Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Trịnh Cung nói về...“Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”

Trịnh Cung nói về...“Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
Thủy Tiên, Việt Weekly, Vol. 3-14.


LTS: Bài phỏng vấn dưới đây do Mimi Thủy Tiên thực hiện tại Việt Nam, trong dịp nghỉ thường niên trong tháng 2, 2005 vừa qua, với họa sĩ Trịnh Cung, một trong những người bạn thân, cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu” đã hôn phối với nhạc Trịnh thế nào, mặc dù đã nhiều lần hoạ sĩ Trịnh Cung đã nói, đã kể, tuy nhiên, nhân dịp giỗ lần thứ 4 của TCS, một lần nữa, Trịnh Cung dành cho VW một lần kể, với một cảm xúc mới và những chi tiết mới mà ký ức của ông có thể cho phép nghĩ lại, nhớ về người bạn tài hoa một thời, đã để lại một dấu ấn không phai mờ trong hàng triệu triệu trái tim người Việt trong lẫn ngoài nước.


Việt Weekly: Họa sĩ Trịnh Cung cho biết về bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc.
Trịnh Cung
: Về hai bài thơ của tôi đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Trước hết tôi nói về bài Cuối cùng cho một tình yêu. Từ năm bài thơ đã được phổ nhạc cho đến nay, chỉ thiếu 3 năm là được nửa thế kỷ. Năm 1958, tôi viết bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu, và cũng ngay năm đó, Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Cho đến nay, nó đã sống gần nửa thế kỷ. Câu chuyện về bài thơ này cũng đã có một số người hỏi tôi về nguồn gốc tại sao nó ra đời, câu chuyện tình trong đó nói về ai. Riêng ca sĩ Khánh Ly trong một lần nói chuyện với hãng băng đĩa Asia có kể về câu chuyện tình này. Khánh Ly kể rằng là trong một đêm thức dậy, tôi đốt tập thơ tôi, tôi khóc hu hu. Lúc đó Trịnh Công Sơn thường từ B’lao về ở với tôi trong một căn phòng rất nhỏ, chỉ vừa cho 3 người ngủ trên 1 chiếc chiếu. Trịnh Công Sơn nghe tôi khóc mới bật dậy, thấy tôi đốt tập thơ mới chụp lại và giữ được 1 bài thơ, đó là bài Cuối cùng cho một tình yêu, Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài thơ đó. Ðó là câu chuyện mà Khánh Ly đã kể. Có lẽ Khánh Ly đã nghe Trịnh Công Sơn kể và sau đó do thời gian thế nào, đã có một câu chuyện hấp dẫn về bài thơ này. Nhưng đây là những tháng ngày, cũng gần như là cuối đời của tôi, tôi rất cám ơn Khánh Ly đã kể câu chuyện ấy với quí vị, nhưng hôm nay tôi muốn nói thật về bài thơ này.
 
Sự việc tôi đốt tập thơ là có thật bởi vì đó là một thái độ mà tôi cần có để tôi tập trung cho hội họa, tôi không muốn dịnh líu đến thơ ca vì tôi có một quan niệm là làm cái gì làm cho tới nơi, hai ba thứ nó lôi thôi lắm, cho nên tôi quyết định hủy bỏ làm thơ để tập trung cho hội họa. Nói về vấn đề bài thơ do Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Năm tôi đốt thơ là năm 1963, nhưng Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1958, không có nghĩa như câu chuyện Khánh Ly đã kể. Bài thơ này tôi làm khi tôi ra Huế, “học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Tất cả hình ảnh của cô gái Huế thời đó vẫn còn cực kỳ thơ mộng và không thay đổi được. Vào thời đó, những nữ sinh trường Ðồng Khánh, tầm tan trường, họ như là những cánh bướm trắng bay trong những công viên ở trước bờ sông Hương và tôi lạc lõng giữa những đàn bướm ấy. Lẽ dĩ nhiên là không bao giờ tiếp cận được họ đâu vì họ có một cung cách rất Huế, rất thiêng, rất kín đáo và mình chỉ có biết đi theo, nhìn ngắm họ rồi mơ mộng về họ và bài thơ này tôi viết về họ. Hình ảnh một cô gái Huế chung chung thôi và tôi hư cấu thành một chuyện tình. Tôi ngông cuồng để cho thấy rằng mình không phải là “học trò trong Quảng ra thi” mà mình cũng là một cái gì, cũng có thể từ khước họ, cho oai. Một lối hờn dỗi của một người không chạm được đến tình yêu, nên bày ra cái trò là… Ừ thôi em về, cứ về đi, tại vì có được đâu mà bảo ở lại, cho nên thôi để cho oai hơn là cứ… Ừ thôi em về. Nhưng em về rồi, thì sao? Em về rồi thì… bàn tay đói… Em ra khỏi tay rồi, em đâu có trong vòng tay, mà em đâu có bao giờ trong vòng tay tôi đâu… thành ra hai vòng tay tôi, hai bàn tay tôi luôn luôn đói, đói khát vì một hình ảnh và tôi cứ mãi đi theo những cuộc tan trường vào những buổi chiều, buổi trưa như vậy, nên… chân phải mỏi thôi.

