Bạn đang ở: Trang chủ / News / Một người Mỹ có tâm hồn Việt

Một người Mỹ có tâm hồn Việt

- Webmaster cập nhật lần cuối 05/07/2014 21:54
(LĐCT) - Trong con hẻm ngoằn ngoèo dài hun hút ở một xóm lao động cạnh kênh Nhiêu Lộc (TPHCM), có một khách trọ thuê nhà đã 5 năm nay. Căn nhà tuềnh toàng không nhiều đồ đạc, trong đó, chủ nhân yêu thích nhất cây đàn guitar. Ông là Richard Fuller.
Một người Mỹ có tâm hồn Việt

Ông Richard Fuller


Những khi cao hứng, ông ôm đàn hát nhạc Trịnh Công Sơn, cả lời Anh và lời Việt, say sưa quên hết sự đời. Hàng xóm rất thích thú vì quen được ông Tây bình dị đã được Việt Nam hoá.

Hỏi nhà Rich không khó, vì dân tình quanh xóm đã quen với hình ảnh ông Tây cởi trần tên Phú, nom rất bụi. Hôm đó, hàng xóm nhà ông đang có tang, nhưng họ sẵn lòng giữ xe cho khách và tiếp đón niềm nở. Bởi ông là người chia sẻ phút cuối bên giường bệnh của người láng giềng già, sau đó cầm đàn tiễn biệt người đã khuất bằng ca khúc "Một cõi đi về" của Trịnh Công Sơn (TCS). Hát cả lời Việt và lời Anh (do ông - một người Mỹ - cùng một nữ dịch giả nữa chuyển ngữ).

Lúc ấy, ông đang loay hoay soạn lại bản nhạc song ngữ này, với lời đề tặng: Cho A.T., người vừa từ trần ngày... Rich gãi tai cười hồn hậu: "Nhạc Trịnh Công Sơn, người ta hay nói gì nhỉ, như thứ kinh mà các thầy chùa hay đọc khi cầu siêu. Thì tôi nghĩ, hát tiễn ông bạn già về một cõi khác, khác gì cầu nguyện cho ổng đâu?".

Nếu ai đã từng xem chương trình phỏng vấn Rich trên VTV năm trước, hẳn sẽ phải giật mình vì cái ông Phú ngồi trước mặt này chả giống mấy cái ông Richard cầm đàn guitar hát nhạc Trịnh, áo quần bảnh bao, phong thái y như một doanh nhân giàu có. Thấy khách vẫn chưa hết ngạc nhiên, Rich nói tiếp: "Trong tôi có hai con người: Một như vầy, bình dân hết cỡ, với cái tên Phú Phong Trần, hàng xóm rất khoái kêu nhậu cùng; một là khi tôi diện bộ veston thì có ngay tên Trần Phong Phú". Nghe giọng điệu của ông đã thấy hài hước lắm rồi. "Nhà tôi nằm ngay cạnh sông Hương đó. Hì, gọi kênh Nhiêu Lộc vậy cho oai".

Richard Fuller ôm đàn hát nhạc Trịnh, quên hết sự đời. (laodong.com.vn, 09/2007)

Richard Fuller ôm đàn hát nhạc Trịnh, quên hết sự đời.

Lạc quan mà oái ăm, lại thích hát nhạc buồn của Trịnh. Mỗi khi hát nghe buồn quá, ông lại đổi lời, nghe rất nghịch. "Dân nhậu khoái chữa buồn bằng thuốc đùa đó" - giọng Sài Gòn của ông cứ ngọt lịm. " Nhạc Trịnh Công Sơn có nhiều lớp nghĩa trong ca từ. Nhiều khi tôi nghĩ mãi mà không dịch ra câu "Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa", phải dùng miss hay remember đây.

Lại nghĩ, bài hát của ông Sơn thường có một bóng người con gái nào đó, nên "mưa" mà có khi lại là "cô nàng" nào đó, thì đó chính là tâm trạng có cô này vẫn nhớ cô kia chứ gì nữa?" - Nói xong, Rich cười hỉ hả, như là vừa có một phát hiện riêng.

