Bạn đang ở: Trang chủ / Thơ-Văn / Thư viết từ Montreal không gửi

Thư viết từ Montreal không gửi

- Webmaster cập nhật lần cuối 15/10/2009 15:40
Trịnh Công Sơn, Montreal 1992.

Thư viết từ Montreal không gửi

Mỗi ngày ở Montreal của mình là một ngày phố xá. Sáng thức dậy muộn vì đêm nào cũng bè bạn anh em ngồi đến ba bốn giờ sáng. Thức dậy chưa kịp tắm rửa đã nghe phone reo. Không phải phone của cô nào cả mà của người bạn giáo sư dạy toán ở Đại học Montreal. Từ ngày mình qua anh Q. gần như bỏ lớp, vả lại cũng sắp hè. Cái cung cách thầy trò ở bên này cũng hay hay. Có quán cà phê Campus ở gần đại học, ở đó gần như là quán ăn uống của sinh viên. Bọn mình hay ngồi ở quán này để sinh viên cần thắc mắc gì về cái thèse sắp ra trường thì sang hỏi anh ấy : Thầy trò mày tau chi tớ với nhau như bạn về cái thèse doctorat. Anh Q là directeur de thèse. Họ chơi với nhau thân tình và mình nhìn thấy trong mối giao lưu giữa người với người có rất rõ ràng cái khía cạnh của lòng nhân ái.

Có một lần, một người bạn khác cũng là giáo sư toán kinh tế ở Đại học Laval Québec về Montreal thăm. Mấy anh em ngồi lại với nhau ở quán Faubourg đường St Denis. Nhìn ngắm dân québécois đi lại trên phố mặt mày ai cũng hồn nhiên như trẻ thơ. Mình hỏi người bạn : ông ở đây đã mấy chục năm, ông có thấy dân ở đây hồn nhiên vô tư lự và dễ thương không ? Anh bạn dạy học, đồng thời cũng là người làm thơ, cười cười : Cái thành phố không có anh hùng nó sản sinh ra loại người như vậy đó toa ạ ! Thế là tất cả chúng mình luận quanh cái đề tài ấy. Đi trong một thành phố như Montréal rõ ràng là mình cảm thấy nó không nợ nần gì với quá khứ. Mình sang đây gặp đúng mùa kỷ niệm Montreal được 350 tuổi. Họ còn trẻ quá nên họ sung sướng là phải. Thời gian này Canada, cũng như mọi nơi, đang rơi vào thời kỳ kinh tế suy thoái. Mọi người dân lại phải đóng thêm hai thứ thuế trên mỗi món hàng mua sắm. Nặng nề là thế mà mặt ai cũng phơi phới hân hoan.


“Đi là cái quyền tối thiểu của mỗi con người tự do. Ở Montreal, nhà nước được sắm ra là để cho phép chứ không phải để cấm.”

Gần như quán hàng ở trên những phố chính như St Denis, St Laurent, Duluth v.v… mình đều có đến ngồi cả. Không có gì vui bằng ngồi một chỗ mà ngắm người qua lại. Dân du lịch đến đây cũng khá đông. Phần đông là dân Anh và Pháp. Dân châu Á thì hình như chỉ có người Nhật. Có lẽ người Nhật học lóm được câu nói khôn ngoan ngày xưa của dân mình nên đi đến bất cứ xứ sở nào cũng gặp người Nhật cả : Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Tuổi trẻ đi cho biết không nói gì mà ngay cả người già cũng đi. Một hôm ở Vieux Montreal mình cùng người bạn đang đi lang thang ngắm trời ngắm cảnh gặp hai cô bé Nhật. Họ đưa máy ảnh nhờ chụp giùm hai người đứng trước một nhà thờ cổ. Sau khi chụp hình xong mình hỏi : Xin phép đi du lịch có khó không ? Cả hai ngơ ngẩn không hiểu : khó là gì ? Cắt nghĩa mãi họ mới hiểu ra : “Ai muốn đi thì cứ đi bất cứ lúc nào”. À, thế là mình chợt nhớ lại một điều rất cũ kỹ là con người có đôi chân thì cứ lúc nào muốn đi thì đi. Mạnh khỏe thì đi xa. Ốm yếu thì đi gần. Đi là cái quyền tối thiểu của mỗi con người tự do. Ở Montreal, nhà nước được sắm ra là để cho phép chứ không phải để cấm.


“Những thứ tự do vô lại như thế thì không ai ngăn cấm cả. Làm một điều tốt thì phải xin phép nhưng làm điều bậy thì tha hồ.”

