Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Như những dòng sông (II)

Như những dòng sông (II)

- Webmaster cập nhật lần cuối 26/06/2014 16:35
Hoàng Tá Thích. tuoitre.com.vn, 04-04-2007.

Người mẹ huyền thoại


Mẹ là nước chứa chan, trôi giùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan

(Huyền thoại Mẹ)

TTO - Anh em chúng tôi thường nói với nhau rằng, khó mà hiểu hết anh Sơn nếu không biết nhiều về Má. Bởi đối với anh Sơn, Má là một người bạn tri kỷ và gần gũi với anh hơn một người mẹ bình thường. Chính vì vậy mà khi Má nằm xuống, coi như đã đem theo nửa cuộc đời của anh.

Anh Sơn khóc Má bằng ca khúc Mẹ bỏ con đi Người mẹ Huyền Thoại mà mỗi lần hát lên anh đều không cầm được nước mắt, và sự mất mát này đối với anh là không thể đo lường được. Má ra đi khi bước vào tuổi 70, mà gần phân nửa quãng đời đó hầu như luôn chìm dưới gian nan, chẳng lúc nào được thanh thản trong lòng. Má mất đi không để lại di chúc. Có lẽ bà vẫn nghĩ rằng mình còn phải nặng lo cho con cái nhiều năm nữa, không phải chỉ khi chúng tới tuổi cổ lai hy như Má lúc ấy, mà là khi nào con cái không cần đến sự săn sóc của Má nữa.

Có vẻ như Má nằm xuống mà vẫn chưa được yên lòng. Trong thời gian 49 ngày sau lễ tang, tuần nào anh em chúng tôi cũng lên mộ cúng Má. Những hôm trời nắng gắt, hễ có mặt anh Sơn là bó nhang cắm trước mộ lại cháy bùng lên. Anh Sơn buồn bã nói: “Má sợ anh mệt nên không muốn anh ở đây, thôi cùng về đi”. Quả thật, hôm nào không có anh thì thôi, còn hôm nào anh lên viếng mộ y như rằng chuyện nhang cháy cũng xảy ra. Có thể người ngoài sẽ cho rằng đây là chuyện khó tin, nhưng tất cả anh em chúng tôi đều có chung cảm giác Má vẫn đang hiện diện đâu đó quanh đây để trông chừng con cái, như hồi Má còn sống.

Tôi đến với gia đình Trịnh Vĩnh Tâm - em gái của anh Trịnh Công Sơn - từ khi cô mới lên sáu, còn Trịnh Vĩnh Thúy, chị lớn nhất cũng chỉ được chín tuổi. Thời kỳ này tôi thường xuyên lui tới sinh hoạt với gia đình và vẫn gọi mẹ Tâm bằng Má một cách rất tự nhiên trong nhiều năm, trước khi trở thành con rể trong nhà. Tôi không biết nhiều về người cha, vì ông đã mất trước đó hơn một năm. Tuy vậy Ba vẫn luôn hiện diện trong mỗi bữa ăn hàng ngày của gia đình, qua chiếc ghế trống đặt ở đầu bàn cùng với đầy đủ chén đũa và cả một ly rượu vang, thức uống quen thuộc của ông hồi sinh tiền. Điều này cho thấy Ba có một chỗ đứng rất sâu đậm trong lòng vợ con.


Người mẹ huyền thoại

Không những thế ông còn là cột trụ chính vững chắc để mái nhà gia đình tựa hẳn lên đó, cho đến khi ông đột ngột qua đời vì tai nạn xe vào năm 40 tuổi. Cột trụ gãy, tất cả gánh nặng gia đình trút lên vai người đàn bà 34 tuổi đang còn xuân sắc, cùng bảy người con và một bào thai trong bụng, với một cơ ngơi làm ăn dang dở! Giờ đây nhìn lại những tấm hình Má chụp trong thời kỳ ấy với áo dài tha thướt, tóc vấn đoan trang, thật không thể hình dung được người phụ nữ trẻ trung dường này mà đã có đến tám người con.

