Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Ðêm Hoài Niệm Trịnh Công Sơn

Ðêm Hoài Niệm Trịnh Công Sơn

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/06/2014 18:49
Cao Huy Thuần, 26.05.2001
Cao Huy Thuần

Một tuần lễ sau 49 ngày của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đêm nhạc Một Cõi Đi Về đã được tổ chức tại thành phố Paris. Trong buổi hoài niệm ấy, Cao Huy Thuần - người điều khiển chương trình – đã nói về những "chất liệu" nước nguồn tạo thành dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Chúng là cảm nhận của người nhạc sĩ về cuộc đời, phận người : Đi-Về, Sinh-Tử, Tuyệt Vọng, Kiếp Người, Tình Yêu, Chiến Tranh, đấy cũng là sự hoà quyện vừa mật thiết vừa lung linh giữa không gian, thiên nhiên với xúc cảm con người trong nhà thơ ca họ Trịnh : Mưa và những Gót Chân.

Nhân lần giỗ thứ ba của Trịnh Công Sơn, anh Cao Huy Thuần đã cho phép tcs-forum đi lại bài giới thiệu này cùng với một cái "ghi ngắn" của anh vào ngày TCS vừa mất. Tất cả, như một chút khói hương. [MN]

Một cõi đi về

Bài viết

Ðêm nay, chúng ta hoài niệm Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn mất cách đây 1 tháng 26 ngày. Tuần trước, ở bên nhà vừa làm lễ 49 ngày cho anh. Chúng ta tưởng nhớ đến anh đêm nay không phải là muộn.

Trong Ðêm Hoài Niệm này sẽ có hát TCS và "nói" TCS, nói về lời ca của TCS. Hát, thì nhiều danh ca. Nói, thì côi cút một mình tôi, không nhân danh ai ngoài những người cũng chỉ xin được rong chơi mà thôi.

Ban Tổ Chức đặt tên cho đêm nay là "Một Cõi Ði Về". Vậy tôi xin bắt đầu "nói" về cái tên gọi đó.

Ngay khi TCS mất, hai bài hát tự nhiên được mọi người cùng hát một lúc là bài Cát Bụi và bài Một Cõi Ði Về. Trong đám tang TCS ở VN, kèn saxo thổi bài Cát Bụi khi động quan. Rồi kèn thổi bài Một Cõi Ði Về khi quan tài được đưa ra đến ngõ. Cát Bụi, ý tưởng đó quá quen thuộc, hát tiễn là đúng. Một Cõi Ði Về, tại sao? Tại sao bài hát này trở thành bài hát tiễn đưa?

Nó tiễn đưa ở chỗ nào? Ở chữ nào? Ở hai chữ một cõi chăng? Nhưng như vậy, sống và chết là hai cõi hay một cõi? Làm sao một được! Phải hai cõi chứ! Có cõi sống và có cõi chết. Vậy một cõi ở đây là cõi sống hay cõi chết? Chắc gì là cõi chết. Bởi vì, nếu là cõi chết, thì làm sao có đi và làm sao có về? Ði như thế không phải là đi trớt. Về ở đây không phải là về luôn. Không phải đi trớt, vì mở đầu bài hát, TCS đã tự hỏi: bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Mãi ra đi, nghĩa là còn đi, đang đi, đang đi hoài. Ðã đến đâu! Ði hoài mà không thấy đến, nên TCS lại tự hỏi: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

Ði loanh quanh thì không thể nói là chết được. Huống hồ TCS nói rõ là anh đang đi với đôi vầng nhật nguyệt, với mây che trên đầu và nắng trên vai. Thế thì một cõi đi về chắc chắn không phải là cõi chết mà là cõi sống. Tôi có nhiều lý do để tin rằng chữ "cõi" ở đây là chữ "cõi" trong Nguyễn Du: trăm năm trong cõi người ta.

Vậy tại sao quần chúng hát Một Cõi Ði Về để tiễn TCS ?

Trước hết, âm điệu bài nhạc rất buồn. Kèn thổi như thế không ai cầm được nước mắt. Hơn nữa, hình ảnh của chết phảng phất nơi một đôi chữ, một đôi câu: từng lời tà dương là lời mộ địa; đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy. Ý niệm vòng quanh, vòng tròn, một vòng, bàng bạc trong nhiều bài hát TCS, nhưng ở đây, ý niệm đó trộn lẫn với hình ảnh một bờ cỏ non khiến người hát có cảm tưởng đang thấy hiện ra trong đầu, trong mơ, một nấm mồ mới đắp, một bờ cỏ non một bờ mộng mị…

Tôi hát lại TCS từ khi anh mất và nhiều lúc, rất nhiều lúc, tôi giật mình. TCS như người vừa đứng ở hiện tại vừa linh cảm cùng trong một lúc quá khứ và tương lai. Anh như thấy tiền kiếp réo tên và cái chết vẫy gọi. Tôi lấy một ví dụ trong rất nhiều ví dụ: bài Nối Vòng Tay Lớn mà tuổi trẻ hôm nay đang tôn vinh như một bài hát của tuổi trẻ, một bài hát tươi vui, hùng mạnh, chan hòa sức sống, tràn đầy nhân ái. Tôi không biết các bạn trẻ có để ý không khi hát câu cuối, tôi thì tôi thấy kỳ lạ, rùng mình: nắm tay nối liền biển xanh sông gấm nối liền mổt vòng tử sinh. Có thể cắt nghĩa tử sinh ở đây là con cháu và tổ tiên. Nhưng ngôn ngữ sống chết như thế nơi một chàng trai hăm lăm vẫn kỳ lạ. Một vòng. Vòng tròn sống chết. Tròn như bánh xe lăn.

