Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Lời Thiên Thu Gọi

Lời Thiên Thu Gọi

- Webmaster cập nhật lần cuối 27/06/2010 23:38
Festival Huế 2010 đã mở ra chiều ngày 5/6 và khép lại đêm 13/ 6.

Festival Huế 2010 đã mở ra chiều ngày 5/6 và khép lại đêm 13/ 6. Nhiều chương trình nghệ thuật Việt Nam và quốc tế đã được trình diễn trong không gian văn hoá của thành phố vốn nổi tiếng nên thơ cùng cổ kính. Và giữa màu sắc, âm thanh, chuyển động rộn ràng của nghệ thuật, rất nhiều người đã thả mình tan biến vào đêm tràn dâng lời gọi thiên thu. Chúng đã cất lên, cuốn bay trên bầu trời vườn Cơ Hạ trong mấy ngày hè ấy.

Báo chí, người viết blog đã thuật lại những đêm nhạc Trịnh Công Sơn diễn ra trong khu vườn vua ngự năm xưa, một trong các chương trình thu hút nhất của lễ hội.

Hội Văn Hoá TCS ghi lại dưới đây một số trích đoạn từ các bài viết ấy.


Gọi Huế từ thiên thu

tuoitre.vn, 13/06/2010

TT - 1. Vườn Cơ Hạ, cái tên ít ai biết về một khu vườn thượng uyển trong Đại nội được vua Thiệu Trị cho xây từ năm 1843.

Mưa nắng thời gian và dâu bể chiến tranh đã khiến khu vườn thượng uyển trứ danh khi xưa nay chỉ lan man cỏ dại, bức tường thành trầm mặc còn in dấu những vết đạn chi chít để lộ sắc gạch đỏ như máu ứa, nào biết dấu đạn nào đã có từ hồi Đinh Hợi (1947), vết thương nào từ thuở Mậu Thân (1968), nhưng nhìn vào đó ta nhận ra cả biên niên huy hoàng và đau thương của Huế, như một tượng trưng từ quá khứ!


Với những đêm nhạc Trịnh, khu vườn Cơ Hạ hoang phế bỗng hiện ra lung linh huyền ảo - Ảnh: L.Đ.Dục

Và rồi những đêm Festival 2010, khu vườn thượng uyển hoang tàn ấy đã thành nơi hội ngộ cho những ai yêu Trịnh Công Sơn. Điều đáng nói là câu chuyện từ vườn Cơ Hạ, nhạc Trịnh và festival, và Huế... những điều ấy lại có sức khái quát cho một câu chuyện dài của Huế trải suốt mười năm nay qua sáu kỳ hội hè.

Vì sao?

Tôi không được dự nhiều đêm nhạc Trịnh, nhất là từ sau khi ông qua đời, nhưng gặp võ sư, thầy giáo Nguyễn Văn Dũng ở vườn Cơ Hạ - một người thuộc thế hệ Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc Lời thiên thu gọi - ông cứ tấm tắc: trong đời ông chưa bao giờ được thấy một sân khấu nhạc Trịnh nào mang vẻ đẹp kỳ lạ như thế này.

Bởi trên khu vườn hoang tàn ấy, còn một ngọn đồi cao tên gọi Tỉnh An Sơn, trên đỉnh Tỉnh An Sơn có một cây đa cổ thụ hắt bóng lên trời đêm và vẻ độc thụ cô đơn của dáng cây càng tôn thêm hình ảnh cây piano đen bóng sang trọng hào hoa, ngồi trước đàn cũng là một người bạn của thế hệ Trịnh, mái tóc trắng như cước, bộ vest lịch lãm, ông là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - cũng là một pianist tài danh cùng thế hệ Trịnh. Và khi những ngón tay ông chạm xuống phím ngà, khi giọng ca của Ánh Tuyết, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Thụy Long, Đức Thịnh, Thủy Tiên... cất lên thì tất cả trời đêm u tịch, vườn ngự phế tích, bóng đa trầm mặc, tường thành rêu phong... và hàng trăm khán giả đang ngồi bệt trên cỏ kia như hòa làm một để nghe từ hư không vọng về những ca khúc của Trịnh, những ca khúc đã lãng du giữa trần gian mang “lời thiên thu gọi” cho mỗi phận đời, phận người, yêu thương và cứu rỗi...

Nếu không có những đêm Trịnh ở đây, chắc chắn sẽ khó có ai phát hiện vẻ đẹp kỳ diệu của khu vườn ngự hoang tàn. Cũng như thế, không có festival, sẽ có nhiều vẻ đẹp Huế thật kỳ lạ mà chúng ta sẽ không thể nào biết được.

