Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Một vài kỷ niệm với Trịnh Công Sơn (tiếp)

Một vài kỷ niệm với Trịnh Công Sơn (tiếp)

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/06/2014 18:58
Sâm Thương, 2001

4. CÁI BẮT TAY


Tối hôm đó, nếu tôi nhớ không lầm thì đó là ngày 07.4.2001 tức một tuần sau ngày Trịnh Công Sơn mất, tôi được mời dự buổi tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Quán Hội Ngộ ở Bình Quới do Cao Lập tồ chức.

Trong buổi tưởng niệm, Ban Tổ chức có mời một số người lên bày tỏ cảm tưởng về nỗi niềm đau đớn và tiếc thương Trịnh Công Sơn do một số bạn bè thân quen với Trịnh Công Sơn phát biểu. Tôi không nhớ kỹ lắm những ai đã phát biểu và nội dung như thế nào, nhưng tôi không thể quên được lời phát biểu của hoạ sĩ Trịnh Cung, anh cũng vừa mới từ Mỹ về Việt Nam sau sự kiện Sơn mất. Trước đó 3 tháng chính Trịnh Công Sơn và tôi đã có mời một bữa ăn tối để tiễn Trịnh Cung lên đường đi Mỹ. Sơn vẫn luôn có thái độ ân cần và chăm sóc bạn bè như thế, chứ không riêng gì với Trịnh Cung.

Trước mấy nghìn khán giả tối hôm đó, Trịnh Cung phát biểu: .. Một sự tình cờ của lịch sử, mà hai họ Trịnh (sic) đã được số phận an bài: một người là Trịnh Công Sơn thì vừa ra đi, còn một người họ Trịnh nữa là tôi, Trịnh Cung cũng chuẩn bị ra đi… Tôi nghe đến đó, không nghĩ gì nhiều, lòng cảm thấy buồn thương cho số phận của bạn bè, buồn thương cho chính mình: lại thêm một người nữa sắp từ biệt cõi đời.

Trước đó tôi được một số bạn bè ở Mỹ cho biết Trịnh Cung đã trải qua một cuộc phẫu thuật, do bạn bè cưu mang giúp đỡ, mà không biết có qua khỏi không. Bây giờ Trịnh Cung nói thẳng ra vậy, thì dù thường ngày tôi và Trịnh Cung không thân lắm , nhưng chúng tôi cũng gặp gỡ đi lại với nhau nhiều qua Trịnh Công Sơn, tôi cũng cảm thấy ngậm ngùi, nên sau buổi tưởng niệm tại Bình Quới tôi cố đi tìm gặp Trịnh Cung để nói một vài lời an ủi, nhưng đông người quá, tôi đã không gặp được Trịnh Cung.

Đến khuya, sau buổi tưởng niệm, Phạm Phú Ngọc Trai, một người bạn của Trịnh Công Sơn đã có ý mời tất cả những anh em thân quen tham dự buổi tưởng niệm đến nhà uống với nhau một vài ly trước khi chia tay như thói quen của Trịnh Công Sơn trước đây.

Tại đây, trước khi ngồi vào bàn rượu, chợt nhìn thấy Trịnh Cung, tôi đứng dậy, lách đám đông bước tới trước mặt Trịnh Cung chìa tay ra bắt vì nghĩ từ hôm cùng Trịnh Công Sơn tiễn Trịnh Cung đi Mỹ đến đó cũng đã hơn 3 tháng.

Nhưng thật bất ngờ, Trịnh Cung hất tay tôi, không thèm bắt, rồi quay người tránh đi chỗ khác trước ánh mắt của mọi người lúc đó đang đổ xô nhìn chúng tôi ngạc nhiên. Nhưng tôi cố gắng giữ trầm tĩnh, không muốn mọi người chú ý thêm. Trong lòng tôi lúc đó thật sự không giận, không buồn, và cũng không bẽ mặt, vì nghĩ, có lẽ như Trịnh Cung vừa cho biết trước đó, anh đang trong tình trạng nguy hiểm sau lần phẫu thuật, nên thái độ bất thường đó của anh tôi có thể cảm thông được.

Câu chuyện cái bắt tay bị khước từ bẽ bàng tối hôm đó, cũng tưởng đã dần lãng quên, thì khoảng một tuần hay mười ngày gì đó, tôi đến nhà Trịnh Công Sơn để thắp cho Sơn một nén hương như tôi vẫn thường làm từ khi Sơn mất. Trong khi tôi đang ngồi nói chuyện với Lê Thế Chuyết, em rể của Sơn, bất ngờ điện thoại của Chuyết reo, Chuyết bắt máy nói chuyện, tôi không để ý Chuyết đang nói chuyện với ai và nói chuyện gì, thì Chuyết quay lại nói với tôi:

- Trịnh Cung gọi.

Tôi gật đầu không nói gì. Sau khi đã trao đổi với Trịnh Cung khá lâu, Chuyết nói thêm mà quên hỏi ý kiến tôi

- Có Sâm Thương ngồi đây. Nếu ông muốn nói chuyện với Sâm Thương thì mình chuyển cho Sâm Thương.

Và hình như ở đầu máy bên kia, Trịnh Cung yêu cầu chuyển máy cho tôi. Tôi chưa kịp xua tay từ chối lắc đầu thì Chuyết đã vội trao máy cho tôi.

Tôi cầm máy và tự giới thiệu:

-Sâm Thương đây!

Thế là sau đó một mình Trịnh Cung nói, tôi nghe:

- Tôi nói cho ông biết, không phải như cách ông suy nghĩ. Không phải tôi bất thường hay bệnh hoạn gì đâu. Tôi rất tỉnh táo. Tôi thật sự cố tình không bắt tay ông, gạt tay ông vì ông đối xử tàn tệ, bất công với tôi.

Ông nghĩ lại xem coi tôi nói có đúng không. Những ngày Sơn hấp hối, tất cả tin tức về bệnh trạng của Sơn từng ngày, từng phút chính ông đã liên lạc bằng điện thoại, email hay tin nhắn trả lời cho bạn bè khắp nơi trên thế giới biết tin. Trong khi đó, tôi cũng nằm trên giường bệnh, cũng rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh thì ông chẳng một chút quan tâm. Ông không hề điện thoại cho tôi một tiếng, không nhắn cho tôi một câu, không viết cho tôi một lá thư. Tại sao? Sơn có gì hơn tôi ???

Nói xong Trịnh Cung tắt máy, không đợi tôi nói thêm câu nào. Mà thật ra, tôi cũng không biết gì để nói, lòng thầm nghĩ:

- Ừ! Mình cũng tệ thật!


Sâm Thương, 2001

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Sâm Thương