Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Vĩnh biệt anh Sơn / Anh Trịnh Công Sơn và tôi

Anh Trịnh Công Sơn và tôi

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
Thanh Hải - Cộng hoà Liên bang Đức, giữa tháng 4.2001

Mùa hè năm 2000, tôi chưa có ý định về thăm lại quê hương. Nhưng vợ con và bạn bè cứ rủ mãi, nên cuối cùng tôi cũng quyết định về thăm gia đình và bạn bè một chuyến.

Không ngờ đó cũng là lần cuối gặp lại anh Sơn, đi hát cùng anh, trò chuyện, vui cười... Anh đã ôm tôi từ giã trong vòng tay gầy guộc của anh tại Hội Văn Nghệ TP HCM trước ngày tôi trở về Đức. Chúng tôi còn hẹn sẽ gặp lại nhau tại Toulouse, nơi mà các bạn Liêm, Hương, Đỉnh, Thủy, anh chị Hớn, Trần Bích Thủy, Nguyễn Thanh Vân... và rất đông bạn bè bên ấy đã nhiều lần mong đợi có dịp đón tiếp anh.

Giờ đây khi được tin anh mất, tôi sững sờ và quá xúc động. Thương tiếc và buồn bã khiến tôi không nói nên lời. Tôi biết rằng những người bạn trong anh em chúng tôi cũng đang âm thầm khóc anh. Anh Sơn ơi, anh đã đi thật rồi sao?

Tôi muốn viết thật nhiều về anh, nhưng biết bắt đầu từ đâu ? Tâm tư tôi đang ngổn ngang nhiều nỗi, tôi không ngồi yên để viết được. Hôm nay, nỗi buồn đã thấm dần và lắng đọng, tôi mới yên tĩnh để bày tỏ những gì tôi nghĩ về anh.

Trong tâm trạng một người em đã có thời chia sẻ với anh những vui buồn, những cảm nghĩ vu vơ trong tình yêu, thân phận con người, quê hương trong giai đoạn khó khăn ngày ấy, lòng tôi bùi ngùi đau xót khi cảm nhận rằng mình đã thực sự mất anh...

Với tôi, anh Trịnh Công Sơn không chỉ là một người anh, một người thầy, mà còn là một người bạn rất dễ thương, mặc dầu anh lớn hơn tôi mười tuổi. Tôi chưa hề thấy anh bực mình, hoặc tỏ vẻ khó chịu khi tôi hát nhạc của anh mà có lúc quên lời, tôi "chế" ra theo cảm nghĩ của mình, và mỗi lần nghe được, anh chỉ mỉm cười khoan dung nhắc lại lời anh Trương Thìn đã nói: "Nhạc sĩ là người sáng tác, mà ca sĩ lại là người sáng tác lần thứ hai, phải không Thanh Hải?"

Rất tiếc tôi không về gặp được anh để cùng uống với anh ly trà từ biệt, vì nghe đâu trong những ngày tháng cuối của cuộc đời anh chỉ uống trà, theo như lời anh Sâm Thương kể lại : "Sơn không uống rượu nữa, chỉ được uống trà. Những bạn bè thân thuộc không nỡ để Sơn uống trà một mình, nên cũng đã ngồi nhấm trà cùng anh"...

Tôi sinh ra tại miền Trung, mảnh đất nơi tôi lớn lên cùng chiến tranh và nghèo đói. Giai đoạn cuối của những năm 1960, tôi cũng như bao nhiêu người thanh niên khác, sống trong khắc khoải lo âu của cuộc chiến, chán nản và tìm đủ mọi cách để trốn tránh. Rồi tình cờ một hôm trốn học, tìm một góc ấm cúng trong một quán café, nghe tiếng hát của anh Sơn và Khánh Ly qua cuộn băng Ca khúc da vàng, tôi đã tìm được cho tâm hồn mình một lối thoát. Tôi đã cảm nhận được những dòng nhạc của anh từ đó.

