Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Trịnh Công Sơn : một sản phẩm... ?

Trịnh Công Sơn : một sản phẩm... ?

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/06/2014 19:29
Phạm văn Đỉnh, Midi-Pyrénées, 10/06/2001.


Diễn Đàn : Sau bài của Đặng Tiến : Đời và Nhạc Trịnh Công Sơn, Diễn Đàn, số đặc biệt tưởng niệm Trịnh Công Sơn (số 107), chúng tôi nhận được một số phản ứng khen và chê của độc giả, tất cả đều toát lên sự quý mến con người và tài năng Trịnh Công Sơn mà chúng ta đều chia sẻ. Xin đăng một bài viết trong hướng phê bình, và nhắc lại chủ trương của chúng tôi : Tin rằng độc giả của mình đọc báo với thái độ phê phán, Diễn Đàn cố gắng bảo đảm sự trung thực, tính hoà nhã cũng như chất lượng của các trang báo. Ngoài ra các tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về ngòi bút của mình.

Chúng tôi cho rằng một số báo tưởng niệm không cần thiết chỉ gồm những bài ngợi ca hay tiếc nuối. TCS như là một nhân vật lịch sử của văn hoá Việt Nam, tất nhiên "phải" chấp nhận điều đó. Còn thì có lẽ chúng ta cũng đoán được phản ứng của chính anh về những điều mọi người ở mọi phía nói về mình : thôi kệ...

Bài của Đặng Tiến, với cái tên thật to tát (1), để kể đời và giải mã một thiên tài huyền thoại, như tác giả đã đề cương ngay từ đầu : Mục đích của bài này là giải thích sự hình thành của thiên tài Trịnh Công Sơn, giải mã hiện tượng Trịnh Công Sơn và tìm hiểu vị trí Trịnh Công Sơn trên những trầm luân của đất nước, chủ yếu là khúc quanh 1975, và cũng để cung cấp cho các nhà nghiên cứu về sau một số tư liệu rải rác đây đó, e mai đây khó kiếm, khi than khóc và tung hô đã lắng xuống.

Từ Nam Chi đến Đặng Tiến, nhiều bài của anh làm tôi thầm khâm phục và thích thú, vì anh uyên bác và văn vũ, nhờ anh tôi được biết thêm một số nhà thơ, nhà văn, mà do môi trường sinh sống, tôi chưa hề ngờ tới, tôi muốn nhắc tới một Võ Phiến (tuỳ bút) hay những Cao Tần (thơ), dù nhiều khi sau này, đôi khi tôi phải mỉm cười vì anh quá uyên bác và văn vũ, hơn cần thiết.

Cho nên trên số báo Diễn Đàn 05/01, tôi đọc Đời và Nhạc Trịnh Công Sơn trước tiên, vì Đặng Tiến (ĐT), vì Trịnh Công Sơn (TCS). Bài rất dài, đối với số trang DĐ, đối với bài vở khác dành cho chủ đề Tưởng niệm TCS, chiếm 11 trang pdf trên mạng lưới toàn cầu. Tôi đọc trơn tru đến trang thứ bảy, thỉnh thoảng lượm lặt được vài sự việc mà tôi chưa biết, và tôi chịu lắm với cái nhìn ĐT nhìn TCS không nhìn phụ nữ Việt Nam Đan áo cho ai đó, hay để tưởng nhớ, chờ đợi ai đó. Ca khúc TCS rất nhiều phụ nữ, nhưng không thấy họ đan áo. Mà chỉ ngồi... chơi, khi nghiêng vai, khi nghiêng đầu, khi nghiêng sầu. Ngồi chơi chán rồi thì Đứng lên gọi mưa vào Hạ.

Nhưng khi đọc đến đoạn anh ngạo Em ở Nông trường, em ra Biên giới mà TCS sáng tác sau 1975, trong những năm tang tóc ở biên giới Tây Nam và cực Bắc, thì tôi sửng sốt, vì anh cũng dư biết trong tình cảnh và tình cảm nào mà TCS đã viết bài đó, TCS đã từng kể cho bạn bè nghe bằng lời, và đã viết thành văn trong bài mà anh đã dẫn : Phác thảo chân dung tôi (2). Tôi mạn phép chép lại, dù hơi dài, nhưng cũng là một dịp để bạn đọc chưa biết, làm quen với văn TCS, một lối văn mà không cần nốt nhạc nào chuyên chở, tự nó cũng đủ âm vang điệu nhạc, gợi hình gói cảm.

