Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Cảm nghĩ về Đêm Trịnh Công Sơn

Cảm nghĩ về Đêm Trịnh Công Sơn

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
Hoài Văn, 1989.
Đêm Trịnh Công Sơn
Toàn cảnh cave Nhà Việt Nam.


Từ lâu, bà con kiều bào vẫn ước ao được tiếp đón và gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì nay cơ hội đã đến: Trịnh Công Sơn đã sang Pháp, và ngày thứ bảy 27-5 vừa qua anh đã có mặt tại Nhà Việt Nam để khai mạc triển lãm mười ba họa sĩ Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó tham gia đêm ca nhạc mang tên mình.

Nhìn con người gầy gò, nước da sạm đen ấy, tôi chợt nhớ lại lần đầu tiên được thấy mặt anh trên màn ảnh vào khoảng những năm 70, trong một đoạn phim tài liệu đen trắng nói về cao trào đấu tranh của sinh viên và học sinh ở các đô thị miền Nam. Hình ảnh Trịnh Công Sơn đứng hát và đệm đàn ghi-ta trước đám đông sinh viên và học sinh trong đoạn phim đó đã để lại cho tôi một ấn tượng khó quên. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được nghe chính Trịnh Công Sơn hát. Đối với tôi, lúc đó, hiện tượng Trịnh Công Sơn là một cái gì thật mới mẻ và đã đến đúng lúc, mặc dầu nhạc Trịnh Công Sơn không phải là nhạc “đấu tranh”, nhưng nó có một sức hấp dẫn kì lạ đối với giới trẻ, dù đó là những ca khúc có hơi hướng “phản chiến”, hay chỉ là những bản tình ca hiền lành.

Nhiều anh chị đến tham dự Đêm Trịnh Công Sơn đã từng ca hát nhạc Trịnh Công Sơn một thời, hoặc ở bên nhà, hoặc ở bên này, tại các trại hè. Có người biết Trịnh Công Sơn từ lúc anh còn hay đi hát cho sinh viên ở Sài Gòn cùng với Khánh Ly.

Một thời đã qua, mặc dầu chưa xa, nhưng bây giờ không còn mấy ai đi trại hè nữa để còn có dịp cùng nhau ca hát. Họa chăng chỉ còn những dịp hiếm hoi như đêm ca nhạc này.

Đêm Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn và Thanh Hải.

Những người ở “bên này” hay “bên kia” một ranh giới chính trị nào đó đều có thể mê thích được nhạc Trịnh Công Sơn, bởi vì nhạc của anh không có ranh giới, không có bên này, bên kia, không có oán thù.

Nhà văn Nam Chi, ở buổi nói chuyện đầu tiên về nhạc Trịnh Công Sơn cách đây gần hai năm, có nói: "... Dòng văn học Sài Gòn thời đó, nói chung bi thảm. Còn thơ văn của cách mạng là thơ văn "anh hùng". Nhạc Trịnh Công Sơn nằm giữa. Nó vượt qua những bi thảm để xây dựng hạnh phúc bình thường, một nếp sống bình thường...".

Đúng là những ca khúc của Trịnh Công Sơn hay nói đến những nỗi niềm riêng tư, những cảm xúc, ước vọng bình thường của con người, vì đấy chính là những cái gì chung nhất đối với mọi người. Tình Yêu, chẳng hạn, là nguồn cảm hứng dồi dào nhất trong toàn bộ sáng tác của anh. Cho đến ngày hôm nay, Trịnh Công Sơn đã có tới hơn 500 bản tình ca!

Đêm Trịnh Công Sơn, với những lí do đặc biệt đã trình bày ở trên, với một cử tọa gồm toàn là bạn bè cũ và những người hâm mộ nhạc của anh, có lẽ đã là buổi gặp gỡ cảm động nhất từ trước đến nay ở Nhà Việt Nam. Gọi đây là một "soirée de retrouvailles" thật cũng không quá đáng. Có những người đã lặn lội từ Mỹ, từ Tây Đức qua, nhiều người từ dưới tỉnh lên, để được nhìn thấy tận mặt tác giả của những bài hát mà mình đã từng yêu thích.

Trong lời giới thiệu rất xúc động của nhà văn Bửu Ý, cũng như trong lời phát biểu của nhà văn Nam Chi, hay của anh Nguyễn Ngọc Giao, người ta thấy toát lên một ý, có lẽ mới chỉ là ước vọng: một ngày nào đó, vào một dịp như Đêm Trịnh Công Sơn, tạo được những điều kiện thuận lợi hơn để bà con có thể tham dự đông đảo hơn (Nhà Việt Nam hôm đó đã phải giới hạn số chỗ, nên có nhiều người ghi tên muộn đã không được tham dự).