Tiếng hát và lời nhạc của anh thấm dần trong tôi từng ngày theo cuộc chiến, và cũng từ đó tôi thường ôm đàn hát những lời của anh, khi tiếng súng xa xa vẫn vọng về. " Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe... Một buổi sáng mùa xuân, một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, xác không còn đôi chân, em thơ ơi chiều này trường học lại, trong sân chơi bạn và thầy im lời, bài học về yêu thương trên giấy mới, sao hôm nay nét mực đã phai ? "... Ôi những lời nhạc tha thiết của anh, anh đã nói dùm tôi, nói dùm mọi người. Tôi không nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ đựơc gặp anh. Cuộc sống mong manh quá...!

Cuộc chiến cứ kéo dài mãi và đời sinh viên ở Sàigòn mang nặng những chán chường.

Mùa xuân năm 1975 tôi về lại miền Trung mà lòng vui như hội, vì từ nay chiến tranh đã chấm dứt. Ước mơ hoà bình đã thành sự thật. Lời hát của anh vang vọng khắp nơi. Sau đó tôi trở lại Sàigòn và đi hát đó đây cùng các bạn.

Năm 1976 tôi gặp lại anh Phạm Trọng Cầu - người nhạc sĩ tôi quen trước đây tại phòng âm nhạc của viện đại học Vạn Hạnh - lúc ấy tôi đang sinh hoạt trong đoàn văn nghệ Vạn Hạnh dưới sự đảm trách của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Một hôm, không nhớ là ngày tháng nào, có lẽ duyên hội ngộ đưa đẩy, anh Phạm Trọng Cầu đã đưa tôi đến gặp anh Trịnh Công Sơn tại Hội Văn Nghệ. Tôi vẫn nhớ hôm gặp gỡ đầu tiên ấy, anh Cầu bảo anh Sơn: mày ngồi đây nghe Thanh Hải hát thử bài này, và tôi đã hát :

Đi về đâu hỡi em khi trong lòng không chút nắng
giấc mơ đời xa vắng, bước chân không chờ ai đón
Đời nhẹ nâng bước chân em về lại trong phố thênh thang
Những buồn xưa sẽ quên, hãy yêu khi đời mang đến
một cành hoa giữa tâm hồn...

Đó là bài Đời gọi em biết bao lần, nhạc phim mà anh vừa sáng tác. Từ đấy chúng tôi quen nhau. Hình như đã có một sự cảm thông nào đó không nói được ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy.

Nhạc của anh Sơn viết lúc đó rất bị hạn chế, đôi khi còn bị chặt đầu chặt đuôi để bình phẩm, lên án. Chẳng hạn bài Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui: tại sao mỗi ngày lại chọn một niềm vui? Tại sao mỗi ngày lại chọn một đường đi? Rồi tại sao : "em ra đi nơi này vẫn thế?" Phải tốt hơn chứ!...

Thời điểm ấy thật là khó khăn và khốn đốn !

Hai anh em tôi lúc ấy hầu như ngày nào cũng gặp nhau : sáng uống café ở Hội Văn Nghệ, trưa về khách sạn Bông Sen uống bia cùng anh Nguyễn Quang Sáng, anh Muộn, tối nếu không đi hát cùng nhóm, thì tụ về nhà anh Sơn ngồi chơi, uống rượu, hát nghêu ngao với những người bạn, đa số là các bạn từ xa về. Có nhiều đêm tôi đang nằm nhà, sắp đi ngủ thì nghe tiếng anh gọi trước cửa. Biết ngay là anh đang cần, tôi vội chạy xuống để chở anh về tận nhà. Đó là những lúc anh chỉ còn biết "chỉ có ta trong cuộc đời mà thôi"...

