Bạn đang ở: Trang chủ / News / Hát một bài nhạc Trịnh phải trả 300.000

Hát một bài nhạc Trịnh phải trả 300.000

- Webmaster cập nhật lần cuối 25/03/2008 21:08
Gần một tháng nay, giới nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực ca nhạc TP.HCM xôn xao chuyện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu cầu các tụ điểm ca nhạc, các phòng trà thanh toán tiền tác quyền khi dụng các tác phẩm của cố nhạc sĩ...
Hát một bài nhạc Trịnh phải trả 300.000

Em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Trịnh Vĩnh Trinh


Phản ứng của các chủ phòng trà


Giấy yêu cầu do bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ ký tên. Theo đó, bà Trinh yêu cầu: Thanh toán tiền tác quyền của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là 300.000 đồng/bài/lần biểu diễn.

Tổng số tiền thanh toán căn cứ vào tổng số lần biểu diễn tất cả các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tính từ khi Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra giấy yêu cầu trên còn nói rõ: “Thời hạn thanh toán chậm nhất là ngày 31-3-2008. Trong trường hợp không nhận được tiền tác quyền nói trên trong thời hạn này, chúng tôi sẽ nhờ luật sư đại diện pháp lý của gia đình giải quyết theo Pháp luật Việt Nam và ông (bà) phải chịu trách nhiệm thanh toán tất cả mọi chi phí phát sinh, kể cả chi phí pháp lý…”.

Như vậy, nếu căn cứ vào giấy yêu cầu của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì từ ngày 1-7-2006 (ngày Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có hiệu lực) cho đến tới cuối tháng 3-2008 này, những phòng trà hay tụ điểm kinh doanh ca nhạc trên địa bàn TP.HCM sẽ phải trả một số tiền không nhỏ.

Các ca sĩ, ông bầu, từ trước tới nay, phần lớn đều sử dụng nhạc Trịnh Công Sơn như của “chùa”. Chỉ có một số ít khi kinh doanh nhạc Trịnh có ý thức trong việc trả tiền tác quyền.

Ca sĩ Ánh Tuyết - Chủ phòng trà ATB cho biết: "Trước đây, ATB từng gửi 10 triệu đồng cho gia đình trong ngày giỗ của anh Sơn, như là tiền bản quyền tượng trưng. Còn từ hôm nhận được giấy yêu cầu trả bản quyền trên, ATB ngưng hát nhạc Trịnh. Tiền tác quyền thì phải trả theo luật, nhưng nếu cứ truy theo 300.000 đồng/bài thì khó cho chúng tôi quá. Vì một đêm hát 20 bài nhạc Trịnh (thứ Sáu hàng tuần), trung bình đã phải trả 6 triệu đồng, nhưng có khi tổng doanh thu chỉ 2 triệu đồng (20 khách). Như thế thì làm sao phòng trà chịu nổi? Phải căn cứ theo chuẩn nào, cách làm nào cho hợp lý, có tính toán, theo doanh thu chứ không thể truy thu kiểu như thế được”.

Một chủ phòng trà xin giấu tên cho biết ngay từ khi nhận được giấy yêu cầu trả tiền tác quyền, phòng trà của ông không sử dụng nhạc Trịnh Công Sơn. Thậm chí có đêm, khi có khán giả yêu cầu ca sĩ hát nhạc Trịnh, ông cũng không cho phép hát vì sợ phải trả thêm tiền.

Trao đổi với một số ca sĩ thường xuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn tại các phòng trà, tại một số tụ điểm ca nhạc… chúng tôi đều nhận được lời chối từ khéo léo: Chỉ biết hát, còn vấn đề bản quyền thì chưa được nghe, chưa được biết.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh: Quyết làm tới cùng!


Em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Trịnh Vĩnh Trinh :
“Trước đây, lúc sinh thời anh Sơn không đặt vấn đề thu tác quyền nên chúng tôi không thu. Bây giờ anh Sơn đã mất, Việt Nam lại có Luật Sở hữu trí tuệ nên là những người thừa kế, chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ bảo quản những di sản anh Sơn để lại".

Bà cho biết: "Chúng tôi thu tiền tác quyền để xây dựng quỹ học bổng mang tên anh Sơn, nhằm hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam. Đây cũng là nguyện vọng của anh Sơn lúc sinh thời”.

* Nhưng theo ý kiến của một số người, việc thu 300.000 đồng/bài/lần hát là quá cao và khiến cho nhiều điểm diễn sẽ không có khả năng chi trả?

