Khi nào có phố mang tên Trịnh Công Sơn?
(VEF.VN) - Ông là một danh nhân văn hóa của dân tộc, người được mệnh danh "viết tình ca hay nhất của thế kỷ", nhưng đến giờ, cả TP.HCM và Huế, nơi ông đã gắn bó cuộc đời nghệ thuật, vẫn chưa có con đường nào mang tên Trịnh Công Sơn.
Năm nay, chuỗi sự kiện âm nhạc, hội họa, sách ảnh hoành tráng sẽ được tổ chức để kỷ niệm 10 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về với cát bụi (1/4/2001 - 1/4/2011). Chuỗi sự kiện sẽ khởi đầu bằng đêm nhạc Trịnh tại Hội quán Hội Ngộ (Bình Quới- Thanh Đa) vào 28.2.2011 - đúng ngày sinh nhật của ông ! Đến nay, đã có hàng ngàn bài báo viết về "người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ" nên bài viết này tôi chỉ xin đề cập đến một mong muốn: bao giờ thì TP.HCM và Huế mới có đường phố mang tên Trịnh Công Sơn ?
Chúng ta đều biết, hầu hết đường phố Việt Nam được đặt tện theo tên anh hùng, danh nhân của đất nước. Từ điển mở Wikipedia định nghĩa "Danh nhân văn hóa là những con người, những nhân vật nổi tiếng, kiệt xuất, đã làm nên cái thiện, cái đẹp bất kỳ ở lĩnh vực nào". Xét theo yêu cầu đó thì Trịnh Công Sơn không chỉ là một danh nhân văn hóa mà còn là một danh nhân văn hóa nổi tiếng của Việt Nam với hơn 600 ca khúc để đời, bất diệt với thời gian.
Đã có quá nhiều lời nhận xét, khen tặng của các tên tuổi lớn trong giới nghiên cứu, âm nhạc, văn học nghệ thuật ...dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như GS.TS Trần Văn Khê,,nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Nguyễn Duy... mà chúng ta, nhất là các nhà quản lý, có thể tìm trên mạng hay sách báo để " thẩm định" về ông.
Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến sức sống mãnh liệt của nhạc Trịnh trong lòng người: hàng năm, cứ đến gần ngày giỗ của ông, rất nhiều quán cà phê ở TP.Hồ Chí Minh và cả thủ đô Hà Nội đều tổ chức các chương trình nhạc Trịnh để tưởng niệm ông. Đây là hiện tượng rất đặc biệt và thử hỏi: ngoài Trịnh Công Sơn, Việt Nam có nhạc sĩ, thi sĩ nào được công chúng ngưỡng mộ đến mức đó không?
Có lần, tôi dự đêm nhạc Trịnh tổ chức ngoài trời tại Hội quán Hội Ngộ, giữa chừng trời mưa nhỏ, mọi người tưởng là phải giải tán, vậy mà mấy trăm con người vừa mặc áo mưa do Ban tổ chức phát, vừa nghe nhạc của ông trong ánh lửa bập bùng, khung cảnh lung linh, lòng đầy cảm xúc! Vậy, Trịnh Công Sơn thực sự đã ngự trị trong trái tim của hàng triệu người Việt, không những thế, nhạc Trịnh còn đến với hàng triệu tâm hồn yêu nhạc trên thế giới. Không chỉ là một nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn còn là một hoạ sĩ - triết gia với những bài hát, bài viết sâu sắc, đầy triết lý Phật giáo thâm sâu, những bản tình ca được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Sinh thời, Trịnh Công Sơn chưa hề được phong là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nhưng thực tế Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ lớn trong lòng dân, điều đó được đo bằng sự trân trọng của công chúng dành cho ông sau khi ông mất. Cổ nhân có nói đầy minh triết " Cái quan định luận" - 10 năm Trịnh qua đời là khoảng thời gian quá đủ để hiểu thêm và khẳng định giá trị của ông. Công nhận giá trị này và vinh danh Trịnh Công Sơn bằng cách lấy tên ông đặt tên đường phố, thiết nghĩ, đó là sự đáp ứng lòng dân, thể hiện sự công bằng với lịch sử.
Huế - là quê hương của Trịnh Công Sơn, và TP.HCM (Sài Gòn xưa) là nơi gắn bó trực tiếp với nhiều mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời sáng tác của ông... khi nào thì có tên đường mang tên Trịnh Công Sơn?
Nguyễn Thiện,
vef.vn, 24/02/2011
Mời độc giả bình chọn về con đường mang tên Trịnh Công Sơn
và chia sẻ ý kiến xung quanh vấn đề này.
Các thao tác trên Tài liệu