Bạn đang ở: Trang chủ / News / News archives / Sẽ lập thư viện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Italy

Sẽ lập thư viện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Italy

- admin cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:04
Ca sĩ Thái Hòa, người rất hâm mộ Trịnh Công Sơn đang cùng bạn bè chuẩn bị lập một thư viện về người nhạc sĩ tài hoa này ở Juventus, giới thiệu tranh ảnh, tác phẩm của ông đến công chúng châu Âu. Ngoài ra, họ còn nghiên cứu và giới thiệu nhạc Trịnh ở góc độ triết học. Nhân dịp về thăm Việt Nam và biểu diễn tại Huế, TP HCM, anh đã có cuộc trao đổi với VnExpress.

- Tại sao anh lại có ý định thành lập thư viện Trịnh Công Sơn ở Italy?

- Hồi đầu năm, tôi gặp vợ chồng Fulvio Albano (nghệ sĩ saxo hàng đầu của Italy) trong chương trình đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Italy. Tôi đã dịch và giới thiệu với họ về nhạc Trịnh, sau buổi gặp đó, chúng tôi trở thành thân quen và phối hợp biểu diễn liên tục ở Paris và Lyon. Nhạc Trịnh Công Sơn đối với tôi là một nền văn hóa vẫn chưa được khám phá một cách trọn vẹn, là mối nhân duyên cho tôi gặp gỡ và làm quen với mọi người. Trịnh Công Sơn đưa ra những khái niệm nhưng chưa hệ thống hoá và đó là công việc của chúng tôi. Ví dụ trong các bài như Cát bụi, Một cõi đi về, Tiến thoái lưỡng nan… thuộc chủ đề Đi về. Tập hợp và đưa ra những khái niệm đại chúng như vậy sẽ giúp cho việc phổ biến nhạc Trịnh với khán giả nước ngoài dễ hơn.

- Thư viện này bao giờ hoàn thành?

- Chúng tôi dự định ra mắt vào khoảng tháng 3/2004 với ba thứ tiếng Pháp, Italy, Việt Nam để kịp kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ. Trong năm sau chúng tôi sẽ trở lại với đại hội nhạc jazz ở Hà Nội, giới thiệu nhạc jazz qua nhạc Trịnh Công Sơn.

- Anh biết đến nhạc Trịnh từ khi nào?

- Bố mẹ tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn là bạn rất thân, vì thế từ lúc 5-6 tuổi tôi đã làm quen với nhạc của ông. Tôi mê nhạc Trịnh ban đầu không phải qua giọng ca của Khánh Ly mà là anh Thanh Hải, người hát nhạc Trịnh với cây guitar thùng rất hay. Khi qua sống ở Canada, tôi chơi piano, sống bằng nghề dạy piano và đi hát ở các phòng trà lúc còn học đại học.

- Cảm xúc của anh ra sao khi biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn tại Việt Nam?

- Tôi rất xúc động khi cả hai đêm diễn ở Huế và TP HCM đều có rất đông khán giả đến tham dự, và mỗi nơi không khí đều tuyệt vời một cách khác nhau. Đặc biệt trong đêm diễn ở Hội Ngộ quán TP HCM, vừa hát xong một bài thì trời mưa. Dù trời mưa tầm tã, rất đông khán giả vẫn đội mưa để theo dõi chương trình. Tấm lòng của người hâm mộ đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật không nơi nào có được.

- Khán giả ở nước ngoài đón nhận dòng nhạc Trịnh Công Sơn như thế nào?

- Sự đón nhận nhạc Trịnh ở nước ngoài rất khác. Ở châu Âu nhạc Trịnh là một cơ hội cho những người đã không gặp nhau hàng chục năm tìm đến với nhau và tưởng nhớ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chắc ông cũng không ngờ những tác phẩm mà mình sáng tác lại là một mối nhân duyên cho mọi người gặp gỡ. Những đêm diễn ở nước ngoài khán giả không đông như ở Việt Nam, một đêm diễn nhiều nhất là 200 người. Có điều khác biệt là khán giả nước ngoài biết đến nhạc của ông qua các ca khúc viết về chiến tranh nhiều hơn là nhạc tình. Tôi cho rằng nhạc Trịnh có sức ảnh hưởng và chinh phục lớn đối với khán giả, nó có thể tìm thấy những người bạn đồng cảm và chia sẻ ở khắp nơi trên thế giới.

Bảo Thiện thực hiện
VnExpress - 30/11/2003

Các thao tác trên Tài liệu