Bạn đang ở: Trang chủ / Nhạc / Bài hát / Cho một người nằm xuống

Cho một người nằm xuống

- Webmaster cập nhật lần cuối 10/07/2014 15:51
Trịnh Công Sơn, 1968

Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống không bạn bè không có ai
Không có ai từng ngày
Không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi mùa mưa tới
Trong nghĩa trang này có loài chim thôi

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa về cội nguồn
Rồi từ đó trong trời rộng đã vắng anh
Như cánh chim bỏ rừng
Như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần nhìn anh đến
Những xót xa đành nói cùng hư không

Bạn bè còn đó anh biết không anh
Người tình còn đó anh nhớ không anh
Vườn cỏ còn xanh
Mặt trời còn lên
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống

Vùng trời nào đó anh đã bay qua
Chỉ còn lại đây những sáng bao la
Người tình rồi quên
Bạn bè rồi xa
Ôi tháng năm những dấu chân người cũng bụi mờ

Anh nằm xuống như một lần vào viễn du
Đứa con xưa đã tìm về nhà
Đất hoang vu khép lại hẹn hò
Người thành phố trong một ngày đã nhắc tên
Những sớm mai lửa đạn
Những máu xương chập chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.

Chú thích
Viết khoảng giữa/cuối 1968, nhân cái chết của Lưu Kim Cương, một người bạn hào hoa và hào hiệp: "Câu lạc bộ này (Bốn phương trời) nằm trong khuôn viên của Không quân 33, do Lưu Kim Cương làm tư lệnh trước đây đến khi tử trận qua chiến dịch Mậu Thân đợt hai vào giữa năm 1968 (...). Lúc tử trận Cương mang cấp bậc đại tá, khi chôn ở Mạc Đĩnh Chi vinh thăng Chuẩn tướng (...). Buổi đưa tiển đến nơi an nghỉ cuối cùng, rất đông nghệ sĩ từng giao du yêu mến chàng. Bài nhạc Anh nằm xuống (sic) của Trịnh Công Sơn là một ví dụ. Nhưng bữa nay không thấy mặt Sơn, buổi sinh thời Sơn giao du với Cương, được Cương yêu mến, nên Cương đề nghị với Tướng Tư Lệnh đưa Sơn vào lính không quân để cho qua cơn binh đao nội chiến. Tư lệnh trả lời Cương, hình như điệu nhạc phản chiến của Sơn không hợp với binh chủng này, nếu nhận làm nhạc công như nhiều nhạc sĩ khác như Duy Quang, Nguyễn Trung Cang, Trí khùng... chưa chắc Sơn đã làm công việc này hoàn hảo, nên tướng chối từ."
(Thế Phong, 1966: Hồi ký ngoài văn chương, nxb Đồng Văn, Văn Nghệ phát hành, Wesmington, tr. 112-113).

Các thao tác trên Tài liệu