Khánh Ly: Đường về có trắc trở?
Trong mấy ngày qua, dư luận trong và ngoài nước xôn xao về việc nữ danh ca Khánh Ly chính thức trình diễn tại Việt Nam. Có lẽ đây sẽ là sự kiện ồn ào nhất trong sinh hoạt giải trí của năm 2014, so với sự kiện Bụi Đời Chợ Lớn bị cấm chiếu hồi năm ngoái.
Dư luận trong nước xôn xao quan tâm đến giá vé xem đêm trình diễn của Khánh Ly, cũng như giá "cát-xê" được xem là "khủng" nhất so với những nghệ sĩ ở hải ngoại về nước trình diễn từ trước đến nay.
Ngoài nước thì lại quan tâm góc cạnh chính trị của sự kiện Khánh Ly về nước trình diễn.
Nhiều bài viết đả kích, mạ lỵ, thậm chí là khích bác Khánh Ly hát những nhạc phẩm không thích hợp với chế độ hiện nay, xuất hiện nhan nhản trên các blog, trang mạng hay Facebook.
Đa phần cho rằng sự trở về trình diễn của nữ danh ca mang tính tuyên truyền cho chế độ hoặc gây khó khăn cho các phong trào tranh đấu dân chủ, nhân quyền, vì tầm ảnh hưởng của Khánh Ly với công chúng.
Nhiều mục tiêu
Từ báo mạng đến báo giấy có nhiều bài viết tập trung vào giá "cát-xê" và giá vé xem đêm diễn của Khánh Ly.
Có phía cho rằng không nên có giá cao ngất ngưởng như vậy so với bình quân GDP (tổng sản phẩm quốc nội) đầu người của Việt Nam.
Họ còn cho rằng số tiền mua vé hay trả cho Khánh Ly để giúp cho những người cần được giúp đỡ thì tốt hơn vì Việt Nam vẫn còn quá nhiều khu vực nghèo đói mà lợi tức mỗi tháng thậm chí không bằng một tấm vé đi xem Khánh Ly hát.
"Dù nhận hào quang hay trả giá, thì Khánh Ly cũng đã chọn hướng đi của riêng bà."
Tuy nhiên phía bênh vực cho Khánh Ly lý luận rằng tại sao có những công ty, tổ chức, cá nhân có thể bỏ cả trăm ngàn Mỹ kim để mời ngôi sao Hàn Quốc, mời anh chàng tật nguyền Nick Vujicic, hay "Trai Đẹp Ả Rập" đến Việt Nam, trong khi nữ danh ca lừng lẫy của Việt Nam lại bị soi mói về giá lương, giá vé.
Phía này cho rằng bỏ số tiền lớn mời Khánh Ly về hát là đáng giá, vì sự kiện này đạt được nhiều mục tiêu.
Thứ nhất là khẳng định chính sách hòa hợp hòa giải của nhà nước Việt Nam, vì ca sỹ Khánh Ly được xem là biểu tượng đối kháng với những buổi trình diễn và phát ngôn về chính trị của bà trong quá khứ.
Thứ hai, dù Trịnh Công Sơn đã mất hơn 10 năm, người được xem là gắn liền tên tuổi với nhạc sĩ tài ba này vẫn là Khánh Ly, và chỉ có Khánh Ly mới chuyên chở hết hồn nhạc của Trịnh Công Sơn, không phải kiểu biểu diễn kỹ thuật như Hồng Nhung hay những ca sĩ trẻ sau này ở trong nước.
Thứ ba là niềm tự hào dân tộc khi bỏ một số tiền lớn mời một nghệ sĩ gốc Việt về Việt Nam trình diễn vẫn hơn là những ngôi sao Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan.
Tóm lại với trong nước, ít có người để ý tới vấn đề chính trị và chỉ bàn tán nhiều hơn về tài chính và sự xuất hiện của Khánh Ly.
Hải ngoại
Cộng đồng người Việt ở bên ngoài Việt Nam thì có phản ứng hoàn toàn khác, hầu như nghiêng về các ý nghĩa chính trị.
Nhiều người cho rằng sự trở về dù chỉ là trình diễn của bà Khánh Ly sẽ gây hại cho các phong trào tranh đấu dân chủ, nhân quyền cả trong lẫn ngoài nước do tầm ảnh hưởng của bà với công chúng rất lớn.
Họ trách cứ Khánh Ly vì tiền và danh vọng nên quay lưng lại với những lý tưởng mà họ cho là đúng.