Vậy thì muốn hát Một Cõi Ði Về để tiễn TCS cũng được thôi. Nhưng đi / về trong TCS không phải là đi về. Ðó là đi và về, cảm hứng hầu như bất tận của TCS. Lúc nào anh cũng đi, lúc nào anh cũng về. Anh đi ở câu trên, anh về ở câu dưới, anh đivề trong cùng một câu:

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Ði lên non cao đi về biển rộng.

Anh đi xuôi với bể sông rồi anh về ngược với suối khe. Tại sao anh xuôi ngược như vậy? Tại vì anh hoang mang không biết phương hướng, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà. Quê nhà là nơi anh sẽ đến, nghĩa là cõi chết? Hay quê nhà là lúc nguyên thủy anh vừa sinh ra, là cõi sinh? Quê nhà là tiếng gọi yêu thương đang trêu ghẹo? Hay là hoang vu ngọn gió thổi suốt trăm năm?

Tôi nghĩ đêm hoài niệm này, khi lấy tên Một Cõi Ði Về không có ý tiễn TCS đi về cõi bên kia, bởi lẽ trong TCS làm gì có bên kia / bên này chia cắt phân minh như vậy! Một Cõi Ði Về không có ý nghĩa gì khác hơn là Cõi Âm Nhạc của TCS. Một cõi rất thơ, rất nắng và rất mưa, rất hạnh phúc và rất tuyệt vọng, rất lứa đôi và rất đơn côi. Một thế giới bềnh bồng sương khói, hư ảo, mong manh, trong đó trăng có thể là nguyệt mà nguyệt lắm khi không còn nữa là trăng. Ðiều lạ lùng là thế giới hư ảo đó được mọi người, được hàng triệu con tim Việt Nam, thấy như là thế giới thực, thế giới thực trong chính con tim của mình.

Chúng ta sẽ đi / về trong thế giới đó, trong cõi đó, bắt đầu với Thanh Hải, và tiếp tục với Hồng Ngọc. Sau bài Một Cõi Ði Về, hai giọng nam nữ này sẽ đưa chúng ta trước hết, và hiển nhiên, vào thế giới của tình yêu.

Tình yêu và giấc ngủ

Lệ Thu

Ba bài hát về tình yêu vừa rồi có vài điểm chung, và đây cũng là đặc điểm của tình yêu trong TCS. Trước hết, gặp nhau là tình cờ, yêu nhau là chuyện tình cờ. Trong bài thứ nhất:

Nào có ai hay / ta gặp tình cờ

Trong bài thứ hai:

Yêu nhau trong nỗi đau tình cờ

Giật mình nghĩ lại, sự tình cờ đó thật kỳ lạ:

Một ngày tình cờ biết em
Là ngày lạ lùng nhất trần gian

Kỳ lạ, cho nên lòng dặn lòng rằng đừng bao giờ làm mất tính cách kỳ lạ của nó, nghĩa là cứ để nó nguyên vẹn là tình cờ:

Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ

Lòng dặn lòng như vậy: tình yêu đã tình cờ mà đến thì cứ để nó tình cờ mà đi. Như cơn gió:

Em cứ bay trong đời dịu dàng như cơn gió…
Em cứ dâng cho đời một nụ hoa tình cờ

Như thế là em líu lo bên đời dạy tôi biết xa gần.

Và tình yêu là như vậy trong cả ba bài. Trong cả ba bài, tình yêu đến, rồi tình yêu đi, không có tình yêu nào ở lại. Bài thứ nhất:

Nhưng là cơn gió / em cứ mãi bay đi.

Bài thứ hai:

Ðâu ngờ tình như lá úa
Khiến tôi chia lìa từng giấc mơ

Bài thứ ba:

Một người về đỉnh cao Một người về vực sâu Ðể cuộc tình chìm mau Như bóng chim cuối đèo

Lòng dặn lòng hãy xem như cơn gió. Nhưng nếu người học trò cứ mãi học xa gần như thế với nhiều cô giáo tình cờ quá thì hoặc là sẽ chai sạn, ngây ngô như đá, hoặc sẽ úp mặt bùi ngùi. Cho nên trong cả ba bài, bài nào cũng buốt lên một cơn đau. Ngày tháng trôi qua / cơn đau mịt mù trong bài thứ nhất. Yêu nhau trong nỗi đau trong bài thứ hai. Khi cơn đau chưa dài… Khi cơn đau lên đầy trong bài thứ ba.

Cuối cùng, và đây là chuyện quan trọng lắm, trong ba bài, một trong hai người tình - chắc là TCS - rất thật thà. Bài thứ nhất:

Những đường cỏ lá
Từng giọt sương thu
Yêu em thật thà

Bài thứ hai:

Những sáng mênh mông tôi ngồi nhớ
Yêu em trái tim thật thà

Bài thứ ba, không có chữ thật thà nào cả, nhưng toàn bài là một lời thú nhận nỗi nhớ nhung lồng lộng đối với một người đã bỏ đi, đã tưởng quên.