Lê Đức Dục


Lời thiên thu gọi

tienphong.vn, 11/06/2010

TP - Tại Lời thiên thu gọi, sân khấu là gò đất cao với một cây cổ thụ lớn như nói lên sự cô độc giữa nhân gian của Trịnh. Và chủ đề Lời thiên thu gọi của đêm diễn cũng gợi ra nhiều ý nghĩa

Hơn 10 bài hát Trịnh Công Sơn tại đêm nhạc Lời thiên thu gọi, trong khuôn khổ Festival Huế 2010 đã được các ca sĩ Ánh Tuyết, Thủy Tiên, Thụy Long ngẫu hứng trình diễn.


Ánh Tuyết cùng các nghệ sĩ tại đêm nhạc Lời thiên thu gọi.

Không có một sân khấu hoành tráng, chỉ với cây guitar của Đức Thịnh và tiếng piano tài hoa của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, đêm nhạc vẫn thu hút gần 1.000 khán giả ngồi chật cứng vườn Cơ Hạ, Đại Nội Huế.

Những ca khúc Trịnh Công Sơn cất lên trên đồi cao, dưới tán cổ thụ lao xao lá rụng. Nhiều đôi bạn trẻ nhường ghế lại cho những người lớn tuổi, lui ra bãi cỏ, tựa đầu vào vai nhau khi những ca từ trong Chiều một mình qua phố, Để gió cuốn đi, Diễm xưa, Cát bụi, Gọi tên bốn mùa... được ngân lên trong không gian ấm áp, giản dị, yêu thương đúng như ca từ trong âm nhạc của người cố nhạc sĩ.

Đặc biệt, trước khi hát bài Đường xa vạn dặm không nhạc đệm, Ánh Tuyết bộc bạch với khán giả, đây là bài hát được cố nhạc sĩ viết ngay khi mẹ vừa qua đời, ông đã đốt bài hát chôn theo mẹ. Lúc đó, anh chị em nghệ sĩ vì tiếc cho một bài hát hay và mang nặng yêu thương nên đã nhảy vào dập lửa: “Mẹ bỏ tôi đi, đường xa vạn dặm - mẹ bỏ con đi, đường xa mịt mùng...”. Những giọt nước mắt đã rưng rưng trên khóe mắt của nhiều mái đầu điểm bạc.

Đứng hát nhạc Trịnh trên ngọn đồi của vườn Cơ Hạ, nhìn sang bên kia là Duyệt Thị Đường, trước kia là Trường Âm nhạc Huế, nơi lưu nhiều kỷ niệm thời xa xưa của Ánh Tuyết, nữ ca sĩ bâng khuâng xáo trộn nhiều nỗi niềm.

(…)

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn rất đời thường, chính vì vậy không đòi hỏi nhiều điều kiện âm thanh, ánh sáng, sân khấu mà càng mộc mạc, càng chân phương bao nhiêu thì ca từ của ông càng đi vào lòng người bấy nhiêu...”.

Lê Quang Minh


Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn” trong Đại nội

www6.vnmedia.vn, 10/06/2010

(VnMedia) - Là một trong những chương trình chính tại Festival, đêm nhạc “Lời thiên thu gọi” với những ca khúc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã thu hút được đông đảo khán giả.

Trên sân khấu rất đặc biệt, được xây dựng trên 1 quả đồi nhỏ, các nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như “Để gió cuốn đi”, “Lời thiên thu gọi”, “Còn tuổi nào cho em”, “Phôi pha”, “Nối vòng tay lớn”…lại được cất lên. Mỗi nghệ sỹ, mỗi phong cách nhưng tất cả đều hát với niềm yêu thương gửi gắm đến Trịnh Công Sơn. Khán giả, mà đa phần là những người yêu mến nhạc Trịnh đều có chung tâm trạng bồi hồi, xúc động. Đã qua đời gần 10 năm nhưng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vẫn để lại nhiều nỗi nhớ, ấn tượng trong trái tim hang triệu khán giả trong và ngoài nước.


Đáng chú ý, trong chương trình lần này, nữ ca sỹ Ánh Tuyết đã thể hiện bài hát “Đường xa vạn dặm”. Đây là ca khúc nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác để tưởng niệm người mẹ đã ra đi. Sau khi sáng tác xong, ông định đem đốt đi, nhưng bạn bè và đồng nghiệp đã can ngăn và “cứu thoát” được bài hát. Đây là một bài hát đặc biệt và còn ít được công chúng biết đến.

