Bạn đang ở: Trang chủ / News / "Gặp người con gái VN da vàng" tại Bali

"Gặp người con gái VN da vàng" tại Bali

- Webmaster cập nhật lần cuối 03/12/2011 21:32
Đặng Nhật Minh, bee.net.vn, 01/12/2011
"Gặp người con gái VN da vàng" tại Bali

Dàn nhạc giao hưởng Nga - ASEAN tại Bali. Ảnh ĐD Đặng Nhật Minh


Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã thấy gai người khi nghe dàn đồng ca cất lên bằng tiếng Việt rất rõ lời: Người con gái Việt nam da vàng. Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín… Người con gái Việt nam da vàng. Yêu quê hương nước mắt lưng tròng... Chuyến công tác tại Bali tháng 11 vừa rồi đã khiến ông có nhiều chiêm nghiệm.


Bí quyết giản dị của du lịch Bali

Tháng 11 năm nay là một thời điểm có một không hai tại quốc đảo Indonesia với hai sự kiện lớn: SEA games lần thứ 26 tổ chức từ ngày 10 đến ngày 22 tháng 11 tại Palembang và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Bali từ ngày 17 đến 19 tháng 11. Để chào mừng hai sự kiện trên tại Bali có 3 hoạt động văn hóa: Tuần lễ phim các nước ASEAN, Hội chợ triển lãm thủ công mỹ nghệ của các nước ASEAN và các buổi biểu diễn của dàn nhạc Giao hưởng trẻ hỗn hợp Nga- ASEAN. Sân bay Nội Bài những ngày này tấp nập các đoàn vận động viên VN lên đường sang Indonesia thi đấu. Khuôn mặt ai cũng tràn trề hy vọng.

Chúng tôi đi cùng họ tới Singapore rồi chia tay mỗi người một ngả. Các bạn đến Palembang để tranh tài còn chúng tôi bay tiếp đến Bali tham gia những hoạt động văn hóa. Đi cùng chúng tôi có đoàn của Cục triển lãm của Bộ VH TT và DL với lỉnh kỉnh hòm xiểng nặng đến hàng trăm cân. Vì không có đường bay thẳng nên phải mất 8 tiếng chờ đợi trên mặt đất lẫn bay trên không chúng tôi mới tới được sân bay Denpasar trên đảo Bali.

Bali là một hòn đảo của Indonesia nằm ở cực tây của Quần đảo Nusa Tenggara, nằm giữa Đảo Java về phía tây và Lombok về phía đông. Bali là 1 trong 33 tỉnh của Indonesia. Dân số 3,15 triệu người, diện tích: 5632 km². Tỉnh lỵ của Bali là Denpasar nằm phía nam đảo. Đảo Bali cũng là điạ điểm du lịch lớn nhất Indonesia và nổi tiếng vì có nền nghệ thuật phát triển cao, bao gồm vũ, điêu khắc, hội họa, hàng da thuộc, luyện kim và ca nhạc Bali.

Ông giám đốc Sở du lịch Bali cho biết: mỗi năm Bali thu hút 2 triệu 5 khách du lịch. Theo ông, bí quyết thành công của Bali trong lĩnh vực này trước hết do người dân thân thiện, thứ hai là phong cảnh đẹp (đặc biệt bãi biển Bali có thể lướt sóng quanh năm) và thứ ba là thái độ phục vụ chu đáo tận tình. Tôi chú ý đến điểm đầu tiên được ông nhấn mạnh là người dân, một yếu tố hàng đầu để thu hút khách du lịch.

Thật vậy trong những ngày ở Bali tôi không hề thấy trên hè phố những người bán hàng lưu niệm rong đeo bám khách du lịch. Trong các cửa hàng lớn hay nhỏ những người bán hàng niềm nở với khách, dù họ chỉ ghé vào xem rồi đi. Khí hậu ở Bali nóng ẩm nhưng có gió biển làm dịu mát vào mỗi buổi sáng và buổi chiều. Đường phố Bali không rộng, vỉa hè cũng chật hẹp, đôi khi khách bộ hành phải đi xuống lòng đường hệt như ở các khu phố cổ Hà Nội. Nhưng nhà cửa ở đây không có cái nào cao quá 3 tầng và đều có mái. Không thấy những ngôi nhà chọc trời, những chung cư nhiều tầng do đó Bali vẫn giữ được vẻ cổ kính đặc trưng của nó.

