Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Trịnh Công Sơn, từ bài hát đầu đến bài hát cuối

Trịnh Công Sơn, từ bài hát đầu đến bài hát cuối

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/06/2014 18:49
Cao Huy Thuần, 03.05.2003

Trong diễn từ Trịnh Công Sơn, từ bài hát đầu đến bài hát cuối đọc ở đêm nhạc Trịnh Công Sơn, Hòa Bình và Tình Yêu do Hội văn hoá Trịnh Công Sơn tổ chức ngày 03/5/2003 tại thành phố Paris, anh Cao Huy Thuần đă trích dẫn những giọt mưa vui nhưng hạt nắng buồn, hay người đã đến mà người đã vắng, rồi một mẹ vỗ tay chào mừng chiến tranh giữa lúc một chị hân hoan reo đón hòa bình v. v…để đề cập đến sự nghịch lý - vô thức lẫn ý thức - trong lời ca Trịnh Công Sơn. Bao nhiêu đối kháng là ngần ấy mâu thuẫn ray rứt trong lòng người nhạc sĩ. Mà có thật đấy là nghịch lý ? hay nơi tâm thức một người nghệ sĩ đích thực thì điều này chính là nối tiếp hay hệ quả của điều kia ?

tcs-forum.org trân trọng giới thiệu dưới đây bài nói chuyện ấy của anh Cao Huy Thuần. [MN]


Thưa các anh chị,

Khi nãy, tôi có nhắc một câu của Trịnh Công Sơn về Huế : bài hát nào của anh cũng có Huế trong đó tuy không nói trực tiếp. Bây giờ, tôi xin nói một chuyện khác cũng hiện diện cùng khắp trong các bài hát của anh tuy không chỉ đích danh. Đó là những đối nghịch, mâu thuẫn. Đối nghịch trong lời, trong chữ. Đối nghịch trong ý tưởng. Đối nghịch từ trong vô thức. Đối nghịch có ý thức. Và như vậy, từ bài đầu đến bài cuối, từ những bài hát làm thuở hai mươi đến những bài hát làm trong cơn bệnh.

Tôi xin bắt đầu với những bài hát đầu. Đây là những lời, những chữ vọt ra như từ đâu trong vô thức, nghĩa là một cách bất ngờ, tự nhiên. Tôi trích bài hát nổi tiếng đầu tiên, Nhìn những mùa thu đi, ngay câu đầu tiên, thuộc lòng từ 40 năm trước :

Nhìn những mùa thu đi / em nghe sầu lên trong nắng

Có thể Trịnh Công Sơn muốn nói : trong nắng của mùa thu đã có buồn. Nhưng nói như vậy thì bao nhiêu người đã nói, có gì lạ. Cái lạ là nắng thường đi đôi với buồn thành một cặp đối nghịch trong Trịnh Công Sơn, trong khi mưa đi đôi với vui, vì mưa hồng. Anh chị không tin, tôi xin trích một bài hát nổi tiếng khác, cũng trên 35 năm rồi, bài Nắng thủy tinh :

Lùa nắng cho buồn vào tóc em

Sao không lùa mây, lùa sương, lùa khói, lùa buổi chiều, mà lại lùa nắng thì tóc mới buồn ? Tại sao nắng lại buồn ? Tại vì hễ Trịnh Công Sơn nói một điều gì rồi thì ưa nói ngược lại ngay, như thử hễ có xuôi thì phải có ngược, cái cặp xuôi / ngược đó sóng đôi với nhau chung thủy hơn cả vợ chồng. Đây là một bài hát nổi tiếng khác, vẫn là những bài hát đầu :

Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu

Sao trời xanh mà có mây xuống ? Sao trời xanh mà sầu ? Chốc nữa về nhà, chúng ta thử nhìn trong mắt người yêu xem thử có phải vừa có trời xanh vừa có giọt mây không.

Mùa xuân của Trịnh Công Sơn cũng vậy, cũng xuôi ngược. Mùa xuân đến thì ai trong chúng ta cũng thấy hoa nở. Trịnh Công Sơn thấy gì ?

Mùa xuân vừa đến / xin mãi ăn năn mà thôi

Sao không phải mùa thu, sao không phải mùa đông, ăn năn thì có gì vui ?

Sao lại lựa mùa xuân để ăn năn ? Tôi trích thêm một mùa xuân khác :

Em đứng lên mùa xuân vừa mở
Nụ xuân xanh cành thênh thang

Khoan hý hửng ! Trịnh Công Sơn hát tiếp theo liền :

Nụ xuân xanh cành thênh thang
Chim về / vào ngày tuổi em / trên cành bão bùng

Cành vừa mới thênh thang sao đã bão bùng ? Sao lại bão bùng trong mùa xuân ? Đặc điểm của Trịnh Công Sơn là ở chỗ đó : không có cái vui nào trong Trịnh Công Sơn mà không có cái buồn đi theo liền. Vui / buồn đi với nhau thành cặp, mặn nồng hơn cả tình nhân. Đây, cặp tình nhân vui-buồn đi với nhau :

Cuộc tình lên cao vút / như chim mỏi cánh rồi

Lên cao, mà lại cao vút, sao lại mỏi, mà lại mỏi rồi ? Rồi sao nữa ?

