Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Như những dòng sông (V)

Như những dòng sông (V)

- Webmaster cập nhật lần cuối 26/06/2014 16:42
Hoàng Tá Thích. tuoitre.com.vn, 07-04-2007.

Nhạc Trịnh


TTO - Người Việt Nam có họ Trịnh khá nhiều và những người hoạt động âm nhạc mang họ Trịnh cũng không ít. Nhưng bây giờ, chỉ cần nói nhạc Trịnh, dòng nhạc Trịnh, đêm nhạc Trịnh, thì mọi người đều hiểu ngay đó là nhạc của Trịnh Công Sơn.

Nước ta lại có hàng ngàn, hàng vạn nhạc sĩ mang nhiều họ khác nhau. Nhưng lại không nghe ai đề cập đến nhạc Trần, nhạc Phạm hay nhạc Nguyễn … Chừng đó đã nói lên được đôi điều về cái tên Trịnh Công Sơn, cũng như âm nhạc Trịnh Công Sơn đã đi vào đời sống công chúng như thế nào. Ngày anh Sơn mất, có không biết bao nhiêu người đến đưa tiễn, không đại diện cho một cơ quan, một đoàn thể nào.

Họ là những chị em buôn bán, người lái xe taxi, anh đạp xích lô, những người già yếu, nghèo khó, những người tàn tật … Chỉ muốn đến tiễn đưa một người gần gũi với mình, để được nhìn mặt lần cuối người nhạc sĩ mà mình thương mến. Họ Trịnh đã đi vào lòng người như thế. Nhạc Trịnh Công Sơn không phải là nhạc “sến”, nhưng “ sến” khắp nơi vẫn hát nhạc Trịnh. Đồng thời nhạc Trịnh vẫn thường được tổ chức một cách sang trọng, trên những sân khấu cao cấp, hoành tráng. Nhạc Trịnh không phải là loại nhạc hòa tấu, nhưng những băng đĩa hòa tấu Trịnh Công Sơn vẫn được phổ biến rộng rãi, bởi vì dù không thuộc ca từ, thì những âm điệu quen thuộc đó vẫn thấm vào lòng người một cách dễ dàng. Trịnh Công Sơn không xuất thân từ trường lớp âm nhạc nào.

Anh chỉ viết nhạc bằng cảm hứng, bằng những rung động rất chân thực đối với cuộc sống chung quanh. Gần năm sáu trăm ca khúc đã được thực hiện với một cây đàn guitar thùng. Vì thế, nhạc Trịnh cũng rất đơn giản. Đơn giản đến nỗi trong một số buổi diễn, những nhạc sĩ phối nhạc đôi khi thấy cần phải bổ sung phần phối để làm tăng sự “long trọng” cho các ca khúc bằng nhiều nhạc cụ khác nhau. Dĩ nhiên có thể làm như thế, vì cả một buổi biểu diễn không thể chỉ với vài nhạc cụ quá đơn điệu. Nhưng cũng không phải vì các ca khúc quá đơn giản mà bắt buộc phải thêm phần phối cho thật rườm rà.

Tôi không rành về âm nhạc, nhưng theo thiển ý tôi vẫn có quyền nghĩ như thế. Những năm 1966, 1967, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã tạo nên hiện tượng, gây ảnh hưởng lớn và làm say lòng hàng ngàn thanh niên, chỉ với một cây guitar thùng đơn giản. Gần như là hát mộc. Nhiều người cho là vì hoàn cảnh cụ thể hồi đó. Nhưng bây giờ nghe lại những cuốn băng ấy, người ta vẫn thấy xúc động không ít. Nhạc Trịnh Công Sơn quả thật rất giản dị, vậy mà lại không hoàn toàn đơn giản. Nhạc Trịnh là kinh, như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhận xét. Nhạc Trịnh lại là thơ, như Vũ Thư Hiên đã nói: “Nhạc trong ca khúc Trịnh Công Sơn chỉ là một công cụ để tải thơ của ông mà thôi”.