Đường phố Bali vào giờ cao điểm cũng bị ùn tắc, nhất là trong những ngày họp thượng đỉnh ở đây. Mỗi lần có đoàn xe của các nguyên thủ đi qua là cả dòng xe cộ phải dừng lại nhường đường. Hôm Tổng thống Obama đến Bali chúng tôi phải mất đến 3 tiếng đồng hồ mới về được tới khách sạn. Đó là đoàn đại biểu đông người nhất với hàng chục chiếc xe limousine mầu đen được chở thẳng từ Mỹ sang để phục vụ việc đi lại của Tổng thống.

Dàn giao hưởng trẻ ASEAN không có Việt Nam

Tôi không đến thăm khu triển lãm mỹ nghệ nơi có gian hàng Việt Nam được vì nó nằm trên một hòn đảo. Đến đó phải đi phà. Chúng tôi chỉ tham dự các chương trình liên quan đến điện ảnh như họp báo, giới thiệu vắn tắt tình hình điện ảnh của nước mình, trả lời các câu hỏi của các phóng viên, tham dự buổi chiếu phim Đừng đốt, xem một số phim của các nước bạn. Điều làm tôi ấn tượng nhất trong chuyến đi này là dàn nhạc giao hưởng trẻ hỗn hợp Nga – ASEAN. Tôi không ngờ đến Bali lần này lại được thưởng thức no nê một đêm âm nhạc sang trọng như trong buổi Gala Diner của LHP. Dàn nhạc có 150 nhạc công trẻ, tuổi đời dưới 30. Một phần ba trong số họ được tuyển chọn từ các nước ASEAN (Thái Lan, Philippines, Singapore, Indonesia…, không có Việt Nam ).

Buổi biểu diễn gồm hai phần: Phần đầu là bản giao hưởng có tên Khát vọng ASEAN do nhạc sỹ người Indonesia SINGGIH SANJAYA soạn trên 10 ca khúc của 10 nước ASEAN rồi tự chỉ huy. Ca khúc của mỗi nước được một dàn đồng ca nam nữ mặc quần áo dân tộc Bali hát bằng ngôn ngữ của dân tộc đó. Ca khúc Việt Nam được chọn là ca khúc Người con gái Việt nam da vàng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tôi thấy gai người khi nghe dàn đồng ca cất lên bằng tiếng Việt rất rõ lời: Người con gái Việt Nam da vàng. Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín… Người con gái Việt Nam da vàng. Yêu quê hương nước mắt lưng tròng...Rồi cả dàn nhạc giao hưởng cất lên với một dàn violon réo rắt da diết…. Tôi chắc nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng chưa bao giờ được nghe sáng tác của mình được phối khí đầy đặn và được biểu diễn một cách trang trọng đến thế!

Nhạc sỹ SAHJAYA tự lựa chọn các ca khúc rồi phối lại một cách tài tình trong một tổng phổ giao hưởng nhuần nhuyễn làm người xem xúc động đến sững sờ. Quả tình không có gì nói lên đầy đủ khát vọng hòa bình, tình đoàn kết của các dân tộc ASEAN bằng những hình ảnh và giai điệu mà tôi được nghe trong đêm đó. Không cần những bài diễn văn trịnh trọng dài dòng.

Phần hai hoàn toàn dành cho âm nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nga ALEXANDR POLISHCHUK. Những bản concerto cho violon của Tchaicopski, Mendenson, Brahms, Líst. Cholpin…vang lên khiến mọi người nín thở. Đến khi nhạc trưởng Polishchuk cất tiếng giới thiệu bản nhạc tiếp theo: Brahms! Hungarian Dance Number 5 thì cả khán phòng vỡ òa trong tiếng reo tán thưởng. Môt giai điệu quá quen thuộc và hâm mộ đối với mọi người …. Khi dàn nhạc cất lên thì tất cả vỗ nhịp tay theo.

Kết thúc buổi biểu diễn hơn 2 tiếng đồng hồ, mọi người vây lấy các nhạc công trẻ chụp ảnh, xin chữ ký. Tôi bắt tay cám ơn ông nhạc trưởng người Nga (ông không khỏi ngạc nhiên khi tôi nói tiếng Nga).

Tôi thắc mắc tại sao trong dàn nhạc giao hưởng Nga - ASEAN này lại không có nhạc công người Việt Nam. Ông trả lời đơn giản vì Việt Nam không có lời đề nghị đó. Nếu có ông sẽ sang Việt Nam để tuyển chọn. Người Nga đã đem văn hóa của mình đến đây để kết thân với các nước trong cộng đồng ASEAN, đó là một tính toán khôn ngoan và họ đã thành công.

Đặng Nhật Minh
bee.net.vn, 01/12/2011

Các thao tác trên Tài liệu