Đêm Nhị Xuân không còn thấy rõ màu đất đỏ và những bãi mía, bãi dứa cùng lán trại cũng khoác một màu áo khác. Mưa xuống. Hội trường dã chiến như một cái rá lọc nước thả xuống những giọt dài. Chúng tôi (Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn và tôi ...) cùng anh em Thanh niên xung phong nam nữ hát với nhau dưới một bầu trời trang trí lạ mắt như thế. Đêm cứ dài ra và những tiếng hát cứ dài ra. Nước ở con kênh dâng lên. Mặc kệ. Cứ đứng, cứ ngồi, cứ hát. Gần khuya có cô gái Thanh niên xung phong nhanh nhẹn vui tươi mang cho chúng tôi những bát cháo gà trước khi chia tay. Những khuôn mặt ấy, tôi đã quen đã nhìn thấy nhiều lần. Một giờ khuya, lên xe giã từ Nhị Xuân, lòng còn âm vang tiếng cười, tiếng hát. Những bàn tay siết chặt, những cái vẫy tay trong đêm không nhìn thấy. Quá giờ giới nghiêm, xe nằm lại giữa đường, không được vào thành phố. Ngủ lại chờ sáng. Về lại thành phố, trở lại công việc thường ngày. Nhưng ở Nhị Xuân, có hai mươi người con gái Thanh niên Xung phong đi về phía khác. Mấy tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp trong đêm hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây-Nam. Những tiếng hát, giọng cười còn đó. Những cây mía, cây dứa của các bạn trồng vẫn còn đó, vẫn lớn lên. Tôi bồi hồi nhìn ra quãng trời rộng và thấy lại trong trí nhớ những con người trẻ trung ấy. Trong những trái tim ấy có cái gì khác chúng ta không. Trong giấc ngủ ban đêm, trên những vầng trán khoẻ mạnh ấy, đã có những cơn mơ nào. Chúng ta nói quá nhiều sự tròn đầy và chúng ta quên đi sự mất mát. Chúng ta vẽ ra lắm nụ cười mà quên đi những nỗi ngậm ngùi riêng tư. Những người bạn nhỏ ấy đã ra đi thật vĩnh viễn, nhưng nỗi nhớ về họ chưa được hát đủ. Như một nỗi đau. Còn thiếu sót biết bao nhiêu điều chưa nói hết lúc ở nông trường và còn chưa nói được một mảy may lúc ra biên giới. Làm một điều gì chưa đến nơi đến chốn với một người không còn nữa, có phải cũng đã phạm tội với cuộc đời rồi hay không. Nhưng hãy tha thứ cho những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc dong do xuôi chèo thuận lái.

Bài Em ở Nông trường, em ra Biên giới có thể hay, có thể dở, và còn tuỳ cảm nhận của mỗi người, ở đây tôi không bàn tới. Tôi chỉ mong anh đọc lại những dòng cuối trên đây của Sơn mà đừng miả mai nữa, vì Tấm không phải đã nghiền thành Cám, mà đã ngã thành Bụi. Vả lại, TCS đâu hề ca một chiến thắng, ngợi một chiến công, vì tất cả cũng là chiến tranh, TCS chỉ có thể thốt lên một nỗi đau : hai mươi người con gái hai mươi tuổi, mới cười mới nói đó mà đã vĩnh viễn ra đi...

