Bạn đang ở: Trang chủ / News / Cuộc hội ngộ kỳ thú của thi ca

Cuộc hội ngộ kỳ thú của thi ca

- Webmaster cập nhật lần cuối 11/01/2009 09:30
Hà Ngọc, Vanchinh.net, Thứ hai, 17-11-2008.
Cuộc hội ngộ kỳ thú của thi ca

Nhà thơ Anh Ngọc và nhà thơ Mai Linh


Ngày thơ đầu đông - một chương trình giao lưu, ra mắt các tập thơ của Trung tâm Văn hóa Đông Tây bỗng trở thành một ngày của thi ca và nghệ thuật. Sự thăng hoa của các văn nghệ sĩ đã khiến cho Ngày thơ đầu đông thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình: sự hội ngộ của những tâm hồn yêu thi ca, đặc biệt là yêu Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng.

Có lẽ không phải tình cờ mà Trung tâm Văn hóa Đông ra mắt 4 tập sách rất nhiều điểm đan cài nhau: Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng (nghiên cứu và sưu tập của Ban Mai); Tập thơ: Gửi lại thời gian của nhà thơ Anh Ngọc; Bùi Giáng - Trong cõi người ta (và Bùi Giáng 99 giai thoại) và tập thơ Nhớ và quên (Trần Ninh Hồ). Hai nhà thơ đã, đang và còn viết: Anh Ngọc và Trần Ninh Hồ và hai thiên tài đã rời xa cõi tạm - Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng.

Cuộc bàn luận thi ca về hai người đã trở thành cát bụi đan xen với hai người đang hiện hữu bỗng trở thành ngày thơ tôn vinh hai con người thiên tài Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng. Các nhà thơ, các nhà nghiên cứu như quên hết những khái niệm, những lý thuyết để bàn luận về hai con người đã đến với cuộc đời này và bằng cách này hay cách khác, đã cùng hiến thân cho nghệ thuật.

Nhà thơ Anh Ngọc, nhà thơ Mai Linh, Trần Ninh Hồ, nhà phê bình Văn Giá, Nguyễn Thị Minh Thái, nhà văn Đặng Thân... đã chia sẻ tình yêu với Trịnh bằng cách hát lên những ca khúc của ông, đọc những bài thơ viết về ông. Có lẽ đó là cách hay nhất để nói về Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ mà tài năng và cống hiến đã quá rõ ràng, không cần và không có một lời nói nào đủ để ca ngợi.

Phần ra mắt của nhà thơ Anh Ngọc cho tập thơ Gửi lại thời gian cũng lại trở về và xoay quanh lực hút trung tâm Trịnh Công Sơn.

Nhà thơ Anh Ngọc đã gọi Trịnh Công Sơn là Người hát rong của thế kỷ hai mươi: "Ôm cây đàn như vác cây thánh giá". Điều đó đã lột tả được gần như toàn bộ lẽ sống của Trịnh. Âm nhạc là thánh địa của ông. Hãy xem ảnh hưởng của nhạc Trịnh đến một thi sĩ: "Trong những ngày tuyệt vọng nhất đời tôi/ Tôi sống được nhờ thơ và nhạc Trịnh" (Nhạc Trịnh).

Bùi Giáng - cái tên mà các nhà thơ nhắc đến đều mang âm sắc lạ lùng. Lạ lùng như chính con người ông. Nhà phê bình Văn Giá chia sẻ: "Để cách tân, luôn luôn cần sự gắng gỏi, nỗ lực của mỗi cá nhân nhưng ở Bùi Giáng, bản thân ông đã là một cách tân, không có một tuyên ngôn nào. Điều đó chỉ có thể lý giải là nội lực và sự tích hợp văn hóa quá mạnh trong con người ấy. Thi ca tìm đến Bùi Giáng. Con người mà đã coi thân thể mình chỉ là trò chơi, đem thân xác ra làm trò chơi thì tất cả những lý thuyết, khái niệm về thơ ca để nói về con người này tôi thấy đều chật chội."

