Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / [2015] Kỷ niệm 14 năm / NGHĨ MÔNG LUNG VỀ HIỆN TƯỢNG TRỊNH CÔNG SƠN

NGHĨ MÔNG LUNG VỀ HIỆN TƯỢNG TRỊNH CÔNG SƠN

- pvd — cập nhật lần cuối 06/04/2015 17:40
Tương Lai, 5/4/2015

Nhân ngày giỗ của Trịnh Công Sơn 1 tháng tư

NGHĨ MÔNG LUNG VỀ HIỆN TƯỢNG TRỊNH CÔNG SƠN


Buông bài báo trên “Tuổi Trẻ” về “Người hâm mộ tưởng nhớ Trịnh Công Sơn” mà lòng cứ vấn vương những mông lung suy ngẫm. Sống một đời sống như Trịnh thì quả thật đáng sống. Trong mông lung suy ngẫm ấy, khái niệm “người hâm mộ” cứ mở rộng ra mãi, khuấy động tâm tư về một hiện tượng văn hoá độc đáo để mà tin hơn vào cuộc đời, tin hơn vào giới trẻ trong bộn bề nhiễu nhương của sự xuống cấp về văn hoá, sự băng hoại của đạo lý dân tộc có khả năng đập vỡ niềm tin ra thành những mảnh vụn.

Chuông điện thoại, tiếng của Trinh: “Từ sáng tinh mơ đến khuya ngày hôm qua liên miên lo sao cho chu đáo việc đón tiếp và chuẩn bị cho những người hâm mộ lên trên nghĩa trang Gò Dưa, nên hôm nay em phải nằm dài để thở cho hết mệt, bây giờ mới trả lời được cho anh, giọng Trịnh Vĩnh Trinh vẫn còn hổn hển qua điện thoại. Từ 5 giờ sáng đã có người đến thắp hương trước bàn thờ anh Sơn em, đến 5h30, chúng em phải gọi thêm một xe bus 50 chỗ nữa đến mới đủ chở hơn tram người lên mộ. Còn buổi tối thì phải lo ở nhà nên chỉ chuẩn bị xe, đèn cầy, thức ăn nhẹ, nước uống đóng chai, để các bạn ấy lên hát trên mộ. Nghe kể lại buổi “Thao thức cùng Trịnh” trên mộ cho đến khuya cảm động lắm anh ạ. Chắc cũng như buổi tưởng niệm Trịnh Công Sơn của những người hâm mộ ở Huế tại Gác Trịnh, tại trường Đại học Khoa học Huế với đêm nhạc “14 năm nhớ Trịnh Công Sơn-Hành trình nối vòng tay lớn” mà “Tuổi Trẻ” đã tường thuật.

