Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / LẦN THỨ 8 TẠI HỘI QUÁN HỘI NGỘ

LẦN THỨ 8 TẠI HỘI QUÁN HỘI NGỘ

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/11/2011 22:27
Thư người bạn, 20/11/2011.

Như « thường lệ », tôi xách valise về SGN ngày 1 tháng 11 đúng lúc Hội quán (HQ) Hội Ngộ tổ chức thi hát Trịnh Công Sơn (TCS) hàng năm « như thường lệ ». Lần này là lần thứ 8 (TCS mất năm 2001) nghĩa là vừa mất 2 năm thì những người ái mộ (fans) đã tổ chức thi hát mỗi năm. Thế mà …. !

Được chị BẠCH MAI (BM), trách nhiệm HQ, thông báo và « mời » tham dự với tư cách khách mời. Tôi nhận lời vì chị ấy bặt thiệp, chu đáo, rất thân tình cộng thêm tính tò mò, tôi muốn đi để xem « họ » làm « trò trống » gì đây ? Hơn nữa vốn « khó tính » với ca sĩ thể hiện nhạc Trịnh ngoài ông Thanh Hải, bạn tôi, người diễn tả nhạc TCS hay nhất, đi vào lòng tôi nhất và cô Bống Hồng Nhung, xưa thì có Khánh Ly. Bởi nhạc Trịnh, theo nhiều người, khó hát hay dù dễ hát và nhất là phải « tâm trạng » thế nào mới « nghêu ngao » nhạc Trịnh. Vì những lẽ đó không cứ phải là ca sĩ, sao hay siêu sao mà tôi nghe ra. Bằng chứng, dạo này tôi mua toàn những CD hoà tấu, độc tấu guitare, violon, piano, saxophone ... nhạc TCS.

Tôi đi Bình Quới bằng xe bus vừa rẻ vừa an toàn vừa mát vừa có PBN coi. Tiện lợi trăm bề ! Xuống trạm ngay trước cổng khu du lịch đã thấy những panneaux màu xanh đậm quảng cáo. Trên đường vào HQ cũng có panneaux treo trên thân cây chứng tỏ cũng có quảng cáo rầm rộ nhưng tại chỗ thôi. Gặp chị BM, tay bắt mặt mừng như …. người ở xa về (đã bảo là chị rất thân tình). Bất ngờ đâu tiên: bảo tôi là khách, chị xếp tôi ngồi hàng đầu, cạnh một VK Montpellier và em nhạc sĩ Y Vân. Còn được mời uống nước nữa chứ ! Ngại quá nhưng phải đành vậy.

Tới giờ « mở màn », chị BM là người dẫn chương trình. Sau phần « nghi lễ », chị giới thiệu thành phần Ban giám khảo (BGK) gồm 4 người : nữ ca sĩ Ngọc Lan, nữ ca sĩ Hồng Vân, nam ca sĩ Vinh Hiển và nữ giảng viên nhạc viện thành phố HCM, Ban thư ký, Ban nhạc gồm piano và guitare điện. Chiều hôm nay là vòng sơ khảo, bắt đầu dành cho người từ 36 tuổi đến … 68 tuổi (sinh năm 1944 nghĩa là nhỏ hơn tôi 2 tuổi mà là đàn bà nữa làm tôi phục sát đất. Đúng là GIAMAHA. Bà này còn hơi hướm nên được vào bán kết. Đó cũng là bất ngờ thứ hai).

Tất cả có 219 người ghi tên tham gia, 68 người « đậu » bán kết, 22 vào chung kết. Chứng tỏ phải thế nào mới lọt vào cặp mắt xanh của BGK. Phải nói đến tiêu chí lựa chọn: vòng sơ khảo nên BGK chỉ lấy tiêu điểm là cảm xúc, chất giọng là phụ. Vòng bán kết, 5 tiêu điểm : chất giọng, lời ca, kỹ thuật, phong cách, trang phục. Nhưng nói chung tất cả đều hát đúng nhịp, phong cách cũng đứng đắn. Không ai giống diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc, ăn mặc gợi cảm.

Đáng mừng là giới trẻ đông hơn. Vì còn trẻ nên hát mạnh hơn, khá hơn. Điều thú vị là nét chững chạc của tất cả nam cũng như nữ, « tuổi thứ ba », thanh niên hay thiếu niên. Điều đáng nêu là phái nữ đều mặc áo dài, một hai cô còn trẻ mặc váy đầm. Hai điều này chính là ngạc nhiên thứ ba của tôi.

Tóm lại, vòng sơ khảo làm tôi thấy thú vị và niềm cảm xúc dâng trào khi mắt nhìn tai nghe anh chị em hát những ca khúc quen thuộc nói về thân phận con người, nói về tình yêu … một cách nhuần nhuyễn, nghiêm chỉnh nhất là những anh em trẻ tuổi. Vòng bán kết làm tôi ngạc nhiên nhất là buổi chiều chủ nhật, ACE hát rất hay, rất chuẩn khiến tôi « ngẩn người, « chán », không ghi chép gì nữa.

