Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Vì sao tôi đến với Trịnh Công Sơn

Vì sao tôi đến với Trịnh Công Sơn

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
Frank Gerke - Trịnh Công Long

Tôi đã say mê âm nhạc từ khi là một đứa bé chưa hề biết chữ cái nào, và âm nhạc đã luôn luôn đóng một vài trò rất quan trọng trong đời sống của tôi cho đến nay. Hồi tôi là một thư sinh ngây thơ mới lên 17 tuổi, học lớp 11 trung học phổ thông, tôi rất thích âm nhạc Elvis Presley, dường như bài nào cũng thuộc lòng hết. Thời đó, tôi có một người bạn Việt Nam tên là Vinh, và tôi đã bắt đầu học tiếng Việt với anh ấy. Nhưng Vinh không những dạy tiếng Việt mà còn giới thiệu âm nhạc Việt Nam cho tôi. Có một ngày anh Vinh đã tặng cho tôi một băng cát-sét mang tên là „Sơn ca 7“. Tôi mở lên và lần đầu tiên nghe được nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát của Khánh Ly. Khi đang nghe những bài như Nhìn những mùa thu đi, Mưa hồng, Tuổi đá buồn v.v. tôi hoàn toàn im lặng, người như tê dại vì chưa bao giờ có thứ âm nhạc nào có sức lực thu hút tôi đến mức quên tất cả những gì đang diễn ra chung quanh tôi như âm nhạc lạ lùng, lại đẹp đẽ vô cùng này. Thật ra, tôi mới học được tiếng Việt chỉ một vài tháng thôi, cho nên chưa hiểu hết về ý nghĩa của những lời hát, nhưng vẫn hiểu được tư tưởng của tác giả qua nốt nhạc và cách trình bày của ca sĩ. Sau đó, tôi đi bất cứ chỗ nào, luôn luôn mang theo băng cát-sét này. Chỉ có một điều là tôi không ngờ sẽ có một ngày tôi gặp chính tác giả của những bài hát đó.

Năm 1996 Hội Chợ Sách Frankfurt đã tổ chức hai cuộc triển lãm sách Đức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tôi được mời tham gia với tư cách là tư vấn. Ở Đại Sứ Quán Đức tại Hà Nội cùng với đối tác phía Việt Nam, đã chuẩn bị cuộc triển lãm cũng như chương trình văn nghề Đức kéo dài hai tuần lễ rất sinh động và chu đáo. Ngày lễ khai mạc có rất nhiều nhân vật tên tuổi trong giới lãnh đạo cũng như văn nghệ sĩ Việt Nam đến dự. Nhưng khi bay vào TP. Hồ Chí Minh để lo việc tổ chức triển lãm, tôi nhận thấy tại đây chưa chuẩn bị được gì. Hồi đó ở Sài Gòn tôi chỉ biết duy nhất một nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Khi tôi ngỏ ý anh Sáng đã nhận lời mời đến dự lễ khai mạc triển lãm ngay. Vậy thì ít nhất là có một nhân vật quan trọng đến dự.

Một buổi trưa, ba ngày trước ngày khai mạc, trời nóng bức nắng ối chang chang, tôi đang ngồi ở nhà bạn tri âm tri kỷ uống bia hơi cho nó mát. Sau khi hai người bạn đã uống hết hai lít thì bắt đầu nói nhiều: Rượu vào lời ra! Lúc đó tôi đã nói với bạn mình, tên là anh Hùng, như thế này:
„Hùng ơi! Mình chỉ mời một nhà văn duy nhất là anh Sáng không đủ đâu. Mình phải mời thêm một vài người văn nghệ sĩ nữa chứ!“
Hùng hỏi lại: „Mầy còn muốn mời ai nữa? Mình đâu có biết văn nghệ sĩ nào nữa đâu!“
„Tao muốn mời Trịnh Công Sơn!“, tôi trả lời nói.
„Mầy xỉn chưa? Trịnh Công Sơn quá nổi tiếng, làm sao mời được! Nếu mình gởi lời mời cho Trịnh Công Sơn, chưa chắc anh ấy sẽ nhận lời mời của mình. Vả lại tao cũng không biết nhà Trịnh Công Sơn ở đâu cả. Quên cái đó đi!“, Hùng đáp lại.
Nhưng tôi chưa chịu đầu hàng: „Hùng, tao vẫn muốn mời Trịnh Công Sơn. Bây giờ mầy đừng có uống nữa, suy nghĩ đi, thử xem làm sao làm quen được với Trịnh Công Sơn!“
Sau khi suy nghĩ một vài phút, Hùng bảo: „Chỉ có cách duy nhất là mình phải lên Hội Âm Nhạc Thành phố, xin địa chỉ của Trịnh Công Sơn.“
Vậy, hai thằng vớ vẩn leo lên xe, phóng xe đến Hội Âm Nhạc. Xin được địa chỉ của Trịnh Công Sơn là 47C Phạm Ngọc Thạch, Quận III, hai thằng đến đó ngay. Đứng trước cổng nhà anh Hùng muốn gõ cổng, nhưng tôi kêu anh đừng làm cái đó vì bên phải ở góc bức tường có bảng nhỏ để: „Xin bấm chuông!“ Bấm chuông xong, có người giúp việc ở nhà mở cửa cổng hỏi tôi: „Anh muốn gặp ai?“ „Dạ, cho tôi xin gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!“, tôi bảo.
„Cậu Sơn đang ngủ trưa. Xin anh nhắn tin lại, vào buổi chiều lúc năm giờ rưỡi ghé lại đây gặp cậu Sơn.“, người giúp việc trả lời nói giọng Huế đặc sệt.

