Nhớ Lại
Cho bản chép đăng lại dưới đây, chúng tôi đã sử dụng những bản đã lưu lại trên websites chuyên đề TCS, có đối chiếu với bản in lại từ SGGP (số 30/04/1993) trong quyển "Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ", tr.18-20, nxb Trẻ (2001), và đã sửa một vài lỗi typo thấy được hay tưởng thấy được. (PvĐ, 25/04/2009).
Mười tám năm. Thời gian đủ để một người con gái sinh ra, lớn lên và trở thành hoa hậu trong một cuộc thi nhan sắc vóc dáng hình hài của thành phố. Tôi ngồi ở bàn giám khảo trong vài cuộc thi hoa hậu và nhìn ngắm nghĩ ngợi. Tôi chiêm ngưỡng và không thể nào không nghĩ về thời gian. Mười tám năm, đời làm nên một nhan sắc. Một nhan sắc là một tác phẩm không phải bất cứ nghệ sĩ tạo hình nào cũng có thể làm nên dù trong phút giây đột hứng.
Ði ngược dòng thời gian, tôi thấy em trong bào thai của mẹ. Và tôi, tôi ở trong bào thai của một xã hội, một chế độ hoàn toàn lạ lẫm với tôi. Em thì được sinh ra nhưng tôi thì lại được tái sinh trong một cuộc đời khác. Trong hội họa cũng đã từng có thời kỳ phục hưng. Renaissance. Ðược sinh lại một lần nữa cũng có nghĩa là được sống lại một lần nữa và cũng có nghĩa là được đầu thai vào một kiếp khác. Em bỡ ngỡ khóc tiếng đầu đời và tôi cũng bỡ ngỡ cười khóc tiếng đầu đời. Em là đứa bé và tôi cũng là đứa bé. Chỉ khác một điều là em thì hồn nhiên thơ mộng còn tôi thì thấp thoáng lo âu.
Em thả đời em lớn lên như cây cỏ xanh tươi đôn hậu mỹ miều còn tôi thì cũng cứ thả đời tôi như con thuyền không lèo lái.
Ngày ấy, cách đây mười tám năm, tôi đứng ở một bờ bến khác. Tôi gọi con đò, con đò dừng lại và chở tôi đi. Sau giờ phút ấy, điểm khởi đầu của mười tám năm sau, tôi ngần ngại không dám gọi đò. Em tập tễnh bước đi. Tôi ngần ngại bước đi. Em không sợ ngã nhưng tôi thì lại sợ vấp ngã. Em không né tránh. Em thơ thới hân hoan còn tôi thì dè dặt. Mỗi bước chân tôi là vụng về e ngại. Là tự nhủ, băn khoăn.
Ngày ấy xa rồi. Em lớn lên và tôi cũng đã lớn lên. Em yêu đời và tôi cũng yêu đời. Chỉ khác một điều là tôi già dặn mà em thì non nớt. Cái non nớt đáng yêu và cái già dặn đáng ghét.
Ðôi khi tôi tự hỏi: Có phải tôi là kẻ hạnh phúc hơn nhiều người ? Không phải bất kỳ ai cũng có thể sống trong một đời dưới nhiều hình thái xã hội khác nhau. Tôi là ai vậy ? - Tôi, hình như, đã có lúc mang thân phận chiến tranh, rồi hòa bình, rồi tư sản và rồi cộng sản. Cái lý lịch đa mang này cũng đủ để tôi tự thấy mình là một loại công dân ngoại hạng.
Ngoái nhìn lại, mười tám năm, hun hút sâu như một lối đi biền biệt, một con đường xa ngái, tôi bần thần nhận ra mình là một kẻ khác. Một kẻ khác mà vẫn là mình, không xa lạ, không oán hờn, không hề có một chút trách móc tự thân. Mà lạ thay, giờ phút này tôi lại hân hoan cười đùa về một thứ số phận gần như muốn đùa cợt tôi trên những dặm đường tưởng như không có thật. Tôi đi trồng và gặt lúa. Tôi đi trồng khoai, sắn, ở Cồn Tiên, trên bãi đất chằng chịt mìn có thể nổ bất cứ lúc nào ở cửa ngõ Trường Sơn. Tôi đi chợ nấu ăn. Tôi chở bột mì rải trắng cả một con đường như ngày xưa Mỵ Châu làm dấu cho Trọng Thủy. Tôi xếp hàng mua từng điếu thuốc hạng tồi. Tôi lãnh hàng tháng một lóng tay thịt mỡ không đủ cho một con mèo ăn. Và cứ thế nhiều năm, mù mịt. Nhưng có hề gì đâu, vì trên tất cả những vụn vặt, nhiễu nhương đó là Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Là tình yêu chan chứa, là những mặn nồng mà cả một cuộc đời ngày trước chưa bao giờ được đời trao tặng một cách rộn rã, đậm đà và lộng lẫy đến như vậy.
