Bạn đang ở: Trang chủ / Thơ-Văn / CANADA DU KÝ (5)

CANADA DU KÝ (5)

- Webmaster cập nhật lần cuối 12/10/2009 16:50
Trịnh Công Sơn, báo Phụ Nữ số 64, ngày 26.08.1992

5. NGHĨ VỀ HIỆN TẠI VÀ QUÁ KHỨ ...

CANADA  DU KÝ

Người Việt Nam ở Montréal sống trong ba loại cộng đồng khác nhau. Cộng đồng của người Việt yêu nước. Những hội đoàn chống cộng. Và cộng đồng của những người Việt không phe phái. Đa số những người Việt Nam trong cộng đồng sau cùng này là những người du học từ lâu trước 75. Họ đã hòa nhập vào xã hội đó và sống như người bản xứ. Tất cả đều có công ăn việc làm ở mức từ trung bình trở lên. Khối chống cộng là khối bê bối nhất. Lấy nghề chống xã hội Việt Nam của chúng ta làm lẽ sống. Càng chống đất nước càng trở thành anh hùng ( !) Và nói chung, dù chỉ mới từ bỏ đất nước đi sau 75, không một ai trong cộng đồng đó hiểu Việt Nam là gì trong quá khứ, trong hiện tại...

Tôi thường giao du với nhóm không phe phái. Họ và con cái họ là những con người đáng yêu. Họ yêu thương đất nước một cách rất đặc biệt. Có lẽ vì thương nhớ quê nhà mà hầu như mọi người đều dành cho tôi một tình cảm chứa chan ít thấy. Con cái họ nói lẫn lộn tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh nhưng luôn luôn với một tấm lòng rất chân thật. Đứa nào cũng muốn về thăm quê hương. Tuổi trẻ Việt Nam ở Canada thành công trên nhiều lĩnh vực. Về nghệ thuật cũng như về học hành. Tuổi trẻ ở đây có ý thức tự lập từ rất sớm. Từ mười sáu tuổi trở đi là bắt đầu nghĩ đến một việc làm phụ bên cạnh những giờ giấc đi học khá căng thẳng.

CANADA  DU KÝ

Mùa hè đến, sinh viên và học sinh lớp cuối trung học bắt đầu đi xin việc làm. Từ sơn cửa sơn nhà, làm bồi bàn, đến tất cả mọi thứ việc trong văn phòng, trong tất cả mọi nơi chốn buôn bán, mọi dịch vụ, đều có mặt các cô gái trẻ trung xinh đẹp. Họ làm việc để lấy tiền đi du lịch. Cả những cô gái con nhà có tiền bạc cũng tự lo cho mình khoản tiền riêng để tự túc những chuyến viễn du tìm hiểu học hỏi. Đây cũng là một bài học lớn cho những xứ sở còn chậm tiến, nghèo nàn mà hay tự ái vặt. Nghèo mà hay tự ái hình như là cái « bệnh » chung của những đất nước chậm phát triển. Ở nơi đây người ta dành nhiều thời giờ của hiện tại để nói về những dự kiến đầy ắp cho tương lại. Nói như thế không phải là quá khứ không còn vị trí gì trong hiện tại. Chỉ có điều, quá khứ cần được nhắc nhở như thế nào...

Ở Montréal, nhà nước buộc mọi người phải nhớ đến lịch sử. Nhưng nhớ đến một cách thơ mộng. Nhớ lịch sử mà không hề hủy hoại hiện tại và tương lai. Ở bảng số của mỗi chiếc xe hơi đều có ghi hàng chữ « Je me souviens » (Tôi nhớ lại). Tôi nhớ lại cái gì đây ? Tôi nhớ lại tôi là người Canada và chính chúng tôi đã làm nên tất cả vẻ đẹp của đất nước này. Hình như đây là những chữ đầu trong câu thơ của Verlaine hay ai đó : « Je me souviens des jours anciens et je pleure » (Tôi nhớ lại những ngày xưa và tôi khóc). Dù thế nào thì một bảng số xe như vậy cũng mang trong nó một tính cách văn hóa đáng yêu.

Đất nước này không ai có quyền buộc tội ai. Mọi người có quyền ngang nhau. Từ đứa bé cho đến ông già. Vấn đề đặt ra cho tất cả mọi công dân là anh đã và sẽ đóng góp được gì cho xã hội. Người đóng góp nhiều thì hưởng nhiều, ít thì hưởng ít. Không hề có sự chèn ép vô pháp luật.


“Nhắc lại những điều tốt đẹp ở đất nước người ta với tôi là một cách để nghiền ngẫm lại xứ sở mình và bản thân mình.

Nhắc lại những điều tốt đẹp ở đất nước người ta với tôi là một cách để nghiền ngẫm lại xứ sở mình và bản thân mình. Tôi thực lòng chẳng thấy con người ở xứ sở này hơn gì con người xứ mình cả. Con người Việt Nam chúng ta đã làm được không ít điều lớn lao đẹp đẽ trong quá khứ và hiện tại cũng đã góp mặt, so vai một cách đáng tự hào với thế giới ở lĩnh vực này, khía cạnh khác. Chỉ có điều, tốc độ của sự chuyển biến chung về kinh tế - xã hội có lẽ chưa làm cho nhiều người chúng ta hài lòng. Nhưng, tôi lại nghĩ : muốn cho xã hội chuyển biến nhanh hơn, tốt hơn được hay không còn tuỳ thuộc vào nổ lực của mỗi người Việt yêu nước và có trách nhiệm trên xứ sở mình.

Giàu có hay không là do mình. Đẹp đẽ hay không cũng tự mình. Vấn đề là mỗi người chúng ta ý thức đầy đủ về bổn phận phải làm gì và làm như thế nào để đất nước thân yêu của chúng ta phải đẹp phải huy hoàng như mọi miền xứ sở nơi này nơi kia trên mặt đất này...


“Yêu đất nước không chỉ là một lời nói suông, cũng không là một tiếng nói lên gân bậy bạ.”

Yêu đất nước không chỉ là một lời nói suông, cũng không là một tiếng nói lên gân bậy bạ. Thử bắt đầu bằng một động tác rất nhỏ như đi trồng một cây hoa đẹp trên đường phố chẳng hạn. Hãy yêu thương quê hương như yêu tình nhân của mình vậy.

(Còn nữa)


Trịnh Công Sơn, 1992


Hình kèm theo : Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ngồi làm thơ tại một quán café ở Montréal. Nguồn : báo Phụ Nữ số 64, ngày 26.08.1992, tr. 5.

Các thao tác trên Tài liệu