Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Hội họa đến từ nhạc Trịnh

Hội họa đến từ nhạc Trịnh

- Webmaster cập nhật lần cuối 09/12/2009 01:00
Trịnh Chu, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, 22/11/2009.

Ở Đà Lạt có một họa sĩ yêu mến Trịnh Công Sơn đến độ gần như “tương tư” tất cả những ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa đã quá cố. Đó là họa sĩ Phạm Mùi, người mê mải vẽ tranh về Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông.

Đôi bạn (Trịnh Công Sơn - Khánh Ly)

Đôi bạn (Trịnh Công Sơn - Khánh Ly)

Sâu thẳm trong trái tim mình, họa sĩ Phạm Mùi luôn dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những tình cảm hết sức cao đẹp và luôn khát khao muốn dùng nghệ thuật tạo hình để khắc họa một cách sắc nét nhất, tinh tế nhất những dòng nhạc đẹp đẽ của Trịnh Công Sơn.

Ông tâm sự: “Có nhiều đêm, ở một góc xưởng vẽ bề bộn, tôi thức mãi để nghe nhạc Trịnh Công Sơn một mình. Trong cái se lạnh của đất trời Đà Lạt, tôi chìm đắm vào một thế giới phiêu bồng chứa chan xiết bao niềm hạnh phúc cũng như những nỗi khổ đau của kiếp người. Dường như chỉ có những lúc ấy tôi mới được đối diện đầy đủ nhất, thẳm sâu nhất cùng nhân thế.

Và rồi có lẽ một tình yêu thương từ muôn kiếp trước vốn bị che lấp bởi muôn vàn lớp bụi thời gian bỗng nảy mầm rạo rực, sống dậy trong tôi tựa một cánh đồng mùa xuân với những đóa hoa hàm tiếu cứ trải dài miên man tới tận chân trời. Thế là tôi đã không biết bao lần hấp tấp cầm bút vẽ để cố giữ lấy cái thế giới ấy…”.

Cũng từ đó, phòng tranh “Lưu niệm Trịnh Công Sơn” ra đời và được giới thiệu với công chúng, nhất là những ai yêu mến nhạc Trịnh, tại ngõ 133 Thái Hà (Hà Nội) vào tháng 9-2004 với 63 tác phẩm, đúng bằng tuổi đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những ca khúc đầy mê hoặc của Trịnh Công Sơn như Cát bụi, Một cõi đi về, Như cánh vạc bay, Nhìn những mùa thu đi, Biển nhớ, Hạ trắng, Nhớ mùa thu Hà Nội, Như chim ưu phiền, Diễm xưa, Hoa vàng mấy độ... được tái hiện dưới nét cọ của Phạm Mùi và được đặt cùng tên với những bài hát.

Nhạc sĩ và chim câu

Nhạc sĩ và chim câu

“Với phòng tranh này, tôi muốn thắp lên những ngọn nến nhớ thương người nhạc sĩ tài hoa. Tôi biết ơn anh vì đã cho tôi một thế giới siêu thực mong manh, huyền diệu, đầy biểu cảm” - họa sĩ Phạm Mùi thổ lộ.

Trong những năm qua, khá nhiều trong số 63 bức tranh ấy đã lần lượt về với bạn bè cũng như công chúng trong và ngoài nước. Tới đây, Phạm Mùi dự định sẽ tiếp tục trưng bày loạt tranh gắn bó với nhạc sĩ họ Trịnh tại Đà Lạt, TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam trong một phòng tranh có tựa đề “Hồn Trịnh” với những tác phẩm mới về âm nhạc Trịnh Công Sơn (một số bức được giới thiệu trong bài viết này).

Chắc chắn có nhiều họa sĩ đã sáng tác với cảm hứng đến từ âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng có lẽ chỉ Phạm Mùi là người đã dành cả một phần đời mình để vẽ về người nhạc sĩ mà ông ngưỡng mộ và thể hiện những giai điệu bất tử của nhạc Trịnh thành màu sắc…

Trịnh Công Sơn 2

Trịnh Công Sơn 2

Trịnh Chu
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, 22/11/2009.

Các thao tác trên Tài liệu