Nhiều người khác cho rằng hành động của bà gây tổn thương, khi họ đặt niềm tin vào những lời tuyên bố chính trị trước đây của bà về chế độ do người Cộng Sản cai trị.
Cũng có những người tư tưởng thoáng hơn. Họ tách rời chính trị và giải trí, cho rằng Khánh Ly trở về trình diễn là tất yếu, chỉ là sớm hay muộn mà thôi, vì như bà từng tuyên bố "trở về từ nơi bắt đầu".
Những người này cho rằng cứ để người nghệ sĩ sống với khán giả của chính họ dù bất cứ nơi nào, ở đâu và dưới chế độ nào.
Tóm lại với người bên ngoài Việt Nam thì sự trở về của Khánh Ly gây ra cơn sóng mà họ cho rằng có thể phá một mảng lớn của "bờ đê lập trường chống Cộng", tương tự như nhạc sĩ Phạm Duy của 10 năm trước hay ông Nguyễn Cao Kỳ 8 năm trước.
Tấn công dồn dập
Suốt một tháng qua phía nhà nước Việt Nam có vẻ có nhiều động thái được xem là muốn chinh phục người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nhất là sau phiên Kiểm định Nhân quyền (UPR) hồi tháng 2 vừa qua.
Trước tiên là chuyến thăm Canada và Hoa Kỳ của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn kiêm chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt ở Nước ngoài, tiếp cận nhiều thành phần khác nhau trong cộng đồng, kể cả những người chống đối nhà nước Việt Nam.
Tiếp đó là cử phái đoàn quốc hội đến Hoa Kỳ làm việc, và có những phát biểu được xem là "thoáng" của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc ngay tại quận Cam, nơi có nhiều người Việt sinh sống nhất bên ngoài Việt Nam.
Sự kiện kết nghĩa giữa thành phố Irvine và Nha Trang tuy thất bại do phản đối của cộng đồng Việt Nam, dù chưa biết bên nào đề nghị, nhưng vẫn cho thấy nỗ lực tiếp cận ngoại giao của Việt Nam.
Thả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung v.v.
Tổ chức chuyến thăm quần đảo Trường Sa và tưởng niệm cho 74 lính Hải Quân Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và cầu siêu cho những người Việt bị thiệt mạng trên đường vượt biển.
Nay lại cấp giấy phép cho Khánh Ly về nước trình diễn, cho thấy có vẻ chính sách tiếp cận cộng đồng Việt Nam ở bên ngoài và chinh phục dư luận quốc tế càng lúc càng được họ quan tâm hơn.
Và cũng có thể tất cả chuỗi sự kiện này nhằm dọn đường cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị tham dự đại hội đồng Liên Hiệp quốc vào tháng Chín tới.
Hào quang và trả giá
"Có lẽ điều nhiều người chờ đợi là phát biểu của bà nhiều hơn là tiếng hát của bà".
Sự kiện danh ca Khánh Ly về nước diễn đương nhiên còn gây thêm sóng gió cho đến khi bà xuất hiện tại Việt Nam, có lẽ điều nhiều người chờ đợi là phát biểu của bà nhiều hơn là tiếng hát của bà.
Sau buổi trình diễn này, có thể cái mà Khánh Ly nhận sẽ là hào quang ca ngợi từ báo chí trong nước, từ những người mến mộ giọng hát của bà ở miền Nam, hay khát vọng được gặp gỡ ca sỹ lừng lẫy này của những người ở miền bắc.
Tuy nhiên cái giá bà phải trả cũng không hề nhẹ, là sự chỉ trích, phê phán của dư luận bên ngoài Việt Nam, và cao hơn nữa có thể dẫn đến tình trạng bị tẩy chay các show diễn trong một thời gian.
Dù nhận hào quang hay trả giá, thì Khánh Ly cũng đã chọn hướng đi của riêng bà.
Tiếng hát của bà là dấu ấn sâu đậm trải qua nhiều thế hệ của nửa thế kỷ qua, và người nghệ sĩ vẫn thỏa mãn khi họ nằm xuống hay trở về trong vòng tay của khán giả mến mộ, bất chấp những đan xen về chính trị hay thể chế nào.
Trần Nhật Phong,
gửi cho BBC từ California,
16/04/2014
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của nhà báo Trần Nhật Phong.
Các thao tác trên Tài liệu