Bạn đang ở: Trang chủ / News / News archives / Trịnh Công Sơn và Những con mắt trần gian

Trịnh Công Sơn và Những con mắt trần gian

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:04
Sau khi mục Shop văn nghệ Báo Thanh Niên số ngày 28.2 đăng tin Ai vẽ Bùi Giáng đẹp nhất? nói về ký họa chân dung cố thi sĩ họ Bùi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều bạn đọc muốn biết thêm thông tin này. Thật thú vị khi biết thực ra Trịnh Công Sơn không chỉ vẽ Bùi Giáng mà còn rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng khác được khắc họa "điểm nhãn" qua mắt ông.

Điều này nói lên tài năng hội họa có thực của Trịnh Công Sơn chứ không thể kết luận như từ trước đến nay rằng ông "viết nhạc bằng tay phải, vẽ bằng tay trái". Nếu "vẽ bằng tay trái" thì không thể vẽ nhiều và vẽ giống như thế về các gương mặt văn nghệ được. Vậy có bao nhiêu chân dung văn nghệ sĩ mà nhạc sĩ tài hoa này ký họa ?

"Chưa có con số chính thức!" - anh Hoành, một người thân của gia đình nhạc sĩ hiện đang bán cà phê tại hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch, con đường đi vào ngôi nhà thân quen của người nhạc sĩ danh tiếng sinh thời vẫn ở, thổ lộ. Nhưng có thể tin rằng đã có rất nhiều chân dung, bè bạn văn nghệ sĩ đã được Trịnh Công Sơn vẽ tại ngôi nhà này. "Theo chỗ tôi biết, anh Sơn chỉ vẽ ký họa cho bạn bè thật thân quen. Những người đó đối với chúng tôi cũng như người trong gia đình".

Nhà thơ Ngô Văn Tao
Chân dung Lệ Ánh
Nhà thơ Ngô Văn Tao
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Anh Hoành cho biết thêm, rất nhiều chân dung thiếu nữ xinh đẹp được Trịnh ký họa như vợ của nhà văn, bác sĩ Dương Đình Hùng, hay Lệ Ánh, phải chăng đây là người con gái đã đi vào bài hát Diễm xưa (*)? Ở bức ký họa này còn có thủ bút bài thơ khá dễ thương: "Tôi viết chữ A, Tôi vẽ chữ N, Tôi kẻ chữ H, Và đánh dấu sắc, Cho thành tên Ánh. Tôi mong mặt trời. Cho ngày có nắng. Tôi nhìn hàng cây. Tôi tô màu xanh. Cho nắng thật đẹp. Rồi tôi yêu nụ cười. Tiếng gọi thanh thanh. Và tôi nhớ đôi mắt xinh xinh. Tên là Lệ Ánh".

Những dòng viết nhẹ nhàng, thi vị ấy cho thấy tâm thế khi vẽ ký họa của nhạc sĩ khá là thăng hoa, nhẹ nhõm, chỉ là những chấm phá "dấu chân địa đàng" khi hội ngộ "bạn bè ngồi quanh" hay "mỗi ngày tôi chọn một niềm vui"...

Nhà thơ Ngô Văn Tao
Nhà thơ Ngô Văn Tao
Anh Nguyễn Tuân nhức xương ở Bến Nghé tháng 4.1983
Nhà văn Nguyễn Tuân

Một trong những người sưu tầm được khá nhiều tranh sơn dầu, ký họa của Trịnh Công Sơn là nhà thơ Ngô Văn Tao. Ông cũng là người cung cấp cho chúng tôi bức ký họa của Trịnh vẽ Bùi Giáng trong số báo nhắc ở trên. Do một cơ duyên đặc biệt, ông Tao là người bạn tâm giao, chơi rất thân với nhạc sĩ và qua đó còn gần gũi với cả thi sĩ Bùi Giáng mặc dù ông Tao vốn là một giáo sư Toán học danh tiếng từng được mời giảng dạy ở các trường đại học ở Pháp, Mỹ... Hiện ông đang sống ở Canada (**). Cả ba ông từng viết, vẽ, xướng họa về nhau, cùng in chung thơ, thư họa, ký họa trong ba tập Vọng mỹ nhân (1999) Hán tự Hài cú (2001), Vào chung cục thơ (La commune poétique aventure 2004).