Ôi trái tim phiền muộn / đã vui lại một giờ

Mới nhớ thôi mà đã vui rồi, không biết trước khi người kia bỏ đi, người này vui thật thà đến thế nào.

Tình yêu trong TCS thường là như vậy:

Một vết thương thôi / riêng cho một người

Tôi sẽ trở lại với tình yêu chốc nữa. Bây giờ tôi nói qua một chuyện khác, cũng không vui gì hơn, một đặc điểm rất rõ trong dòng nhạc TCS trong những năm chiến tranh. Sau Kinh Việt NamTa Phải Thấy Mặt Trời, tiếng nhạc TCS trở nên buồn, mệt mỏi, rã rời. Cùng lúc đó, mưa, mưa, mưa tuôn vào lời hát. Tôi nói về mệt mỏi trước, nói về mưa sau.

Mệt mỏi đã loáng thoáng trong TCS từ những bài hát đầu. Chiến tranh làm tăng khuynh hướng đó. Một trong những van xin thống thiết nhất, sâu thẳm nhất của TCS trong giai đoạn này là… được ngủ:

Hai mươi năm tôi lớn / thù hận vai mang
Chưa có lần / chưa một lần tìm được giấc ngủ bình yên

Anh xin:

Xin cho tôi yên ngủ một ngày
Xin cho đêm không có đạn bay

Ảnh hưởng của chiến tranh là dĩ nhiên. Nhưng có lẽ kiếp người đã bắt đầu ám ảnh TCS: ôi cát bụi mệt nhoài… ôi cát bụi phận này. Kiếp người hiện ra cụ thể nhất nơi hình ảnh của giấc ngủ. Một giấc ngủ co quắp. Một giấc ngủ cong queo. Một giấc ngủ trần truồng.

Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
...
Người già co ro / chiều thiu thiu ngủ
Em bé lõa lồ / giấc ngủ không yên

Ai cũng chỉ xin được ngủ.

Thôi ngủ yên đi con / ngủ đời yên đi con
Che dấu thân đau rã mòn

Người ngủ. Rong rêu ngủ. Ngựa xe ngủ. Quê hương xin giấc ngủ thật hiền. Cho đến mặt trời cũng xin được ngủ yên.

Từ đó, cảm giác mệt mỏi càng ngày càng đậm. Chưa đi, TCS đã mệt. Chưa bước, chân đã mỏi, muốn quay về. Quay về đâu? Về với muôn trùng:

Mệt quá đôi chân này / tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này / nằm xuống với đất muôn đời

Ðất muôn đời bây giờ có thật là quê nhà của anh chăng? Chưa chắc. Vẫn có thể anh đang lăn vết lăn trầm của anh ở đâu đó, tìm về một quê nhà rộng đôi tay chờ mong nào đó mà anh cứ cảm thấy đã bỏ đi và anh cứ muốn quay về. Ði / về, cảm hứng siêu hình đó mênh mông trong TCS. Nơi một giọt sương rơi trên lá, anh đã tưởng như có ai về. Nơi một nụ cười, anh đã thấy anh đi:

Nụ cười đã cuốn ta đi / Một ngày lại thấy ta về

Chốc nữa, trong Phôi Pha, Lệ Thu sẽ hát về phù du của cuộc đời, phù du của hạnh phúc, đường trần chẳng có gì vui. Về đi! Nhưng về đâu? Về lại nơi cuối trời. Ðể làm gì? Làm mây trôi. Phôi Pha là tiếng rất nhẹ của những bàn chân đi, là hơi thở nín lặng chờ tiếng rất nhẹ của bàn chân về đâu đó. Có thể đó là bước chân của người yêu, nhưng không hẳn. Ðó là hồn của chính mình đi / về trong chốn vu vơ.

Chính vì câu hỏi đó: đi đâu / về đâu mà TCS mệt mỏi. Anh thổ lộ: trước giấc ngủ, anh thường rơi vào tình trạng hôn mê. Có lẽ trong hôn mê anh nằm mơ thấy anh qua đời, nghe tiền thân về chào tiếng lạ, chờ cây non trên núi đầu thai. Tiền kiếp hiện ra thường thường là buồn, như trong Rừng Xưa Ðã Khép mà Hồng Ngọc và Lệ Thu sẽ hát:

Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô
Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa

Chiếc nôi và nấm mộ là hai hình ảnh của đi / về. Ði với chiếc nôi, về với nấm mộ. Nhưng lại đi nữa với chiếc nôi:

Ðêm nghe tiếng gió thở dài
Ðêm nghe tiếng khóc cười của bào thai

Ði mãi, về mãi, Ðường đời í a không xa, sao chồn í ạ gối chân. Mà đâu phải chỉ chiếc nôi và nấm mộ. Sống chết hiện ra trong những hình ảnh bình thường nhất, như chẳng có gì cả, nhưng sao cái gì cũng như đi qua, sao mà có ai như vẫy gọi mình ở đàng trườc:

Dưới ngọn đèn một bóng chim qua
Giữa đường đi một người đứng gọi

TCS ôm đi / về như thế vào trong giấc ngủ, làm sao giấc ngủ được yên? Làm sao anh không xin được ngủ hoài:

Xin ngủ trong vòng nôi
Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây

Nhưng tôi chưa nói gì đến mưa… Xin nhường Lệ Thu hát mưa trong Diễm Xưa trước, rồi tôi sẽ nói mưa sau.