Trên mộ TCS, 1/4/2015

Niềm “thao thức” và “nỗi nhớ” ấy đánh thức trong tôi một kỷ niệm. Dạo ấy, trên con đường từ Hà Giang về Mèo Vạc, xe đang chầm chậm vượt qua Cổng Trời, con sông Nho Quế chỉ còn là một đường mờ uốn lượn dưới thung lũng trong mờ sương của buổi hoàng hôn giữa núi rừng, tôi bỗng thoáng nghe ngân nga một giai điệu quen thuộc “mặt trời nào soi sáng tim tôi để tình yêu xay mòn thành đá cuội”. Khiêm lái xe reo to “Trịnh Công Sơn, đúng nhạc Trịnh Công Sơn rồi”. Tôi khẩn khoản với Khiêm dừng xe bên vệ đường, nơi các cháu nhỏ đang ngồi sưởi ấm bên đống lửa, chắc vừa được các cháu nhóm lên trên đoạn đèo heo hút khi ráng chiều sắp tắt, đợi cho đàn bò tranh thủ gặm cỏ trước khi phải lùa chúng về. “Ai hát thế các cháu”, tôi ngồi xuống vừa hơ tay trên ngọn lửa vừa hỏi. “Các chú bộ đội đấy”, một cháu trai lém lỉnh trả lời: “kia kìa”, cháu chỉ tay về phía dốc núi trước mặt, nơi những tia nắng cuối cùng đã chìm đi trong màn sương, “các chú đi kiếm củi về đun đấy”. Từ nơi ấy vọng lại tiếng được, tiếng mất nhưng cũng đủ đoán ra được “cụm rừng nào lá xác xơ cây, từ vực sâu nghe lời mời đã dậy”. Chao ôi, “Cát Bụi”, nhạc Trịnh đang hiện diện nơi đèo heo hút gió này! Một cảm xúc trào dâng, rút khăn tay lau mắt kính đã nhòe. Thầm nghĩ, chắc một chàng trai Hà Nội đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, lúc này cùng đồng đội đi kiếm củi đang trở về doanh trại, bó củi trên vai, vừa đi vừa nghêu ngao những giai điệu đã nằm lòng để quên đoạn đường giốc khi bụng đã cồn cào và chân đã mỏi. Nhưng cũng có thể người đang hát kia là một thanh niên nông thôn đã dạn dày trong cuộc đời binh nghiệp, vì đâu chỉ có đô thị phồn hoa mới sành nhạc Trịnh, những giai điệu, ca từ của Trịnh Công Sơn từng len lỏi nhiều làng quê, nơi thôn cùng xóm vắng trên nhiều vùng đất nước, tạo ra một nét văn hóa độc đáo mà câu chuyện kể trên chỉ là một ví dụ. Một nét văn hóa do chính người dân tự cảm nhận, tự thể hiện, cảm thụ và do đó mà góp phần xây đắp văn hóa. Nếu đúng “văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội” thì cái nền tảng tinh thần ấy phải được xây đắp từ chính người dân, từ những hành vi văn hóa, ứng xử văn hóa của những con người bình thường trong môi trường xã hội, môi trường thiên nhiên mà họ đang sống. Mà khi đã là hiện tượng văn hoá đúng nghĩa thì nó sẽ tồn tại và phát triển theo quy luật của nó. Vả chăng, nói đến văn hoá thì cũng là nói đến cái tiềm ẩn và vô thức nằm chìm trong đời sống của dân tộc, trong sâu kín tâm hồn mỗi con người. Nhạc Trịnh đã đi được vào cõi đó, nằm sâu trong cảm thức nhân văn của tâm hồn Việt, nó sẽ sống cuộc sống của chính nó bất chấp mọi rào cản, vượt qua mọi nghịch lý phản văn hoá.

Nghịch lý? Thì chẳng phải người ta đã tìm cách ngăn chặn ca từ và giai điệu của con người từng “…biết rằng vì sao tôi sống/ Vì đất nước cần một trái tim” [Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui] đó sao. Thoạt đầu là cấm, tiếp đến “cho phép” nhỏ giọt. Rồi sau đó cũng phải khó khăn lắm mới xin được giấy phép để được trình diễn một số bài hát. Thế nhưng nếu ai đó trong những nhà cầm quyền nói không thì đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ lại nói có. Cuộc sống vẫn phải mở đường đi cho chính nó. Trên mặt đất vốn không có đường, người ta đi lâu thì thành đường đó thôi, Lỗ Tấn nói vậy từ hơn một thế kỷ rồi. Mặc cho ai đó trăm phương, nghìn kế ngăn chặn, cấm đoán, ca từ và giai điệu Trịnh Công Sơn vẫn cứ lan toả ngày càng mãnh liệt, thậm chí chễm chệ trong chốn thâm nghiêm của “những bài ca đi cùng năm tháng” đang được trình diễn.  Đương nhiên, chuyện này cũng chẳng làm sang trọng gì thêm cho nhạc Trịnh. Nhưng dù sao thì đó cũng là một dẫn chứng sinh động về sự bất tử của tác phẩm Trịnh Công Sơn, của ca từ và giai điệu của người nghệ sĩ thiên tài mà với thời gian càng làm nổi bật lên những giá trị không thể thay thế.