*

Tới đây, cuối trang bảy, ĐT không bình thơ, bình nhạc nữa, mà chuyển sang mục luận bàn chánh trị, với mục đề một, hai, ba, bốn, năm, không phải như nhịp điệu Tình khúc Ơ-bai, mà TCS đã đến hát cho chúng ta nghe năm nào, một ngày cuối xuân chưa xa xôi lắm giữa lòng Paris, lúc mà có kẻ cũng lẻn kẻn lùng tùng, mài mâu khua thuẫn, hăm he đâm đá. Mà như một bài luận án, một bản tố tụng "trình lên" bên kia bờ biển, phía Thị trấn giữa đàng ? ĐT tỏ ra phủ phục Phạm Duy lắm, một người hiên ngang khí phách, mà Kháng chiến không thu phục được. Sau Hiệp nghị Genève (1954), tôi sang Pháp đi học, không có điều kiện thích hợp hay đam mê tương xứng để theo dõi Phạm Duy (PD), tuy thỉnh thoảng, trong những buổi hát ca cuối tuần, tôi cũng có bắt gặp PD qua đôi bài dễ cảm, cho nên sự hiểu biết của tôi về PD không xa hơn Tôi yêu tiếng nước tôi mấy. Sau 75, tôi cũng có lắng nghe vài bài rất đồ sộ, có phong độ trường ca, giao hưởng, nhưng không tìm thấy ở đó, cả trên những Con đường cái quan mà PD rất đắc ý, cái âm sắc mà tôi hằng cảm mến. Còn đâu hương khói Nương chiều, xôn xao thôn nữ gánh gánh, gánh lúa về, cái uyển hoặc của nửa đêm nghe tiếng chim rừng líu lo. Thời đó, Đài Phát thanh Pháp-Á của thực dân Pháp và Quốc trưởng Bảo Đại không tìm đâu được một bài "quốc gia" ra hồn, nên thường lấy các bài của Chiến khu, đổi một hai câu, ba bốn chữ thì "dùng" được, không nằm kề bên nhau chờ giặc đến để phục kích, mà nằm kề bên nhau chờ trăng lên nhưng không biết để làm gì, hoặc đổi quân Pháp thành quân cướp (cũng đúng thôi), nhưng những hai ngàn quân cướp vùi thân ở trận Sông Lô thì cũng hơi nhiều thật ! Rõ ràng Phạm Duy Cẩn đã trở thành Phạm Duy trong những năm kháng chiến, vì trước đó, có ai biết PD là ai đâu, chỉ le te một số ít người tỉnh lẻ có thể biết một anh chàng đánh đàn, hát dạo trong gánh cải lương Đức Huy-Charlot Miều (3), hoặc giỏi lắm là vài gia đình khá giả ở Sài Gòn mới có máy vô tuyến để nghe ca sĩ PD trên đài Radio-Indochine, mới bắt đầu phát sóng chương trình văn nghệ bằng Việt ngữ, nghĩa là, nếu có người biết PD là biết như một ca sĩ, vì thời ấy (1944) PD mới bắt đầu chập chững viết nhạc. Rồi cách mạng bùng lên (1945), rồi kháng chiến trường kỳ, quê hương đầy bóng giặc (4) (1946), chàng PD, như bao nhiêu thanh niên khác cùng lứa cùng thuyền, rút phím so dây, nhảy vào chung cuộc, ra Bắc vào Nam, và vào sanh ra tử, như một chuyện tự nhiên, một điều tất yếu, tay đàn và có lúc (?) cũng tay súng, chàng bắt đầu một cuộc giang hồ hát rong mới, với khán giả mới, với quần chúng mới, với những cuộc tình mới... Và chàng (5) đàn, hát, sáng tác, say mê, thích thú, có lắm lúc Xuất quân Oai hùng ca, tươi mát Nhạc tuổi xanh nhưng thường thường là nỉ non em yêu tôi hay yêu đàn, (tình tang), óng mượt, lượt là, lơi lả, cả trong khi ca ngợi chiến thắng Sông Lô. PD đã tìm cho mình được một phong sắc riêng gọi là "dân ca mới", nhờ có vốn liếng cải lương, quan họ, ru ca, trong những cuộc hành quân, những chuyến rong ca nhiều miền trên đất nước. Và nhờ sự lãnh đạo sáng khéo, đầy thiện cảm của tướng Nguyễn Sơn, mà theo lời PD kể (6), là một tướng lãnh văn võ song toàn, một nhà cách mạng Việt Nam có một thời sang Tàu lánh nạn, rồi tham gia Cách mạng Trung Hoa, là một trong 18 tướng còn lại của Vạn lý Trường chinh, đã nhiều năm công tác kề cận giới văn nghệ sĩ Hồng binh (7). Như vậy PD đã thành hình rõ nét trong những năm 1945-50, nghiã là nếu nói kiểu ĐT : PD là sản phẩm của Cách mạng-Kháng chiến, tức là của Việt nam Dân chủ Cộng hoà, và khơi cho cùng, tức là của Cộng sản Việt Nam. Nói như thế chắc chắn không ngoa hơn khi ĐT nhứt định TCS là sản phẩm của Việt Nam Cộng Hoà.

