Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Cuối năm, Nhớ Trịnh Công Sơn

Cuối năm, Nhớ Trịnh Công Sơn

- Webmaster cập nhật lần cuối 11/02/2016 22:26
Nguyễn Trọng Hiền, chiều 29 tháng Chạp thiếu, Tết Bính Thân, Nam cực


Tôi được gặp TCS một lần, đâu khoảng mùa hè năm 1992, lúc anh đến Montreal.

Anh Sơn sang Canada mang theo những ca khúc mới nhất. Hồi ấy dân tị nạn bọn tôi bên này vẫn ngóng trông những ca khúc mới của anh. Những “ca khúc da vàng,” những bài tình ca trước 75, của TCS, của Phạm Duy… đám vượt biển bọn tôi nghe đi nghe lại đến mòn băng nhạc cả hàng trăm lần. Nên chi mỗi khi được nghe những bài hát mới của TCS là tâm hồn như được gội rửa. “Em còn nhớ hay em đã quên” là một trong vài bài TCS viết sau 75 được bọn trẻ xa nhà chúng tôi chiếu cố tận tình trong những lần nhậu nhẹt thâu đêm.

1992, VN đang trong giai đoạn đổi mới. Lên Montreal bọn tôi ghé một nhà sách “Việt cộng,” mua được một lô sách trong đó có truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài. Những Ngọn Gió Hua Tát, Tướng Về Hưu, Vàng lửa, Thiên sứ… Bọn tôi đọc ngấu nghiến. Xa nhà, tôi tìm trong những tác phẩm mới này những dấu hiệu, những dấu hiệu mong manh, cho một cuộc trỗi dậy. Sự trỗi dậy mà những người Việt từ lâu mong chờ, đám vượt biển bọn tôi mong chờ.

Dạo ấy ca khúc mới nhất của anh Sơn là Con Mắt Còn Lại, lời hát lặp lại một câu thơ của Bùi Giáng trong bài thơ Mắt Buồn. Ca sĩ Phương Thảo hát bài này. Anh Sơn cho xem hình cô ca sĩ đang lên. Cô ca sĩ trẻ đứng một mình, dáng dấp tư tin, khác hẳn với những đàn chị áo dài thướt tha trước ấy. Phương Thảo mặc jeans, bó sát. Tay áo xăng lên, buông thỏng. Ánh nhìn thu hút, vừa gợi cảm vừa khiêu khích. Lúc ấy những Thanh Lam, Thu Phương, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, chưa hề là tên tuổi. Chúng tôi không hề biết, Phương Thảo còn là một báo hiệu cho thể hệ diva mới này. Họ rực rỡ, chói lọi …

Anh Sơn hiền hoà. Dáng dấp nghệ sĩ. Anh kể chuyện vô tư. Anh kể, hồi anh mới ra những bài hát mới, những kẻ trong nhóm Du ca của Phạm Duy đã đến phá đám những buổi trình diễn của anh. Anh nhắc lại lời một người nào đó đã nói, “Phạm Duy là nhạc sĩ phổ thơ vào bậc nhất ở VN”. Nói về Nguyễn Tuân, anh kể, “Anh đến nhà chơi, Cụ Tuân tiếp anh trên gác. Có người đến thăm, ông cụ nói vọng xuống, ‘Cụ Tuân không có nhà!’”

Anh Sơn giải thích ca từ mà nghe như mấy ông thầy trường tôi giảng về những khúc mắc trong toán học. Mình chăm chú nghe mà không học thêm được điều gì. “ 'Em mang cho ta một chút tình, miệng cười khúc khích trên lưng.’ Là vì mình chở cô nàng đi xe đạp, cổ ngồi sau lưng mình cổ cười.” Anh Sơn nói giọng Huế, thỉnh thoáng có pha chút Quảng trị. Bọn tôi thầm bảo, thì dĩ nhiên, ai mà chẳng biết! “Còn hai con mắt, khóc người một con!” Anh giải thích, “còn hai con mắt, khóc người một con” rồi anh lấy tay che một con mắt lại. Chúng tôi ngồi nghe mà trong lòng không khỏi …thoáng thở dài. Mãi về sau này tôi đọc đâu đó, thấy nói là Bùi Giáng chơi chữ, “một con” đây là “một người con”. “Còn hai con mắt, khóc [người con gái có một đứa con].” Anh Sơn có lẽ đã không rõ ngách nguồn của câu thơ. Nhưng vấn đề không phải là hiểu câu thơ; chuyện ấy cần mà cũng không cần. Bài thơ của Giáng là của Giáng. Bài hát của Sơn là của Sơn. Ở bài hát ấy tôi thấy một ngoại lệ. Tôi để ý hầu hết những lời hát của anh Sơn, rất ít khi anh nặng lời cau có với người tình phụ bạc. Người yêu đi lấy chồng anh không điên cuồng mà chỉ xót xa, “nơi em về ngày vui không em, nơi em về trời xanh không em…(Như cánh vạt bay)” Nhưng đến thời điểm này, người đàn ông vào tuổi năm mươi trong anh Sơn đã có vẻ như “hiện thực hơn”, “con mắt còn lại nhìn một thành hai, nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ…”