Hơn thế nữa, ở bà lại hội tụ đầy đủ tính cách nhẫn nại của một người đàn bà và lòng bao dung vô bờ của một người mẹ. Đối với Má, con cái là hàng đầu và bạn bè của con cái cũng không kém phần quan trọng. Đổi lại, hầu hết bạn bè của các con cũng đều thương mến gọi bà là Má. Gia đình lúc ấy đang có một cửa hàng buôn bán xe đạp ở số 79 đường Phan Bội Châu (nay là Phan Đăng Lưu) tại Huế. Sau khi Ba mất, việc buôn bán không được phồn thịnh như trước, vì nhiều lý do. Cái chết của Ba đã là một cú sốc lớn lao đối với anh Sơn nên sau đó anh ngã bệnh gần cả năm trời. Má vừa lo chăm sóc anh Sơn lại phải nuôi nấng cả một đàn con chưa đủ khôn lớn vốn quen ăn sung mặc sướng. Vai gồng vai gánh tất bật đến đâu cũng không thể nào quán xuyến hết việc trong việc ngoài.

Vả lại, nỗi đau mất mát đã làm cho Má không còn thiết tha với mọi thứ trên đời. Nếu không vì đàn con thơ còn nhỏ dại, hẳn bà có thể chết theo chồng. Vào khoảng 1957, trong nhà xảy ra một vụ mất trộm làm xôn xao cả khu phố. Hôm đó Má sơ ý quên đóng cánh cửa tủ sắt, một chú thợ trẻ trong nhà động lòng tham vơ hết tiền bạc rồi bỏ trốn.

Anh Trịnh Quang Hà - em trai kế anh Sơn - cùng một số bạn bè của gia đình đã lặn lội về tận làng của chú thợ này ở khá xa thành phố, nhưng cũng chỉ bắt được người còn của cải chú ta đã tiêu tán hết nên không thu lại được bao nhiêu. Chú thợ vốn tứ cố vô thân nên khi bị bắt giam không ai lui tới thăm viếng. Cuối cùng chính Má phải cho người mang thức ăn vào thăm nuôi và đứng ra làm đơn xin bãi nại. Má xưa nay vốn vẫn thế! Chú thợ nhỏ tuy phạm tội nhưng vì là người làm trong nhà nên Má vẫn thương. Đối với thợ thuyền còn như vậy huống hồ đối với bạn bè của con cái.

Tôi còn nhớ nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, một người bạn trẻ của gia đình, có lần do đào ngũ nên bị bắt giam trong một trại quân cảnh. Gần như tuần nào tôi cũng phải chở Má lên trại thăm và bới thức ăn cho Tuấn. Có hôm do kẹt xe nên đến hơi trễ hơn thường lệ, anh chàng tỏ vẻ không vui. Má chỉ cười. Hay anh Cương - bạn anh Hà - đi lính bị thương nằm bệnh viện ở Mang Cá. Gia đình anh ở tận Đà Nẵng nên Má cũng lo bới xách hàng ngày. Vậy mà có lần do hai ba ngày Má không thay đổi thức ăn đã bị anh nhăn nhó. Má cũng chẳng để bụng. Hồi anh Sơn phải vào trại nhập ngũ, Má và chị Thuý theo vào Đà Nẵng để lo săn sóc. Lúc anh Sơn trở lại Huế thì đã gầy đi quá nhiều.

Hàng ngày Má đều đặn sáng sâm tối yến để bồi dưỡng cho anh. Yến mua nguyên cả ổ mang về còn đầy lông chim. Người giúp việc hoặc mấy cô em gái thay nhau ngồi nhặt từng sợi lông li ti cho sạch để má chưng với đường phèn, vì người ta nói ăn yến tốt cho phổi. Anh Sơn mấy năm trước chơi thể thao bị thương ở ngực ảnh hưởng đến phổi và Má đã chưng yến cho anh từ hồi đó. Đôi lúc anh Sơn kiệt sức không tự ăn được, Má phải ép nước thịt bò và đích thân đổ từng muỗng vào miệng anh. Suốt nhiều năm như thế, ngay cả lúc anh Sơn đã hết bệnh, Má vẫn giữ thói quen sáng sáng nhẹ bước đem tách sâm lên phòng anh và dọn chén yến anh ăn tối qua. Hễ hôm nào anh quên ăn Má lại lầu bầu nên đôi khi anh Sơn phải giả vờ ngủ. Hễ anh Sơn kêu khó ngủ Má lại chưng táo cho anh. Bất cứ thức ăn gì có thể bồi bổ cho sức khoẻ anh Sơn, Má đều làm tất. (Sau này Má không còn, khi mấy anh chị em cùng nhau chung lo cho anh Sơn trong những ngày anh bệnh nặng, mọi người nhớ lại mới thấy thán phục mẹ.