Nhưng Có anh bạn làm thơ ở Sàigòn lại có một suy nghĩ khác về “hai bàn chân mỏi” rất là vui, chưa bao giờ có một hình ảnh sex đến như vậy. Tại sao lại có hai bàn chân mỏi, chỉ có yêu quá đáng mới mỏi thôi! Nhưng thật ra vào thời của chúng tôi, vào thập niên 50-60, tình yêu rất là thánh thiện, toàn là mơ mộng, toàn là tưởng tượng, không dám chạm đến bàn tay của người con gái mình yêu thích thì làm gì có chuyện sex với xiếc. Thế thì câu chuyện của bài thơ đó là bài thơ hoàn toàn hư cấu nhưng dựa trên cung cách của những cô gái Huế thời đó. Lẽ dĩ nhiên nó thuộc về những cô gái đẹp của thời đó, cũng là chuyện bình thường thôi. Cái gì mà con người ta dâng hiến thì thường dâng hiến cho những gì tốt nhất, đẹp nhất. Lẽ dĩ nhiên là đẹp nhất đối với mình. Ở đây không có nghĩa là những cô gái xấu kia không đẹp, tại vì là chưa chắc tôi đã nhìn ra những cái đẹp của họ, họ có thể đẹp dưới cái nhìn của những người đàn ông khác. Thành ra, nếu có phạm vào điều gì cũng cho tôi xin lỗi. Dẫu sao những cô gái đó ngày nay đã thành bà, bà nội, bà ngoại rồi, phải không? Cho tôi gởi lời thăm hỏi những cô gái Huế, vẫn đẹp trong lòng tôi cho đến ngày hôm nay.

VW: Vậy chỉ có một phần câu chuyện của Khánh Ly kể là đúng thôi, còn 9 phần còn lại là sai hết?
TC: Những phần khác có lẽ do câu chuyện Khánh Ly thương tôi muốn cho câu chuyện nó hấp dẫn hơn hoặc là do anh bạn tôi Trịnh Công Sơn kể lại một cách biến tấu. Nhưng mà chuyện có thật là tôi có đốt tập thơ. Bìa tôi định in cho tập thơ của tôi, sau đó trở thành bìa của tập thơ rất hay của nhà thơ Hoàng Trúc Ly “Trong cơn yêu dấu”. Ðó là bìa tôi vẽ cho tập thơ của tôi và sau đó tôi tặng lại cho nhà thơ Hoàng Trúc Ly để làm bìa.

VW: Còn về bài Thiên sứ bâng khuâng.
TC: Bài Thiên sứ bâng khuâng tôi mới làm vào năm tôi sang Mỹ lần thứ 2. Tôi gặp lại một người yêu cũ của Trịnh Công Sơn. Hôm ấy, cô ấy mời tôi đi ăn ở South Coast Plaza, ở Macy, ở đó có một cửa hàng open air, ăn ở ngoài trời, dưới những cây dù. Lần đầu tiên tôi thấy chim bay, những con chim sẻ đậu quanh cô ấy, và cô ấy thả cho nó những ruột bánh mì và từng con một nhảy gắp những mẩu bánh mì… Tôi thấy thú vị quá! Bởi vì thời đó chúng tôi ở thành phố Sàigòn không còn chim, người ta bắn chim. Cho nên, sang Mỹ tôi thấy chim ở khắp mọi nơi, con người ở đâu, chim ở đó. Tôi đã xúc cảm và viết bài Thiên sứ bâng khuâng… có câu là

Con chim về đậu bên người,
là thiên sứ đó là tôi cũng chừng,
vô tình em thả bâng khuâng,
tôi làm chim nhặt để phần mai sau.