Rất nhiều người đã công nhận điều này. Thử đọc một vài ca khúc mà không cần phải hát lên: Em đi bỏ lại con đường Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em Em đi bỏ lại dặm trường Ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm (Em đi bỏ lại con đường) Hay : Tôi xin làm mưa bay Trong vườn em mùa hạ Tôi xin làm chút gió Mát thêm những bờ vai (Vì tôi cần thấy em yêu đời) Không phải vài ca khúc, mà rất nhiều ca khúc, đã được nhiều nhóm nghệ sĩ trình diễn không có nhạc cụ phụ họa, điển hình là nhóm Năm dòng ke, trình bày ca khúc Tiến thoái lưỡng nan rất thành công. Một buổi hòa nhạc cổ điển thường rất kén khách. Nhiều người mê nghe nhạc cổ điển, nhưng chưa chắc họ đã hiểu biết tường tận về loại nhạc này. Không phải thính giả nào cũng đều có thể nhận ra tác phẩm nào của Beethoven, tác phẩm nào của Chopin … nếu không được giới thiệu.

Và dĩ nhiên không phải ai cũng có thể nghe được người nghệ sĩ chơi có đúng với tinh thần Beethoven, hay có diễn tả đúng Chopin hay không. Việc đòi hỏi phải có một trình độ hiểu biết nhất định mới có thể thưởng ngoạn, thường khiến bộ môn nghệ thuật ấy bị hạn chế số người đến với nó. Nhạc sĩ sáng tác nhạc cổ điển là viết nhạc chứ không phải là viết ca khúc. Mỗi một bản hòa tấu, người viết phải cần đến rất nhiều nhạc cụ để diễn đạt. Người nghe nhạc cổ điển cũng phải có trình độ, và người nghệ sĩ trình diễn nhạc cổ điển dĩ nhiên là phải có tài năng, nhưng dù sao cũng chỉ là một công cụ biểu diễn để người nghe thông qua đó mà thưởng thức tác phẩm của nghệ sĩ sáng tác.

Còn một ca khúc lại khác. Nếu phải dùng đến rất nhiều nhạc cụ, như nhạc cổ điển, thì người nghe có thể bị phân tâm với ca từ và nhạc đệm. Phần âm nhạc đi theo có thể hỗ trợ cho giọng ca nhiều hơn là hỗ trợ cho ca từ. Người nghe sẽ không thể không bị ảnh hưởng đến phần nhạc đệm và do đó bớt chú trọng về phần ca từ. Ca khúc Ướt mi, ra đời năm 1959, được nổi tiếng ngay lúc đó. Một nhạc sĩ lão thành đã lên tiếng phê bình cho là tác phẩm này chỉ có phần “inspiration” (cảm hứng) nhưng kỹ thuật hãy còn non nớt. Có thể đúng như thế. Nhưng một ca khúc mới ra đời đã được đa phần thính giả yêu thích ngay, thì vấn đề kỹ thuật có cần thiết phải đặt quá nặng hay không? Theo tôi, nghệ thuật là làm thế nào để người thưởng ngoạn có thể cảm thông, yêu thích cái đẹp của tác phẩm. Kỹ thuật chỉ là một phương tiện.

Vậy thì bằng bất cứ cách nào, miễn đạt đến được mục đích đó, thì người nghệ sĩ đã làm được nghệ thuật một cách thành công. Nhạc sĩ Văn Cao có nói : “Trịnh Công Sơn viết ca khúc đơn giản như lấy trong túi ra”. Lấy một vật dễ dàng như thế, thì đó là nghệ thuật đã đạt đến một cảnh giới vô cùng rồi. Tritesse của Chopin, chỉ là một “etude” so với những tấu khúc vĩ đại của nhà soạn nhạc lừng danh này, là một ví dụ. Ngày trước, làm thơ phải theo đúng quy luật về vần điệu. Luật thơ Đường có phần khó khăn hơn. Thơ Haiku cũng phải có luật của Haiku.