Một mình bà không phải chỉ lo săn sóc mình anh Sơn mà còn quán xuyến cả gánh nặng gia đình, nhưng không bao giờ thấy Má tất bật như mọi người bây giờ, chỉ tập trung lo cho sức khỏe của anh Sơn mà lại không chu đáo bằng). Anh Sơn ốm yếu phải bồi dưỡng đã đành. Anh Hà siêng tập thể dục thân hình lực lưỡng, Má lại chịu khó hàng ngày cho nấu chè để ăn sau buổi tập. Nhưng anh Hà không chỉ tập một mình mà thường rủ rê cả nhóm bạn cùng tập với nhau, thế là phải nấu cả nồi chè hàng mấy chục chén. Bữa ăn thường ngày trong nhà cũng phải chiều theo ý thích của anh Sơn, tuy ăn ít nhưng anh đòi hỏi phải có nhiều món. Đặc biệt hiếm bữa nào lại không có thêm vài người bạn của mấy anh tham dự. Thật ra Má cũng ít xuống bếp mà thường chỉ vẽ cho người giúp việc. Nhưng những món nào Má đích thân nấu như canh nấm tràm, cháo lươn … thì ngon không chê vào đâu được.

Tôi trước giờ vốn không thích lươn nhưng sau một lần ăn món cháo lươn của Má thì đâm ra mê luôn món này. Có lẽ nhờ vậy mà mấy cô con gái trong nhà người nào nấu ăn cũng giỏi. Trong mấy chị em, Trịnh Vĩnh Ngân có lẽ học được ở Má nhiều nhất vì lúc nào cô cũng theo sát phụ giúp mỗi lần Má nấu ăn và tính Ngân lại tỉ mỉ, cẩn thận. Dịp năm hết Tết đến, Má lên một danh sách những người cần phải biếu xén như các bác sĩ chăm sóc cho anh Sơn, hoặc những người Má từng liên hệ nhờ giúp đỡ cho anh Hà, hoặc đôi khi để biếu bạn bè của các con. Những món quà của bà tuy không đắt tiền nhưng lại rất độc đáo. Đó là những lọ me dầm, mứt cam quất, mứt cà chua được làm hết sức công phu mà ít người có thể sánh bằng. Từ đầu tháng Chạp đã phải mua me về, xẻ lưng, ngâm muối, rồi ngâm đường cho hết vị mặn. Việc tách hột trong trái me là khâu khó nhất, sau đó găm đường thêm mấy ngày mới xong. Mứt cam quất cũng công phu không kém, nhất là phải chích lỗ để lấy hột ra mà không làm hỏng trái quất.

Thuý thường được giao làm việc này vì rất khéo tay. Mứt làm xong, chỉ nhìn những quả quất trong vắt đã thấy thèm. Mứt cà chua cũng đòi hỏi nhiều công sức và tỉ mỉ mà không mấy người làm được ngon như Má. Má thường dạy các con muốn thức ăn được ngon thì phải có nguyên vật liệu thật tốt. Má có cách đi chợ khá đặc biệt, luôn mua rất nhanh và không hề mất công chọn lựa như các bà nội trợ khác. Bà quan niệm người mua khó phân biệt được món hàng tốt xấu bằng người bán, vì vậy hễ người bán nói giá bao nhiêu chẳng những bà không cò kè mà còn trả thêm chút ít, kèm theo yêu cầu họ chọn giúp cho những thứ ngon nhất. Được cái hầu hết những người bán hàng ở cả chợ Bến Ngự lẫn chợ Đông Ba đều quen biết Má nên không ai nói thách. Nhờ vậy nên món nào Má mua về cũng tươi tốt, từ me, cam quất, cà chua, trái nào trái nấy đều nhau nên khi làm xong, chưa bàn đến chất lượng thì đã phải tấm tắc về mỹ thuật. Năm 1964 anh Hà phải nhập ngũ, Má đích thân đưa vào tận trường huấn luyện ở Thủ Đức. Từ đó Má ra vào Huế - Sài Gòn như đi chợ, thỉnh thoảng lại ở hẳn trong Sài Gòn để tiện theo dõi trông nom. Ngày anh Hà ra trường, Má âm thầm chạy vạy khắp nơi để cuối cùng anh được chuyển về một đơn vị tương đối an toàn.