Có nhiều đêm trời mưa, xe chạy qua nhiều khu phố trông giống như một vài nơi ở Sài Gòn. Thấy nhớ kỳ lạ. Thường những lúc ấy trong đầu lại nảy sinh những phác họa tương lai lộng lẫy cho thành phố mình. Không hiểu sao dạo này mình hay lẩm cẩm như thế. Đi qua Amsterdam, Singapore, dù không muốn, cái đầu vẫn cứ gán ghép một Sài Gòn vào những hình ảnh đẹp đẽ nhất của những xứ sở đó. Giá như Sài Gòn có thêm cái này, có thêm cái kia v.v… Nếu mọi người có ý thức, xem thành phố mình ở như căn nhà riêng của mình thì có lẽ thành phố sẽ đẹp lên một cách dễ dàng. Có người bạn là một nhà khoa học nghiên cứu về bụi, làm việc ở Pyrénées, đã có lần than thở : Chưa có thành phố nào trên thế giới này mà lại không thấy chim như ở Sài Gòn. Nghe đau khổ thật. Mình nghĩ rằng không phải chỉ vì ô nhiễm mà vì mấy thằng vô ý thức cứ ngày ngày mang súng Tiệp đi bắn chim trong thành phố. Những thứ tự do vô lại như thế thì không ai ngăn cấm cả. Làm một điều tốt thì phải xin phép nhưng làm điều bậy thì tha hồ. Đi xe đạp nghênh ngang lấn đường sá cũng là một thứ tự do đương nhiên. Cái gì rồi cũng thành thói quen cả. Chúng mình thật bất hạnh là đã nhiễm dần những thói quen xấu mà không còn phản ứng nữa.

Ở đây người đi xe đạp cũng khá nhiều. Vào mùa xuân là thành phố bắt đầu chặn riêng những lối đi cho xe đạp. Họ đi như một môn thể thao. Có những chiếc xe lên đến trên hai nghìn đôla. Xe hơi thì hằng hà sa số.


"Mình gặp tuyết rồi. Thích lắm. (...)
Tối hôm ấy mình về vẽ ngay một bức tranh Thiếu nữ tuyết. Lần đầu tiên cầm trong tay một nắm tuyết trắng tinh như vậy mình mới hiểu thế nào là màu trắng. Không vẽ ra được cái màu trắng ấy(*). Không hiểu một tâm hồn trong trắng thì cái trắng ấy như thế nào."


(*) Chúng tôi cũng không chụp được cái màu trắng ấy. (PvĐ).

Mình gặp tuyết rồi. Thích lắm. Mặc lạnh cóng, mình cứ ngang tàng đi trong bão tuyết. Hôm ấy có cả Đinh Cường (họa sĩ) từ Washington D.C. sang. Những lọn tuyết tròn lớn hơn nắm tay chỉ vài phút sau là đã phủ trắng xóa cả cây cối, xe cộ, và đường phố. Tối hôm ấy mình về vẽ ngay một bức tranh Thiếu nữ tuyết. Lần đầu tiên cầm trong tay một nắm tuyết trắng tinh như vậy mình mới hiểu thế nào là màu trắng. Không vẽ ra được cái màu trắng ấy. Không hiểu một tâm hồn trong trắng thì cái trắng ấy như thế nào. Lúc mình cầm nắm tuyết vào quán cà phê ở góc phố thì cô bạn Anna cười bảo : Các anh lãng mạn quá. Mình hơi ngượng nhưng cũng nói lại : Không có sự lãng mạn có lẽ chúng tôi không tồn tại nổi đến hôm nay đâu.

Có quá nhiều điều để nói về thành phố này. Một thành phố dễ ở và dễ thương. Những con người hiếu khách và độ lượng. Không ai nổi giận với ai. Chỉ có nụ cười và một cách sống dễ dàng ngoạn mục hơi thoáng vẻ bohémien.

Một điều rất hay là khi hòa nhập với cuộc sống nơi này rồi thì mọi nỗi buồn tan biến. Sự tử tế giữa con người với con người làm mình tin rằng điều tốt là một cái gì có thể thực hiện được giữa cuộc đời này. Không có gì quan trọng cả và vì thế cũng không có gì đáng phải nản lòng.

Thành phố đang chuẩn bị cho Festival de Jazz vào mùa hè. Đã có những tiếng kèn saxo vang lên từ những hè phố. Đời sống sao mà vui vậy. Chỉ có lễ lạc và những trái tim không bóng tối.


Montreal 1992
Trịnh Công Sơn

Nguồn : "Tuổi trẻ chủ nhật", số 31 (09/08/1992), tr. 16.

Các thao tác trên Tài liệu