Về ý tưởng của đêm diễn, nhạc sỹ, ca sỹ Nguyễn Hữu Thái Hoà cho biết: “Đây là lần đầu tiên đêm nhạc Trịnh Công Sơn được đưa vào chương trình chính thức trong dịp diễn ra Festival. Ý tưởng này được tôi và ca sỹ Ánh Tuyết xây dựng cách đây mấy tháng. Vấn đề đặt ra là phải tìm một địa điểm thích hợp với những ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Và chúng tôi đã chọn địa điểm là vườn Cơ Hạ, nằm ngay trong Đại Nội. Như bạn thấy đấy, đây có lẽ là nơi yên tĩnh, hoang vắng nhất. Sân khấu lại được xây dựng trên một ngọn đồi. Điều này đã tạo nên không khí rất mộc mạc, dân giã, như chính những ca khúc của Trịnh Công Sơn vậy”.

Còn với ca sỹ Ánh Tuyết, chị chia sẻ đây là lần đầu tiên chị biểu diễn trên một sân khấu đặc biệt như vậy. Trên một ngọn đồi nhỏ, nhiều bậc đá nên người nghệ sỹ nhiều khi phải biết giữ thăng bằng. Biểu diễn ở Festival, với rất nhiều khán giả yêu mến nhạc Trịnh cũng tạo cho chị một tâm trạng khá hồi hộp. Có lẽ đêm nhạc “Lời thiên thu gọi” là một trong những đêm nhạc thu hút được nhiều khán giả nhất. Không gian yên bình, sâu lắng của Trịnh ca đã góp phần tạo nên thành công của Festival Huế 2010.

Hoàng Đức Nhã


Lễ hội và sự hội tụ nhân tài

sggp.org.vn, 15/06/2010

Vậy là Festival Huế 2010 đã khép lại. Một lễ hội nghệ thuật vô cùng phong phú, không mấy ai đủ sức xem hết. Đêm 12-6, đêm cuối của các chương trình nghệ thuật, tôi mới đến được Vườn Cơ Hạ xem “Lời thiên thu gọi” trình diễn các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.

Nhạc Trịnh thì đã quá quen thuộc với người dân Huế và không chỉ riêng của Huế, nhưng Vườn Cơ Hạ thì rất nhiều người chưa hề nghe nhắc đến, càng chưa đặt chân tới, mặc dù địa chỉ này tồn tại trong Đại Nội đã hơn một thế kỷ. Và mặc dù đã quá quen với nhạc Trịnh, hình như Vườn Cơ Hạ luôn là nơi đông khán giả nhất trong hàng loạt sân khấu tại Festival Huế kỳ này. Vì sức hút của nhạc Trịnh và tài năng của các nghệ sĩ, nhưng chắc rằng cũng vì cái sân khấu độc nhất vô nhị ở đây - một đồi cao, một bóng cây lồng lộng giữa thiên nhiên gần như hoang dã mà thơ mộng.


Đêm nhạc Trịnh trong Vườn Cơ Hạ.

Chợt nghĩ không biết “con mắt xanh” nào đã “chấm” địa chỉ… xanh này làm nơi cho Trịnh trở về Huế những đêm vừa qua? Chỉ một ý tưởng, một “con mắt xanh” đủ làm nên một sự kiện. Liệu còn nơi nào độc đáo như Vườn Cơ Hạ và liệu còn ý tưởng nào làm cho Huế thêm đẹp, thêm giàu đã bị bỏ quên trong những năm qua? Thì chính Trịnh Công Sơn đã phải rời Huế vì không có “đất dụng võ”… Nhìn cảnh hàng ngàn con người “chen vai thích cánh” đến Vườn Cơ Hạ để được gặp lại vị nhạc sĩ tài danh của quê hương qua các bài hát, nhắc chút chuyện cũ để biết Huế đã đổi thay nhiều lắm...

Nguyễn Khắc Phê


Đêm nhạc Trịnh Công Sơn trong Vườn Cơ Hạ, Đại Nội Huế

vovanluyen.vnweblogs.com, 14/06/2010

Lần đầu tiên nhạc Trịnh vào dự một chương trình riêng chính thức của Festival Huế, trình diễn trong một không gian "độc nhất vô nhị" ở Huế. Nơi mà Thái Hoà và mọi người gọi đùa là Vườn địa đàng của âm nhạc Trình Công Sơn.