Sau đó, PD "dinh tê" về thành. Vì vợ trẻ con thơ, vì chiến tranh đã mở rộng quy mô, vì văn nghệ phải rõ nét "công nông", vì... Vì gì đi nữa, người đi, kẻ ở, người vô, âu cũng là chuyện thường tình, của cuộc đời, của cuộc chiến, vì nhiều lý do chính đáng và không chính đáng, của bản thân và ngoài bản thân, của lúc đó, nhưng đừng bày biện thêm những lý do nghĩ thêm sau này, "a posteriori", và/hay do những sự cố chưa diễn ra. Sinh hoạt, sinh sống ở Sài Gòn, PD dần dần được các chánh quyền thời Tây rồi Mỹ sử dụng rồi xưng tụng. Xưng tụng để sử dụng trong các đợt "tâm lý chiến" của bộ Thông tin, Chiêu hồi, hay các Trung tâm Âm nhạc, Điện ảnh (8), cho nên không lấy làm lạ, nhưng rất tiếc, khi thấy PD và nhóm du ca du côn gì đó tổ chức khuấy nhiễu buổi ra mắt đầu tiên của TCS trước mấy ngàn công chúng trên khoảng đất trống cạnh sau trường Văn Khoa (1965), bằng cách đồng rống rộn lên Sức mấy mà buồn để mong tan phá cái không khí đang trầm lặng sau những bài hát nói về bom đạn và những vết thương trên thân thể quê hương (2).

Không có chiến tranh thì không có tiếng ca hòa bình, không có bom đạn Mỹ và lính Cộng hòa thì không có khúc ca da vàng, không có bao nhiêu người bỏ xứ đi thì không có tuyệt tác Em còn nhớ hay em đã quên, nhưng nói TCS là sản phẩm cuả chế độ, lại là một chế độ nhứt định, thì quả là quá bạo đại ngôn, ngôn đại : tout ce qui est excessif est insignifiant. Chế độ nào mà sản xuất được thiên tài thì cũng ... tài thật. Mách hộ giùm cho ai với !

*

So sánh chế độ kinh tế chính trị áp dụng ở miền Nam trong một thời gian dài sau 75 như một cái NEP ở Liên-Xô vào khoảng 1920 quả là nói "tưới sượi". Những năm tháng ngăn sông cấm chợ ấy, Tp. HCM không có Nép có gạo gì cả, chỉ có những khoai sùng sắn sượng, hay một mớ bo bo sơ đá ; các gia đình lặn hụp được, một phần lớn là nhờ những đứa con xa xứ luân phiên bơm nước, tiếp hơi. Tâm đắc lắm với những Tiếng kêu thương của Nguyễn Hồi Thủ thốt lên mỗi khi nhận được thư nhà, không chứa chan gì ngoài chi chít mấy tên thuốc, lăng nhăng giá cả chợ trời (9).

Thời buổi đó, TCS và một số nhạc sĩ khác bị "đánh" dài dài trên mấy trang báo. Nhân Dân không lầm khi khiển trách TCS mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, không phải vì "hàng thần" TCS (chữ và ngoặc kép của ĐT) và đồng bọn có nhiều trò chơi quỷ quái trên một đất nước xác xơ, như ĐT phao, mà trái lại, vì không có chuyện gì vui lắm mới bày trò lựa chọn, như một thách thức siêu thực, thậm chí còn có trò mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên, và tự nhủ em ra đi nơi này vẫn thế để mà bám lấy cái lưng quê hương cứu rỗi, khước từ mọi mời mọc, chỉ vì đất nước cần một trái tim (10).

TCS chỉ có trái tim để đối chọi với mọi người, mọi tình huống, và rốt cuộc cũng mở được con tim của nhiều người, kể cả của mấy vị lãnh đạo lão thành mà người ta tưởng đã lão con tim từ bao năm tháng. Rồi theo cái khe TCS, và nhiều khe tương tự, các dòng suối nhỏ lách lỏn chui qua, tạo thành một dòng đời rang rộng, mà nhiều khúc đã chảy nhanh dợn sóng, có khi cũng lăn tăn đến tận bên kia bờ đại dương. Mấy năm sau này, bên Tây bên Mỹ, người ta cũng tìm đến với những tác phẩm phát đi từ phiá bên kia bờ, tưởng như xa xăm ấy. Cái đà đó, không biết có ai nghi là do một chính sách (?) tạm thời, một thủ đoạn khôn ngoan như ĐT nghĩ khi so sánh với NEP, hay là nó thoát đi từ thế chảy của một dòng nước xuôi lòng, rộng dần chảy mạnh như sức sống của một dân tộc, mà không có quyền lực nào dám xây một cái đập chắn ngang, vả lại để làm gì chứ, tuy không loại trừ trường hợp đây đó có những tên lên gân tuốt gươm chém nước.

