Bạn đang ở: Trang chủ / Nhạc / Bài hát / Em ở nông trường em ra biên giới

Em ở nông trường em ra biên giới

- Webmaster cập nhật lần cuối 10/07/2014 15:52
Trịnh Công Sơn, 1981

1. Trên nông trường không xa lắm
Có đôi chân đi không ngại ngần
Em bây giờ quen mưa nắng
Gánh trên vai vấn vương bụi hồng

Từng vai áo phơi sẽ xanh thêm đời
Bàn tay làm nên những mùa vui
Từ trên đất này những con người mới
Mọc lên tựa tia nắng giữa chân trời

Qua bao mùa em bỗng lớn
Đất cho em trái tim nồng nàn
Yêu con người nên lo lắng
Muốn nghiêng vai gánh thêm nhọc nhằn

2. Xa nông trường ra biên giới
Có đôi khi đi không trở lại
Nhưng trong lòng nghe tiếng nói
Những gian nan sẽ đo lòng người

Từ biên giới xa chốn em sương mù
Rừng sâu tìm những lối mòn qua
Từng khi nắng mưa lán đêm nằm nhớ
Màu đất trời quen quá chốn quê nhà

Khi qua rừng, khi qua suối
Thấy vui theo bước chân đồng đội
Trong những ngày gian nguy ấy
Biết bao nhiêu những câu chuyện đời.

Nguồn
Hát với nhau (1982), tr. 18-19 (xem chú thích bài hát Biển sáng)
Chú thích
Trong tình cảnh và tình cảm nào mà TCS viết bài này, anh đã từng kể cho bạn bè nghe bằng lời, và đã viết thành văn trong bài Phác thảo chân dung tôi, bằng một lối văn mà không cần nốt nhạc nào chuyên chở, tự nó cũng đủ âm vang điệu nhạc, gợi hình gói cảm ("Nhạc và Đời", nxb Tổng Hợp Hậu Giang,1989) :

"Đêm Nhị Xuân không còn thấy rõ mầu đất đỏ và những bãi mía, bãi dứa cùng lán trại cũng khoác một mầu áo khác. Mưa xuống. Hội trường dã chiến như một cái rá lọc nước thả xuống những giọt dài. Chúng tôi (Phạm Trọng Cầu, Trần Long ẩn và tôi...) cùng anh em thanh niên xung phong nam nữ hát với nhau dưới một bầu trời được trang trí lạ mắt như thế. Đêm cứ dài ra và những tiếng hát cứ dài ra. Nước ở con kênh dâng lên. Mặc kệ. Cứ đứng, cứ ngồi, cứ hát. Gần khuya có cô gái thanh niên xung phong nhanh nhẹn vui tươi mang cho chúng tôi những bát cháo gà trước khi chia tay. Những khuôn mặt ấy, tôi đã quen đã nhìn thấy nhiều lần. Một giờ khuya, lên xe giã từ Nhị Xuân, lòng còn âm vang tiếng cười, tiếng hát. Những bàn tay siết chặt, những cái vẫy tay trong đêm không nhìn thấy. Quá giờ giới nghiêm, xe nằm lại giữa đường, không được vào thành phố. Ngủ lại chờ sáng. Về lại thành phố, trở lại công việc thường ngày. Nhưng ở Nhị Xuân, có hai mươi người con gái thanh niên xung phong đi về phía khác. Mấy tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp trong đêm hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Những tiếng hát, giọng cười còn đó. Những cây mía, cây dứa các bạn trồng vẫn còn đó, vẫn lớn lên. Tôi bồi hồi nhìn ra quãng trời rộng và thấy lại trong trí nhớ những con người trẻ trung ấy. Trong những trái tim ấy có gì khác chúng ta không. Trong giấc ngủ ban đêm, trên những vầng trán khỏe mạnh ấy, đã có những cơn mơ nào. Chúng ta nói quá nhiều đến sự tròn đầy và chúng ta quên đi sự mất mát. Chúng ta vẽ ra lắm nụ cười mà quên đi những nỗi ngậm ngùi riêng tư. Những người bạn nhỏ ấy đã ra đi vĩnh viễn, nhưng nỗi nhớ thương về họ chưa được hát đủ như một nỗi đau. Còn thiếu sót biết bao nhiêu điều chưa nói hết lúc ở nông trường và càng chưa nói được một mảy may lúc ra biên giới. Làm một điều gì chưa đến nơi đến chốn với một người không còn nữa, có phải cũng là có lỗi với cuộc đời rồi hay không. Xin hãy tha thứ những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đo xuôi chèo thuận lái."
(Trích theo Phạm văn Đỉnh, Trịnh Công Sơn: một sản phẩm...? , Diễn Đàn, số 109, tháng 7/2001, Paris).

Các thao tác trên Tài liệu