Đêm 9/6, hơn 1000 người đến xem là một kỷ lục của Festival Huế tại Đại Nội. Thế mới biết sức hút của âm nhạc Trịnh Công Sơn là bất biến trong lòng công chúng.

Đây là một số hình ảnh :

 

 

 

và lời thoại ghi trong poster của Festival Huế :

"...Dù những trầm tư của tác giả đi xa đến đâu, âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn là một cõi riêng dành cho tình yêu: nó làm tươi lại bông hoa đầu tiên mà con nguời đã hái, mang theo từ vuờn địa đàng, đánh thức cả trời mộng mơ tuởng chừng đã quá xa trong đời nguời, để đưa những nguời tình đến ở một lâu đài cổ xưa trong rừng, êm đềm, giản dị mà cao sang lạ huờng"...
Lòng ta có khi tựa nhu vắng ai, Nhiều khi đã vui cuời, Nhiều khi đứng riêng ngoài, Nhiều dêm muốn đi về con phố xa, Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên duới mái nhà , Giòng sông truớc kia tôi về, Bỗng giờ đây đã khô không ngờ, Lòng tôi có kho mơ hồ, Tuởng mình đang là cơn gió...

Sẽ có một không gian ấm áp âm nhạc Trịnh Công Son trong Festival Huế với Ánh Tuyết, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Thụy Long, Thủy Tiên , Ðức Thịnh và Nguyễn Ánh 9.

vovanluyen


Về Quảng Trị nhớ Trịnh Công Sơn

ca.cand.com.vn, 20/06/2010

Sau những chương trình đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề "Lời thiên thu gọi" trong Festival Huế 2010, Đoàn nghệ sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn đã đến Quảng Trị - mảnh đất này năm xưa là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng khuân đá làm đường sắt Thống Nhất, đi thực tế viết bút ký về đại công trường Nam Thạch Hãn để tiếp tục biểu diễn.


Cuộc hội ngộ ấm áp, cảm động tại Tích Tường.

Cuộc hội ngộ rất "mộc" và rất "Trịnh" trong không gian ấm áp, không khí thắm đượm tình nhân ái. Họ thuộc mọi tầng lớp, từ tiến sĩ, doanh nhân, công chức, nông dân từ mọi miền đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Cái thế giới "Như một hòn bi xanh"- thế giới đại đồng được nhạc Trịnh Công Sơn góp phần "mai mối" để họ có được cuộc gặp cảm động này!

Nghệ sỹ Thuỷ Tiên bộc bạch: "Mặc dầu lần đầu tiên em đến Quảng Trị, nhưng qua lời kể của bố mẹ nuôi là người gốc Quảng Trị, rồi các ca khúc viết về Quảng Trị nên em đã hiểu về mảnh đất này. Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại vùng ven Sài Gòn, từng tập hát nhiều nhạc phẩm, nhưng đến năm 16 tuổi, một hôm nghe nhạc Trịnh Công Sơn, em thấy thích và hát theo một số bài. Nhiều người bảo số em "bén duyên" với nhạc Trịnh Công Sơn và động viên em phát huy khả năng hát nhạc Trịnh. Năm 2004, em được giải nhất cuộc thi hát về nhạc Trịnh Công Sơn do Hội quán Hội Ngộ, TP HCM tổ chức, với nhạc phẩm "Xin cho tôi". Và sau này em đã có những chuyến lưu diễn đến nhiều nước trên thế giới để hát nhạc Trịnh".

Hiện nay, Thuỷ Tiên làm Phó Chủ nhiệm Hội quán "Đời rất đẹp", trực thuộc Chương trình Khuyết tật và Phát triển Khoa Xã hội học, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Chị đã thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện ở nhiều nơi trong nước.

Một nghệ sĩ khác được những người yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn tặng biệt danh "Người hát nhạc Trịnh xuyên lục địa". Đó là kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái Hoà, Việt kiều Canada. Anh hiện là Tổng Giám đốc chất lượng Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương của Tập đoàn Scheinder Electric (Pháp). Là người yêu mến nhạc Trịnh, anh đã phát hành 7 album nhạc Trịnh Công Sơn do mình thể hiện, tham gia nhiều chương trình ca nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn tại Pháp, Mỹ, Australia, Việt Nam.

Anh đã xuất bản tập sách "Vườn xưa - hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn" (NXB Trẻ) và hiện đang thực hiện tập 2 "Hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn- Giọt lệ thiên thu".
(...)

Th. Bình - Tr. Dũng

Các thao tác trên Tài liệu