Vẻ tinh quái của Rich lại xuất hiện khi ông thắc mắc: "Phải vào dịp 1.4, ngày giỗ của ông Sơn thì người ta mới hay tìm tôi chớ?". Không, nghe nói dạo này ông đắt sô ở các phòng trà ở TPHCM mà phải ghé thăm thôi. "Đắt sô gì đâu, mỗi tuần tôi hát một, hai lần ở phòng trà ATB, lâu lâu hát ở quán "Guitar gỗ", "Café Ru Tình", "Bình Quới"... Thù lao hả? Không ăn thua đâu. Hát vì mình thích thôi".

Lại có điện thoại cắt ngang. "Bình Quới lại mời hát dịp Trung thu này đây". Ông khoe. Thu nhập chính của ông vẫn là từ công ty Cycling Vietnam và đi dạy tiếng Anh cho một vài trung tâm Anh ngữ. Những lúc trong túi rủng rỉnh, ông lại đi du lịch các nước, một mình hoặc cùng vài người bạn thân.

Rich loay hoay mở CD (thu lại từ băng cassette mà một khán giả tâm phúc gửi cho ông) lần đầu ông hát nhạc Trịnh, có cả lời giới thiệu của Khánh Ly, sau khi cô vừa hát xong. Lần này thì ông khỏi ngạc nhiên thầm thì với chính mình: "Đã 32 năm rồi mà cái cassette này vẫn còn nghe được. Lạ quá. Nhưng hồi đó tôi hát còn chưa chín. Bây giờ mà hát thì hay hơn nhiều. Những bài tôi thích là Đại bác ru đêm, Người con gái VN da vàng, Tình ca của người mất trí.

Bài Người con gái VN da vàng tôi thấy hay nhất vì ca từ rất sâu sắc. Tôi từng hát ca khúc này nhiều nơi trên thế giới trong phong trào phản chiến, ở Mỹ. Đặc biệt, có lần tôi hát ca khúc này khiến nhiều người bật khóc. Lúc đó, cũng có mặt Khánh Ly. Cô ấy mảnh khảnh nhưng mỗi lần cất tiếng hát là không chỉ riêng tôi, nhiều người nghe là bị hớp hồn".

Trầm ngâm một lát, ông tiếp: "Nếu nói về Trịnh Công Sơn và lý do vì sao tôi yêu nhạc Trịnh, rồi đâm yêu VN đến như vậy, thì với tôi, trước hết, ông ấy là một người yêu nước mình, đau xót cho thân phận đồng bào trong chiến tranh. Ông ấy nói lên tiếng nói tinh thần của những người đã ngã xuống, và những người còn sống, kêu gọi hoà bình. Với riêng tôi, ông ấy còn gắn bó với một nghĩa khác: Ông ấy dạy tôi chỉ biết có đời này thôi, như chẳng còn có kiếp sau, hãy cứ vui chơi mà sống, hãy cứ yêu "mưa xa" mà sống. Một chút ảnh hưởng triết lý của Camus được chuyển tải trong những giai điệu rất riêng.

Tiếc là hồi ông Sơn còn sống, ông không hay giải thích ca từ của mình. Đến giờ, khi tôi ngẫm ra, thì mỗi câu hát của ông ấy đều có ba bốn lớp nghĩa khác nhau, mà dịch sang tiếng Anh thì phải chọn một nghĩa thôi, thật khó quá. Vì thế nên cho đến nay, tôi mới chỉ dịch được 8 bài sang tiếng Anh".

Rich gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại TPHCM năm 1993.

Rich gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại TPHCM năm 1993.

"Ông gặp và yêu nhạc Trịnh từ khi nào?". "Năm 1970, tôi từng gặp ông Sơn ở Đà Lạt. Đó là lần đầu tiên được tiếp xúc với ông ấy. Bài hát đầu tiên tôi tập hát bằng tiếng Việt là Diễm xưa. Hồi đó, tôi vốn là kỹ sư canh nông, năm 1969 theo đoàn Chí nguyện quốc tế sang VN giúp đồng bào các tỉnh miền Trung và miền Nam chăm sóc, cải tạo lúa giống. Suốt ngày chỉ lo nghiên cứu thí nghiệm các giống lúa như lúa Thần Nông, IR 8, 5, 20, 22, C4... và học tiếng Việt.

