Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Dao Ánh - Một thời để nhớ - Kỳ 1

Dao Ánh - Một thời để nhớ - Kỳ 1

- Webmaster cập nhật lần cuối 08/04/2011 18:43
Giao Hưởng - Dạ Ly, thanhnien.com.vn, 05/04/2011

“Người yêu lạ lùng nhất” của Trịnh


Sau khi loạt bài Công bố hàng trăm bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đăng trên Thanh Niên, nhiều bạn đọc rất muốn biết thêm về Ngô Vũ Dao Ánh. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái út của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kể rằng nhà của Dao Ánh nằm gần nhà của Trịnh Công Sơn - chỉ cách một cây cầu nhỏ Phú Cam - nên hằng ngày Dao Ánh đi học thường ngang qua đó…

Ngô Vũ Dao Ánh (lúc 16 tuổi) và Trịnh Công Sơn thời trẻ

Ngô Vũ Dao Ánh (lúc 16 tuổi) và
Trịnh Công Sơn thời trẻ

Trịnh Công Sơn nhắc đến trong một hồi ức: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi… Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa xuân mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa… Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận (…) Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc”.

Trịnh Công Sơn nhớ về “những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình”. Đó là cố đô Huế với “mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyến đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa. Thời gian trôi đi ở nơi đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh. Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ. Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.


Một chiếc lá ép trong thư gửi từ Blao về có chữ Trịnh Công Sơn ghi trên mặt lá:
“Mưa lạnh đầy đó Ánh - 23 Septembre 1965” - ảnh gia đình Trịnh Công Sơn cung cấp

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa”.


Đời của Trịnh Công Sơn là thơ. Nỗi buồn của Sơn là nỗi buồn siêu hình. Nhạc của Sơn bài nào cũng có chữ em, chữ yêu, chữ tình. Người đẹp của Sơn phải là người gầy, không gầy thì không đẹp. Ví dụ, vai gầy: “Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai” (Còn tuổi nào cho em). Tay gầy: “Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm. Trên mùa lá xanh, ngón tay em gầy nên mãi ru trên ngàn năm” (Ru em từng ngón xuân nồng) - hoặc “Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi, em gầy ngón dài” (Tuổi đá buồn). Gầy và xanh nữa: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” (Diễm xưa) hoặc “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền” (Nắng thủy tinh).
GS-TS CAO HUY THUẦN (Paris)

Câu cuối của hồi ức đúng là viết về Diễm. Nhưng từ câu cuối ấy ngược lên đến câu đầu tiên đều có thể ứng với trường hợp của Dao Ánh - em gái ruột của Diễm - những năm tiếp sau đó. Nghĩa là “người con gái ấy” trước kia là Diễm - nay đã là Dao - Ánh - hóa - thân. Dao Ánh sinh ngày 24.5.1948, người gốc Bắc, lớn lên tại Huế, trong một gia đình gia giáo. Cũng như Trịnh Công Sơn, Dao Ánh giỏi tiếng Pháp, cha là giáo sư dạy tiếng Pháp, đọc tiểu thuyết của André Gide, André Maurois, thơ Jacques Prévert, Apollinaire từ nguyên bản, năm 17 tuổi chép gửi Trịnh Công Sơn mấy câu trong một nhạc phẩm lời Pháp do Richard Anthony hát: “J’attendrai l’orage et la pluie pour pleurer. Je t’aime encore mais tu dois ignorer le chagrin de ma vie. Et j’irai pleurer sous la pluie” (Em sẽ đợi giông tố và gió mưa về để khóc. Em mãi yêu anh nhưng anh chẳng màng gì tới nỗi buồn của em. Và em sẽ khóc dưới mưa đây). Trịnh Công Sơn đã trích một câu trong đoạn cuối cuốn Porte étroite (Khung cửa hẹp) của André Gide gửi đáp Dao Ánh: Et que la vie peut souffler dessus chaque jour sans l’éteindre (ngày ngày ngọn gió đời vẫn thổi nhưng chưa bao giờ thổi tắt được tình yêu).

Ngôi nhà của Dao Ánh được Trịnh Công Sơn nhắc đến với những lùm nhãn mùa hạ che mắt đường về, với hàng cây mùa đông đứng lặng bên sông vắng, trông gợi cảm vô cùng. Từ nhà Trịnh Công Sơn nằm ở số 3/11 Nguyễn Trường Tộ, bên này cầu Phú Cam nhìn sang bên kia cầu chỗ có nhà Dao Ánh buổi chiều không thể không nhớ những bụi dạ lan trồng ở đó. Dạ lan thơm lắm, nhất là vào ban đêm, tỏa từ nhà Dao Ánh đến cả trong… giấc mộng của Trịnh Công Sơn ở Blao, Đà Lạt, Dran, Sài Gòn, Đà Nẵng về sau nữa. Trịnh Công Sơn nói Dao Ánh là “người yêu lạ lùng nhất” của mình. Năm Dao Ánh 19 tuổi, Trịnh Công Sơn nói với Ánh: “Yêu nhau đã có một compromis (ước hẹn) và không có một ước hẹn nào đáng giá hơn như thế”. Dao Ánh cũng biết điều ấy. Cũng lãng mạn, song rất kín đáo. Những đêm khuya Huế lạnh, Dao Ánh thắp đèn sáp trắng một mình ngồi viết thư và nhớ Trịnh Công Sơn, hái và ép những chiếc lá dạ lan còn ướt sương vào giữa trang thư gửi đến. Có hôm nhìn màu hoa sắp tàn, nhìn màu nắng chiều phai, Dao Ánh đã viết nhắn Trịnh Công Sơn: “Ôi màu mắt rồi có ngày cũng đổi màu như thế”.

Lãng mạn vậy, nên Trịnh Công Sơn nghĩ “biết đâu Ánh không sinh ra và lớn lên từ một loài hoa nào đó”. Năm 1966, Dao Ánh vào Sài Gòn học ở cư xá Thanh Quan số 232 bis/C Hiền Vương, bỏ lại con đường có vòm long não, cây cầu nhỏ, với con sông lững lờ và một khoảng trời cô quạnh.

(Còn tiếp)


Giao Hưởng - Dạ Ly
thanhnien.com.vn, 05/04/2011

Các thao tác trên Tài liệu