Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Cùng Trịnh chiều một mình qua phố

Cùng Trịnh chiều một mình qua phố

- Webmaster cập nhật lần cuối 05/02/2012 01:00
Vương Tâm, antgct.cand.com.vn, 23/01/2012

Tác giả và thầy giáo Ninh Thế Hùng (bên trái), học sinh lớp 3 của thầy Trịnh Công Sơn, năm 1964

Đọc những lá thư tình của Trịnh Công Sơn gửi cho người đẹp Dao Ánh ngày nào, tôi thấy mình thấm nhiễm nỗi buồn của con đường bụi đỏ trong sương, mà giai điệu nhạc trầm lắng ngân lên theo từng bước chân giang hồ của người nghệ sĩ.

Con phố nhỏ heo hút trên sườn dốc mơ ngủ, trong tiếng chuông nhà thờ và trong tiếng thở dài của cánh đồng lau trắng, ngả nghiêng theo từng cơn gió lạnh của đại ngàn âm u biêng biếc.

Bỗng dưng tôi khao khát đi lại con đường ấy, nơi mà người nhạc sĩ tài hoa đã dạo bước, trong những ngày tháng cặm cụi kiếm sống bằng nghề gõ đầu trẻ, từ năm 1964 đến năm 1967. Trên mảnh đất Bảo Lộc này, ông đã sáng tác rất nhiều và đánh dấu cho sự nghiệp âm nhạc của mình gắn bó với quê hương đất nước, với thân phận con người. Thế là tôi khoác ba lô lên đường.

Gặp người học trò lớp 3 của thầy Sơn ngày ấy

Phải nói như có trời xui đất khiến vậy, tôi đi và đi với một niềm hy vọng sẽ gặp ai đó, trong cái quá vãng của một thời con trẻ cách đây đến gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Tôi cầm bức thư của một người đã từng làm việc và ở cùng nhà trọ với Trịnh Công Sơn thuở ấy, để dò tìm manh mối. Theo lá thư của ông, tôi lang thang mấy lần đến ấp Tân Hà cách trung tâm thành phố khoảng 5 cây số. Nơi đây, có nhiều người Hà Nội di cư hồi năm 1954, nhưng không thể dò hỏi được địa chỉ người duy nhất, dạy học cùng Trịnh Công Sơn, còn sót lại. Thế rồì, có người giới thiệu tìm đến thầy Hiệu trưởng Trường Phan Chu Trinh, ở ngay tại ấp; bởi họ nghe đâu thầy cũng là dân viết văn, viết báo, liệu xem có manh mối gì chăng.

Quả nhiên tôi gặp may, thầy Hiệu trưởng Ninh Thế Hùng lại chính là cậu học trò lớp ba, niên khoá 1964 - 1965 của thầy giáo Trịnh Công Sơn. Thầy giáo Ninh Thế Hùng tưởng tôi đã biết trước mà tìm đến, nên rất vui và ngạc nhiên. Nhưng sự tình cờ thế lại hay. Hơn nữa, thầy Ninh Thế Hùng còn là hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng, một cây bút văn xuôi quen thuộc với bạn đọc địa phương.

Khi tôi hỏi đến ký ức còn đọng lại với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì thầy Hùng hát ngay bài Ông Tiên, được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dạy từ hồi 9 tuổi. Tuy đã ở tuổi 55 nhưng ông vẫn thuộc nằm lòng. Và, có thể do sự ảnh hưởng ấy chăng, mà hàng chục năm qua, ông toàn viết chuyện cổ tích của dân tộc Mạ, một dân tộc ít người sống ở Bảo Lộc. Biết rõ sự ám ảnh của con đường xưa trong tôi, nên ông nhiệt tình cùng đi ngay trong một buổi chiều tà, sương vừa rơi xuống.


Con đường cô gái đi lễ gợi cảm xúc cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
sáng tác ca khúc “Lời buồn thánh”.


Chẳng mấy chốc, tôi và ông đã đứng trước con đường có cái tên “Cầu Đen” cũ. Ông dẫn tôi đến trước ngôi nhà số 26, đó là cửa hàng Hồng Phát, rồi kể: Đó là mảnh đất của ngôi biệt thự ở lùi phía sau, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trọ từ 1964 đến 1967, cùng với ba đồng nghiệp. Căn phòng mà nhạc sĩ ở nhìn thẳng ra đường. Sau này chủ nhân ngôi biệt thự đó đã bán cho người khác. Giờ đây người ta đã phá đi và dựng một nhà hàng, kiêm dịch vụ đám cưới, ngay sát hè đường. Con phố đất đỏ bụi bặm, trước mặt ngày ấy đã được nhà nước láng nhựa và đặt tên mới là Lý Tự Trọng.