Như chim xa lìa bầy / như chim xa lìa trời / như chim bỏ đường bay

Lên cao vút, mình cứ tưởng là tìm trời mà lên, ấy không phải, ấy là xa lìa trời.

Mặt trời của Trịnh Công Sơn cũng vậy thôi :

Mặt trời mặt trời đã lên
Một ngày một ngày đã qua rồi

Mặt trời lên là hết ngày ? Thế mà mình cứ tưởng là mặt trời xuống thì ngày mới qua.

Chắc các anh các chị nghe hát quá nhiều rồi về cặp đi / về - Một cõi đi về- cho nên tôi không nói nữa đến cái tứ bất tuyệt đó trong Trịnh Công Sơn. Chẳng ai biết anh đi hay về, vì chưa về đã đi, chưa đi đã về. Anh hát ru cũng vậy :

Người đã đến và người đã vắng
Em hãy ngủ đi
Ngoài phố kia loài người đã về
Em hãy ngủ đi

Vừa mới đến đã vắng, tưởng đi mất rồi, lại về. Suy luận thì mệt quá, em ngủ luôn.

Trong vô thức của sáng tạo, đối nghịch đã hiện diện cùng khắp như vậy, nói gì đến những đối nghịch có ý thức. Hai mươi năm, cái gì xảy ra từng ngày, xin nhường các anh chị tìm câu trả lời riêng trong sâu thẳm của lương tâm mỗi người và lương tâm lịch sử, nhưng chắc chắn từng ngày nội chiến xảy ra trong lòng Trịnh Công Sơn khi anh lao mình chống chiến tranh. Đại bác pháo kích ngay trong gan ruột anh khi anh hát toàn những câu mâu thuẫn :

Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn

Nếu các anh chị dùng màu đỏ để chỉ hy vọng tươi sáng và màu trắng để chỉ hai tay đầu hàng, thì cặp cờ đỏ / cờ trắng cùng đi với nhau ra mặt trận. Cờ đỏ hô xung phong :

Bao nhiêu năm nhục nhằn đã qua
Hôm nay thấy mặt trời rực sáng
Trong tim người trong tim ta ...

Cờ trắng phất lên liền :

Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm
Từng ngày đảo điên giết chết linh hồn
Một ngày cầu xin thong dong con đường
Một chiều được quên ngồi chờ tình nhân

Trong tình yêu cũng vậy, cờ đỏ / cờ trắng xáp lá cà nhau, bất phân thắng bại. Cờ đỏ tung hô :

Một ngày tình cờ biết em / là ngày lạ lùng nhất trần gian
Cuộc đời này đã có em / từng ngày từng ngày nhớ ơn đời

Cờ trắng kéo lên liền, tận nóc nhà :

Tôi xin năm ngón tay em thiên thần
Trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi
Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn

Biết làm sao được ! Chiến tranh, cũng như tình yêu, vốn là đối chọi, giằng co, bức xé giữa hai đấu thủ. Còn cuộc đời thì sao ? Ôi thôi, cờ đỏ bắc loa kêu ơi ới : đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Cờ trắng buông tay, úp mặt :

Đời đã khép và ngày đã tắt
Em hãy ngủ đi
Đời mãi đêm và ngày mãi buồn
Em hãy ngủ đi

Cả cờ đỏ và cờ trắng ôm nhau ngủ. Ngủ. Tiếng ru. Bà mẹ. Cái nôi. Đứa bé. Bào thai. Cát bụi. Cội nguồn. Hư vô. Rất phản bội Trịnh Công Sơn nếu tách nhạc anh ra làm ba phần, vun quén phần này, chôn vùi phần kia : chiến tranh, tình yêu, cuộc đời. Cả ba là một, vì cả ba chỉ nói về một chuyện thôi là con người, và con người thì ai mà chẳng có mâu thuẫn nội tâm ? Vấn đề là sống thế nào với những mâu thuẫn đó, giải quyết chúng thế nào. Trịnh Công Sơn đã sống rất đẹp, rất trọn vẹn, rất trung thành với những mâu thuẫn của mình, và chính từ trên những mâu thuẫn đó mà anh sáng tạo, để lại cho chúng ta cả một gia tài nghệ thuật. Thay vì kết án những mâu thuẫn đó, chúng ta cám ơn. Như cám ơn tâm sự bất tri tam bách của Nguyễn Du.