Tôi say sưa theo dõi mà không biết chán, không nhàm tai. Có nhiều bản hát đi hát lại nhưng ACE hát theo cảm xúc của mỗi người. Vả lại như tất cả đều công nhận, lời nhạc của TCS rất chau chuốt, rất thơ. Phải thú nhận là tôi khám phá thêm ngôn từ của TCS trong dịp này. Vì vậy mà tôi ngồi từ chiều thứ bảy qua chiều chủ nhật, vòng sơ khảo qua vòng bán kết. Nếu Trời Phật, Chúa và Đức Mẹ cho phép, tôi sẽ theo đến cùng.

Cuối vòng sơ khảo và vòng bán kết, BGK có vài lời ngỏ cùng ACE thí sinh. Đại diện BGK là nam ca sĩ Vinh Hiển, nữ ca sĩ Hồng Vân và nữ giảng viên nhạc viện Hồng Thái phát biểu. Trong lời nhắn nhủ ACE thí sinh có vài điểm mà tôi muốn góp ý.

1 - BGK không đồng ý ACE « phá cách »:

Nói chung, văn hóa nghệ thuật phải được tự do, phóng túng. Sự tự do, phóng túng đó phải được giới hạn trong vòng đạo lý luân thường của đạo làm người, phải được giới hạn theo bản sắc của một dân tộc, kỷ cương của một quốc gia. Nói riêng về âm nhạc, thanh nhạc không thoát khỏi qui luật đó. Điều chắc chắn : cái gì không hợp với lẽ Trời, không hợp với « giác quan » của con người là bị đào thải không sớm thì muộn thôi.

Nói về nhạc của TCS, đã có những « sao » phá cách rồi. Ngày nay, cách phá của sao không tồn tại vì khán giả không hưởng ứng, không hợp với thẩm mỹ nên nó đã được mồ yên mả đẹp rồi. Hôm nay, một vài ACE thí sinh ngân dài một từ trong lời hát mà bị BGK « đì ». Tôi thấy không công bằng gì hết. Sở dĩ TCS hát « như thường lệ » vì TCS không còn sức để phá cách. Trước khi TCS mất, tuổi của TCS đáng là cha nếu không nói là ông nội hay ông ngoại, còn xảnh xẹ chi cho đám trẻ cười thúi đầu.

Bởi thế cứ cho phá cách thoải mái!

2 - BGK phê bình ACE không thuộc bài :

Tôi có nghe (có ghi âm) một siêu sao (rất thương tiếc, đã qua đời) hát bài « Đêm Đông » của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ở các địa phương của nước Pháp nhân dịp nghệ sĩ có công tác qua đây: Thấu tình cố lữ đêm đông không chồng. Khán giả là cộng đồng VN định cư ở Pháp gồm nam phụ lão ấu, sĩ nông công thương. Đầy đủ, vậy mà dám hát như thế. Người ta cười một cái rần vì nghĩ là nghệ sĩ « giỡn chơi ». Tôi nghĩ hơi quá đà. Đáng tiếc !

Trường hợp của bạn tôi, ông Thanh Hải, hát nhạc TCS với một tấm lòng (có một lần anh hát bài « Một buổi sáng mùa Xuân » khiến tôi khóc). Nhạc phản chiến của TCS mà ! Thế mà ổng không thuộc bài khi biểu diễn ở Paris nhân dịp những « giỗ » hằng năm do hội Văn hóa TCS tổ chức. Có ai nói gì đâu vì không phải là một hành vi, cử chỉ bất kính hay khinh miệt gì hết. Vả lại một là không trắng trợn thay lời hát, hai là không dễ phát hiện hát sai lời, ba là « sân chơi » như chị « giám đốc » nói.

Bởi thế cứ « bịa » thoải mái nhưng thuộc lời thì hay hơn!

3 - BGK có nêu tiêu chuẩn trang phục và cho 1/20 :

Chiều CN bán kết, trời mưa, tôi phải đụt mưa ra phía sau. Tình cờ, ngồi cạnh một anh chàng mặc áo « rách vai 2 lỗ ». Trông bề ngoài không có vẻ ngổ ngáo, lập dị, nghĩ rằng anh ta « nghèo » thật. Khán thính giả ngồi nghe hát (khoảng 7-8 chục người), mặc áo rách nghe bạn mình thi hát (chắc cũng « nghèo » như anh) mà BGK đe trừ 1 điểm nếu ăn mặc không « đàng hoàng ». Sao thấy « chạnh lòng », tủi thân dùm anh ấy. Nghèo không là một cái lỗi ! Hơn nữa tôi nhận thấy không ai ăn mặc lố lăng, không giống Hàn quốc (như đã nói ở trên). Mấy bà mấy cô « diện » sang trọng là đằng khác. Theo tôi, nhắc nhở miệng hay ghi trên điều lệ, không nói công khai, giữa quần chúng, hay hơn.

Bởi thế cứ để ăn mặc thoải mái, có cái gì mặc cái đó miễn là cho sạch, cho thơm thôi.
Hoàn toàn nhất trí với mấy bà mấy cô: phụ nữ phải đẹp … để chúng tôi ngắm chứ!

Hẹn bạn vòng chung kết 1 ngày 20 (22 người) và vòng chung kết 2 + xếp hạng (12 người) (và vài hàng nói về người dẫn chương trình tức bà bầu Bạch Mai).

Trong lúc chờ đợi, xin các AC và các bạn « liệu » dùm.

« CUỘC ĐỜI ĐÓ CÓ BAO LÂU MÀ HỮNG HỜ »

Thăm tất cả.
Thuỷ T.B.

Các thao tác trên Tài liệu