Nhiều người thấy Má thường đi chơi bài tứ sắc, cứ tưởng Má mê đánh bài. Thật ra chiếu bạc cũng là một phương tiện để có thể mở ra được những mối quan hệ giao tế tốt. Má cũng không hề bỏ sót buổi trình diễn nào của anh Sơn. Hồi gia đình còn ở đường Nguyễn Trường Tộ tại Huế, có lần cây đàn của anh bị hỏng, Má mau mắn chạy ngay qua nhà hàng xóm mượn đàn để anh hát cho mấy người bạn nghe. Ướt mi là ca khúc đầu tiên được ấn hành lúc anh Sơn chưa đầy 20 tuổi và được anh trân trọng đề tặng Má. Năm 1968 xảy ra chiến sự vào những ngày Tết Nguyên đán Mậu Thân. Mới sáng sớm tiếng súng bắt đầu nổ và mọi người đều nhận ra chiến tranh đã bao trùm thành phố. Má vội vã xuống cửa hàng tạp hóa gần đó mua tất cả thuốc lá còn lại. Quả thật lúc bấy giờ thuốc lá là một nhu cầu thiết yếu đối với mọi người trong nhà, nhất là vào những lúc căng thẳng âu lo. Tiếng súng nổ liên hồi khắp nơi, Má không ngừng đốt thuốc cho chúng tôi và liên tục trấn an mọi người.

Trong không khí hiểm nguy của lửa đạn, Má rõ ràng trở thành người đầu đàn, chẳng những của hết thảy con cái mà cả bạn bè của các con, mặc dù chúng tôi ai nấy đều đã lớn. Má như một con gà mái giương rộng đôi cánh để che chở đàn con dại. Nhìn Má lâm râm niệm Phật, tôi nghĩ có lẽ không phải nhờ niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát mà chính ý thức che chở, giữ gìn mạng sống của đàn con đã cho Má cái uy lực vô song ấy. Cũng với tinh thần chở che như vậy, mỗi lần cả nhà thuê xe đi đâu xa bao giờ Má cũng lựa chỗ ngồi gần hoặc ngay sau lưng người tài xế. Má luôn miệng trò chuyện, thỉnh thoảng lại đưa một lát sâm để tài xế ngậm cho tỉnh táo. Rõ ràng trong lòng Má lo sợ anh ta buồn ngủ có thể nguy hiểm cho các con của mình, nhưng bên ngoài lúc nào Má cũng bình tĩnh tươi cười. Anh Sơn mới 26, 27 tuổi đã nổi tiếng với những ca khúc bất hủ về chiến tranh và thân phận quê hương. Anh có rất nhiều tác phẩm mang hình ảnh của người mẹ: Lời mẹ ru, Ca dao mẹ, Huyền thoại mẹ, Sao mắt mẹ chưa vui, Bà mẹ Ô Lý…, với những bà mẹ suốt đời hy sinh cho con, những bà mẹ đau lòng nhìn con ra chiến trường, những bà mẹ khóc con ra đi không trở lại. Tôi nghĩ nỗi buồn chiến tranh mà anh Sơn cảm nhận được một cách sâu sắc chính là qua hình ảnh của Má. Anh nhìn thấy và hiểu thấu những âu lo của Má hơn ai hết.