Một hôm, tôi đến Nha Trang và ghé lại một quán càphê. Lần đầu tiên gặp Trịnh Công Sơn qua băng Khánh Ly hát, nghe là mê liền. Sau đó, tôi tự mày mò tập hát "Diễm xưa". Mới tập tành qua, nên khi nghe tôi hát, người ta cười mãi. Có người còn bảo: Ông chẳng bao giờ hát bằng tiếng Việt được đâu. Nghe câu này tôi cảm thấy buồn và cố gắng học, hát tiếng Việt nhiều hơn nữa.

Năm 1971, tôi về Mỹ một thời gian, tham gia phong trào phản chiến đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở VN. Năm 1973 qua lại VN và trở về Mỹ trước giải phóng 2 tuần. Mãi 20 năm sau, tôi mới quay trở lại được. Khi đó, có người hỏi tôi có muốn gặp Trịnh Công Sơn không? Họ đưa tôi đến nhà ông ở đường Phạm Ngọc Thạch bây giờ. Tôi nghe ông Sơn hát và cảm thấy rung động thực sự trước từng câu, từng lời.

Lần thứ hai, vào năm 2001, tôi ghé thăm ông Sơn. Đến đầu ngõ thì thấy sao nhà ông quá đông người. Nghĩ thầm, hay là ông ấy tổ chức tiệc tùng chi đây. Nhưng hoá ra nhạc sĩ đã mất 2 tiếng trước. Tôi chỉ kịp kêu trời, dù sao thì ông ấy cũng kịp "nhắn" tôi về chia tay.

Bản thân tôi và ông Sơn lần đầu gặp nhau đã có cùng chung quan điểm phản đối cuộc chiến của Mỹ ở VN. Nhưng ông Sơn viết ra nhạc nỗi đau của con người trong chiến tranh, còn tôi là người cảm nhận những ca khúc ấy bằng những chứng kiến, trải nghiệm của chính mình. Ấn tượng nhất hồi đó đối với tôi là bài Đại bác ru đêm, khi tôi trọ ở một toà biệt thự Pháp, đêm tỉnh dậy xung quanh toàn tiếng bom giội. Sáng ra thấy xác người đầy ngoài ngõ. Bài hát đó khiến tôi rất xúc động.

Tôi chỉ cầu sao cho R.Nixon không tái cử thêm 3 năm nữa để sớm chấm dứt chiến tranh ở VN. Nhưng rồi điều đó vẫn xảy ra. Dù chỉ là một kỹ sư canh nông, suốt đời đi khắp thế giới để nghiên cứu các giống lúa, nhưng không hiểu sao cuộc chiến của Mỹ ở VN thu hút sự quan tâm của tôi đến thế và tôi không yêu nơi nào bằng VN".

Nghệ sĩ guitar Thế Vinh, người bạn gắn bó lâu năm với Richard Fuller, nói về ông: "Đó là một người phương Tây có tâm hồn rất Á Đông. Trong quan hệ với bạn bè, gia đình, tình cảm của Rich rất sâu nặng. Đôi khi, anh ấy khóc khi hát chung với tôi ca khúc "Ngụ ngôn của mùa đông". Tôi quý mến Rich như người bạn tâm giao".

Rich không muốn thổ lộ về đời tư của mình, nhưng ông vẫn hay đùa rằng: "Sống trên đời không có gì quý hơn tự do. Tôi học theo ông Sơn ấy mà". Trong thời gian sống ở VN, ông có một người con nuôi người Việt, rất yêu quý và tự hào về người con trai ấy. Mới đây, Rich khoe ông đã có cháu nội. Mỗi lần ông hát nhạc Trịnh, giọng hát xao xuyến và cảm nhận tinh tế, có thể nhận thấy con người hồn nhiên trong ông như đang phiêu bồng ở chốn nào.

Trong một bài hát song ca cùng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, Rich hát tiếng Anh rất hay. Ông thổ lộ, vẫn muốn có dịp giới thiệu bài hát này lên mạng, hoặc thu âm lại, để nhiều người hiểu và chia sẻ âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, và để người Mỹ có thể học một điều gì đó, nhất là trong cuộc chiến ở Iraq.

Nhật Lệ
laodong.com.vn, Chủ Nhật, 30/09/2007

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Richard Fuller