Ru

Khi nãy, tôi phải nói đến chuyện ngủ là vì từ ngủ, TCS đưa nhạc vào tiếng ru. Ru con, ru người tình, tự mình ru mình… Ru là sở trường của TCS, là nghề của anh, bởi vì ru là hát thơ. Thơ trong lời ru của anh đẹp tuyệt. Ðẹp như một chiếc lưng tròn:

Ðời mẹ ru con / mây kia cũng buồn
Nên mây xa đường trần / con ngủ giấc hồng / cho mẹ tròn lưng

Ðẹp như bướm hoa:

Trần Vĩnh

Ngủ đi em đôi môi lửa cháy
Ngủ đi em mi cong cỏ mượt
Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc
Ngủ đi em tóc gió thôi bay

Lời ru nào cũng buồn. Tất nhiên, bởi vì không buồn thì làm sao buồn ngủ! Nhưng lời ru của TCS buồn lắm. Ru, không phải để dỗ giấc ngủ mà để dỗ thương đau. Ru thương đau. Và bởi vì thương đau dài quá nên TCS ru mãi ru hoài:

Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Trên mùa lá xanh
Ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm

Tại sao ngón tay gầy nên phải ru ngàn năm? Như vậy ngón tay mập thì có thể ru năm trăm năm thôi? Không ai hỏi những câu lý luận toán học như thế trong lời hát ru. Nói lý luận thì chẳng mắt nào nhắm được. Ru, là hát những câu vu vơ, gợi những hình ảnh vu vơ, chập chờn, không đầu không đuôi, hiện ra để tan đi. Bâng quơ như thế, TCS đạt đến tuyệt đỉnh. Cho nên mỗi lần anh ru là ru ngàn năm, ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai.

Ru ai? Xin trả lời: ru một người hay giận hờn, phụ rẫy, bạc tình. Người đưa võng vốn thật thà, ngây ngô, u mê, nên tin rằng ru ngàn năm như vậy thì giận hờn sẽ quên. Còn nếu chưa quên? Thì cứ tiếp tục ru em nồng nàn, ru em giận hờn, ru em muộn phiền, ru em bạc lòng, này em em cứ phụ người, này em em cứ phụ tôi. Ai muốn bắt chước TCS ru như vậy thì cũng nên xin bắt chước TCS quỳ gối vong nô mà ru.

Tôi vẫn chưa nói đến chuyện mưa… Nhưng tôi nghe có tiếng con vạc vỗ nước. Hình như Lệ Thu và Trần Vĩnh sắp hát Như Cánh Vạc Bay.

Mưa và Gót chân hoàng cung

Tôi xin trả nợ mưa. Lúc nãy, Lệ Thu đã hát Diễm Xưa, và chúng ta đã nghe mưa. Mưa vẫn mưa bay… Bài Diễm Xưa quá nổi tiếng, cho nên đã gợi rất nhiều câu hỏi và nhiều giả thuyết về cảm hứng của tác giả và nguồn gốc của bài hát. Tôi nghĩ hay nhất là cứ theo lời giải thích của chính tác giả. Người thiếu nữ trong Diễm Xưa là một cô gái Huế "rất mong manh", đi đến trường trong mưa nhòa nhạt, dưới hai hàng cây long não mờ mịt mưa. Người con gái đó vừa là một người có thực, vừa là một nhan sắc hư ảo, sương khói, nổi trôi, như một ước mơ trong cõi trời đất cũng vừa hư vừa thực. Không có chữ nào là Huế trong đó cả, họa may chỉ có bia đá; lăng tẩm cũng biến thành tháp cổ. Nhưng cõi trời đất hư ảo kia và mưa mờ mịt đó chính là sương khói lãng mạn của Huế cổ kính, phôi pha. Trong mưa, cô thiếu nữ chỉ còn là một gót chân. Suốt cả bài hát, chỉ có mưa và gót chân, mưa mòn đất và gót chân vương hậu. Ðó là nhan sắc của cõi mộng và mơ mà Huế một thời đã được phong tặng.

Chưa có ai đem mộng để vẽ một bức tranh thực như vậy. Bao nhiêu thi sĩ đã khen tặng nét đẹp của Huế, chưa có ai thấy Huế đẹp trong mưa. Lần đầu tiên có một người trên trái đất này không than phiền mưa của Huế. Lần đầu tiên một gót chân trong mưa được nâng lên ngai vàng điện ngọc để đi vào huyền thoại của xứ diễm lệ thuở nào.

Tôi nghe nói có một nhà văn nào đó mơ ước về một vương quốc trong đó một đứa bé là vua. Nếu tôi là đứa bé đó, tôi sẽ cắt một quãng trên con đường long não kia để đặt tên là đường Diễm Xưa. Ðể làm gì? Không phải để vinh danh gì cho người thi sĩ, bởi vì quần chúng đã vinh danh rồi. Cũng không phải để cho vương quốc của tôi được mãi mãi biết đến như xứ diễm lệ. Ðể làm gì, em biết không? Ðể gió cuốn đi, gió cuốn đi…