Sương đã xuống dày hơn, nhưng tôi và thầy Hùng vẫn đi lên con dốc Trịnh Công Sơn thường đi dạy học. Thầy Hùng còn nhớ và dẫn tôi theo con đường vòng, mà nhạc sĩ hay đi để tránh qua nhà ông Trưởng ty Giáo dục Bảo Lộc ngày ấy, chỉ vì mỗi lý do không thích gặp quan chức mà thôi.

Con đường đến trường dài khoảng 2 cây số. Tôi và thầy Hùng qua mấy con phố là đến mảnh đất của ngôi trường Bảo An xưa, nơi thầy giáo Trịnh Công Sơn đã dạy suốt mấy năm ở đây. Ngôi trường bằng lá, vách nứa ngày ấy đã bị phá đi từ lâu; đồng thời mảnh đất của trường đã bị bán cho một công ty kinh doanh. Thầy Hùng chỉ cho tôi vị trí mảnh đất sau cổng sắt với ánh mắt buồn man mác.

Thế rồi chúng tôi lại chậm rãi đi ngược lại con đường, bảng lảng trong sương bay. Con đường là nguồn cảm hứng cho ca khúc Chiều một mình qua phố, gợi nhớ một cuộc tình mà nhạc sĩ còn để lại ở đất Huế. Và cũng từ ngôi nhà nơi con đường nhỏ này, nhạc sĩ đã viết nên những chương trong trường ca tình yêu của mình qua hàng trăm bức thư gửi cho người đẹp Dao Ánh.

Ngọn lửa âm nhạc trên cao nguyên

Cho dù, trước khi đến đây nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có Ướt mi, Diễm xưa, Mưa hồngBiển nhớ, nhưng nếu không có những năm tháng sống, làm việc và sáng tác tại Bảo Lộc thì cũng khó có một Trịnh Công Sơn được hàng triệu người hâm mộ đến như vậy. Bởi lẽ, những ca khúc trước đó cũng chỉ được hát trong các quán cà phê hay trong phạm vi hẹp của bạn bè. Ngay cả thời kỳ gặp ca sĩ Khánh Ly ở Đà Lạt, tuy một số bài được hát trên đài phát thanh của địa phương, nhưng cũng vẫn ở trong phạm vi thị trấn nhỏ lẻ, heo hút, khó được phổ cập rộng khắp.

Tất cả sẽ bị nhạt phai nếu không có sự kiện đột biến trong sáng tác của Trịnh Công Sơn vào năm 1965 ở đây. Đó là tập Ca khúc Da Vàng, với chủ đề là nỗi khao khát cuộc sống hoà bình và yên lành cho những thân phận dân nghèo. Nhưng thực chất đó là những ca khúc phản chiến, nhằm chống đối cuộc xâm lược của giặc ngoại bang cùng bọn tay sai trong nước.

Chính những năm tháng trốn lính bằng mọi cách và sự chiêm nghiệm trong cuộc sống đã làm thay đổi khuynh hướng sáng tác của một thời đoạn đặc biệt trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh. Đã có lần ông tâm sự rằng, phải nhịn đói cả tháng trời để giảm cân, trước khi đi khám sức khoẻ. Cùng những hệ lụy từ loại thuốc rút bớt nước trong tế bào cùng cà phê, thuốc lá, sức khoẻ của Trịnh Công Sơn yếu đi một cách bất thường. Trong thời điểm này, những ca khúc như Gia tài của mẹ, Người con gái Việt Nam, Đại bác ru đêm, Tình ca người mất trí…liên tiếp ra đời.

Tuy vậy, nhạc sĩ cũng chỉ né tránh được hai lần đi khám, sau đó không thể chịu đựng nổi sự khổ ải, đến lần thứ ba, gần như cuộc tổng động viên vào năm 1967, thì Trịnh Công Sơn không còn cách nào khác là bỏ trốn. Ông về Sài Gòn với sự dấn thân bằng cách hát và biểu diễn những bài hát trong tập Ca khúc Da Vàng, tại khu Đại học Văn khoa. Tinh thần của những ca khúc này như tiếng nói chung cho tuổi trẻ mong muốn cuộc sống hoà bình và chống chiến tranh. Sức truyền bá những bài hát của Trịnh ngày càng sâu rộng và ảnh hưởng mạnh mẽ ngay cả đối với tinh thần của hàng ngũ lính ngụy. Lo sợ trước những diễn biến xấu trong thanh niên sinh viên, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ngày đó đã phải ra lệnh tịch thu toàn bộ các tập ca khúc và băng nhạc của Trịnh.