Trong dòng chảy của thời gian những cái gì còn đục hoặc chưa thật trong sẽ bị đào thải, đồng thời làm sáng tỏ những viên ngọc quý lấp lánh dưới ánh mặt trời thật của sự sống. Những rào cản được dựng lên chỉ càng như dầu trút vào lửa, ngọn lửa nghệ thuật đích thực! Đó là “lửa lên thắp một niềm riêng” [Tự tình khúc] được cháy lên từ “trái tim thật thà” [Trong nỗi đau tình cờ] của “Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này” [Tôi ơi đừng tuyệt vọng] đã “Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay” [Tôi đang lắng nghe] .Mà “nghe” được như vậy vì đã gắn kết với đời, với người, tìm thấy người trong mình và cũng thấy mình trong người “Em là tôi /Và tôi cũng là em”[Tôi ơi đừng tuyệt vọng] Trịnh Công Sơn luôn mở rộng tâm của mình cũng đồng thời mở rộng tâm của người, như chính Sơn đã viết “Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi”. Vì thế mà tha thiết, chân thành “Dù đến rồi đi/ Tôi cũng xin tạ ơn người/ Tạ ơn đời/ Tạ ơn ai/ Đã cho tôi tình sáng ngời/ như sao xuống từ trời” [Tạ ơn] . Rồi không chỉ từ trời mà còn từ biển. “Biển sóng, biển sóng đừng trôi xa/ Bao năm chờ đợi sóng gần ta/ Biển sóng biển sóng đừng âm u/ Đừng nuôi trong ấy trái tim thù”[Sóng về đâu]. Cũng không chỉ sóng, mà cả gió “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì, em biết không/ Để gió cuốn đi/ Để gió cuốn đi”[Để gió cuốn đi] .

Trên mộ TCS, 1/4/2015b

Cao Huy Thuần cho rằng “chưa ai viết lời ca thơ như vậy, bay bổng lên trời, như Trịnh Công Sơn”. Đây là nhận xét trong lời giới thiệu cuốn sách của John C. Schafer “Trịnh Công Sơn. Bob Dylan, như trăng và nguyệt”. Theo ông, “Với lời thơ ấy, bất cứ cái gì cũng là tình, kể cả bom đạn. Mà Dylan…bài hát nào của ông chẳng lại là thơ? Định nghĩa của ông về chính ông, Trịnh Công Sơn có thể lấy đó để định nghĩa chính mình : “Tôi tự xem mình trước hết là thi sĩ, sau đó mới là nhạc sĩ. Tôi sống như một thi sĩ và tôi sẽ chết như một thi sĩ”. Chiến tranh và thơ, thơ và tình ca : đơn giản thế thôi, chúng tôi thấy người này trong người kia, trăng trong nguyệt, Trịnh Công Sơn trong Bob Dylan”. Mà Bob Dylan là ai? Là “hào quang một thời của giới trẻ ở Mỹ khi họ xuống đường chống chiến tranh Việt Nam và bất công xã hội, người vẫn còn nổi danh trong thế giới âm nhạc”. Cho dù mỗi người có một thế giới riêng, một tính cách riêng, thậm chí những khác biệt của lòng thù hận và sự khoan dung thì họ đều là những nghệ sĩ lớn trong lòng công chúng. Một tấm lòng như vậy, một trái tim như vậy, một sự nghiệp như vậy thì sức lan toả của Trịnh Công Sơn là điều dễ hiểu.

