Bạn đang ở: Trang chủ / News / News archives / 5 năm Trịnh Công Sơn trở về cát bụi

5 năm Trịnh Công Sơn trở về cát bụi

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:04
Thoắt một cái mà đã tròn 5 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vĩnh viễn từ biệt cuộc đời để trở về cát bụi. 5 năm và còn bao lâu nữa, cũng có thể là mãi mãi, trong nhiều mái ấm của những gia đình Việt Nam, trong nhiều quán cà phê của các thị thành đến tận những làng quê xa xôi, những tình khúc của anh vẫn vang vọng, vẫn tiếp tục làm rung động trái tim của nhiều thế hệ người hát, người nghe.


Hình như Trịnh Công Sơn chưa bao giờ rời xa chúng ta. Từ một hạt bụi linh thiêng nào đó, anh đã hóa kiếp thành một nhạc sĩ tài hoa, và từ một nhạc sĩ tài hoa anh hóa thân về làm hạt bụi bay mãi trong không gian vô tận, vượt qua cả quy luật thời gian. Trịnh Công Sơn đã nói thay chúng ta bao nhiêu nỗi buồn vui, khổ đau, hạnh phúc có trong mỗi đời riêng. Nhớ cái đêm cuối cùng thân xác anh còn lại trên thế gian này, giữa khuya, một người đàn ông trung niên trang phục lam lũ dừng chiếc xe ba gác chở đầy rau tươi ngoài đầu hẻm đường Phạm Ngọc Thạch, lặng lẽ đi vào đốt cho Trịnh Công Sơn một nén nhang rồi kính cẩn chắp tay đứng trước quan tài cất tiếng hát: "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng...". Hát xong, ông ta vội vã quay ra như chẳng hề quan tâm đến nhiều nghệ sĩ tên tuổi đang ngồi quanh đó. Tiễn người đàn ông ra ngõ, tôi được nghe vài lời tâm sự: "Đời tôi có lúc đã đi vào đường cùng tưởng như sắp gục ngã, may nhờ nhạc Trịnh Công Sơn mà gượng đứng dậy để đi tiếp cuộc người. Tôi nợ Trịnh Công Sơn nhiều lắm!". Quả thật hầu hết chúng ta đều nợ Trịnh Công Sơn, những món nợ vô hình nhưng nếu chịu khó ngồi chiêm nghiệm lại sẽ thấy nó chất chứa đầy ắp tâm hồn không chút mơ hồ.

Có thể nói anh là một trong số rất hiếm hoi nhạc sĩ Việt Nam mà tên tuổi đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, góp phần làm sáng danh thêm niềm tự hào dân tộc khi tên của anh đã được trân trọng ghi vào trang 22, tập 8 bộ từ điển Le Milion tại Genève năm 1973. Trong cuốn Trịnh Công Sơn và cây đàn Lya của hoàng tử bé, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ghi lại những cảm nhận của báo chí nước ngoài mà ông gọi là để phác họa chân dung Trịnh Công Sơn. Ví dụ như Jean - Claude Pomonti trên Báo Le Monde nổi tiếng của Pháp số ra ngày 4/4/2001: "Trịnh Công Sơn trở thành kẻ du ca của Việt Nam, một thi sĩ mang đau thương như lệ trên "xác nào là em tôi", "đất nước tan hoang" hoặc thú nhận "tôi quên hết tiếng người"…" . Trên tờ Far Eastern Economic Review ngày 6/5/1993, Murray Hiebert đã viết: "Nhiều lời kêu gọi của anh (T.C.S) xuất phát từ khả năng nắm bắt nhịp đập trái tim của Việt Nam". Báo Libération thì gọi Trịnh Công Sơn là "kẻ du ca bất khuất của Việt Nam", còn tờ International Herald Tribune (số thứ tư ngày 18/10/1995 đã ghi nhận): "Bốn mươi năm viết ca khúc của một người như là "trái tim" của Việt Nam".

Ở xứ sở Phù Tang, người Nhật cũng rất yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn. Ca khúc Diễm xưa đã lọt vào chung kết cuộc thi Những bài hát nước ngoài phổ biến ở Nhật vào năm 1969 và sau đó bài Ngủ đi con đã đoạt Đĩa vàng, một giải thưởng dành cho ca khúc đã được phát hành trên 2 triệu đĩa. Năm 1993, một tổ chức hòa bình đã chọn bài Ngủ đi con cho ca sĩ Takaishi trình diễn trong dịp kỷ niệm hai thành phố Nagasaki và Hiroshima bị ném bom nguyên tử trong thế chiến thứ 2...

Hôm nay - ngày 1/4, nhiều địa chỉ hoạt động ca nhạc tại TP.HCM và khắp cả nước đã sẵn sàng cho những chương trình tưởng niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 - 1/4/2006). Ngay tại Hoa Kỳ, nơi có nhiều người Việt định cư, một tổ chức từ thiện mang tên Đại Dương cũng tổ chức một chương trình mang tên Phúc âm buồn của Trịnh vào hai tối 1 và 9/4/2006 mà họ gọi là "sự kiện âm nhạc". Tổ chức này đã có một văn bản chính thức gửi Sở VHTT TP.HCM yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho ca sĩ Cẩm Vân và Khắc Triệu tham gia chương trình với tư cách là khách mời danh dự và Cẩm Vân - Khắc Triệu đã lên đường vào trưa 28/3. Những người tổ chức chương trình này nói rằng sở dĩ họ mời Cẩm Vân bởi vì chị là một trong những ca sĩ hát rất thành công nhạc Trịnh và là lớp ca sĩ thuộc thế hệ nối tiếp gần gũi nhất với dòng nhạc Trịnh. Họ tha thiết mong có sự góp mặt của một ca sĩ tới từ Việt Nam, nơi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sống trọn đời người với tất cả lòng thủy chung. Và như thế, Cẩm Vân - Khắc Triệu sẽ mang thông điệp tình yêu của Trịnh Công Sơn từ quê nhà đến với những đứa con tha hương nơi đất khách, quê người.

Âm thầm thắp một nén nhang tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa hay tổ chức một chương trình trong dịp 5 năm ngày mất của ông đều nói lên lòng thương nhớ, trân trọng Trịnh Công Sơn và cũng là một nghi lễ không thể thiếu đối với một tên tuổi lớn đã ra đi. Nhưng cho dù không có nghi lễ đó thì mãi mãi Trịnh Công Sơn vẫn sống trong trái tim của những người yêu nhạc hay nói một cách khác, ông đã trở thành bất tử ở cuộc đời này.

Đoàn Thạch Hãn
Thanh Niên Online
31/03/2006

Các thao tác trên Tài liệu