Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Sự thật về tấm ảnh Trịnh Công Sơn cạnh Charlie Chaplin

Sự thật về tấm ảnh Trịnh Công Sơn cạnh Charlie Chaplin

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/06/2014 18:58
Sâm Thương, 11.5.2001

Trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 13.2001 ngày 8.4.2001 có đăng tãi một bức ảnh với ghi chú: "Một bức ảnh gây bất ngờ: Trịnh Công Sơn (trái) chụp chung với Charlie Chaplin (vua hề Charlot) và con gái ông Geraldine Chaplin tại khách sạn Morin (Huế) năm 1959 khi Sơn 20 tuổi".

Bài viết

Sau đó, tôi có đọc bài: "Quý trọng Trịnh Công Sơn hãy viết đúng về anh" của Nguyễn Đắc Xuân trên báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh số 17.2001 (537) thứ ba 8.5.2001. Trong đó Nguyễn Đắc Xuân đã có nhận định lời chú thích của Tuổi Trẻ Chủ Nhật về bức ảnh trên như sau: "Lời chú thích trên không phù hợp với sự thật lịch sử" :

  • "Từ năm 1957, ông Ngô Đình Cẩn đã buộc ông Nguyễn Văn Yến phải giao khách sạn Morin để thuê làm trường Đại học Huế, làm gì đến năm 1959 còn khách sạn Morin để đón Charlie Chaplin."
  • "Theo ông Nguyễn Đắc Vy (thân sinh của tôi, làm việc tại khách sạn Morin từ năm 1930 đến năm 1945) và nhà văn Thanh Tịnh (hướng dẫn viên du lịch nổi tiếng ở Huế trước năm 1954) thì Charlie Chaplin có đến Huế một lần vào năm 1943. Năm ấy Trịnh Công Sơn mới năm tuổi ta nên không thể là cậu thanh niên đẹp trai, mặc veston trịnh trọng đứng bên cạnh Charlie Chaplin."
  • "Trong niên biểu của Charlie Chaplin (1889-1977) vào năm 1959 không thấy có chi tiết nào chứng tỏ "Charlot" có đến Việt Nam cả."

Vấn đề có liên quan đến Charles Chaplin, tức là vấn đề của điện ảnh, lãnh vực mà tôi có chút am hiểu, nên xin được trình bày sau khi đã kiểm chứng:

Tôi có thể khẳng định người đứng bên phải Charles Chaplin không phải là Trịnh Công Sơn. Bức ảnh này được chụp ở khách sạn Morin khi Charles Chaplin đến Việt Nam trong một chuyến du lịch vòng quanh thế giới sau khi hòan thành bộ phim Thời Hiện Đại (Modern Times, USA, 1936) cùng với người vợ thứ ba Paulette Goddard (1911-1990) một trong những ngôi sao hàng đầu của Hollywood thời đó. Và hai người cưới nhau năm 1936, trong thời gian cả hai đang thực hiện bộ phim. Bộ phim mà lần đầu Paulette Goddard hợp tác với Chales Chaplin.