Hãy chỉ dừng lại để nghĩ thêm về hiện tượng những người đến hát bên mộ người nhạc sĩ thiên tài ấy cũng đủ nói lên được điều đó. Những tiếng ngân nga “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” trong “Diễm Xưa” như tiếng lòng tha thiết của họ, và rồi khi câu kết thúc ngân nga: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” thì không chỉ là một nỗi niềm thẳm sâu trong ca khúc ngẫu hứng của thiên tài, mà là nỗi niềm của chính họ. Một khát vọng nhân văn, một đúc kết mang tính quy luật của tình yêu muôn đời, vượt khỏi mọi ranh giới không gian và thời gian. Một nét văn hóa sáng ngời. Trên những phiến đá đặt trên mộ Trịnh, những giọt sáp đèn cầy vẫn bám chặt vào mặt đá xám cho biết những ngọn nến tưởng niệm này đã được thắp từ đêm trước, và có thể cả đêm trước nữa. Những người hâm mộ đến hát “Cho một người nằm xuống” như tên gọi một ca khúc tuyệt vời của anh viết cho một người bạn “Anh nằm xuống như một lần vào viễn du/ Đứa con xưa đã tìm về nhà/ Đất hoang vu khép lại hẹn hò”. Họ hát để nói với người nhạc sĩ tài hoa của họ rằng:  không hề có chuyện “Người tình rồi quên/ Bạn bè rồi xa/ Ôi tháng năm những dấu chân người cũng bụi mờ”. Không! Anh không bao giờ cô đơn cả, anh đang sống trong sự giàu có vô tận của những trái tim yêu thương, những tấm lòng rộng mở. Những người hâm mộ đến đây với tiếng lòng của họ “Như những dòng sông nhỏ/ … Lời hẹn thề là những cơn mưa” [Tình xa]! Chính “lời hẹn thề” này đã định hình một nét văn hóa tuyệt đẹp và thật độc đáo của hiện tượng Trịnh Công Sơn.  Chính nét văn hoá này, chính hiện tượng Trịnh Công Sơn giúp làm quang quẻ bớt đi những lớp mây mù phản văn hoá đang bủa vây cuộc sống của những người tử tế.

Trở về từ bữa cơm ngày Giỗ Trịnh, nằm nghĩ miên man về câu chuyện cười ra nước mắt. Một người bạn tài hoa hết mực yêu mến Trịnh Công Sơn đã hài hước kể về bài ca dân gian vừa nhại lời của “Cát Bụi”, nhưng được chuyển thể theo kiểu “bình dân hiện đại” để hát về sự kiện thảm sát cây xanh Hà Nội. Trong tiếng cười của anh tôi nghe ra giọt đắng của sự phẫn nộ: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi/ Để một mai tôi hoá thành “cán bộ”/ Ôi “cán bộ” tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi!...Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Để một chiều thảm sát cây xanh/ Lá mới trên cây rụng đầy/ Thay cây xanh, cùng chết một ngày”. Tương tự như thế, còn nhớ vào dịp tưởng niệm Trịnh Công Sơn năm ngoái diễn ra sau lễ tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới 17.2 với lời trong ca khúc “Diễm xưa” được lấy làm điệp khúc để nói đến nỗi đau về sự phản bội: ai đã dám hạ lệnh đục bỏ những chữ trên bia liệt sĩ hy sinh trong trận chiến ở Lạng Sơn “Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động/ Làm sao em biết bia đá không đau”.Nét phản văn hoá này hiển hiện ra sao mà như muối xát vào cảm thức của cả dân tộc nghìn năm văn hiến này làm vậy. Nhưng rồi ngẫm nghĩ kỹ, thì ra nó liền mạch với chuyện nhạc Trịnh, đúng hơn là chuyện cấm đoán, ngăn cản những ca khúc mà người ta cho là “nhạy cảm” của người nhạc sĩ tài hoa vừa nói ở trên. Không phải liền mạch ở sự chuyển thể một ca khúc sâu lắng như Cát Bụi thành một đòn đánh mạnh vào một biểu hiện phản văn hoá điển hình, mà liền mạch ở cung cách tư duy và lối ứng xử của quyền lực đối với văn hoá trong cái cốt lõi của nó là cảm thức nhân văn.