Ngay lúc tôi chưa kết hôn với Trịnh Vĩnh Tâm, Má đã xem tôi như một đứa con của bà. Đến khi tôi xúc tiến những thủ tục cưới xin và khá lúng túng trước nhiều ý kiến của người này người khác, Má chính là người nâng đỡ tinh thần tôi nhiều nhất. Thậm chí Má nói rằng ngay cả khi người tôi cưới không phải là Tâm thì Má cũng vẫn đứng ra tổ chức đám cưới cho thật chu đáo! Ngày cháu Tib – con gái đầu lòng của vợ chồng tôi – sắp sửa chào đời ở bệnh viện Sùng Chính, Má tỏ ra lo lắng không kém gì tôi. Thật lạ, Má đã hơn tám lần vượt cạn vậy mà đến lượt con gái mình sinh đẻ Má lại không giữ được bình tĩnh. Thấy Má đi đi lại lại ngoài phòng chờ với nét mặt căng thẳng, tôi càng thêm lo âu. Mãi đến khi nghe tiếng khóc oe oe, hai mẹ con mới nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Đến năm 1975, lúc đơn vị tôi sắp rã ngũ, viên chỉ huy trưởng trực tiếp đến nhà định đón tôi vào doanh trại. Má đích thân tiếp ông ta và cho biết không đồng ý để tôi rời bỏ gia đình trong hoàn cảnh đó.

Rồi thời gian sau, khi tôi đang ở trong một trại học tập tại Katum gần sát biên giới Campuchia, Má đã cùng với Tâm và Tib – mới hơn hai tuổi – lặn lội dưới cơn mưa lũ tầm tã đến thăm nuôi tôi. Thức ăn bới lên phần nhiều do Má tự tay nấu, trong đó có món thịt thưng đối với tôi lúc đó ngon hơn bất cứ cao lương mỹ vị nào. Khi tôi được đưa về Tây Ninh, Tâm lên thăm tôi gần như mỗi ngày. Con đường Sài Gòn - Tây Ninh tuy chưa đầy 100 cây số nhưng phải mất không dưới năm tiếng đồng hồ đi đường, nên hàng ngày Tâm phải dậy thật sớm chuẩn bị để hai ba giờ sáng rời nhà. Má xót con, biết là đường đi vừa nguy hiểm vừa cực nhọc nhưng không bao giờ lên tiếng can ngăn. Rời trại học tập, tôi về sống với gia đình tại nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch. Mỗi tuần có mấy hôm tôi phải theo nhóm dân phòng đi canh gác quanh khu phố về đêm. Má suốt ruột thỉnh thoảng lại ra trước nhà đứng chờ, thậm chí đi theo tôi quanh khu phố. Mấy tháng sau tôi kiếm được việc làm ở Bình Dương cách Sài Gòn khoảng 30 cây số. Sáng đi sớm, chiều tối mới về bằng xe gắn máy. Chiều nào về đến đầu ngõ tôi cũng đã thấy Má đứng chờ.

Những năm sau này Má hút thuốc liên tục. Thỉnh thoảng Má đi chơi bài với mấy bà bạn, chẳng qua là để giết thì giờ và bớt suy nghĩ. Còn ở nhà lúc nào cũng thấy Má ngồi với bộ bài tây trải trên giường. Buổi tối máy truyền hình vẫn bật suốt đêm. Giấc ngủ chỉ có thể đến tình cờ với Má chứ không êm đềm nhẹ nhàng như mọi người. Tôi biết đó là vì Má không bao giờ ngưng những âu lo suy nghĩ. Anh Sơn uống quá nhiều rượu cũng làm cho Má lo. Anh thức khuya Má lo, dậy sớm Má cũng lo. Thấy anh cứ ở lì trong nhà ít ra ngoài, Má lại lo. Những ngày vợ chồng chúng tôi chuẩn bị rời khỏi Việt Nam, tuy không phản đối nhưng tôi biết Má không phút nào được yên lòng. Đến năm 1989, khi ba người con gái đều đã định cư tại Canada nên dù không muốn rời bỏ Việt Nam, Má cũng đồng ý làm giấy tờ để đi đoàn tụ. Quãng đường di chuyển dài nửa vòng trái đất không làm khó được Má. Nhưng mời Má đi thăm mấy dì cậu bên Pháp bà lại từ chối. Má chịu khó bay hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ chỉ là vì mấy đứa con của mình.