Về chuyến đi của Charlie Chaplin và Paulette Goddard đến Việt Nam, tôi đã có nhắc đến: "(...) Trong cuộc sống tình cảm, Chaplin không may mắn gì hơn, và đã vấp ngã nhiều lần. Năm 1918, ông gặp gỡ và lập gia đình với Mildred Harris, một nữ diễn viên, nhưng chưa đầy hai nam sau ho đã phải đi đến quyết định ly dị. Năm 1924, Chaplin bước thêm một bước nữa với Lita Grey, có hai con, nhưng cuộc hôn nhân thứ hai cũng không kéo dài, và năm 1927 họ lại đành phải chia tay. Sự đỗ vỡ trong tình yêu lần này, cọng với những trò vu khống mạ lỵ của những kẻ tự coi là bị Chaplin công kích trong các tác phẩm của ông đã làm cho Chaplin có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, muốn đi tới giải pháp tự tử. Những năm sau, ông tưởng trái tim mình đã chai lỳ, không coi tình yêu là cần thiết, nhưng đến năm 1936, ông tuyên bố kết hôn với Paulette Goddard, một trong những ngôi sao sáng chói nhất của Hollywood thời đó.Họ sống với nhau những ngày hạnh phúc, cùng đi du lịch vòng quanh thế giới, và từng đặt chân đến Việt Nam…Nhưng thực ra ông và Paulette Goddard là hai thái cực,khó thể hòa hợp với nhau, và năm 1941, họ đã phải chọn giải pháp mỗi người đi một ngả. Hai năm sau, ông gặp Oona O' Neill con gái của Eugen O' Neill, nhà viết kịch tiền phong của Mỹ (Nobel Văn học 1936) .Oona O'Neill mới thật sự là người phụ nữ mà Chaplin cần. Họ cưới nhau năm 1943, có với nhau đến 8 đứa con, và biết hiến dâng cho nhau trọn vẹn, cho đến khi Chaplin từ giã cõi đời. Ông mất sáng sớm ngày 25.12.1977 giữa khi dân chúng châu Âu đang nô nức vui chơi trong dịp lễ Giáng Sinh" (Sâm Thương, Những Đạo Diễn Nổi Tiếng Thế Giới, Nhà Xuất bản Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh 1998, tr.49-50).

Một nhân chứng khác , đã từng có mặt trong buổi đón tiếp Charles Chaplin và Paulette Goddard đến Việt Nam, đạo diễn Mai lộc. Ông đã kể lại buổi đón tiếp đó trong hồi ký của ông: "(...) Cái năm trước chiến tranh thế giới lần thứ 2, Charlot và vợ ghé qua Sàigòn thăm Đông Dương, tôi cố hết sức chen lấn để được nhìn tận mặt Charles Chaplin và Paulette Goddard. Ôi! Thật khác xa trên màn bạc. Tôi say mê giữ gìn hình ảnh Charles Chaplin mãi trong trí nhớ với ước vọng sau này sẽ làm được gì đó theo bước đi của bậc thiên tài điện ảnh này" (Mai Lộc, Khi Tôi Còn Trẻ, Tạp chí Điện Anh TP Hồ Chí Minh, tháng 3.1986). Ông Mai Lộc viết rất rõ ràng "... trước chiến tranh thế giới lần thứ 2". Tôi nhấn mạnh, trước chứ không phải trong, cũng không phải sau. Rõ ràng hơn là trước năm 1939, khi Thế chiến thứ hai bùng nổ.

Như vậy hình đứng bên trái của Charles Chaplin là Paulette Goddard, chứ không phải Geraldine Chaplin. Vì mãi đến 1942, Chales Chaplin ly dị với Paulette Goddard, và 1943 mới cưới Oona O' Neil, đến năm 1944, Oona mới sinh Geraldine. Hơn nữa, về mặt ngọai hình khuôn mặt Paulette Goddard tròn và sắc sảo, còn Geraldine dài, thon và có nét u buồn. Hơn nữa, nếu là năm 1959, thì Chaplin đúng 70 tuổi, không giống chút nào với độ tuổi ở trong hình.

Đồng thời, hầu hết sách viết về tiểu sử của Charles Chaplin mà tôi được đọc chỉ có một lần duy nhất đến Việt Nam vào năm 1936, chứ không phải là 1943 như Nguyễn Đắc Xuân dẫn lại, cũng như không phải 1959 như chú thích của Tuổi Trẻ Chủ Nhật.

Còn người đàn ông đứng bên phải Charles Chaplin trong hình là ai? Tôi xin thưa đó là ông Hồ Du Quê, nguyên là công chức tại tòa Đô chính Trung Kỳ ( Huế) vào những năm 1930-1940. Trước năm 1975, ông là Tổng Giám Đốc Ngân Khố. Đồng thời, có một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, là mộ của ông Hồ Du Quê chỉ cách mộ của Trịnh Công Sơn chưa tới 10m thuộc phạm vi nghĩa trang Quãng Bình tại Gò Dưa, Thủ Đức.

