Bạn đang ở: Trang chủ / News / Chuyện tình trong lý

Chuyện tình trong lý

- Webmaster cập nhật lần cuối 28/03/2008 16:08
Xung quanh vấn đề tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn :
Chuyện tình trong lý

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (trái) và nhà thơ Đỗ Trung Quân (ảnh chụp năm 1991) - Ảnh: N.C.T.


LTS: Là người đã bảy lần dẫn chương trình cho những đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại hội quán Hội Ngộ - làng du lịch Bình Quới, TP.HCM, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã chứng kiến biết bao tình cảm không đong đếm được của hàng vạn người dành cho Trịnh và âm nhạc của ông. Bài viết này gửi đến Tuổi Trẻ cũng từ cái tình ấy.

"Tác quyền của một nhạc sĩ danh tiếng", người có khối lượng tác phẩm đã trở thành di sản sau khi qua đời lớn vào bậc nhất VN (trên dưới 600 ca khúc) đã trở thành mối quan tâm của đông đảo người hâm mộ.

Số lượng tác phẩm của ông hiện diện trong nhiều loại hình nghệ thuật lẫn giải trí: điện ảnh, sân khấu, ấn phẩm, băng đĩa video - audio, karaoke, phòng trà, quán cà phê. Đặc biệt là phòng trà, quán cà phê âm nhạc trên diện rộng toàn quốc. Và sau khi qua đời, sự hâm mộ trong công chúng dường như đã đẩy tên tuổi, vị trí của Trịnh Công Sơn thêm một tầng cao nữa. Ông là "thần tượng" của đám đông, của rất nhiều người trong và ngoài nước.

Nhưng trở lại chuyện di sản và tác quyền. Di sản của Trịnh Công Sơn đương nhiên đầu tiên phải thuộc về gia đình ông - những người đã được luật pháp công nhận quyền thừa kế. Tác quyền, bản quyền của ông khi sử dụng phải được đồng ý và thu hồi giá trị vật chất, tiền bạc theo qui định pháp luật. Điều ấy đúng và không tranh cãi. Đó là việc văn minh cần làm.

Cái gì đã thành luật - theo pháp lý - cứ thẳng băng mà làm. Nhưng vấn đề còn lại ở khía cạnh khác - khía cạnh tinh thần mà ta quen gọi là "cái tình - cái lý”: đấy là cách hành xử khi thực hiện việc thu hồi bản quyền. Trước sự hâm mộ tinh thần lớn lao đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ứng xử như thế nào trong việc này là hành vi cực kỳ nhạy cảm.

Đối với gia đình - những người thừa kế một di sản lớn, nỗi bức xúc này là có thật như bà Trịnh Vĩnh Trinh đã nói: "Người ta đã vi phạm quá nhiều, buộc gia đình tôi phải lên tiếng...". Thói quen, cách "tư duy" ít thích trả tác quyền sau khi sử dụng ở nơi này, nơi kia là có thật. Công bằng mà nói đã có nhiều "vụ việc" bản quyền ở lĩnh vực khác: kịch bản điện ảnh, sân khấu, hội họa, điêu khắc... hoặc được đưa ra công luận, hoặc trước tòa án. Trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chưa, nó chỉ mới bắt đầu từ "phản ứng" hay ý kiến của gia đình có lẽ là lần đầu tiên được công khai những ngày gần đây.

Có lửa ắt có khói

Nhưng như đã nói: trong lý có tình - trong tình có lý. Lý là luật pháp, tình là cách ứng xử ẩn trong luật pháp. Tình cảm của công chúng dành cho nhạc sĩ càng lớn, cách hành xử càng "nhạy cảm". Tên tuổi, sự hâm mộ đã đặt Trịnh Công Sơn vào vị trí "thần tượng" mà không phải nhạc sĩ VN nào cũng có thể.

Đấy là thực tế khó thể phủ nhận, thì tác quyền khi được thu hồi ắt phía công chúng cũng mong mỏi nó phải được sử dụng cho những mục đích xứng tầm với tên tuổi của "thần tượng". Một học bổng mang tên nhạc sĩ là điều mọi người dễ đồng ý, dễ tin cậy (cho dù sử dụng thế nào, làm việc gì là quyền riêng của gia đình - những người thừa kế). Tình cảm lớn thì cái "giá” của tinh thần ắt cũng không thể nhỏ, không thể dễ dàng.

Trở lại việc thu tác quyền - cái tình khi ứng xử. Đại diện gia đình nhạc sĩ, bà Trịnh Vĩnh Trinh cũng đã nói: "Không cố định 300.000 đồng cho một ca khúc, một lần trình diễn... Chúng tôi sẽ xem xét tùy nơi diễn, tùy địa điểm và đẳng cấp... Không phải chỗ nào cũng như nhau, có bàn bạc, thỏa thuận, linh động..." thì nơi này nơi kia cũng đã có những động thái phản hồi. Chỗ "rất tốt", chỗ đã "từ chối" hát nhạc Trịnh khi có khán giả yêu cầu. Đấy không phải là phòng trà, đấy là những quán cà phê sân vườn, mà số lượng những quán cà phê như thế nhiều hơn hẳn phòng trà, nó trải rộng ở mọi địa bàn trên toàn quốc.

Tôi đã từng ngồi nhiều quán như thế ở nhiều nơi trong cả nước: Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Biên Hòa... Người hát có khi chỉ là ca sĩ địa phương chưa tên tuổi, có khi là khách uống cà phê, là hội viên những hội yêu mến Trịnh Công Sơn rải rác khắp nơi.

Cũng có lần tôi nói vui mà thật: "Thôi thì ông Trịnh Công Sơn đã mất nhưng vẫn còn nuôi sống được nhiều nơi, nhiều người. Đấy cũng là cái đức ông để lại cho gia đình của mình". Nhưng nói thế cũng không hoàn toàn quên đi chuyện tác quyền ca khúc. Giả sử những người thừa kế hôm nay lâm cảnh khó khăn thì chính công luận sẽ phải lên tiếng đòi tác quyền cho gia đình. Đấy cũng là đạo lý, là hợp lẽ.

Với thực tế như thế, nếu gia đình nhạc sĩ không đồng ý ủy quyền cho nơi nào khác, vì lý do này lý do nọ, e hậu quả đầu tiên là khó đủ sức, đủ người để đi thu hồi trên bình diện quá rộng. E rằng nếu "không khéo" sẽ gây phản ứng ngược - đẩy xa dần tác phẩm lẫn tình cảm của công chúng đã dành cho Trịnh Công Sơn hàng chục năm qua.

Trên thực tế, nó đã và đang bắt đầu xảy ra. Cái lý đã rõ ràng, cái còn lại là "tình trong lý”. Cẩn thận, tinh tế trong ứng xử trường hợp đặc biệt này từ phía gia đình, có lẽ là điều nên chú ý.

ĐỖ TRUNG QUÂN
www.tuoitre.com.vn, 28/03/2008


Các thao tác trên Tài liệu