Nhà thơ Phạm Thiên Thư
Nhà thơ Phạm Thiên Thư

"Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn có rất nhiều bạn bè thân tình và tôi chỉ là một trong số những người may mắn đó" - ông Tao rất khiêm tốn bộc bạch với chúng tôi như vậy. Tuy nhiên, những bức tranh sơn dầu và đặc biệt là ký họa của Trịnh Công Sơn do ông sưu tầm được bây giờ hẳn là vô giá. Không dám so sánh ông Tao với ông Lâm Toét (cà phê Lâm), một quái kiệt của Hà Nội từng bán cà phê đổi tranh để có trong tay một bộ sưu tập lớn gồm những kiệt tác của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... nhưng những ký họa của nhạc sĩ họ Trịnh mà ông Tao đang giữ hẳn là không ai có.

Xin giới thiệu với bạn đọc một số bức tiêu biểu rút từ bộ sưu tập ký họa này. Đó là góc nhìn chân dung Nguyễn Tuân rất Trịnh với chú thích cặn kẽ như một kỷ niệm khó quên "Anh Nguyễn Tuân nhức xương ở Bến Nghé tháng 4.1983)", một thoáng riêng thần thái với nhà thơ Phạm Thiên Thư mà Trịnh tinh tế bắt gặp. Hay chân dung râu tóc "quái sĩ" Bùi Giáng, hoặc thoáng trầm ngâm hiền triết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Những ký họa mà lướt qua người xem có thể thấy không chỉ siêu đẳng về ngôn ngữ mà Trịnh còn rất tài năng về nghệ thuật tạo hình. Trong tương lai, chúng tôi tin rằng những người yêu nhạc Trịnh sẽ cùng nhau sưu tầm, tập hợp lại những ký họa "có một không hai" này của ông để xuất bản. Có thêm một bộ ký họa độc đáo về những chân dung như thế là hiểu thêm "con mắt trần gian" của Trịnh Công Sơn.

Đông Dương
web.thanhnien.com.vn,
Thứ Sáu, 03/03/2006

_________________

Ghi chú của chúng tôi :

(*) Cũng lạ, tại sao có câu hỏi này, vì ai cũng biết Bích Diễm là nàng Muse của « Diễm xưa », xem t/d, Đinh Cường, « Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê », hoặc TCS, « Diễm của những ngày xưa », cùng đã in lại trong « TCS, cuộc đời âm nhạc thơ hội hoạ & suy tưởng » (nxb Văn Nghệ TP HCM, 2001).

(**)Cũng lạ, Ngô Văn Tao đã về sống ở VN hơn 10 năm nay rồi, và từ khi, rồi Bùi Giáng, rồi TCS mất, anh về ẩn dật một xã nhỏ, tỉnh Bến Tre. (PvĐ, 21/03/2006).

(***) Ghi chú thêm: Sau khi đăng lại bài báo này, chúng tôi được thư của nhà thơ Ngô Văn Tao cho biết 2 bức ký hoạ đề Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lệ Ánh là sai, vì chính nhà thơ mới là đối tượng của 2 sự ký kia. Và hơn thế nữa, Lệ Ánh là con của nhà thơ và bài thơ là của bố viết cho con gái lúc con còn non tuổi.
Cũng lạ thật, trong một bài báo ngắn như thế mà đã có 4, 5 điều "lạ", xin độc giả nào có phát hiện điều "lạ" mới mách cho chúng tôi.(PvĐ, 08/04/2006).



Các thao tác trên Tài liệu