Đánh giá thành tựu âm nhạc trong thời kỳ sáng tác ở Bảo Lộc của Trịnh Công Sơn, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khẳng định rằng, những ngày sống ở đây, đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của Trịnh Công Sơn. Cùng với quan điểm này, họa sĩ Bửu Chỉ cũng nói rõ, phải chờ đến những năm 1965, 1966, 1967, khi tiếng hát của Trịnh Công Sơn cất lên trong các giảng đường Đại học Sài Gòn và Huế, trước hàng ngàn sinh viên học sinh cuồng nhiệt, với những ca khúc của album Ca khúc Da Vàng, đã tạo nên một hiện tượng âm nhạc Trịnh Công Sơn. Và ông còn khẳng định rằng, những bức họa đầy tính chiến đấu, trong nhà tù của mình thời Mỹ - ngụy, đều xuất phát từ sự ảnh hưởng tư tưởng qua những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

Chính từ Ca khúc Da Vàng được viết từ Bảo Lộc đã tạo nên cảm hứng sáng tác của Trịnh Công Sơn liên tiếp cho ra đời những chùm ca khúc mới trong Kinh Việt Nam, vào năm 1968 và tập ca khúc Ta phải thấy mặt trời, năm 1970 và cuối cùng là tập Phụ khúc Da Vàng, hay Da Vàng 2, được viết năm 1972.

Vậy là sau 13 năm trốn lính, kể từ 1962, đi học Sư phạm ở Quy Nhơn, và phải đợi đến ngày 30-4-1975, cái ngày ông được cầm đàn hát vang bài ca Nối vòng tay lớn, trên đài phát thanh để đón chào quân đội ta vào giải phóng Sài Gòn, với sự hưởng ứng của hàng triệu thanh niên sinh viên và đồng bào miền Nam, mới hay tình yêu quê hương, đất nước trong ông sâu sắc đến nhường nào.

Vĩ thanh

Khi chia tay Bảo Lộc, thầy giáo Ninh Thế Hùng tặng tôi một CD, ghi lại tiếng hát của Trịnh Công Sơn, từ những năm tháng trình diễn ở Quán Văn, Trường Đại học Văn khoa, hồi 1967 - 1968. Ông tâm sự với tôi, ước mong một ngày nào đó, những người yêu nhạc Trịnh ở đây sẽ ngồi lại với nhau để tìm ra một mô hình bảo tàng, lưu giữ những kỷ niệm Bảo Lộc với thầy giáo Trịnh Công Sơn. Như con đường mang tên Trịnh Công Sơn giống như ở Huế chẳng hạn. Hoặc có thể là cây đàn mà ông đã từng sáng tác suốt ba năm ở đây và rất có thể có những câu lạc bộ chuyên hát và biểu diễn nhạc Trịnh. Rồi nữa, trong thời gian ba năm ở đây, ngoài những bức thư gửi cho người mình yêu và những ca khúc đặc sắc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn vẽ không ít, dù chỉ là những phác họa hay chân dung.

Tôi với thầy giáo Ninh Thế Hùng mải trò chuyện và dạo bước, không ngờ đã đến đầu đường Lý Tự Trọng. Cả hai đều dừng lại nhìn con đường xưa. Đó là con đường bụi đỏ tràn ngập ký ức trong ông và cũng trở thành nỗi ám ảnh trong lòng tôi. Chính vì lẽ đó mà tôi đến đây. Ánh đèn le lói trong sương. Bất ngờ hình ảnh chàng nhạc sĩ trẻ ngày nào, với mái tóc bồng bềnh như đang hiện lên trước mắt tôi. Dáng anh cao gầy, miệng ngậm tẩu thuốc, thong thả bước dọc theo con đường hun hút đầy sao. Gió như đang thổi những khúc tình yêu của ông miên man không bao giờ ngừng. Ông vẫn đi lặng lẽ trên con phố. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo. Một cuộc hội ngộ trong mơ không thể đặt tên

Vương Tâm
antgct.cand.com.vn, 23/01/2012

Các thao tác trên Tài liệu