Tôi đã làm bài thơ ấy, với một ngẫu hứng như vậy, tôi trở về Sàigòn lại. Năm sau tôi lại sang Mỹ, tôi có thân với một ca sĩ ở Orange County, cô ấy với tôi có một thời gian là bạn. Chúng tôi chia sẻ với nhau về văn nghệ và về đời sống bên ngoài. Cô ấy là một niềm an ủi của tôi trong thời gian tôi ở Mỹ, tôi lại viết thêm 2 câu thơ nữa để tặng cho cô ấy. Có nghĩa là bài thơ này làm nhân một bữa ăn với một người bạn cũ, người yêu cũ của Trịnh Công Sơn, nhưng sau đó nó lại kết vào một người tôi mới kết bạn. Tôi thêm 2 câu sau là

Mai sau thiên sứ về trời,
còn tôi ở lại bên người tôi yêu
.

Nhưng mà số phận của bài thơ này không dừng ở đó, khi tôi về Việt Nam ở luôn sau cơn bạo bệnh, để mà chết, tôi gặp một người con gái khác. Trịnh Công Sơn đã viết một bài về vấn đề và số phận của bài thơ này đăng trên tờ tạp chí Heritage của hãng Hàng không Việt Nam, có tựa là Số phận của một bài thơ. Mỗi tác phẩm có một số phận riêng, nó làm cho người này, nhưng nó lại kết vào người khác. Và đây là bài thơ mà Trịnh Công Sơn phổ trước khi anh qua đời vào năm 2000, năm anh đón nhận thiên niên kỷ mới. Tôi phá vỡ thông lệ, định chỉ để một bài Cuối cùng cho một tình yêu được phổ nhạc. Nhưng khi Sơn đọc bài thơ này, Sơn rất là thú vị, anh coi như là một kỷ niệm để chia tay với thế kỷ cũ và anh đã phổ nhạc. Bài này rất ít phổ biến, chỉ có Trần Thu Hà hát ở Sàigòn, Tuấn Ngọc hát ở Mỹ, chưa có thâu băng đĩa. Tôi cũng muốn coi đó như một kỷ niệm của đời tôi với một người bạn thân đã qua đời và nếu nó còn ở lại với mọi người thì cũng như tôi vừa mới trình bày, mỗi bài đều có số phận riêng, nó hoàn toàn phụ thuộc vào định mệnh của nó.

VW: Như vậy bài Thiên sứ bâng khuâng có 3 đoạn, thuộc về 3 giai nhân?
TC: Có thể nói là như vậy. Bài Thiên sứ bâng khuâng bắt đầu là một cảm hứng vào năm 1998 chỉ có 4 câu. Sau đó nó trở thành một bài lục bát 6 câu, để nói về ước mơ của tôi, muốn phá bỏ cái hạn kéo dài đời tôi là Cuối cùng cho một tình yêu, tôi lỡ phát ngôn là “Ừ thôi em về”. Tôi dại dột đã nói với người đẹp là “Ừ thôi em về”. Cho nên từ đó tôi rất là cô đơn, bây giờ tôi không muốn còn sự cô đơn nữa, tôi mới nói “Mai sau thiên sứ về trời, còn tôi ở lại bên người tôi yêu”, đó là vào năm 1999. Ðoạn cuối làm vào năm 2000. Nhưng cuối cùng, họ cũng bỏ tôi đi, cái hạn vẫn còn ở lại với tôi.

VW: Cuộc sống tình yêu hiện tại của họa sĩ Trịnh Cung như thế nào?
TC: Cũng chưa biết nó sẽ như thế nào. Nhưng tôi đón nhận nó như một ân huệ để bù lại những năm cô đơn của tôi. Ðây là một cái duyên lạ, không chờ đợi, tôi không hề biết trước và tự họ bay đến. Tôi không có cách nào khác là đón nhận. Tôi không thể từ khước được vì nó cho tôi rất nhiều sức sống. Nó là nguồn sống, nguồn sáng tác của tôi bây giờ. Còn chuyện ngày mai, tôi không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi không quan tâm tới ngày mai vì đối với tôi còn được sống như thế này là đã có quá nhiều ân huệ rồi. Tôi không dám mơ tưởng ngày mai nó sẽ như thế nào.

Thủy Tiên ghi,

Việt Weekly, Vol. 3-14.

Cám ơn tuần báo Việt Weekly đã cho phép chung tôi đi lại bài phỏng vấn này. (31/08/2005)

Các thao tác trên Tài liệu