Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Kỳ 5: Dù còn phút cuối xin em nụ cười

Kỳ 5: Dù còn phút cuối xin em nụ cười

- Webmaster cập nhật lần cuối 16/04/2011 22:07
Giao Hưởng - Dạ Ly, thanhnien.com.vn, 01/04/2011

Hôm nay là đúng 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001 - 2011). Ông qua đời sau một cơn mê kéo dài, đúng theo ước đoán mà ông viết rõ trong thư ở Blao ngày 6.12.1964, thời 25 tuổi: “Anh bây giờ bỗng có ý nghĩ nếu phải có một lần chết thì hãy chết trong lúc mỏi mệt nhất - cơ thể rã rời, anh sẽ nằm xuống ngủ mê man và giấc ngủ đó đời đời không còn tỉnh dậy”...

Đúng là ông “đã ngủ” như thế từ 23 giờ khuya 29.3 để chìm vào hôn mê sâu trong hai ngày sau đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM và trái tim “vẫn nhớ cuộc đời” của ông đã ngừng đập lúc 12 giờ 45 phút ngày 1.4.2001 - sau 62 năm chuyển “lời buồn thánh” đến nhân sinh.

Ảnh: Do gia đình TCS cung cấp
Ảnh: Do gia đình TCS cung cấp

Được tin, từ Huế, một trong những người bạn thân nhất của ông là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, viết lời vĩnh biệt: “Sơn đã đi mất rồi... Đối với tôi, Sơn đã có công xóa đi và sáng tạo nên một thế giới”. Đó là thế giới của mộng tinh tuyền, là hành tinh trong suốt và tuyệt đối ngọt ngào của “hoàng tử bé”. Đó là thế giới “thoát khỏi những cái cụ thể” để “biểu đạt hết nỗi niềm riêng” như nhạc sĩ Phó Đức Phương đã viết trong những ngày đưa tiễn Trịnh Công Sơn: “anh ra đi bình thản, giản dị... nhưng cùng với thời gian, chúng ta ngày càng thấm thía nỗi thương nhớ vì thiếu vắng anh trong cuộc hành trình gian truân mà không được phép mệt mỏi này”.

Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên thì: “Anh ra đi thật ư? Khi mà văng vẳng bên tai mọi người vẫn như còn âm vang câu hát kết thúc một bài ca nổi tiếng của anh viết về mùa thu Hà Nội: “Nhớ đến một người để nhớ mọi người”. Người Hà Nội rất quý trọng anh vì tình yêu của anh đối với mảnh đất Thăng Long cổ kính... Từ Hà Nội xin thắp nén nhang tưởng nhớ đến anh. Những giai điệu và lời ca trong các sáng tác của anh sẽ còn sống mãi trong lòng người Hà Nội”. Nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định: “Hôm nay ngày an táng Trịnh Công Sơn. Vài giờ phút anh đã thực sự về với đất, với trời, nghĩa là về với mình rồi, chúng tôi biết rằng anh đã nghìn lần nói lên nghìn lời trối trăn qua tác phẩm, lời nào cũng làm cho mọi người thấy được nỗi đau làm người “nỗi đau tình cờ, cơn đau chưa dài và cơn đau lên đầy, quá nửa đời người không một ngày vui”. Nhưng theo tôi, có lẽ sau đây là lời trăn trối tuyệt diệu nhất, lời cuối cùng Trịnh Công Sơn nói với... Trịnh Công Sơn: Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng, Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng Em là tôi và tôi cũng là em. Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo...”.


Tên Trịnh Công Sơn vang trong Đại học Paris ngang tầm với những nhạc sĩ danh tiếng như Charles Brassens, trong Đại học Sorbonne. Những tình ca của Trịnh Công Sơn đã làm xao xuyến lòng người Việt, còn làm người Nhật say mê, người Anh thán phục. Anh chỉ biết thành thật và thống thiết chia buồn cùng tang quyến và cầu nguyện cho hương hồn em tiêu diêu nơi cực lạc. Nhưng em Sơn ơi! Những gì em đã cho đời, đời sẽ giữ mãi, không chỉ ngày nay mà đến cả mai sau.
GS-TS - nhạc sĩ Trần Văn Khê