Đó là những bài hát lúc trước. Cuối đời, vẫn những mâu thuẫn đó phục kích nhau trên giường bệnh của Trịnh Công Sơn. Hai bài hát cuối cùng của anh lấy biển làm đề tài vì hình ảnh sóng biển xô nhau, đập vỡ nhau, đập vỡ bờ là hình ảnh sống động của xung đột :

Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu

Ta xô biển lại ... Ghê quá! Như thế là cũng có một chút cờ đỏ đấy. Nhưng, trong sóng biển xô nhau, chợt Trịnh Công Sơn thấy hiện ra cái đối nghịch sâu sắc nhất ám ảnh anh suốt đời, từ khi anh viết trong Kinh Việt Nam rằng "có một điều gì không thật suốt hai mươi năm nay" : đó là cặp đối nghịch thật thà / giả dối đã đem lại lận đận cho người nghệ sĩ trong chiến tranh, trong tình yêu, trong cuộc đời. Trong chiến tranh, anh mơ ước :

Đường Việt Nam hôm nay có bước chân Tự do
Người Việt Nam hôm nay sống với nhau thật thà

Trong tình yêu, anh nhiều lần quỳ gối, để tay lên ngực, tuyên ngôn tha thiết : yêu em thật thà. Bây giờ đây, ở cuối đời, anh xua đuổi giả dối như xua yêu quái :

Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người
Biển sóng biển sóng đừng âm u
Đừng nuôi trong ấy trái tim thù

Tôi bỗng giật mình trước chữ đừng. Hình như suốt đời Trịnh Công Sơn đã làm người nghệ sĩ hát chữ đừng : đừng, trước hận thù ; đừng, trước chém giết ; đừng, trước xung đột ; đừng, trước giả dối. Trong cái vẫy tay từ giã biển, biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi, anh vẫn đừng :

Biển đánh bờ
Xôn xao bờ đánh biển
Đừng đánh nhau ...

Đừng đánh nhau ! Đó là mệnh lệnh của Trịnh Công Sơn trước khi từ giã đời. Nhưng anh đã quá biết rồi, mâu thuẫn có bao giờ nghe mệnh lệnh đâu ! Cách duy nhất để chúng tan biến đi là thăng hoa chúng nếu bạn làm nghệ thuật. Trịnh Công Sơn đã thăng hoa như vậy suốt đời. Trong chiến tranh, anh thăng hoa mâu thuẫn trong anh bằng Quê Hương, Quê Hương thơm tho mà anh vinh danh, ca hát, mơ ước. Trong tình yêu và trong cuộc đời, anh có một câu hát rất lạ : yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Trong chiến tranh, trong tình yêu, trong cuộc đời, trên mọi mâu thuẫn, tiếng hát của Trịnh Công Sơn nở ra, như trên bùn, một đóa sen nhân ái. Có ai để ý với tôi chút chi tiết này không : có nhiều hoa hồng trong những bài hát trước của Trịnh Công Sơn, và có nhiều hoa sen trong những bài hát về sau :

Sen hồng một nụ
Em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau
Có vui cùng sầu
Bao nhiêu sen xanh sen hồng / với dòng sông ...

Tôi vừa nói về hai bài hát cuối của Trịnh Công Sơn về biển, Sóng về đâuBiển nghìn thu ở lại. Bài hát cuối thứ ba mà Trần Thu Hà sẽ hát tiếp theo đây là Tiến thoái lưỡng nan. Trong mấy trăm bài hát của anh, Trịnh Công Sơn chưa lần nào hạ mình đến cái mức phải vay mượn một thành ngữ chữ Hán nôm na, dễ dãi để làm nhan đề. Cái nhan đề "tiến thoái lưỡng nan" nghe không thơ chút nào, chẳng Trịnh Công Sơn gì cả, nhưng ai có thể đề nghị một nhan đề nào khác nói trắng ra hơn được nữa những đối nghịch, mâu thuẫn, âm thầm xâu xé Trịnh Công Sơn suốt đời ? Có một nhan đề nào khác gói ghém trọn vẹn tâm sự bất an của Trịnh Công Sơn từ trong những bài hát đầu tiên ? Tiến thoái lưỡng nan là một bài hát thật buồn, buồn nhẹ cho nên buồn mênh mông, buồn của hoàng hôn phủ xuống chiều, buồn của hoàng hôn phủ xuống đời - vàng phai nhè nhẹ chiều hôm cửa nhà - buồn của người sắp ra đi, cõi xa mây phủ, không biết đi đâu về đâu – về đâu cuối ngõ về đâu cuối trời. Bài hát thật buồn, đến muốn khóc, và đơn giản, đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn được nữa. Tôi đã thử đếm có bao nhiêu chữ trong bài hát. Vỏn vẹn 48 chữ, láy đi láy lại hai chữ lận đận : ngày xưa lận đận ... ngày nay lận đận, đi về lận đận, tiến thoái lận đận. Rồi bỗng nhiên, nhẹ như khói, nhẹ như buổi chiều, lận đận tan vào hư không. Đây không phải là lần đầu anh nói đến hư không ; hư không là một tứ lớn trong lời ca của anh, và anh thấy hư không cả trên nụ cười giai nhân - môi em cười như lá hư không. Nhưng đây là lần đầu, gần như lần đầu, hư không đến ở cuối bài hát, chấm dứt bài hát, như giải đáp cuối cùng của mọi chuyện, mọi sự việc, mọi tranh chấp, mọi đối nghịch, mọi mâu thuẫn, mọi thị phi. Ngày nay lận đận là giọt hư không...


Cao Huy Thuần
03.05.2003

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Cao Huy Thuần