Tôi không dám đồng hóa Huế với quý phái. Vả chăng tôi không biết bây giờ Huế có còn quý phái không. Nhưng TCS là một giọt máu của Huế thuở nào, và trong giọt máu đó, tôi không biết có bao nhiêu hồng huyết cầu quý phái. Chỉ biết nét nhạc của TCS rất quý phái, rất sang trọng, rất kiêu sa. Khi nãy Hồng Ngọc hát Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng. Từng ngón xuân nồng. Ngôn ngữ như thế thì sang quá. Trong Diễm Xưa, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao, hình ảnh thì liêu trai mà chữ nghĩa thì đài các. TCS còn đài các trong cách dùng những chữ rất tầm thường. Tôi chỉ lấy một ví dụ thôi: chữ vừa. Tình xót xa vừa. Xót xa vừa là xót xa thế nào? TCS dùng chữ vừa như vậy nhiều lần:

Chìm dưới cơn mưa / một ngàn năm trước
Mây qua mây qua / môi em hồng nhạt
Chìm dưới cơn mưa / một ngàn năm nữa
Mây qua mây qua / môi em hồng vừa

Dễ hiểu hơn. Hồng nhạt rồi đến hồng vừa. Thêm ngàn năm nữa, mây bay qua, chắc môi em sẽ hồng đậm. Dùng chữ như thế thì kiểu cách quá. Phấn son mà giả vờ không phấn son. Nhưng như thế vẫn chưa ngộ nghĩnh bằng thế này:

Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa

Ngủ vừa là ngủ không say? Ngủ không ... ngáy?

Tôi muốn nói điều này: hình ảnh, ngôn từ trong TCS đài các, kiêu sa, kiểu cách; ý nghĩa trong lời nhạc vời vợi, mông lung, vậy tại sao quần chúng lại hâm mộ đến thế? Tại sao đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, từ thành thị phồn hoa đến thôn quê heo hút, tại sao hàng triệu trái tim đong đưa với tiếng hát TCS?

Có người trả lời rằng nhạc TCS phảng phất không khí ca dao. Bống ơi là bống… Con chim ở đậu cành tre... Trăng ơi trăng quá tệ… Ðúng như vậy. Nhưng trong ca dao TCS, vẫn bao nhiêu là nét quý phái! Ði đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều hẵn không phải là dáng đi của người gánh lúa. Làm chi mà vội / giọt nắng ban mai / làm chi mà vội, đố ai dám nói là một câu dân giả. Ðố ai dám nói là một câu dân giả: ngày xưa ngần ngại / xõa tóc trên vai / ngày xưa ngần ngại. Hai chữ ngần ngại quý phi làm sao!

Hay là phải giải thích như Văn Cao rằng tai Việt Nam thưởng thức TCS vì không có "dấu vết của âm nhạc cổ điển", không có "cấu trúc bác học phương Tây", vì "Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra" và cứ thế hồn nhiên thấm vào lòng người như suối mát? Thế thì hồn nhiên là tinh túy của nghệ thuật và cái gì hồn nhiên thì cái ấy làm rung cảm. Tại sao? Tại vì hồn nhiên là bản chất nguyên thủy của con người, là quê nhà mà TCS luôn luôn muốn quay về, là thằng bé xinh xinh chơi diều giữa ngọ, là cái thuở mà người hãy còn là bống. Chúng ta càng sống càng xa cái hồn nhiên đó, cho nên khi bất chợt gặp lại hồn nhiên trong tiếng nhạc TCS, trái tim tan ra trong nhạc, chẳng cần phân biệt quý phái với dân giả gì nữa. Khi đó thì chỉ còn nghệ thuật, khi đó thì đôi vai của ai cũng trở thành gầy guộc như cánh của con vạc bay.

Ðể nhấn mạnh tính cách quảng đại quần chúng đó trong sự thưởng thức nhạc TCS, Ban Tổ Chức muốn dành cho "quần chúng" trong phòng này hai bài hát mà Hoàng Tuấn và Hồng Anh sẽ trình bày. Ðây là quần chúng trẻ nói lên nỗi lòng mình qua TCS.

Chiến tranh

Bây giờ tôi xin được dài dòng hơn một chút để nói về chiến tranh bởi vì đây là một phần đời quan trọng của TCS. Có lần TCS nói thế này: "thôi, nhắc lại làm gì thời ấy". Thời ấy là thời chiến tranh. Ðúng: nếu nhắc lại mà xa nhau thì đúng là không nên nhắc lại. Nhưng nếu nhắc lại mà gần nhau, tại sao không? Vì vậy mà nhiều nhạc sĩ, thi sĩ đã nhắc lại ngay khi TCS vừa nhắm mắt. Họ nhắc lại nỗi bàng hoàng, sững sờ của họ khi bất chợt nghe được nhạc TCS lần đầu tiên giữa trận mạc máu lửa. Thần lực gì nơi tiếng hát đó? Tại sao một tiếng hát chống chiến tranh lại làm xúc động những trái tim đang say sưa chiến đấu như vậy? Tại vì những người chiến đấu chính là những người biết yêu, và tiếng hát kia đích thực là tiếng hát của yêu thương. Yêu cuộc đời, yêu quê hương, yêu con người, yêu sự sống, yêu tình yêu, yêu người yêu - kể cả người yêu gian dối.

TCS không phải là người đầu tiên nói lên những điều đó. Nhưng TCS là người đầu tiên biết đưa không khí chiến tranh vào tình yêu, và nâng đề tài đó lên đỉnh cao chưa ai vói tới của nghệ thuật. Ở trên đỉnh cao đó của phẩm chất, xin đừng lom khom vạch lá tìm những con sâu chính trị trên những chiếc lá rơi. Trong TCS, con sâu vẫn đẹp, vẫn đi vào lời thơ như thường: loài sâu ngủ quên trong tóc chiều… Xin để nó ngủ yên giấc ngủ thần tiên như thế và hãy nghe lại với nhau tiếng đại bác ru đêm, tiếng mẹ ru một vành nôi trống, tiếng quê hương giọt lệ ăn năn.