- Trước khi đề ra mức tiền trên, chúng tôi đã tham khảo rất kỹ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và thấy đó là số tiền hợp lý. Tôi xin nêu một ví dụ, vào năm 2007, tại phòng trà M. đã tổ chức hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn do ca sĩ QD hát. Phòng trà này đã thu tiền phụ thu cho mỗi khách là 300.000 đồng, chưa kể tiền nước. Tôi đã chứng kiến cả hai đêm, đêm nào khách cũng kín chỗ. Với trên 100 chỗ ngồi, tổng số tiền phụ thu hai đêm của phòng trà này đã lên tới trên 60 triệu đồng. Nhưng họ đâu có nói gì đến tiền tác quyền. Nhiều trường hợp đã cố tình xù tiền tác quyền.

Như vào cuối tháng 3-2007, một công ty tổ chức biểu diễn đã xin phép chúng tôi được tổ chức hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Hà Nội. Sau khi chúng tôi yêu cầu trả tiền tác quyền, họ đồng ý sẽ trả nhưng vào phút cuối lại nói hoãn không tổ chức chương trình đó nữa. Nhưng sự thật là họ vẫn tổ chức và đã “trốn” tiền tác quyền.

Còn với một số phòng trà nhỏ, doanh thu thấp, chúng tôi vẫn đồng ý để cho họ thương lượng. Cách đây hơn 2 tuần, sau khi nhận được giấy yêu cầu tiền tác quyền, có vợ chồng chủ quán nhạc Trịnh ở quận Bình Tân đã tới gặp chúng tôi và cho biết họ yêu thích nhạc Trịnh nên mới mở quán nhỏ để kinh doanh. Sau khi xem xét thực tế doanh thu, chúng tôi đã đồng ý cho họ tự nguyện trả tiền tác quyền.

Vì thế tôi vẫn khẳng định số tiền 300.000 đồng không phải là cố định mà chúng tôi có thể thay đổi, miễn sao cho những người sử dụng nhạc Trịnh để kinh doanh phải thấy trách nhiệm của mình trong việc trả tiền tác quyền.

* Việc thu tiền tác quyền nhạc Trịnh sẽ khiến nhiều khán giả mất cơ hội thưởng thức nhạc Trịnh, và nhiều phòng trà cũng bắt đầu từ chối hát nhạc Trịnh?

- Tôi không nghĩ là như thế! Từ trước tới nay rất nhiều nhạc sĩ khác được trả tiền tác quyền, tại sao Trịnh Công Sơn lại không được trả? Việc từ chối hát nhạc Trịnh tại một số phòng trà tôi không biết, nhưng việc tuân thủ pháp luật về tiền tác quyền là điều đương nhiên. Còn nhạc Trịnh đã có chỗ đứng trong lòng khán giả từ rất lâu nên tôi tin trong thời gian tới, khi tác quyền được thực hiện nghiêm túc, khán giả vẫn có cơ hội thưởng thức.

* Lúc sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất ưu ái với những ca sĩ trẻ khi sử dụng các ca khúc của ông để tạo dựng tên tuổi. Liệu khi tiền tác quyền được thực thi, những ca sĩ trẻ mong muốn được hát nhạc Trịnh có thể được lưu ý?

- Như tôi đã nói, Quỹ tài năng trẻ mang tên anh Sơn do chúng tôi lập ra cũng nhằm tìm và phát hiện những tài năng trẻ trong âm nhạc. Cách đây mấy năm, một ca sĩ trẻ ra album đầu tay chúng tôi cũng không lấy tiền tác quyền và hiện nay ca sĩ đó đã nổi tiếng. Sau khi quỹ thành lập xong và đi vào họat động thì không chỉ miễn tiền tác quyền, chúng tôi còn tài trợ, giúp đỡ các ca sĩ trẻ lập nghiệp.

* Sao gia đình bà không ký ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu cho tiện?

- Chúng tôi không quen nói đến chuyện tiền bạc nên khi đặt vấn đề tiền tác quyền, chúng tôi đã gặp một số phản ứng. Vì thế chúng tôi cũng đã làm việc với Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và có lẽ chúng tôi sẽ ủy quyền cho nơi này làm giúp thì hợp lý hơn. Nhưng chúng tôi vẫn khẳng định sẽ quyết tâm làm tới cùng việc thu tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn vì điều này Luật đã cho phép.

TRỌNG THỊNH - Theo Tiền Phong

Các thao tác trên Tài liệu