Và trong bối cảnh đó, bài vở của ĐT cũng có ngõ để về với độc giả quốc nội. Cũng may chưa có ai hô hoán lên rằng chế độ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa đã thu phục hay thu hoạch Nam Chi ĐT (chữ của ĐT), khi thấy các cơ quan chính quy trân trọng in ấn bài bản của nhà phê bình văn học tên tuổi cho độc giả nghiên cứu, cho sinh viên học (11,12).

Cho nên không biết ai thu phục ai, nhưng chắc chắn là bao nhiêu triệu con tim đã thu hoạch được TCS, để nói giùm mình, để thở giùm tôi trong cuộc đời không mấy suông sẻ này. Cho nên, người người lớp lớp, không ai bảo ai, không ai vâng lịnh ai, một ngày đầu tháng tư năm hai ngàn lẻ một, kéo nhau xuống đường, trải hoa, thút thít tiễn TCS như một người bạn tâm tình, như chính một phần của bản thân họ vĩnh viễn bay đi. Tôi chợt nghĩ đến một đám tang khác, cách đây vừa hơn 50 năm, trong một thời huống khác, với một thôi thúc khác, cả Sài Gòn cũng đã kéo nhau xuống đường tiễn một đứa con tiêu biểu cho một thế đứng và nhiều thế hệ : người học trò có tên Ơn. Tuy khác, khác lắm, nhưng có cái gì giống, giống lắm, hình như đó là tấm lòng, tấm lòng chân thật của một thành phố còn tìm tên, của một đất nước vẫn đang tìm hình.

*

Kể đời một thiên tài vừa mới mất, để cho hậu thế nghiên cứu (!), không dễ, nhưng quên ngay từ đầu một người anh cả của Sơn không may mất sớm : tôi thấy như có điềm gì không lành. Giải mã một thiên tài quả là khó, chớ chi nhận xét những cái gần như hiển nhiên thì một tên thỏm thẻm văn, thơ, đọc qua liếc vội, trên mớ sách báo Việt kiều, cũng có thể "khám phá" được. Trong những buổi gặp vui cuối tuần với bè bạn, tôi thường "phán" nửa chơi, nửa thiệt, thiệt nhiều hơn chơi : Sơn viết tiếng Việt hay như vậy là nhờ ... không biết tiếng Việt. Và gần đây hơn, từ thế hệ lớn lên trong Tây, trong Mỹ, đã có lộ ra mấy dáng văn phong rất ư đột phá.

Thiên tài không chỉ là người không ai bắt chước được, mà còn là người không ai giải mã được. Hoạ chăng là một thiên tài. Thế kỷ này mới bắt đầu, chờ hết thế kỷ xem sao.
 
Cho nên đối với riêng tôi, bài của ĐT không đem lại được gì đáng kể. Bài viết không biết có ẩn vọng gì, vì không rõ đầu nhợ cuối dây, nhưng tôi ngờ nó không vô tư và cũng không vô tội (13). Đối với độc giả đã mến chuộng ĐT từ lâu, đó là một bài thừa, ít nhứt là thừa non phân nửa cuối, một bài không đúng lúc, không đúng chỗ, không biết có ích, có bổ cho ai không ? Chớ tôi sợ nó hằn lâu dài trên những con tim ngay, thật, không tung hô theo lịnh, không than khóc theo chiều.
 
Viết một bài một vạn chữ ráo hoảnh, liền khi Sơn vừa nhắm mắt, anh "khóc bạn" ba dòng chót, sau khi không quên phán kết bản tố khổ : không phải là vô tội ! Anh trích dẫn Sóng về đâu, mà hình như anh không nghe tiếng van trong sóng :

Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã giữa tim người.

Có được an cựu không, Sơn ơi!

Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người.

*

Tôi không phải nhà văn, nhà bình, tôi chỉ xin là nhà thương, thương người đã nối kéo tôi đi tiếp dải quê hương, mà trạm 75 không có quyền lực làm một biên giới tâm hồn, khi mà

Tôi như mọi người, mong ngày sẽ tới
Nhưng khi về lại, thu mình góc tối
Trong tôi rụng đầy bao nhiêu nụ cười
Có nói được gì những tiếng bi ai.
(Bay đi thầm lặng)

Thương Sơn như một nỗi đau hạnh phúc.