Tôi đã yêu cuộc đời hơn bao giờ cả. Tôi yêu cuộc sống và cuộc sống cũng mở hết vòng tay cho tôi.
Mười tám năm, em đã là xứ sở, em cũng là quê hương. Tôi cũng đã là một thành phần nhỏ bé của xứ sở, của quê hương. Những gì đẹp nhất thuộc về em và cũng thuộc về tôi. Em và tôi là những phân tử không thể tách rời của đất nước này. Ðừng mơ ước gì xa xôi bởi vì giấc mộng của chúng ta là có thật hoặc sẽ có thật trong bờ cõi nhỏ nhắn nhưng đôn hậu và tình tứ này.
Tôi mở lòng tin vào tương lai. Tôi tự nhủ mình không bao giờ lập lại những điều đã cũ. Ðừng để hồn mình mòn đi vì những tổn thương tưởng có thật mà không thật. Tôi đã từng bị chẻ ra làm nhiều mảnh trên quê nhà nơi tôi sinh ra nhưng tôi loại bỏ hình ảnh đó bởi vì với tôi, cái xấu, cái ác không bao giờ có thật. Vì thế cái tình yêu đất nước quê hương trong tôi không có gì làm suy suyển được. Tôi đã trầm tư trong nhiều ngày tháng để tập cho mình giữ được lòng vô ngại, tính vô ưu trước mọi đắng cay. Không thể có một thứ bạo lực nào khiến em có thể xa lìa đất nước. Sự phản bội còn mạnh hơn bạo lực. Và chỉ có sự phản bội mới làm ta xa lìa nhau. Còn bạo lực thường không có một đời sống lâu dài.
Cái dòng sông mười tám năm ấy đã làm nên em mỹ miều xinh đẹp và đồng thời cũng đã cuốn đi hết trong tôi những vướng mắc cuối cùng. Sống mà không còn biết đến oán hờn thì đương nhiên là hạnh phúc quá. Tôi biết tôi hạnh phúc mà có lúc không biết chia sẻ với ai. Tôi tin rằng sẽ có lúc tất cả mọi người đều cảm thấy mình thật sự hạnh phúc khi biết xóa đi cái biên giới thù nghịch trong lòng mình. Hai con người cùng màu da cùng xứ sở gặp nhau nơi này hoặc nơi kia, mà không vồ vập yêu thương nhau là điều vô nghĩa. Mười tám năm có người ở lại có kẻ ra đi nhưng cái biên giới địa lý ấy làm sao có thể gây chia lìa những tình cảm trong sáng trong mỗi con người được. Cứ mỗi ngày tôi càng thấy yêu cuộc đời hơn. Yêu cuộc đời cũng có nghĩa là yêu cái tuổi mười tám trên cơ thể của một đất nước nguyên vẹn. Từ Bắc vô Nam đi nơi nào cũng có thể tìm được tình yêu. Chỉ có thần thoại mới làm được công việc đó. Ðã hết rồi cái ngàn năm, trăm năm, ba mươi năm chia lìa loạn lạc. Em còn mơ ước gì nữa. Em mười tám tuổi, em là hạnh phúc. Tôi chia buồn với tôi vì tôi có một hạnh phúc ngắn ngủi hơn em. Nhưng có hề gì, cuộc đời còn dài lắm cho em, và tôi thì không cần thắc mắc. Tôi đã sống đủ và làm đủ những gì cần thiết. Chỉ tiếc là không còn nhiều thời gian để làm những gì lợi ích cho đời. Ðời sống thì đẹp và rộng dài quá, còn đời người thì hạn hữu. Biết làm sao bây giờ.
Viết bài này như một tấm thiệp mừng mười tám năm nhan sắc lừng lẫy. Cám ơn tuổi mười tám của Việt Nam.
Trịnh Công Sơn
SGGP số 30/04/1993
Các thao tác trên Tài liệu