Nhóm "giới thiệu sáng tác mới" cũng ra đời trong khoảng thời gian đó. Lạ một điều là nhóm thuộc hội Trí Thức Yêu Nước, chứ không thuộc hội Văn Nghệ, mặc dầu những người trong nhóm hầu hết đều là nhạc sĩ của hội Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm sinh hoạt rất vui, và chúng tôi thường được mời đi đây đi đó hát. Những bài hát thường là những sáng tác mới của các anh Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Trương Thìn, Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Miên Đức Thắng, Nguyễn Nam, Lâm Cao Thanh, nhà thơ Lê Thị Kim..., với tiếng sáo đệm của Nguyễn Phước, Tân đánh trống, Thanh đại hồ cầm. Các anh thường tự đàn và hát những sáng tác của mình. Ca sĩ thì có Tường Vi, Thanh Hậu, tôi, và một vài bạn khác nữa. Nhóm được nhiều khán giả yêu chuộng, và mỗi lần đi lưu diễn chúng tôi đều được tiếp đãi rất là ưu ái. Thời gian ấy tôi thường hát nhạc của anh Trịnh Công Sơn : Đời gọi em biết bao lần, Cánh chim cô đơn, Em đến tự nghìn xưa, Vì tôi cần thấy em yêu đời, Chiều trên quê hương tôi, Một cõi đi về, Tôi vẫn nhớ... Thỉnh thoảng tôi lại xé rào với sự chấp thuận của anh Trương Thìn - bác sĩ kiêm nhạc sĩ, phụ trách điều khiển chương trình của nhóm - hát lại những tình khúc cũ của anh Trịnh Công Sơn tại hội Trí Thức Yêu Nước. Nhóm đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó phai mờ.

Thời gian sau đó là những ngày đất nước càng khó khăn thêm. Số người ra đi ngày càng nhiều. Bài hát Em còn nhớ hay em đã quên được anh Sơn viết ra đúng ngay vào lúc ấy.

Đây là một bài hát mà tôi thật là khó quên. Vào dịp ấy hội Văn Nghệ Việt Nam lần đầu tiên từ Hà Nội vào Sàigòn tổ chức 3 ngày ca nhạc tại rạp Rex. Tôi được mời hát trong những buổi hát đó. Trước ngày trình diễn một hôm, tôi gặp anh Trịnh Công Sơn đang chạy chiếc xe PC trong một buổi trưa nắng gắt trên đường, gặp tôi anh khoe liền: "Mình vừa mới viết xong một bản nhạc, đi theo mình về nhà tập thử!". Thế là hai anh em kéo nhau về nhà anh bỏ cả ăn trưa để tập bài hát mới.

Thú thật, nhìn bản nhạc còn ướt mùi mực, dài ơi là dài mà lòng tôi ngao ngán, bởi vì ngày mai phải hát xuất đầu tiên rồi, làm sao mà thuộc cho hết!... Nhưng sau đó, lời nhạc đã cho tôi một nỗi cảm xúc thật sự, những hình ảnh trong bài đều rất thực đối với tôi.

Em còn nhớ hay em đã quên, nhớ Sàigòn mưa rồi chợt nắng, nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân, nhớ mặt đường vàng hoa như gấm...

Dường như đây cũng là những cảm nghĩ của tôi. Có lẽ anh đã viết bài này để tặng tôi chăng? Bởi vì dầu tôi không nói, nhưng anh đã hiểu được rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ ra đi...

Tôi đã diễn đạt bài này một cách tốt đẹp và thành công suốt sáu buổi hát trong ba ngày liền, mặc dầu sau mỗi xuất hát anh Sơn đều đến gặp tôi để đề nghị thêm bớt, sửa đổi một vài chỗ mà anh vừa chợt nghĩ ra, đắc ý hơn. Có một điều vui là, vì bài hát mới và dài, nên đôi lúc tôi cũng không nhớ hết được, có khi đã phải tự ứng biến vài nơi, nhưng anh Sơn không hề quở trách. Bài hát đã gây ra một giao động không nhỏ trong dân chúng Sàigòn lúc ấy. Khán giả cho biết họ đã cảm xúc thật sự khi nghe bài này và trong rạp đã có nhiều người lau nước mắt...

Cuối năm 1981, tôi cũng ra đi. Mười một tháng nằm trên đảo, tôi vẫn hát nhạc của anh cho bạn bè nghe, nhưng trong lòng mang một tâm trạng khác.

Sáu năm gần gũi bên anh, hai anh em đã chia sẻ với nhau những tâm tình, vui buồn, xót xa bằng những cảm nhận không cần nói nên lời. Điều đặc biệt ở anh, là anh đã vượt qua được tất cả, anh đã có một tấm lòng bao dung không thù hận, ngay cả với những người đã dèm pha, tìm cách dìm anh xuống trong giai đoạn khó khăn ấy. Có lần anh đã nói với tôi : "Moa biết tất cả, không có gì qua mắt được moa đâu, nhưng thôi kệ..."