Vực thẳm ấy chứa đầy ngõ ngách của hư vô, ở đó bóng dáng và hơi thở ấm áp của người yêu sẽ dần dần trở lạnh vì hư - vô - hóa, nên ông gọi: “Dao - Ánh - hư - vô, tình - yêu - hư - vô". Có nhiều ngày, chẳng hạn giữa tháng 2.1965, liên tiếp trong các bức thư, ngôn ngữ hư vô đã tràn ngập không gian trò chuyện của ông: “Ánh hư vô của mùa xuân. Hãy trở về làm niềm thần - thoại - cô - đơn cũ. Những buổi mai hư vô. Những chiều tối hư vô. Những ngày - tháng - năm hư vô. Niềm tin cùng lòng chân thành đã bị ma quỷ đưa về vực sâu (Blao 16.2.1965). Mỗi người đã đi từ một đời sống hư vô và sẽ trở về một cái chết hư vô. Ai sẽ đi từ một tình - yêu - hư - vô và trở về cô - đơn - hư - vô. Ôi Ánh - hư - vô (...) Không thể nói là nhớ Ánh nữa, mà cơ hồ như đã mất đi. Như Ánh đã chết và anh trở về sau những ngày tang chế. Ôi hư vô trên đời sống làm sao Ánh hiểu thấu (Blao 17.2.1965). Hư vô đã choán chật khoảng sống nhỏ, từng espace vitale. Ôi buồn là đó, là từng sợi thạch nhũ rơi xuống âm thầm quanh đời sống anh, Ánh đứng nhìn như một vì sao, buổi chiều anh làm người chăn cừu trở về trong những tiếng chuông lục lạc. Anh chờ mong thư Ánh, chờ mong thư Ánh và những lời - nói - cho - ngày - tháng ở đây. Nhớ Ánh thần thoại như bao giờ, bao giờ (...) Bao giờ hư vô biến mất trên cuộc đời này, trên đời anh hở Ánh! (Blao 18.2.1965).

Tạm yên tĩnh vài tuần, rồi khoảng hai tháng sau thư ấy, cơn sốt hư vô lại bất ngờ trào dậy, hâm nóng một khoảng trời trên gác trọ Blao và làm đau trái tim ông, đến phải viết: “Ôi hư vô là từng tháng ngày yêu thương, từng giọt nước mắt, từng buổi hẹn hò. Mọi khởi đầu đều mang sẵn mầm mối chấm dứt. Sự kết thúc nào cũng cuồng bạo như một con trốt xoáy, mang đi biệt tích bao nhiêu huy hoàng. Anh nghĩ đến tất cả mọi hủy diệt chờ chực quanh mình. Nếu không nghĩ đến điều đó thì còn nghĩ về gì?” (Blao 13.4.1965). Đến cuối tháng 9, sắp vào đông, ông gọi: “Ánh ơi, hư vô trải rộng mênh mang, anh muốn gởi về cho Ánh một ít cùng với giá buốt ở đây. Anh nhớ Ánh nhớ Ánh” (Blao 22.9.1965). Năm tiếp đó, 1966, từ Blao về miền Trung, viết: “Sắp hết tháng 11, rồi tháng 12, tháng giêng tới Ánh sẽ có thêm một tuổi - 18 tuổi. Phần anh sẽ thấy mình cằn cỗi thêm mà hư vô thì vẫn che mù trước mặt” (Đà Nẵng 12.11.1966).

Cứ thế, hư vô được nhắc đến hoài, như sau này lúc ông 54 tuổi, trong thư gửi Dao Ánh: “Anh thấy mọi điều trong đời đều là hư không cả. Cái có và cái không, cái được và cái mất cũng không thể nào giết chết linh hồn và đời sống tinh thần mình được. Chúng mình không còn trẻ nữa cho nên gặp nhau được lúc nào là phải sống hết và sống tận cùng từng giây phút đó”. Thư trên viết lúc Dao Ánh về thăm Việt Nam gặp ông, rồi lại ra đi năm 1993, đọc và mường tượng cứ như kiếp trước hai người đã yêu nhau, đã thắm thiết, đã hạnh phúc, nhưng cuối cùng đã bị hư vô và cái chết chia lìa: “Những tuần lễ gặp lại nhau ở đây gần như không thật. Có một cái gì đó rất hư ảo của một cõi đời nào đã xa lắm. Cái hiện tại đó nó trùng lẫn với quá khứ và vì thế nó gần gũi với những giấc mộng”.

(còn tiếp)


Giao Hưởng - Dạ Ly
thanhnien.com.vn, 01/04/2011

Các thao tác trên Tài liệu