Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng tạm trú trong rừng cao su
Trương Đình Quế bên tượng TCS
Thời gian gần đây, những công nhân cạo mủ cao su (và cả những người ăn trộm mủ) ở khu vực Nông trường cao su Bình Sơn, An Viễng (Long Thành, Đồng Nai) khi "tác nghiệp" thường tranh thủ ghé vào một ngôi nhà ở sát bờ suối, ven rừng cao su để quan sát một ông già tóc râu trắng xóa và tua tủa như rễ tre đang dùng cả tấn đất sét để làm những bức tượng người thật to. Biệt danh "Ông già đắp tượng" là cách họ dùng để nói về ông già ấy...
Chúng tôi vừa có dịp đến tận nơi đó để thăm "trại sáng tác" của cặp vợ chồng nghệ sĩ: điêu khắc gia Trương Đình Quế và họa sĩ Phan Gia Hương. Số là cách đây mấy năm, anh chị đã bán căn nhà ở Làng báo chí Thủ Đức và đã tìm mua được một mảnh đất "đắc địa", dù chỉ rộng 0,5 ha nhưng cảnh trí thật thơ mộng: nằm ngoài bìa rừng cao su và sát con sông Nhạn rộng gần trăm mét, lô xô thác đá... Giữa một thiên nhiên hữu tình như thế, chồng say sưa đắp tượng còn vợ thì thoải mái vẽ tranh. "Ông già đắp tượng" vừa hoàn thành xong bức tượng toàn thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở tư thế ngồi vắt chân chữ ngũ, một tay chống cằm, một tay cầm đàn guitar chìm đắm trong suy tư...
Tượng Bùi Giáng
Bên cạnh tượng Trịnh Công Sơn là tượng của nhà thơ Bùi Giáng đang trong giai đoạn hoàn thành. Khác với trạng thái "tĩnh" của Trịnh nhạc sĩ, tượng Bùi tiên sinh rất "động": người choàng áo mưa, tay chống gậy, râu tóc phất phơ trong gió nhưng ông không độc hành mà bên chân ông còn có con chó chạy theo, đu trên vai ông có một chú khỉ. Chưa hết, bên hông ông ngoài một hồ lô rượu còn có một con mèo và một con gà trống... Tất cả như đang cùng Bùi Giáng tiên sinh bước vào một cuộc phiêu lưu vô định...
Được biết có một công ty đã đặt hàng để nhà điêu khắc Trương Đình Quế thực hiện các tác phẩm này. Hiện hai cố nghệ sĩ đang "tạm trú" ở nơi "thâm sơn cùng cốc" chờ ngày... đổ đồng và sẽ được đem về yên vị bên bờ sông Rạch Chiếc (Q.2, TP.HCM).
Hà Đình Nguyên
Các thao tác trên Tài liệu