Cuộc sống xa quê hương nơi đây đối với tôi thật u buồn và trầm lặng. Tôi nhớ Sàigòn, nhớ đèn đường từng đêm thao thức, nhớ xôn xao hàng quán đêm đêm, nhớ món ăn quen, nhớ ly chè thơm, nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng... Lời hát của anh tôi càng thấy thấm thía hơn.

Có một điều an ủi cho tôi, là nhiều người bạn ở Châu Âu này rất yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn. Họ thường mời tôi đến để hát những bài hát của anh, và nhờ đó chúng tôi có dịp quen thêm bạn bè ở Paris, Toulouse, Lourdes, Lyon, Bruxelles, Liège, Genève, Fribourg, Lausanne, Stuttgart, Muenchen, và các tỉnh khác ở Đức. Tôi đến với anh em bằng tâm tình của một người bạn, không khách sáo, không chính trị, không thương mãi. Cám ơn những người bạn với tâm hồn văn nghệ thật dễ thương và thoải mái, đã cho tôi và An những tình cảm thân quý, những ngày vui trong cuộc sống tha hương này. Cám ơn anh Trịnh Công Sơn và những bài hát tuyệt vời của anh.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được mình. Một số người cho rằng, anh Trịnh Công Sơn không chịu ra đi là vì anh theo cộng, tôi hát nhạc của anh tức là tôi cũng thiên cộng. Có báo còn viết rằng, Hànội đã gởi tôi ra nước ngoài hát nhạc Trịnh Công Sơn để ru ngủ kiều bào tại hải ngoại.

Ôi cuộc đời thật là phức tạp..!

Tết 1989 tôi về thăm lại quê hương. Gặp lại anh Sơn, tình cảm giữa chúng tôi vẫn thắm thiết, vui vẻ. Nhiều người yêu cầu tôi cho nghe lại những bài hát của anh, dù chỉ một bài, nhưng tôi không hát. Tôi đến thăm anh nhiều lần, lần nào cũng gặp nhiều văn nghệ sĩ và nhiều người anh chưa hề quen biết từ Hà nội vào ngồi uống rượu cùng anh. Anh cho biết lúc này anh thích hoạ. Anh chỉ cho tôi những bức hoạ mà anh đã sáng tác.

Cũng mùa hè năm ấy, tháng 6.1989, tôi được Nhà Việt Nam tại Paris, qua thơ mời của anh Bạch Thái Quốc, sang Paris để gặp anh Trịnh Công Sơn và hát với anh một đêm. Thật là cả một điều vui mừng và bất ngờ đối với tôi, vì Tết vừa rồi không nghe anh nói gì về chuyến đi này cả.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói đầu tiên tại Paris của anh Sơn khi gặp lại tôi trong quán tối hôm ấy: "Thanh Hải chạy đi đâu cũng không thoát khỏi moa, ...và toa biết không, khi moa vừa đặt chân xuống phi trường Charles de Gaule thì cả phi trường đều tắt điện đón chào moa...", rồi anh cười thích thú. Hôm ấy chúng tôi ngồi chung thật là đông vui, ấm cúng, có các anh Bửu Ý, Bạch Thái Quốc, Phạm văn Đỉnh, Yoshii Michiko - cô bạn người Nhật của anh Sơn, Như An, và nhiều anh chị em khác nữa. Chúng tôi đã cảm nhận được một hạnh phúc êm ái khi gặp lại nhau, ngồi bên nhau, chuyện trò với nhau giữa thủ đô nước Pháp - một dịp vui bất ngờ và hiếm có. Hôm sau hai anh em đã cùng nhau chọn lại những bài hát để chiều hôm ấy hát tại Nhà Việt Nam. Bây giờ nhìn lại những tấm hình kỷ niệm lần gặp gỡ đó, tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc...