Đêm Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn và Thanh Hải

Đêm ca nhạc bắt đầu với giọng ca trẻ trung của Thanh Hải trong bài “Như cánh vạc bay”. Lâu nay bà con ở Pháp ít có dịp được nghe Thanh Hải hát. Giọng của anh như có vẻ ấm dịu hơn, già giặn hơn cách đây một hai năm. Thanh Hải hát lại một loạt những bài cũ như: "Một cõi đi về", "Biết đâu nguồn cội", "Chiều trên quê hương tôi", v.v. Trịnh Công Sơn cũng ôm đàn hát một số bài cũ và mới: "Tinh khúc O’Bai", "Cũng sẽ chìm trôi"... Giọng Trịnh Công Sơn mặc dầu có hơi yếu đi, nhưng vẫn còn dẻo dai! Michiko hát "Diễm xưa" bằng tiếng Nhật Bản và tiếng Việt Nam, được thính giả rất hoan nghênh. Phải nghe cô bạn Nhật này hát mới thấy rằng nhạc Trịnh Công Sơn phải hát bằng lời Việt mới thật là hợp, và nhạc của anh có cái đặc biệt là lời và nhạc quyện với nhau, khó có thể tách rời ra được. Trong những ca khúc của anh, lời chiếm một địa vị quan trọng. Trịnh Công Sơn luôn luôn biết làm nổi những lời ca của mình bằng những nốt nhạc, những điệu láy thích hợp với ngôn ngữ tiếng Việt. Nếu bỏ lời đi, nhất là lời tiếng Việt, chắc là nhạc Trịnh Công Sơn không còn đủ yếu tố để hấp hẫn nữa.

Nhưng giọng ca Thanh Hải dù có vui tươi đến đâu cũng không sao làm mất đi nổi cái buồn man mác trong nhạc Trịnh Công Sơn, cái buồn mà một thời đã ăn khớp với giọng hát điều hiu của Khánh Ly.

Tôi vẫn tự hỏi, không biết nỗi buồn này có liên quan gì đến qui luật trong âm nhạc không? Vì tôi nhận thấy trong nhiều bản nhạc, anh hay sử dụng điệu thứ ( mode mineur). Hay nỗi buồn đó chỉ là nỗi buồn cố hữu, tiềm tàng trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam, do ảnh hưởng của những điệu ru con, điệu hò hoặc câu ca vọng cổ? Cũng có thể đó là nỗi buồn nội tâm của người thi sĩ, bắt nguồn từ những đau khổ của dân tộc mấy chục năm qua?

Đêm Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn và Michiko

Nói về ảnh hưởng từ bên ngoài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nam Chi, trong buổi nói chuyện của anh lần trước, có nói đến nhạc blues của người Mỹ da đen. Riêng tôi, khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nhất là giọng hát của Khánh Ly, tôi thường nghĩ đến Joan Baez và dòng nhạc “dấn thân” của những ca sĩ-soạn giả nhạc, mà Joan Baez là một trong những nhà đại diện vào những năm 60-70, cùng với Bob Dylan, Jacques Brel, v.v.

Đêm Trịnh Công Sơn còn tiếp tục khá lâu sau khi Trịnh Công Sơn ra về. Một số anh chị đã ở lại để trò chuyện, liên hoan và thưởng thức món cháo của Nhà Việt Nam! Thanh Hải cũng đã có nhã ý ở lại để đệm đàn cho anh chị em hát.

Cũng nhờ có phần văn nghệ tự do này mà người ta đã khám phá ra những giọng hát nhạc Trịnh Công Sơn rất “mùi”, như chị An, một giọng hát thiết tha, đã chinh phục được cảm tình của nhiều người. Xuân Thư, đại diện cho lớp người đã từng đi trại hè những năm 70, một lần nữa khẳng định tài năng vốn có của mình.Về phía nam giới, có anh Bửu Ý, Bạch Thái Quốc và Vũ Ngọc Cẩn cũng đã được mời ra hát. Chắc chắn trong cử toạ còn nhiều người biết hát và cũng muốn ra hát giúp vui. Nhưng đêm đã khuya rồi, lần sau gặp lại Trịnh Công Sơn ngày 10-6-89, chắc thể nào chẳng có dịp cùng nhau ca hát nữa?.

Hoài Văn
Đoàn Kết, số tháng 5/1989



Cám ơn Việt Thy đã đánh máy lại từ Đoàn Kết, số tháng 5/1989, tr. 18-19. Ảnh trắng đen của T. Huy, từ bản in của Đoàn Kết, ảnh màu từ mạng Patrick Guenin/Le Viet Nam, aujourd’hui và từ Thanh Hải, tất cả do chúng tôi khung lại. Rất tiếc “đêm lịch sử” đó không được trang bị với hệ thống thu băng, ngoại trừ cái radio-casette của Nam Chi thu tự động từ sàn gạch và qua các loa của phòng!

Các thao tác trên Tài liệu