Nhà thơ Anh Ngọc cũng bày tỏ: "Một người không làm gì, suốt ngày lang thang ngoài đường, coi những vết trầy xước trên thân thể chỉ như một điều bình thường thì có thể gọi là điên. Nhưng Bùi Giáng điên một cách chủ động. Lang thang suốt ngày nhưng khi cần viết là lập tức vùi đầu vào trang giấy ngay, viết không biết mệt mỏi. Không phải tự nhiên mà một người tỉnh táo vô cùng, trí tuệ vô cùng như Trịnh Công Sơn lại yêu và trọng Bùi Giáng. Để điên được thì cần có một tài năng lớn". Cùng quan điểm đó, nhà thơ Mai Linh cho rằng: "Điên là một thể trạng tự do nhất của con người. Bùi Giáng là thể điên đã bắt được kinh mạch của thể chế. Tôi rất muốn mượn lời của Nguyễn Huy Thiệp nói về Đồng Đức Bốn rằng, thơ của ông hay đến nỗi mà tôi nghĩ, Bùi Giáng mượn bút của trời để viết. Ông là người hoang đường của thi ca, không ai định dạng, định hồn, định lượng, định tính được Bùi Giáng".

Cuốn sách Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng gần như là một trong những nghiên cứu đầu tiên về ca từ của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Ban Mai -nhà biên soạn, nghiên cứu đã chia Trịnh Công Sơn- Vết chân dã tràng thành hai phần. Phần I là nghiên cứu, tiểu luận của tác giả về Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn. Phần II là văn bản ca từ của Trịnh Công Sơn gồm 242 ca khúc mà tác giả đã sưu tầm được. Điều thú vị là cuốn sách đã trở thành một tập lời bài hát để các nhà thơ, nhà phê bình thể hiện tình yêu của họ với người nhạc sĩ tài hoa. Nhà thơ Mai Linh, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cùng hát lên những ca từ của Trịnh từ tập sách đó. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã hát một lượt hai bài hát của Trịnh Công Sơn và vui vẻ bật mí: "Bác của tôi chính là nghệ sĩ Thương Huyền - người hát rất hay và được Cụ Hồ khen ngợi".

Không giới hạn “người thơ” mà thơ mới là chủ thể trong Ngày thơ đầu đông. Ra mắt tập thơ Nhớ và quên của mình, nhưng nhà thơ Trần Ninh Hồ lại nhắc đến nhà thơ Mai Linh với hàm ý, một bài thơ của thi sĩ Mai Linh đã là một dấu ấn để ông học tập khi nghĩ về truyền thống và cách tân. Trần Ninh Hồ chia sẻ: "Khi bàn thế nào là truyền thống và cách tân, tôi lại nghĩ đến bài thơ của nhà thơ Mai Linh".

Người đà vào tuổi bốn mươi
Ngẩn ngơ rơi lá, ngẩn người rơi xuân
Hồng xác pháo dưới gót chân
Đường về nhan sắc có gần không em

Ông cũng chia sẻ: "14 chữ lục bát mà nhà thơ dân gian cũng không dùng hết. Dùng đi dùng lại một cách tuyệt vời tài năng, như một sự trở mình: "Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai? Vì vậy, tôi đặc biệt hướng thơ tôi đến thơ ngắn".

Dịch giả Lê Bá Thự cho rằng Trần Ninh Hồ là người đầu tiên làm thơ về dịch giả và làm rất thành công về nỗi cô đơn:

Ngỡ khi có em rồi
Nỗi cô đơn sẽ mất
Nào ngờ em mới thật
Chốn tận cùng cô đơn

Nhà thơ Anh Ngọc chia sẻ: "Đây có lẽ là một ngày kỳ lạ với tôi. Đã lâu tôi sống ẩn dật giữa chốn thành thị, không giao lưu gặp gỡ. Nhưng hôm nay, có mặt ở đây cả ngày, để được nói về một người mà tôi yêu nhất: Trịnh Công Sơn và nói về Bùi Giáng, một người mà tôi khâm phục".

Có một điều không biết chúng tôi cảm nhận có hoàn toàn đúng hay không. Rằng với thi ca, con người dễ tìm được cảm xúc đồng điệu. Vì thi ca là sự lắng đọng của cảm xúc, sự thăng hoa của ngôn từ. Điều này, các nhà văn khó có thể đạt được hơn. Vì thi ca là chủ thể của Ngày thơ đầu đông nên nó đã có sức thẩm thấu và lan tỏa trong lòng mỗi người, bất luận là thi nhân hay độc giả.

Hà Ngọc
Vanchinh.net, Thứ hai, 17-11-2008

Các thao tác trên Tài liệu