Và sống với nỗi đau đó trong những năm tháng ngày còn lại như một vinh hạnh.


Phạm văn Đỉnh
Midi-Pyrénées, 10/06/2001.



(1) Đặng Tiến, 2001: Đời và Nhạc Trịnh Công Sơn, Diễn Đàn-Forum, Paris, 107, tr. 26-31
Chú ý (6/2005) :Các bạn có thể đọc nguyên văn bài của ĐT trên dactrung.net hoặc ttvnol.com, còn bài (cùng tên) trong Văn, số 53 & 54 (tháng 5-6/2001), tr. 9-23, có "mất" đi vài câu/chữ, và trong quyển của Trịnh Cung et al., (TCS, cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ và suy tưởng, nxb Văn Nghệ, tp. HCM, 2001, tr. 155-165), "mất" khoảng nửa sau, kể cả các nguồn trích dẫn !
(2) Trịnh Công Sơn, 1987 : Phác thảo chân dung tôi, trong Nhạc và Đời, tr. 457-475, Lê Giang và Lư Nhất Vũ chủ biên, nxb Tổng Hợp Hậu Giang (1989), 700 tr. .
(3) Phạm Duy, 1990 : Hồi ký, Thời thơ ấu - vào đời, ch. 17- 28 , PDC Musical Productions, Midway City, 379 tr. + phụ bản.
(4) Giang Nam : Quê Hương (thơ), Phạm Trọng Cầu, phổ nhạc.
(5) Những năm 40, trong câu văn, câu chữ, người ta thường còn dùng đại từ chàng, nàng để thế tên nhân vật, nên khi nói tới một tài tử đi đàn hát trong gánh cải lương như PD, dùng chàng để chỉ chàng là không có ý gì lạ.
(6) Phạm Duy, 1989 : Hồi ký, Thời Cách mạng Kháng chiến, ch. 12, 14, 26, PDC Musical productions, Midway City, 2nd ed..(1990), 340 tr.+ phụ bản.
(7) Tướng Nguyễn Sơn cũng là người chủ hôn cho đôi uyên ương Phạm Duy-Thái Hằng.
(8) Phạm Duy, 1991: Hồi ký, Thời phân chia Quốc-Cộng, ch. 15, 16, PDC Musical Productions, Midway City, 401 tr. + phụ bản.
(9) Nguyễn Hồi Thủ, 1982: Tiếng kêu thương, nxb Chân mây cuối trời, Paris.
(10) Thuở khốn đốn đó, Đinh Cường có gợi qua trong : Đinh Cường, 2001 : Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê, Hợp Lưu, 59, tr. 29-43 : Thời ấy , "người ta" không coi nhạc TCS như một "thế phẩm" xài đỡ, trong buổi quá độ, như ĐT đánh giá sự "lưu dung" sau này của chế độ đối với TCS, mà, đặc biệt ở Huế, người ta tiêu thụ như một phế phẩm, nếu không nói là nhìn nhạc TCS như một uế phẩm.
(11) Đặng Tiến, 1996 : Bác Hãn, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 1 : Con người và trước tác, tr. 300-302, nxb Giáo Dục, Hà Nội (1998), 1164 tr..
(12) Nam Chi, 1985 : Trường hợp Xuân Diệu, trong Xuân Diệu tình đời và sự nghiệp, nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996, và in lại trong Xuân Diệu, về tác giả và tác phẩm, tr. 192-199, Lưu Khánh Thơ tuyển chọn và giới thiệu, tái bản lần thứ nhất, nxb Giáo Dục, Hà Nội (1999), 464 tr..
(13) Vô tư, vô tội, thơ ngây, v.v., tiếng Pháp thường dùng cùng một từ để chỉ các cá tứ đó, như trong pho tượng Malraux-ĐT: chưa chắc gì innocent.


 

Đặng Tiến trả lời :
Tác giả đọc bài tôi từ một góc độ chính trị khác, và từ tầm nhìn khác, thì dĩ nhiên là đi đến những nhận định khác, thậm chí trái ngược. Việc ấy thường tình.

Tôi trân trọng những ý kiến anh Phạm Văn Đỉnh, dù rằng anh đã phải sử dụng nhiều thủ pháp không cần thiết. Nhưng cái này giải thích cái kia, điều ấy cũng là quy luật, và đã có truyền thống lâu đời.

Nó chứng tỏ việc tôi làm là đúng lúc và cần thiết.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Phạm văn Đỉnh