Homère, đại thi hào thời cổ Hy Lạp, có nói như thế này: chỉ có hai chuyện đáng nói trên đời này thôi là chiến tranh và tình yêu. Vô tình hay hữu ý, lịch sử đã mang tặng TCS cả hai nguồn cảm hứng. Anh bắt đầu bài Tình Sầu như thế này:

Tình yêu như trái phá con tim mù lòa

Chưa ai nói như vậy, chưa ai nổ tình yêu ra như thế. Homère nghe, chắc cũng thất kinh hồn vía. Nhưng chưa hết, đó chỉ là mới đại bác mở đầu chiến dịch. Tiếp theo là na-pan:

Tình yêu như vết cháy trên da thịt người

Mỗi một nụ hôn là một nụ na-pan? Chiến trận tiếp diễn với hỏa châu:

Tình yêu như đốt cháy con tim tật nguyền

Như thế là đánh nhau dữ dội lắm, thương tích cùng mình, mù lòa ở trên, tật nguyền ở dưới. Và sau tiếng nổ, vết cháy, tia sáng, bão táp phong ba cuồn cuộn dâng lên:

Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu

Chưa ai chiến tranh hóa ngôn ngữ tình yêu thần tình như vậy. Ở cái tuổi hai mươi, nguyên tắc ái tình bỗng phỏng theo nguyên tắc binh pháp: cách phòng vệ hay nhất là tấn công.

Tình yêu lại cũng giống chiến tranh ở một điểm nữa: có khi chiến có khi hòa, có lúc dữ dội có lúc êm ru. Từ Tình Sầu qua Tình Xa, từ Tình Xa qua Tình Nhớ, bất cứ ai cũng tìm được tình yêu của mình trong đó: sôi nổi, nhẹ nhàng, đau xót, mặn nồng, phôi pha, xa, gần, rụng như trái chín, mất như dấu chim, mềm như tay ấm, buồn như lá bay… tất cả những tình khúc của TCS làm trong chiến tranh đều mang dấu vết của chiến tranh để xóa dấu vết của chiến tranh trong những trái tim yêu thương bình thường. Chiến tranh và thiếu nữ, bom đạn và người yêu, chết chóc và yêu đương cứ quyện lấy nhau, mới câu đầu vừa cay mùi khói súng, câu dưới đã đắm đuối môi thề, khiến không ai biết đây là chuyện súng hay chuyện tình. Xương máu ở câu trên, và câu dưới thì:

Bên kia sông nước vỗ bờ
Hồng nhan em có bao giờ bâng khuâng

Nhưng không phải TCS không biết nhìn chiến tranh như là chiến tranh. Anh là nhạc sĩ của những ca khúc Da Vàng, đề tài cũng chưa làm ai động hứng trước đó. Chắc chắn TCS không có đầu óc chủng tộc thiển cận. Da vàng ở đây nên hiểu trong nghĩa da vàng máu đỏ, thành ngữ quen thuộc ngày trước để chỉ chúng ta, dân tộc Việt Nam, giòng giống Tiên Rồng, đồng bào cùng chung da vàng máu đỏ:

Hãy mở mắt ra lột xác quân thù / mặt người Việt Nam trên đó
Hãy mở mắt ra nhìn kiếp tôi đòi / nhìn ngày Việt Nam tăm tối

Chiến tranh đã làm chảy hết máu, đã làm tan nát thịt xương, cắt đứt tay chân, còn lại gì nơi xác chết? Da! TCS muốn trên da vàng đó mọc lại thịt xương mùa xuân, cho nên anh hát:

Hôm nay nắng lạ lùng rọi ấm
Trên da vàng / trên da thơm / trên da em…

Vẫn là em. Vẫn là tình yêu. Nhưng đừng nói, như có người nói, rằng gái đẹp và thân phận đã che mất chiến tranh nơi mắt TCS. Mới đây, có ngưới ở bên kia Ðại Tây Dương khuyến cáo: không nên nói nhạc TCS là phản chiến. Nói gì lạ vậy! Chúng ta sẽ hát với nhau bốn bài thôi, bốn bài quen thuộc để đừng ai nói như vậy.

Bài thứ nhất là mẹ ru con. Mẹ dạy con như thế này:

Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương
Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng

Mẹ ru thêm:

Tuổi còn bơ vơ / thế giới hằn thù / chiến tranh ngục tù

Hận thù là sản phẩm của chiến tranh mà TCS muốn xóa. Chiến tranh, có khi là chiến tranh chính nghĩa có khi là chiến tranh phi nghĩa. Nhưng dù là chiến tranh chính nghĩa, hận thù vẫn phải xóa. Tiếng hát chống hận thù là tiếng hát muôn đời, muôn đời phải hát, muôn đời phải hát mãi:

Dạy tình anh em cho dã thú / cây hoang sẽ chết trái căm thù

May quá, chúng ta có một nhạc sĩ đã biết làm thiên chức văn hóa của mình. Nếu không dạy nhau như thế thì sao? Thì:

Ðất nước này loài người đã dã man
Ðất nước này chỉ còn lại người điên

Người điên! Lần đầu tiên người điên đi vào nốt nhạc. Miệng người điên thốt ra những địa danh làm bàng hoàng người dân thành phố, những địa danh đèo heo hút gió chỉ hiện hữu trong những bản đồ hành quân, trong những bản tin chiến sự đánh đi khắp thế giới, trong hoang tưởng của ma thiêng nước độc: Plei Me, Chu Prong, A Sao, Ðồng Xoài, Ba Gia, Chiến khu Ð. Một người điên, hai người điên, nhiều người điên, mỗi người đi tìm xác một người yêu nằm chết, chết cong queo, chết trần truồng, chết tình cờ, chết nghẹn ngào, nhưng chết không hận thù, nằm chết như mơ. Trong TCS, người nào gục ngã xuống cũng đều là người đang mơ:

Cơn mơ nào vừa hừng lên trong giờ cuối
Khi viên dạn vừa cắm vào người

Viên đạn cắm vào Người Con Gái Việt Nam Da Vàng khi cô gái đang mơ được hát ca dao một lần. Viên đạn không phải chỉ giết một người; viên đạn giết một giấc mơ. Và giấc mơ trưóc khi chết có lẽ là một giấc mơ bình thường, có lẽ chỉ là một hình ảnh, hình ảnh người mẹ, hình ảnh người yêu. Viên đạn giết cái gì hòa bình nhất, thân yêu nhất nơi mọi con người.

Bài hát cuối cùng, tôi nghĩ là một trong những bài thơ hay nhất không phải riêng gì của Việt Nam mà của cả nhân loại. Một buổi sáng mùa xuân, có hoa đồng cỏ nội, có chim hót trên cây, bướm bay trong nắng, có lớp học thầy cô và trang vở còn thơm mùi mực, một buổi sáng mùa xuân như thế, giữa một thiên đường bướm hoa như thế, một em bé nhởn nhơ đi đến trường, đạp phải một trái mìn nổ chậm…

Chiến tranh qua rồi. Ðây là lúc chúng ta nên hát với nhau những bài hát bất hủ này, muôn đời này, để đừng bao giờ làm chiến tranh với nhau nữa. Thế giới thiên đường là thế giới này đây, có buổi sáng mùa xuân với hoa đồng cỏ nội, có lớp học và nét mực còn tươi, đừng ngã gục xuống nữa vì một viên đạn đâu đâu, nhân danh một thiên đường nào đó ở đâu đâu, vớ vẩn.

Kiếp người

Tôi không tin rằng chiến tranh có ảnh hưởng trên cái nhìn của TCS về kiếp người. Ngược lại, chính chiến tranh đã mang sức sống đến cho TCS trong một thời gian, thời gian anh ca hát cho hòa bình. Khi nãy Hoàng Tuấn hát Xin Mặt Trời Ngủ Yên. Trong thời gian đầu của chiến tranh, TCS không thấy mặt trời thèm ngủ như vậy. Anh giơ cao nắm tay:

Trên cánh đồng hòa bình này
Mặt trời yên vui lên đỏ chói

Trong tất cả các bài hát của thời ấy, chỉ thấy nắng, không thấy mưa. Mưa chỉ bắt đầu sà xuống khi TCS nhận ra kiếp người. Tôi nói: nhận ra, bởi vì cái thấy đó đến trực tiếp, đến trong chớp mắt, đến sau một cái giật mình. Cuộc đời buồn, tại sao, chẳng tại sao cả, tại vì cuộc đời vốn buồn như thế, ai chưa thấy điều đó là vì chưa giật mình. Giật mình một cái thì chợt thấy như TCS:

Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ

Người bộ hành đang đi trên đường, đường thật bình yên, giật mình một cái bỗng thấy mình đang đi giữa phố xa lạ, và trong góc phố kia, ai như chính mình đang ngồi hát nghêu ngao. Một cái nhìn thê thảm, hoang vu về cuộc đời.

Hồng Ngọc

Từ trẻ, TCS đã thấy mình rồi một ngày kia khăn gói đi xa, rồi từ đó anh thấy anh đi hoài, đi tới đi lui mà không biết đi đâu, nhưng vẫn phải đi vì thiên thu là con đường vô tận:

Về chân núi thăm nấm mồ
Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
Chợt tôi thấy thiên thu là con đường không bến

Giọt lệ thiên thu không phải là giọt nước mắt ngàn năm. Ðó là giọt lệ cho kiếp người phải đi hoài, dù xác thân này không còn cũng vẫn phải đi:

Chợt như xác thân không còn
Và cạnh tôi là đồng vắng
Chợt như phố kia không người
Còn lại tôi bước hoài

Núi thì đứng, đất thì nằm. Ðứng yên. Nằm cũng yên. Chỉ có con người là đi hoài, lăn hoài vết lăn trầm trong chốn mông lung:

Người nhìn dấu xe lăn đi / dấu lăn trên đời
Bụi về với mây...

Với cái nhìn như vậy, lẽ ra TCS có thể đi tu. May quá, anh không đi tu! Tại sao? Tại vì cái gì TCS cũng có hai nửa. Nửa đêm nửa ngày. Nửa mưa nửa nắng. Nửa trần gian nửa hư không. Ði tu cũng chỉ một nửa, nửa người bên phía tay mặt. Nửa kia, bên phía tay trái, chỗ có trái tim, anh để dành cho những khóe mắt xanh xao và những đôi môi rồ dại. Chỉ khi nào anh thấy nấm mồ mọc lên trên chính những đôi môi rồ dại kia, khi đó họa may hai nửa của anh mới chập lại thành Một, và khi đó chắc anh sẽ nhẹ nhàng bảo Hồng Ngọc: thôi đừng hát nữa Vết Lăn TrầmGiọt Lệ Thiên Thu.