Vừa rồi đài phát thanh tại Paris đã gọi điện thoại qua phỏng vấn tôi, khi nghe tin anh Trịnh Công Sơn qua đời tại Sàigòn. Anh Dũng đã hỏi tôi về những kỷ niệm giữa tôi và anh Sơn, vì sao tôi thích hát nhạc của anh, tôi đã quen anh Sơn từ lúc nào, lần gặp anh Sơn tại Paris năm 1989 đã để lại ấn tượng gì trong tôi và anh Sơn. Thú thật, lúc đó tâm hồn tôi dao động quá, những cảm xúc và buồn bã trong tôi, tôi không bày tỏ được. Sự mất mát đến quá nhanh, tôi chưa nói được gì...

Lần gặp ở Paris mới đó mà đã mười hai năm trôi qua rồi. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm đó cũng là năm Tỵ, năm con rắn. Tấm hình ngày đó anh cười thật tươi. Năm nay, tình cờ Như An lại chọn tấm hình ấy để làm lịch cho năm Tân Tỵ 2001. An in làm hai tấm, một cho tôi và một gởi về tặng anh Sơn nhân dịp sinh nhật 28.2 của anh. Tôi nhờ bạn tôi, anh T.Q. Sen trong dịp về Việt Nam đến thăm và trao dùm cho anh. Những ngày đó nghe đâu anh không được khoẻ, bạn bè muốn gặp anh đều được hẹn qua lần khác, vì anh cần yên tĩnh nghỉ ngơi.

Anh Sơn ơi, không ngờ mùa hè năm 2000 vừa qua lại là lần cuối cùng từ giã anh ! Tôi còn nhớ rõ như in những ngày hè tháng bảy vừa qua tại Sàigòn, tôi và Như An, Trương Hồng Liêm, Kim Hương thường gặp anh, ngồi uống nước quanh cái bàn nho nhỏ ở Hội Văn Nghệ, có cả anh Hoàng Hiệp, Sâm Thương, Trần Long Ẩn, Trần Tiến, Phạm Văn Hạng, Huỳnh Phi Long cùng một vài người bạn khác... Hôm sau lại gặp nhau ở câu lạc bộ Nghệ Sĩ, hôm khác lại đi ăn ở quán Ba Miền. Những hôm ấy anh nói nhiều câu thật tếu, làm cả bọn cười vang. Chúng tôi "hơi bị vui" như lời anh nhận xét, và cảm thấy hạnh phúc nhẹ nhàng làm sao.

Nhớ nhất là đêm văn nghệ hôm thứ sáu 21.7.2000 tại Saigon Times Club. Trong không khí thân mật cùng bạn bè từ Đức, Pháp về Việt Nam thăm nhà và nhóm bạn anh Võ Như Lanh, chủ nhiệm tờ Kinh Tế Thời Báo, theo lời mời của anh, sau mười chín năm đây là lần đầu tiên tôi hát lại tại Sàigòn. Trong đêm ấy, anh Trịnh Công Sơn đã cùng tôi hát rất nhiều. Anh đã thật sự cảm hứng và tự động bước lên sân khấu, một cái bục nhỏ và thấp, rất thân tình, anh đã hát một cách say mê, đầy cảm xúc. Đó là một điều thật ngạc nhiên, vì như các bạn cho biết, những năm gần đây hầu như anh chưa bao giờ hát nhiều và hát say mê đến như vậy.

Bài cuối cùng, anh ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh tôi, trên bục sân khấu nhỏ, anh nói với chúng tôi rằng : "Bây giờ mình sẽ tặng Như An và Thanh Hải một bài hát. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù bất cứ nơi đâu, Như An và Thanh Hải cũng đừng bao giờ tuyệt vọng". Rồi anh hát, mắt nhắm lại như gởi tất cả tâm hồn vào đó :

Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi, và tôi cũng là em
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một cõi đời riêng
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh...

Tôi đang khóc khi viết lại những dòng này. Tim tôi đang thổn thức. Anh Sơn ơi, sẽ không bao giờ tuyệt vọng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lời của anh tôi sẽ còn hát mãi, hát mãi và nhớ mãi ...

Thanh Hải
Cộng hoà Liên bang Đức, giữa tháng 4.2001

Các thao tác trên Tài liệu