Xin trở lại vài dòng với nhận định của Cao Huy Thuần trong lời giới thiệu cuốn sách về Bop Dylan và Trịnh Công Sơn khi ông “nâng cốc nói với ngày giỗ của Trịnh Công Sơn: Như giữa Thượng đế và Cesar, hãy trả lại cho Bob Dylan cái gì của Dylan và cho Trịnh Công Sơn cái gì của nhạc Trịnh”. Tại sao phải trả lại, tại vì giữa họ có nhiều cái khác nhau. Theo Cao Huy Thuần “tha thứ là kinh cầu nguyện của Trịnh Công Sơn, con nào hơn thua cũng là con của mẹ, “xương thịt đó thiêng liêng vô cùng”. Cho nên hận thù là kẻ thù duy nhất của ông, hận thù phá nát gia tài của mẹ, mẹ chỉ để lại cho con tiếng nói yêu thương. Mà làm sao xoá tan hận thù? Chỉ có thể bằng tha thứ thôi. Tha thứ: từ chiến tranh, Trịnh Công Sơn đem gia bảo đó vào tình yêu”. Vì thế, Cao Huy Thuần khẳng định: “Bao nhiêu cái giống với Dylan mà tôi đã nói ở trên cũng xoá không nổi cái khác sâu thẳm này, cái khác từ nơi con người, cái khác giữa hận thù và tha thứ, giữa giận dữ và hỉ xả. Ai dám bảo giữa chiến tranh và tình yêu chẳng có gì liên quan với nhau”. Chính Trịnh Công Sơn từng tâm niệm “cuộc đời sẽ xoá hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng” [Nhật ký ở tuổi 30].

Liệu đây có phải là cội nguồn của những “nhạy cảm” trong “Gia tài của Mẹ” viết năm 1965 với nỗi niềm thiết tha “Mẹ trông con mau bước về nhà/ Mẹ mong con lũ con đường xa/ Ôi lũ con cùng cha quên hận thù” và ba năm sau đó, trong “Dựng lại người, dựng lại nhà” vẫn nỗi niềm ấy nhưng mãnh liệt hơn, da diết hơn : “…đi xây lại tình thương/ Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương/ Những đưá con lạc dòng mừng hôm nay xoá hết căm hờn/ Mượn phù sa đắp trên điêu tàn, lòng nhân ái lên nụ hồng” khiến cho việc “cấp phép biểu diễn” quá khó khăn? Người ta có thể ngợi ca Bob Dylan song lại rất e ngại sức hút Trịnh Công Sơn, cho dù “nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?” như Võ Văn Kiệt, người có mặt suốt nửa thế kỷ chiến tranh ở những mũi nhọn ác liệt nhất của cuộc chiến, góp phần không nhỏ làm nên ngày 30.4.1975 lịch sử, đã trung thực và thẳng thăn chỉ ra.

Nếu trả về cho từ “nhạy cảm” nội dung đích thực của nó thì sự nhạy cảm của Trịnh Công Sơn, người nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước đưa tới những cảm xúc, những mong ước mang ý nghĩa của những dự phóng về những bước đi của lịch sử hướng tới khát vọng của cả dân tộc. Có thể người nghệ sĩ cũng không ý thức được trọn vẹn về nó, có khi cũng không chủ ý tạo ra điều đó, nhưng những cái mà người ta gọi là “dự cảm thiên tài” thường mang tầm vóc của những tư tưởng, những khát vọng vượt khỏi giới hạn của những cá nhân. Vì “trong ta đau trái timViệt Nam” [Huế-Sài Gòn-Hà Nội] nên Trịnh Công Sơn không còn chỉ là của riêng anh, của người yêu, của gia đình, của bè bạn mà là của một cái gì đó lớn lao hơn nhiều. Những người tự giam mình trong cái khung chật chội và han rỉ của kiểu tư duy “ai thắng ai” của “đấu tranh giai cấp là động lực của phát triển” trong một ý thức hệ hạn hẹp lại bị khúc xạ qua cái lăng kính lừa mị và bịp bợm Mao ít, thì không hiểu được cái lớn lao đó là điều dễ hiểu. Những đầu óc dám lên kế hoạch cho cuộc thảm sát cây xanh, dám hạ lệnh cho những “hồng vệ binh Hà Nội” dùng cờ Đảng búa liềm làm công cụ cản phá cuộc dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma, thì khó gì mà không ra chỉ thị hạn chế những ca khúc “nhạy cảm” của Trịnh Công Sơn.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ám ảnh bạo lực vẫn chi phối đời sống xã hội. Có lẽ không cần phải nói về bạo lực đường phố, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em đã nhan nhản trên mặt báo hàng ngày. Hãy chỉ nói đến ngôn từ được sử dụng phổ biến mang tính pháp quy như không chỉ gọi là bộ trưởng mà gọi là tư lệnh ngành, và rồi chiến dịch, phong trào, hành quân v.v.thay thế cho những ngôn từ chỉ những hoạt động dân sự trong đời sống.  Đừng quên rằng “ngôn ngữ là cái lăng kính qua đó người bản ngữ tri giác về thế giới, và do đó quy định cách tư duy của họ về hiện thực, thành thử có thể nói rằng mỗi ngôn ngữ cầm tù cái dân tộc sử dụng nó trong thế giới riêng [Whorf]”. Quen với bạo lực, với cung cách tư duy và hành vi bạo lực, “bị cầm tù” trong cái đó thì làm sao hiểu được tư tưởng của Trịnh Công Sơn: “Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình … Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi” [Trịnh Công Sơn. Rơi lệ ru người] như đã nói ở trên.. Một khi mà cái lăng kính ý thức hệ hạn hẹp và méo mó còn chi phối cách nhìn, tầm nhìn thì không sao nắm bắt được cái nhạy cảm của người nghệ sĩ tài hoa kia để hiểu ra được những dự cảm tuyệt vời, chạm được đến điểm sâu kín trong tâm thức của dân tộc. Mà phải đến được điểm ấy thì mới hiểu đúng ý nghĩa và sức mạnh tiềm ẩn trong những tâm hồn say mê ca từ và giai điệu nhạy cảm của nhạc Trịnh.