Cũng may nhà mấy chị em gần nhau, cùng trên một con đường. Vợ chồng chúng tôi có một nhà hàng ăn và căn hộ để ở nằm ngay bên trên. Chiều nào Má cũng từ trên lầu ghé xuống tiệm ăn đem cho tôi tách sâm, trước khi tản bộ tới nhà chị Thúy cách đó không xa. Má chăm sóc tôi chu đáo, chẳng những không khác gì con ruột mà còn làm cho tôi có cảm giác mình lúc nào cũng vẫn là một đứa bé. Có hôm tôi bị té bầm vai, ngày nào Má cũng chịu cực xát dầu. Má bảo con cái dù đã có vợ có chồng, dù già bao nhiêu tuổi thì vẫn là những đứa trẻ đối với Má. Qua Canada được vài tháng, Má lại lên máy bay trở về Việt Nam. Trong nhà lúc ấy còn lại anh Sơn với Trịnh Vĩnh Ngân và Trịnh Hồng Diệu. Hai anh Trịnh Quang Hà, Trịnh Xuân Tịnh đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Má lại tiếp tục chăm lo bữa ăn hàng ngày cho anh Sơn và bạn bè của anh. Thỉnh thoảng khi đi chợ, Má mua thêm thức ăn rồi kêu xích lô mang tới nhà hai anh Hà và Tịnh.

Thì giờ rảnh, Má đi chơi bài với mấy bà bạn. Trông Má lúc nào cũng ung dung nhưng lòng không bao giờ tự tại. Tôi biết như thế. Ngân, Diệu và anh Tịnh sắp sửa đi Canada. Anh Hà có thể sẽ đi Mỹ. Má sẽ phải cách xa con cái hàng nửa trái đất. Đầu Xuân năm 1990, Má lại khăn gói lên đường qua Canada. Vài tháng sau khi Má trở về Việt Nam thì anh Tịnh, Ngân, Diệu cùng gia đình lại lần lượt rời Việt Nam. Má chỉ còn lại anh Sơn và anh Hà. Hàng ngày nếu không đi chơi bài với các bà bạn giải khuây thì Má nằm trên giường xem truyền hình hay bói bài cho qua thì giờ. Tay cầm cây bài, mắt xem truyền hình, môi không rời điếu thuốc, nhưng tâm trí Má viễn du ngàn dặm với con cái. Má những tưởng nhờ thuốc lá và các quân bài để giảm bớt căng thẳng trong đầu, nhưng cuối cùng chính thuốc lá là đồng phạm đã đánh Má gục ngã.

Vì vậy mà lúc đặt một cây xe xanh xuống chiếu để kết thúc một ván bài với mấy bà bạn, thì Má cũng kết thúc những âu lo của mình vĩnh viễn. Cái chết của Má là một vết thương không bao giờ lành của anh Sơn. Có thể nhận ra được nỗi đau ấy qua những câu viết của anh – như một điếu văn - khắc trên mộ bia của Má, đồng thời cũng đề cập đến tình thương biển trời bao la của Má đối với con cái. Nhưng tôi nghĩ chừng đó cũng vẫn chưa nói hết được về Má. Má hy sinh cả cuộc đời cho con cái và xem đó là chuyện bình thường. Tôi chỉ là một trong những người con rể của gia đình mà cũng được yêu thương như thế. Thậm chí cả bạn bè của các con cũng được Má bảo bọc chăm lo.

Thử hỏi đối với con ruột của Má, có chữ nghĩa nào đủ để diễn tả được cái tình cảm vô biên đó hay không? Giờ đây anh Sơn đã được nằm cạnh Má, đúng với ý nguyện của anh trước khi nhắm mắt. Phía trên tấm bia bằng đá cẩm thạch khắc bài điếu văn của anh Sơn có đặt một bức tượng nhỏ của Trương Đình Quế, tạc dáng hình một bà mẹ âu yếm cúi nhìn đứa con đang bế trong tay. Bức tượng đơn sơ này diễn đạt đầy đủ cuộc đời và tình cảm của Má. Con cái là một phần thân thể và cuộc đời của Má. Và tất cả những gì liên quan đến con cái Má đều xem đó là trách nhiệm của mình.


Hồi ức của Hoàng Tá Thích

trích từ sách: Như những dòng sông (Công ty văn hóa Phương Nam và Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành


www.tuỏite.com.vn, 04-04-2007

Các thao tác trên Tài liệu