Mặt khác, tôi có lưu trữ một bài trả lời phỏng vấn của ông Hồ Du Quê, trong đó có in chính bức ảnh ba người đăng lại trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tôi xin trích lại những đoạn có liên quan: "Tháng 6.1937, Sác-lô tới Việt Nam (...). Hồi đó tôi mới 27 tuổi và đang làm công chức tài chính tại tòa Đô chánh Huế. Nghe tin Sạc-lô ra Huế tôi vội vàng đến tìm ngay. Thực ra hồi đó tôi chưa có mối quan hệ nào với Sạc-lô, vả lại cũng chẳng có người quen nào có thể giới thiệu với Sạc-lô. Tất cả chỉ vì hồi đó tôi là một người quá đam mê phim ảnh. Và mê nhất là những phim của Sác-lô. Chính vì thế tôi quyết định tìm cho bằng được. Sác-lô ra Huế ở tại khách sạn Morin. Tôi lên phòng Sác-lô trọ cứ ngỡ tưởng là sẽ được gặp dễ dàng. Nào ngờ canh cửa phòng của Sác-lô là một tay võ sĩ người Nhật Bản to cao lực lưỡng. Tay võ sĩ người Nhật không cho tôi vào gặp, với lý do là không hẹn trước. Đang co kéo nhau trước cửa phòng, thì bất chợt Sác-lô bước ra. Tôi kêu lên bằng tiếng Pháp "Chào Sác-lô, tôi thăm anh mà người ta không cho tôi vào". Sác -lô niềm nở cười và ra lệnh cho tay võ sĩ kia phải dẹp đường cho tôi vào trong phòng. Ở trên phòng tôi đã hội đàm hơn hai tiếng đồng hồ với Sác-lô những vấn đề điện ảnh. Nhưng đáng tiếc khả năng Pháp văn của Sác-lô cũng giống như khả năng Anh văn của tôi, chính vì thế dù cả hai đều rất muốn tìm hiểu lẫn nhau vẫn rất là khó khăn. Tuy nhiên lần hồi chúng tôi cũng tàm tạm thống nhất với nhau vài vấn đề xung quanh một số bộ phim chiếu của Sác-lô. Gần cuối buổi họp mặt, tôi có đưa ra một số bức hình của chính ông, nhằm xin chữ ký. Trong đó có một bức ảnh đã gây được sự thú vị bất ngờ của Sác-lô. Đó là bức ảnh chụp ông đang đánh bi-a với diễn viên người Mỹ Douglas Fairbanks. Theo Sác-lô thì chính bản thân ông cũng không hề biết là có bức ảnh như vậy. Ông thú vị lắm và đề nghị tôi san làm hai bức để cho ông một.

Chia tay với Sác-lô, tôi bước ra ngòai đường thì bất chợt gặp hai phụ nữ đi ngược trở lại. Chỉ thóang qua tôi đã nhận ngay ra một người là Paulette Goddard. Tôi cúi chào và thật bất ngờ tôi nhận ra Paulette nói tiếng Pháp rất lưu loát. Ngay từ lúc đầu chị đã coi tôi như một người bạn thân, nên rất cởi mở. Té ra là hai mẹ con (2) đã sục khắp thành phố Huế để tìm mua xòai xanh và măng cụt. Nhưng đáng tiếc, xòai ngòai Huế không có, còn măng cụt thì chưa tới mùa. Tôi chạy ngay ra chợ Đông Ba mua tặng hai người hai chiếc nón bài thơ xứ Huế. Paulette rất cảm động cám ơn.