Chúng tôi ngồi nói về những nhà văn mới. Tôi bảo Phạm Thị Hoài có một câu như cóp của Phan Nhật Nam, “Tôi viết ký như tiếng thở dài trong đêm.” Anh Sơn như sực nhớ ra điều gì, “À, cụ Tuân bảo PNN viết ký hay lắm.” Có người bạn của anh Sơn hỏi Phan Nhật Nam là ai. “Thì cái thằng du đảng ở góc đường Pasteur, Đà nẵng [hồi trước 75] đó!”

Anh Sơn hình như đọc không nhiều. Chắc anh chưa hề đọc “Mùa hè đỏ lửa”. Tôi cũng không chắc là anh đã hề đọc Đỗ Phủ, hay Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Mà sao tâm tình những con người này gần gũi nhau đến thế? Có vẻ như ca từ của anh, anh hoàn toàn “lấy từ trong túi ra.” Hôm gặp bọn tôi, anh đọc cho chúng tôi nghe câu ca dao, “gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Anh tuồng như lũ chúng tôi đi học bên này chưa hề nghe qua câu ca dao ấy. Anh đọc lại như chia sẻ một khám phá mới mẻ của anh, khuôn mặt biểu lộ niềm vui ngây thơ. “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay.”

Những năm trước đó tôi viết thư mời anh Sơn về Princeton hát với đám sinh viên chúng tôi. “Hát cho nhau nghe,” tôi viết. Dạo ấy thư từ liên lạc giữa Mỹ và VN còn khó khăn. Để nói chuyện với anh tôi phải gọi sang cho một người bạn ở Nhật, rồi bạn tôi nối đường dây để gọi về anh Sơn ở Sài gòn. Anh Sơn bảo là đã nhận được thư và anh vui vẻ nhận lời mời. Lúc anh sang đến Montreal, anh báo cho hay là sẽ xuống Princeton trong vài hôm nữa. Vài hôm sau tôi gọi lại thì anh nói, giọng anh mệt mỏi, “Cái đám chống Cộng bên này ồn ào quá. Thôi Hiền với mấy đứa bạn lên Montreal gặp anh đi. Có chị Khánh Ly đang ở đây. Anh nói chị ấy hát cho nghe.”

Sớm hôm nay 29 Tết, tôi pha chè uống, ngồi đọc những dòng email chúc Tết của anh Xanh, tấm hình hoa mai vàng nở rộ. Mấy đứa trong tổ thí nghiệm xúm lại chơi ô chữ từ New York Times. Bên ngoài là lớp băng trắng xoá, nhiệt độ xuống dưới âm 40 C.

Ẩnh tác giả chụp từ trên mái nhà của Trạm Amundsen-Scott, Nam cực (Jan 26th, 2016).
Đằng sau là South Pole Telescope (bên trái) và Bicep3/Keck (bên phải).

Đã gần một phần tư thế kỷ từ ngày tôi gặp anh. Nói là nói thế. Chứ bọn tôi gặp anh trước đó lâu. Tôi thì gặp anh thường xuyên, hằng ngày. Những ca khúc của anh, những lời than mà như nhắn nhủ. “Hai mươi năm chinh chiến, mẹ ngủ không yên. Quanh chúng mình, ôi từng ngày tuổi này máu lạnh trong xương. Hai mươi năm tôi lớn, thù hận vai mang…”

Tôi bỏ nhóm, đi về phòng lấy cây đàn ngồi hát. Bao nhiêu năm rồi, những dòng nhạc vẫn mê man.

“Đêm Mẹ ngồi nhìn ra,
Lòng héo khô từ
Bao nhiêu lần mai nở
Chó sủa vườn khuya…”

Cám ơn tác giả cho phép chúng tôi đăng lại bài " Cuối năm, nhớ Trịnh Công Sơn", sau khi đã chỉnh sửa một vài chi tiết.

Chiều 29 tháng Chạp thiếu, Tết Bính Thân, Nam cực.

-Nguyễn Trọng Hiền



Các thao tác trên Tài liệu