Những yếu tố đó làm hạn chế phần nào sáng tác. Bây giờ, với thể thơ tự do, thi sĩ có thể diễn đạt ý thơ của mình một cách thoải mái, dễ dàng hơn. Hội họa khác hẳn. Họa sĩ bị hạn chế trong khuôn khổ một bức tranh, không dễ dàng diễn tả được hết ý mình bằng một thứ ngôn ngữ duy nhất là màu sắc. Một bài thơ hay, người ta có thể quên mất tên tác giả, nhưng một họa phẩm thiếu chữ ký của tác giả thì giá trị có thể khác xa. Ai dám quả quyết mình có thể phân biệt được một số tranh lập thể của Picasso và Braques nếu không có chữ ký? Nhưng Picasso thì lẫy lừng, mà Braques thì ngược lại, không được may mắn bằng. Nhìn chung thơ và họa dù sao cũng bị hạn chế phần nào. Muốn xem tranh phải đến tận nơi. Muốn ngâm thơ cũng phải có hoàn cảnh hội thơ. Âm nhạc có phần dễ dàng hơn. Ngay cả nhạc cổ điển, cũng dễ có hoàn cảnh thưởng thức hơn một bài thơ hay.

Ca khúc thì hoàn toàn dễ dàng. Có thể nghe một ca khúc bất cứ lúc nào, ở đâu. Và nhờ vào âm điệu, ca khúc đi thẳng vào lòng người thưởng ngoạn. Vậy thì đối với các bộ môn nghệ thuật, ca khúc là một thể loại tương đối đơn giản nhất so với nhạc cổ điển, hội họa hay thơ phú. Đã là đơn giản thì tại sao phải làm cho phức tạp hơn? Có người cho rằng Trịnh Công Sơn không phải là ca sĩ, nên anh hát không được hay. E rằng nhận xét đó có phần chủ quan và phiến diện. Có lẽ người ta đã quen ca sĩ nghĩa là phải có phần diễn đi kèm. Thực tế, nhiều người cho rằng những ca khúc như Một cõi đi ve, và đặc biệt là Tiến thoái lưỡng nan, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, không ai hát qua được chính tác giả. Năm 1970, Khánh Ly đã trình bày ca khúc Diễm xưa tại Osaka (Nhật Bản) bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật.

Nếu không hiểu được tiếng Nhật, và ngay cả biết tiếng Nhật và người dịch có lột hết được ý ca từ của tác giả (trăm ngàn khó khăn), thì chắc chắn người nghe (Việt Nam) cũng sẽ không thưởng thức được ca khúc trọn vẹn như nghe hát bằng tiếng Việt. Chừng đó, chắc phải nhờ đến phần hòa âm thật rầm rộ để hỗ trợ. Đôi lúc, các ca khúc được trình bày quá đơn giản không được các nhà phát hành hoan nghênh, vì họ cho là thiếu “bề dày”. Bề dày đó, chính là phần nhạc có tính cách thương mãi để thích hợp với thị trường.

Nhưng đó là thích hợp với thị trường buôn bán, chứ không phải thích hợp với một tác phẩm nghệ thuật. Còn nhớ, trong thời kỳ chiến tranh, ở miền Nam, tại một chương trình văn nghệ, một người đã đứng lên xin trình bày ca khúc Tình ca người mất trí. Người này đề nghị không cần nhạc đệm vì anh không quen hát với ban nhạc. Và anh đã trình bày bài hát như đọc văn xuôi, với một chút âm điệu lên xuống, hoàn toàn sai với âm điệu của ca khúc. Vậy mà mọi người đã ngồi yên lắng nghe cho đến lúc anh hát xong, và sự im lặng còn kéo dài một lúc sau đó, mới có tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Đó là nhạc Trịnh.

Hoàng Tá Thích

tuoitre.com.vn, 07-04-2007

Các thao tác trên Tài liệu