Tôi làm theo lời nói của người giúp việc, móc ra một tờ giấy nhỏ ghi như sau: „Thưa bác Trịnh Công Sơn, cháu tên là Frank Gerke, tên tiếng Việt là Long. Cháu là người Đức rất mong muốn gặp được bác để trao đổi về văn học Việt Nam. Buổi chiều, năm giờ rưỡi, cháu sẽ ghé lại. Xin cảm ơn rất nhiều.“ Ký tên xong tôi đưa tờ giấy ấy cho người giúp việc, về sau mới biết được người con gái Huế ấy mang tên là Tí.

Buổi chiều hôm ấy, đúng năm giờ rưỡi, tôi lại có mặt trước cổng nhà Trịnh Công Sơn, bấm chuông và được mời lên phòng của nhạc sĩ. Đứng trước cửa tôi tự kiểm tra mình ăn mặc cho đủ lịch sự, sau đó gõ cửa, mở cánh cửa ra bước vào phòng, đứng đó như con nít khoanh tay đàng hoàng: „Chào bác!“ Tôi lễ phép chào anh. Trịnh Công Sơn cùng một số người bạn đang ngồi trước bàn trọn có một vài ly rượu. Anh đang ngồi một tay để trên bành ghế, một tay cầm một điếu thuốc, nhìn tôi hơi lâu như nhìn một nhân vật lạ lùng, sau đó phì cười. Và mọi người trong phòng đều cười theo. Tôi giật mình nghĩ thầm: „Chết rồi, mình đã phạm sai lầm gì đậy?“ Sau đó, Trịnh Công Sơn nói:

„Long qua đây ngồi ghế kế bên mình. Nhưng, đừng kêu mình bằng bác nữa, vì Long kêu bằng bác làm mình cảm thấy già quá!“ Vậy là lần đầu tiên tôi được ngồi với anh Sơn. Anh rót rượu mời tôi, sau đó hỏi thăm trăm thứ về đời tôi. Từ năm 1996 đến 1999, tôi đã đi làm cho một dự án hợp tác phát triển được thực hiện trên Buôn Ma Thuột, thành phố mà anh Sơn hay gọi là „Buồn Muôn Thuở“. Trong suốt thời gian tôi làm việc ở Việt Nam tôi đã được dịp gặp lại anh Sơn nhiều lần, cùng anh đi la cà, vui chơi, ca hát...

Lần đầu tiên tôi hát cho anh Sơn nghe là ngày quốc khánh năm 1996. Buổi chiều đó một số anh em văn nghệ sĩ tổ chức liên hoan ở Câu Lạc Bộ Nhạc Sĩ. Hai vợ chồng tôi đã đến đón anh Sơn ở tại nhà riêng, đi cùng với anh trên một ciếc xe taxi. Hôm ấy còn có một chương trình văn nghệ, và dù trời mưa tầm tã vẫn rất đông khán giả đến nghe. Khi ngồi cạnh anh Sơn, tôi đã đề nghị với anh cho phép tôi đóng góp vào chương trình một tiết mục cho vui. Anh Sơn bảo: „Long chờ một tí.“ Anh ngồi hút điếu thuốc suy nghĩ một vài giây xong hỏi tôi: „Long hát bài nào?“ „Em sẽ hát Diễm xưa, được không anh?“, tôi trả lời. Anh gật đầu.