Như vậy là tôi đã làm quen được với cả hai người. Chiều hôm sau vì biết trước họ sẽ đi tắm biển Thuận Anh, tôi đem máy chụp hình tới đợi ở khách sạn. Cả ba người về khách sạn, bước xuống xe, Paulette Goddard vẫn giữ nguyên bộ đồ tắm. Trông cô tuyệt đẹp, đúng là minh tinh điện ảnh. Tôi bấm liền mấy kiểu, Paulette chỉ mỉm cười đi qua, nhưng Sác-lô bảo tôi: "chụp ngược nắng thế này thì chắc chắn ảnh của anh hư hết". Y như rằng khi về nhà tráng phim, mấy kiểu đó chẳng được ảnh nào, thật đáng tiếc.

(...) Hôm sau, Sác-lô nhận lời mời của Hội Ai hữu Huế đi thăm các lăng tẩm…Rồi tiếp tục chuyến đi ra ngòai Hà Nội" ( Trương Tố Huyền, Charlot ở Việt Nam, Văn Nghệ Đồng Nai (đặc san) số 101,1988.

Trong bài trả lời phỏng vấn trên đây, có một chi tiết cần được xác minh, đó là ông Hồ Du Quê (trên bia mộ lại ghi Hồ Thu Quê) cho biết tháng 6.1937, Sác-lô đến Việt Nam, trong khi đối chiếu với tiểu sử của Charlie Chaplin, và những tư liệu khác thì đều ghi nhận thời gian Charlie Chaplin và Paulette Goddard đến Việt Nam là sau khi hòan tất bộ phim Thời Hiện Đại là năm 1936 để hưởng tuần trăng mật, nhưng không rõ bức ảnh được chụp vào ngày và tháng nào cụ thể. Trong bài trả lời phỏng vấn ông Hồ Du Quê đã xác dịnh là tháng 6.1937. Có lẽ khi trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ Đồng Nai (1988) ông Hồ Du Quê cũng đã gần tới tuổi 70, nên ông đã không nhớ chính xác (3).

Với những minh chứng trên đây, những nghi vấn: "người con trai trong tấm ảnh trên có phải là Trịnh Công Sơn không, hai người Tây phương trong ảnh có phải là cha con vua hề Charlot không, ảnh chụp năm nào, ở đâu" của Nguyễn Đắc Xuân đặt ra đã không còn là nghi vấn nữa.

Sâm Thương
11.5.2001

______________________

(1) Bài viết này đã đăng trên báo Thanh Niên số 114 ( 2001) Thứ bảy 12.5.2001, nhưng vì giới hạn bởi số lượng chữ cho phép, nên bài viết đã được cắt bớt và giản lược một số đọan.

(2) Có lẽ người phụ nữ đi cùng với Paulette, mà ông Hồ Du Quê gọi là:"hai mẹ con" có khả năng là mẹ của Paulette, hoặc một người quen thân nào đó, chứ không thể là con gái của Paulette. Vì Paulette sinh ngày 3.6.1911, kết hôn lần đầu với Edward James năm 1932, và ly dị ngay trong năm đó thì không thể có con đã trở thành một phụ nữ như ông Hồ Du Quê mô tả. Đồng thời, có khả năng chính người phụ nữ này đã bấm máy hình chụp ba người trên đây.

(3) Trên báo Thanh Niên số 117 (2001) Thứ tư 16.5.2001, tức 4 ngày sau, trong bài Vua hề Charlot đến Việt Nam vào năm nào?, Lê Minh Quốc đã trả lời bằng cách dẫn bài" Phong Hóa phỏng vấn Charlot" của nhà văn Thạch Lam đăng trên Phong Hóa số 185 ngày 1.5.1936. Như vậy tấm ảnh có Charlie Chaplin và Paulette Goddard cùng ông Hồ Du Quê tại khách sạn Morin, Huế có thể suy đóan nó được chụp vào khỏang cuối tháng 4.1936.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Sâm Thương