Tuyệt vọng

Khi nãy, tôi nói TCS đi tu một nửa. Nhưng nửa kia, chỗ có trái tim, lại cũng vẫn rất TCS, nghĩa là cũng chia ra hai nửa đối nhau. Một nửa, có lúc anh nghĩ rằng tình yêu sẽ cứu chuộc cho cuộc đời. Cuộc đời buồn thế, tình yêu e là chỗ trú ẩn chăng?

Xin cho tôi đến tận nụ cười
Cho tôi quên một nấm mồ tươi

Một nửa, anh thú thật không biết tình yêu là gì. Thi sĩ của tình yêu, TCS không biết mình làm thơ cho cái gì thế. Chén mật anh đang uống, anh không biết là đắng hay ngọt:

Tình yêu mật ngọt / mật ngọt trên môi
Tình yêu mật đắng / mật đắng trong đời

Có điều lạ lùng là chúng ta hát câu đó với tất cả hạnh phúc, bởi vì ai chẳng biết là mật đắng mà vẫn lăn vào. Một nửa của TCS lăn vào, nhưng một nửa lại ngơ ngác nhìn nửa kia lăn:

Rồi dòng sông cũng miên man / đưa người về mộ phần...
Rồi tình yêu cũng xa khơi / phiên sầu là tháng ngày

Không phải vị đắng đắng mà vị ngọt cũng đắng. Tình yêu chẳng cứu chuộc được cái gì cả:

Người người yêu nhau đã mất nhau trong đời
Một ngày tăm tối khép nghìn sớm mai

Khi nào TCS đau đớn như thế thì anh muốn ru. Muốn được ru. Anh ru vết đau. Ðể nương nhờ vào tiếng ru mà thở than. Mà ngủ. Nhưng hai nửa người của anh không giải quyết vấn đề gì với nhau được cả. Khi nửa này đưa tay quờ quạng trên gối, nửa kia không biết đang ôm một chiếc vai thon hay một nỗi đau dài. Ru Ðời Ði Nhé với Thanh Hải.

Ðừng tuyệt vọng

Thanh Hải

Chúng ta sẽ kết thúc, và kết thúc với vui, với hy vọng, chứ không phải với buồn. Nhạc TCS là vậy. Vui đi theo buồn. Buồn đi theo vui. Bao giờ cũng có cả hai. Dù buồn thật là buồn, bao giờ cũng có một câu hé nắng. Giữa đêm tăm tối, vẫn đôi môi em là đốm lửa hồng.

Cứ thử đếm trong mấy trăm bài nhạc của TCS: có không biết bao nhiêu là chữ dù. Ðó là chữ then chốt trong cảm hứng của TCS. Anh dù trong chiến tranh:

Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng
Dù đêm súng đạn dù sáng mưa bom

Anh dù trong cuộc đời:

Hãy cứ vui như mọi ngày
Nhìn người đi như mây vô danh
Dù chân xưa dặm nghìn
Vẫn như còn thấp thoáng
Dù trong ta đêm thì thầm tiếng buồn

Anh dù trong tình yêu:

Mọi người vẫn tới
Ta chưa lạc loài
Dù còn phút cuối
Xin em nụ cười

TCS đúng là tên tuyệt vọng mà không tuyệt vọng. Anh tuyệt vọng mà không tuyệt vọng như thế từ thuở xuân xanh. Tôi chỉ lấy một bài rất đẹp của anh để làm ví dụ: bài Mưa Hồng - lại mưa của Huế và chiếc cầu trong Diễm Xưa. Mưa đổ xuống, trời thấp xuống, mây ngang đầu và dáng người bị mây mưa đó đè xuống thật là ảm đạm: người ngồi xuống, đưa hai tay ra hứng mưa, mưa đầy hai bàn tay như đầy cả cơn đau, và người nằm xuống. Nằm xuống, đè nặng dưới cơn mưa và cơn đau. TCS nằm xuống như thế từ thuở hăm lăm, ba mươi. Nhưng anh không phải nằm như thế để mà chết. Anh phải thấy cuộc đời là cơn đau dài rồi từ đó, và chỉ từ đó, anh mới thấy cuộc đời là quý. Phải quỳ gối trên thương đau, anh mới biết tạ ơn đời, tạ ơn người, đã cho anh tình sáng ngời như sao xuống từ trời. Trong Mưa Hồng, anh nằm xuống nói với cái bước chân cứ đi qua: cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Có bao lâu?

Cho nên hát TCS không phải chỉ là hát thương đau mà còn hát hạnh phúc. Hạnh phúc thương đau.

Trong ý nghĩa đó, chúng ta sẽ kết thúc đêm nay với bài Tôi Ơi Ðừng Tuyệt Vọng. Nhưng tôi xin nói ngay rằng tôi không thấy bài này là bài yêu đời nhất trong TCS. Mỗi lần nghe hát bài này, tôi như muốn cười với TCS và hát theo: Ðừng uống rượu, tôi ơi đừng uống rượu...

Cao Huy Thuần
26.05.2001

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Cao Huy Thuần