Anh Sơn dẫn tôi đi phía đằng sau sân khấu. Trước khi người giới thiệu chương trình lại kịp giới thiệu ca sĩ Cẩm Vân lên sân khấu, anh Sơn ra cầm micro, nói một vài lời chúc quốc khánh với khán giả, sau đó tự hát tặng cho người ta nghe một bài. Hát xong anh giới thiệu tôi:

„Hôm nay có một người bạn của tôi ở đây tên là Frank Gerke (Ngạc nhiên thay, mặc dù không biết tiếng Đức, không có tập trước gì hết, anh phát âm tên tôi quá chuẩn!), là người Đức, tên bằng tiếng Việt là Long, vì anh ấy sinh ra năm rồng. Anh Long xin hát một bài của tôi tặng cho các bạn.“
Rồi anh kêu tôi ra sân khấu. Lúc đó tôi cũng hơi run, vì mình thật sự phải hát, không còn cách thoát nào nữa... Nhạc sĩ Bảo Phúc cùng tôi ra sân khấu đệm organ, tôi cầm micro và bắt đầu hát „Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...“ theo kiểu slow rock, phối hợp với những động tác như Elvis Presley trình diễn trên sân khấu! Ban đầu anh Sơn vẫn đứng trên sân khấu xem để nếu cần thiết, có thể ra tay giúp tôi, vì trước đó anh chưa bao giờ nghe tôi hát. Tôi phỏng đoán như vậy. Nhưng sau đó, khi mọi việc đã diễn ra tốt đẹp, anh mới bước về chỗ của mình giữa bạn bè. Rất may, tôi được khán giả vỗ tay tán thưởng. Sau khi rời sân khấu, trở lại chỗ ngồi. Anh Sơn đã thốt lên bằng tiếng Anh: „It’s wonderful, it’s wonderful! (Tuyệt vời, tuyệt vời!)“, ôm chặt lấy tôi. Có lẽ, anh đã nói bằng tiếng Anh, vì nghĩ rằng bà xã tôi chưa biết tiếng Việt. Hôm đó vợ tôi có chụp ảnh. Một vài ngày sau tôi chọn một trong những hình ảnh của buổi „trình diễn“ đầu tiên của tôi ở Việt Nam, phóng lớn, đóng khung và mang đến nhà tặng anh Sơn làm kỷ niệm. Bức ảnh ấy anh treo trên bức tường trong phòng làm việc - tiếp khách của anh. Trên tấm ảnh, anh đã ghi: „Diễm xưa – ROCK“! Sau này tôi vẫn hát nhạc của anh, nhưng tôi đã thay đổi phong cách, không hát kiểu nhạc rock và cũng không múa nữa trên sân khấu.

Tháng 10 năm 1999, đúng một ngày trước khi ra khỏi Việt Nam bay về Đức, tôi cùng con gái tôi lên nhà thăm và tạm biệt với anh Sơn. Con gái tôi, tên là Melanie, tên bằng tiếng Việt là Mỹ Liên, sinh ở Bệnh viện tỉnh Đak Lak, hồi này mới 15 tháng. Anh Sơn mời tôi ăn cơm trưa: Vịt quay Bắc Kinh. Buổi ấy, gần như suốt thời gian ngồi và trò chuyện anh ôm bồng đùa chơi em bé Melanie, quên cả ăn cơm luôn. Melanie thích quá cứ cười khúc khích. May mắn thật, hôm đó tôi đã mang theo máy chụp ảnh, chụp được một vài kiểu rất đẹp. Đến giờ phút chia tay, tôi vô tình chảy nước mắt một vài giọt lệ. Anh Sơn bảo rằng. „Toa (em) đừng nên khóc. Sẽ có một ngày moa toa (anh em mình) sẽ gặp lại vui chơi với nhau.“ Nào có ai hay, buổi ấy là buổi...

Sau khi về Đức tôi không còn dịp gặp lại anh Sơn nữa. Chỉ một vài lần gọi điện thoại cho anh, gửi email cho nhau. Ngày 28 tháng 2 năm 2001 tôi đã gọi điện thoại để chúc mừng sinh nhật anh. Đó cũng là lần cuối cùng tôi đã nói chuyện với anh Sơn. Giọng của anh lúc bấy giờ yếu lắm rồi. Anh đã kể cho tôi rằng anh đang bị đau nặng, đau chân, đau họng, đau cả cơ thể. Tôi đã cố gắng an ủi anh, nói với anh rằng các bác sĩ sẽ có cách giúp anh. Tôi cũng đã nói với anh: „Khoảng mùa hè năm nay em sẽ về Việt Nam, chắc lúc đó anh sẽ hết bệnh luôn!“ Anh trả lời: „Hy vọng như thế. Lúc Long về chắc là vui lắm!“ Đúng một tháng sau tôi được tin buồn từ Việt Nam về. Đầu năm 2002 tôi mới có dịp về Việt Nam, và tôi đi thăm lại anh Sơn, uống rượu với anh, hát lại cho anh nghe những bài không năm tháng… ngay trước chốn an nghỉ cuối cùng của anh.

Bonn, CHLB Đức,
ngày 25/02/2003

Các thao tác trên Tài liệu