Chao ôi, cái từ “nhạy cảm” sao mà phong phú, đa dạng ở chiều này nhưng oái oăm, tai ác đến vậy ở một chiều khác. Từ điển ngôn ngữ của thời buổi kiểm soát và kiểm sát từng nét thầm kín của suy tư, từng lung linh lay động trong buồn vui, những run rẩy hay mãnh liệt trong thăng hoa của cảm xúc sáng tạo, chắc sẽ vô cùng khó khăn khi phải len lỏi vào chốn riêng tư của con người để lục lọi, thống kê và định nghĩa một loạt những ngôn từ na ná như từ “nhạy cảm” kia. Hãy chỉ nói về thói quỷ biện của ngôn từ đủ sự lắt léo nhà nghề khi đánh tráo khái niệm, gọi cuộc thảm sát cây xanh, bằng thay thế cây! Thay thế bằng sự hối hả, cấp tập hạ gục hằng trăm cây cổ thụ trên đường phố thủ đô! Liệu sự lắt léo nhà nghề này có cần được ghi nhận để đưa vào cuốn từ điển ngôn ngữ hiện đại cùng với môt loạt những từ như “nhạỵ cảm”, như “tàu lạ”, như “mười sáu chữ”… Mặc dầu thế, cho dù sự ngạo mạn của quyền lực là kẻ thù lớn nhất của chân lý như Einstein đã cảnh báo, thì rồi cuối cùng chân lý đã chiến thắng. Những cuộc xuống đường của những bàn chân nổi giận ở Hà Nội ngay qua đã phần nào nói lên điều ấy.Với thời gian, cuộc sống sẽ trả về cho chính nó những giá trị đích thực. Hiện tượng Trịnh Công Sơn đã chứng minh cho điều đó.

Thời gian trầm hùng cuồn cuộn chảy, cuốn theo những biến động dữ dội trong đời sống đất nước đưa tới những đột phá mà những ngày qua, cùng với hiện tượng Trịnh Công Sơn, nhiều tín hiệu khác đã cho thấy những ai hiểu ra được “từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe” [Một cõi đi về], để mà thêm quyết tâm gắn bó với cội nguồn dân tộc, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, trở về với dân, đáp ứng được khát vọng của dân đang được sự hậu thuẫn của dân. Vừa rất trừu tượng, huyền ảo nhưng cũng rất cụ thể sống động “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt tram năm một cõi đi về” là lời nhắc nhở cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những ai đang gánh vác những trọng trách. Xem ra ca từ và giai điệu độc đáo, thâm trầm của Trịnh Công Sơn có mặt được ở khắp mọi nơi, len lỏi được vào những góc khuất của cuộc đời “Tôi đang lắng nghe/ Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe”.

Tương Lai

Các thao tác trên Tài liệu