biên tập báo Lao Động), anh Vĩnh An, nhà báo Lưu Trọng Văn, vợ chồng nhà báo Hoàng Thoại Châu, vợ chồng nhà báo Trần Trọng Thức, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh Nguyễn Trung Dân và vợ là chị Phan Thị Lệ, họa sĩ Trịnh Cung, cô Ý Nhi, hai nhà báo Đặng Hoàng, Thúy Hà và mẹ Thúy Hà.

Trên chiếc bàn dài, nhiều bó hoa tươi của bạn bè đặt chung quanh di ảnh của Cúc Phượng. Trong ảnh, nụ cười của nàng thật hiền hòa, nụ cười mà tất cả những ai quen biết nàng đều không thể quên được. Một vài người bạn lần lượt đứng lên nhắc lại những kỷ niệm đẹp của mình với Cúc Phượng, riêng anh Lưu Trọng Văn đọc một bài thơ viết tặng nàng:

THIÊN SỨ

Người đàn bà ấy
Từ đâu

    Mà tới đây?

Rồi đột ngột đi đâu
Người hàng xóm ngớ ra
Bầu trời cũng ngớ ra
"Người ơi đừng hỏi!"
Tiếng ai nghe quen vậy?
Còn tiếng ai nữa

    ngoài người đàn bà ấy
    suốt một đời chẳng muốn ai
    bận tâm đến mình

Biết trước mình sẽ đi xa
Sợ úa lá dâu

    không đòi manh áo

Sợ con ong buồn

    không đòi vòng hoa

Sợ đau cánh rừng

    không đòi ván gỗ

Và tôi,

    Tôi cũng biết trước người đàn bà ấy sẽ ra đi

Mà sao không đến chào, tiễn biệt?

22-8-97



Lý Quí Chung, "Hồi ký không tên", nxb Trẻ, 2005, 488 tr. + 26 phụ trang ảnh không đánh số, giấy láng, chen giữa các trang 64-65, 108-109, 314-315, 414-415 và 478-479.

Các thao tác trên Tài liệu