Bạn đang ở: Trang chủ / News / Bà đại sứ và bức họa dang dở của Trịnh Công Sơn

Bà đại sứ và bức họa dang dở của Trịnh Công Sơn

- Webmaster cập nhật lần cuối 19/08/2007 12:51
TT - Từ gần mười năm qua, gian phòng khách bé nhỏ trong ngôi nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có treo bức chân dung vẽ dở dang một người phụ nữ.
Bà đại sứ và bức họa dang dở của Trịnh Công Sơn

Bà Kato (phải) và Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bên bức họa dở dang


Những người trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói rằng thuở sinh thời, ông từng nhiều lần nhắc đến người phụ nữ ấy...

Sáng 15-8, gần mười năm sau ngày bức vẽ được thực hiện, người trong ảnh đã lần đầu tiên đến đứng trước bức chân dung của mình. Đó là bà Tokiko Kato, đại sứ thiện chí về môi trường của Liên Hiệp Quốc, đang có mặt tại VN trong chiến dịch vận động nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường.

Bức họa dở dang

“Bức tranh rất giống tôi, nhất là đôi mắt!”, bà thốt lên khi nhìn thấy chân dung của mình treo cạnh ba bức chân dung phụ nữ khác của cố nhạc sĩ họ Trịnh. Năm 1998, bà đã ngồi tại chính căn phòng này để người nhạc sĩ vẽ những phác thảo đầu tiên. “Sau đó tôi về Nhật mà vẫn không biết bức tranh đã hoàn thành chưa. Không ngờ bức họa còn dang dở, mà Trịnh Công Sơn đã đi xa...”.

Như nhiều người Nhật khác, bà Kato yêu mến nhạc của Trịnh Công Sơn từ những năm 1980. Bản thân cũng là người làm nghệ thuật, bà rất tâm đắc với những ca từ giàu tính thơ và triết lý cuộc sống của nhạc sĩ tài hoa người Việt nên tha thiết gặp mặt ông.

Năm 1997, bà quyết định đến VN và tìm gặp Trịnh Công Sơn, dù trong tay không hề có đầu mối liên lạc nào. Cuối cùng bà gặp được ông. “Chúng tôi đã trở nên gắn bó thân thiết với nhau như hai người bạn” - bà kể.

Trong một buổi trà dư tửu hậu giữa hai người vào năm 1998, Trịnh Công Sơn đã quyết định vẽ tranh tặng bà. Nhưng khác với ba bức chân dung treo cạnh bên, chân dung bà Kato chưa được nhạc sĩ ký tên vì ông vẫn chưa hoàn thành nó.

Theo nguyện vọng của gia đình nhạc sĩ, bà Kato đã ký tên mình vào mặt sau của bức tranh và tặng nó lại để gia đình lưu giữ làm kỷ niệm.

Rồi trong không gian tĩnh lặng, bà lặng lẽ ôm đàn, cất lên tiếng hát. Bài hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật qua giọng hát của người ca sĩ ở tuổi 64 nghe sao mặn mà da diết, miên man thấm đẫm khắp gian phòng.

Quê hương thứ hai


Bà Tokiko Kato sinh năm 1943, là ca sĩ rất được mến mộ tại Nhật. Chồng bà là thủ lĩnh phong trào sinh viên phản đối chiến tranh VN vào thập niên 1960, từng bị bắt giam. Bà kết hôn với ông khi ông vẫn còn ở trong tù.

Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, bà Kato còn là người tích cực hoạt động vì môi trường.

Bà trở thành đại sứ thiện chí về môi trường của Liên Hiệp Quốc từ năm 2000, và từ đó đến nay đã đến nhiều nước ở châu Á để vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua các chương trình hòa nhạc.

Trong chuyến công tác VN lần này, bà sẽ tham gia buổi hòa nhạc đặc biệt diễn ra tại Nhà hát Hồng Hà (Hà Nội) vào ngày 21-8. Bà sẽ biểu diễn năm ca khúc, trong đó có bài Diễm xưa.

Đến VN nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên bà Kato đến với tư cách là đại sứ thiện chí về môi trường của Liên Hiệp Quốc. Bà đến rừng đước Cần Giờ để thăm lại dự án trồng đước đã thực hiện vào năm 1998. Nhưng rất tiếc dự án thất bại, những cây đước trồng quá sát bờ biển Cần Giờ nên không phát triển được. Dù vậy, bà rất vui khi nhìn thấy màu xanh bạt ngàn của cánh rừng ngập mặn trên diện tích 28.000ha ở Cần Giờ hiện nay.

“Khi lần đầu tiên đến VN vào năm 1997, đọng lại trong tôi sau những dặm đường khám phá VN là khung cảnh đẹp như tranh vẽ của ruộng đồng ở Mỹ Tho, của nhà vườn ở Huế... Những hình ảnh, không gian ở VN rất gần với nơi tôi từng sống khi còn nhỏ. Vì vậy mà thẳm sâu trong tâm thức, tôi muốn nhận VN làm quê hương thứ hai của mình” - người phụ nữ Nhật tâm sự.

Kato nói quê hương của bà đã vội vã phát triển kinh tế trong một thời gian ngắn, để rồi dần đánh mất đi những giá trị truyền thống. “Đó là điều vô cùng đáng tiếc. Tôi thiết tha hi vọng điều đó sẽ không xảy ra với nơi mà tôi quí mến như quê hương thứ hai” - bà Kato chia sẻ.

Bà có lý do khi bày tỏ nỗi lo ngại của mình. Sau gần một thập niên, TP.HCM đón bà đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc trong khung cảnh náo nhiệt, bận rộn không thua kém các thành phố lớn ở châu Á. Các tòa nhà cao tầng xuất hiện nhiều hơn, những chiếc ôtô bóng lộn có thể thấy ở bất cứ nơi đâu trên đường phố. Đó là một tín hiệu lạc quan, nhưng bà cảnh báo: “Theo kinh nghiệm của tôi, nơi nào vội vàng đầu tư để đất nước phát triển nhanh đều phải gánh chịu hậu quả trong tương lai”.

Bà nhận xét tâm lý chung của các nước khi phát triển kinh tế là muốn áp dụng công nghệ hiện đại nhất, tối tân nhất để giải quyết vấn đề sao cho thật nhanh. Việc đó sẽ giúp thay đổi bộ mặt đất nước ở những thành phố lớn, nhưng sẽ khiến nhiều thành phố phụ cận phải chịu thiệt thòi. “Tôi mong VN sẽ phát triển bằng con đường riêng của mình, đừng lặp lại những sai lầm mà các nước khác đã gặp phải. Đừng vứt bỏ các giá trị truyền thống của mình, hãy giữ gìn lối sống gần gũi với thiên nhiên”.

THANH TRÚC
17/08/2007

http://www.tuoitre.com.vn

Các thao tác trên Tài liệu