Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Như những dòng sông (VI)

Như những dòng sông (VI)

- Webmaster cập nhật lần cuối 26/06/2014 16:43
Hoàng Tá Thích. tuoitre.com.vn, 08-04-2007.

Hoàn cảnh ra đời của vài ca khúc


TTO - Trong phong trào đấu tranh đô thị vào giữa thập niên 60 tại Sài Gòn, sinh viên Nhất Chi Mai đã dùng cái chết để phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo, không lâu sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Anh Sơn đã xúc động viết: Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi.

Quả tim này dành cho thù hận, cho tham vọng của một lũ điên. (Hãy sống dùm tôi - Tuyển tập “Ta phải thấy mặt trời”). Năm 1966, tình hình chính trị xã hội ở miền Nam bị xáo trộn không ít. Thành phố Huế chìm ngập trong không khí của hoảng loạn, bất an, với hỏa châu sáng rực trời đêm đêm, với các cuộc biểu tình diễn ra liên tục ngày qua ngày.

Bàn thờ Phật, ghế đá trong công viên, hoặc bất cứ những gì có thể làm chướng ngại vật đã được người dân mang ra đường để chống lại sự đàn áp của chính quyền. Thế là ca khúc Người già em bé ra đời: Ghế đá công viên dời ra đường phố, người già co ro, hỏa châu mắt đỏ (Người già em bé). Tết Mậu Thân năm 1968, chiến trận ở Huế đã làm cho không biết bao nhiêu người phải bỏ mình, không chỉ những người cầm súng mà rất nhiều dân thường chết vì bom rơi đạn lạc, khắp thôn làng, trong ngoài thành phố. Anh Sơn đã ghi lại: Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu …(Bài ca dành cho những xác người). Và một bài khác: Chiều đi qua bãi dâu, hát trên những xác người.

Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trong khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con. Mẹ vỗ tay reo mừng xác con, chị vỗ tay hoan hô hòa bình (Hát trên những xác người). Bãi Dâu trong ca khúc trên là một địa danh ở phía Đông thành phố Huế, gần bờ biển. Nếu không được chứng kiến một cảnh bà mẹ trở thành mất trí đi sau quan tài đứa con của mình, vừa vỗ tay, vừa cười vừa khóc, thì không thể hiểu được tại sao anh lại viết: Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh, chị vỗ tay hoan hô hòa bình. Năm 1987, một nhóm nữ sinh viên trước khi lên đường đi công tác tình nguyện ở một nông trường vùng biên giới Việt Nam-Campuchia đã đến thăm và ngồi ca hát với anh Sơn. Mấy hôm sau, anh được tin hầu hết họ đều đã bị giết trong rừng sâu. Anh Sơn đến tận nơi viếng và sau đó viết ca khúc “Em ra nông trường” để khóc cho những người bạn trẻ đã nằm xuống.

Đầu năm 1990, căn nhà ở số 47C Phạm Ngọc Thạch chỉ còn lại mình anh Sơn với những căn phòng trống trải. Các em lần lượt rời nhà còn Má cũng đã sang Canada. Buồn bã với nỗi cô đơn thiếu vắng người thân, anh gửi gắm tâm sự vào ca khúc Em đi bỏ lại con đường: “Bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc tôi … bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi”. Mấy tháng sau, Má trở lại Việt Nam. Niềm vui chưa bao lâu thì bất ngờ Má qua đời. Hôm đó, khi rời khỏi nhà để đi chơi bài với bạn, Má còn âu yếm đưa tay vẫy chào anh. Cái vẫy tay không ngờ trở thành lời chia ly vĩnh biệt. Má đã bỏ anh mà đi mãi: Mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm. Mẹ bỏ tôi đi (Đường xa vạn dặm). Chữ con anh dùng để nói với Mẹ, trách Mẹ sao nỡ bỏ con mà đi. Chữ tôi kể lể nỗi niềm thân phận và sự mất mát to lớn của mình.

Hai năm sau, anh qua Canada thăm các em ruột trong tâm trạng tuyệt vọng. Má đã qua đời, ngươi tình lại vừa chia tay. “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”(1992) là ca khúc anh hoàn tất lúc vừa đặt chân lên đất Canada, lúc nào anh cũng tự nhắc mình phải yêu cuộc đời này. Sau cơn bệnh hiểm nghèo năm 1997, anh được bác sĩ khuyên dứt khoát phải bỏ rượu. Từ hồi còn trẻ, với anh uống rượu là một niềm vui, cũng là thói quen mỗi lúc ngồi với các bạn. Không được uống rượu anh cũng mất bớt bạn bè, bởi vì bao giờ rượu cũng là chất mồi cho mọi câu chuyện. Nhưng nay nếu tiếp tục uống rượu thì bệnh tật càng nặng thêm, anh sẽ không có đủ sức khỏe để ngồi với bạn bè. Quả là tiến thoái lưỡng nan.

Tên tuổi Trịnh Công Sơn đi vào lòng quần chúng, không hẳn chỉ vì số lượng bốn năm trăm ca khúc, mà chính vì ca từ của anh đã nói lên được tất cả nỗi niềm, suy nghĩ, không phải chỉ của một số người, một lứa tuổi, mà của tất cả mọi người, tất cả mọi lứa tuổi. Một anh cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ, khi nhìn tấm chứng minh nhân dân mang cái tên khá quen thuộc bèn nhìn lên khuôn mặt người đối diện: “A! Thì ra là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh chính là nhạc và lời Trịnh Công Sơn hả, mời anh đi”. Một người xích lô đưa khách đến số nhà 47C Phạm Ngọc Thạch. Lúc nhìn rõ mặt khách, anh tỏ vẻ vui mừng: “Ủa, đúng chú là Trịnh Công Sơn. Thôi cháu không lấy tiền xe đâu, được nghe nhạc của chú là đủ rồi”.

Ngày tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng, tại nghĩa trang, hàng ngàn người vây quanh mộ, vừa khóc vừa hát những ca khúc của anh, từ Nối vòng tay lớn, Diễm xưa, Hạ trắng, đến Biển nhớ, Mưa hồng, Một cõi đi về, Nhìn những mùa thu đi …, hát mãi không ngừng. Hơn trăm năm trước, Nguyễn Du đã gửi gắm tâm sự của mình vào cuộc đời nàng Kiều trong Đoạn trường Tân thanh. Và ông đã băn khoăn: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như Trịnh Công Sơn trái lại, không băn khoăn chuyện người đời sau mà chỉ sợ nỗi cô đơn vì không có người thân, bạn bè quanh mình. Trong “Rơi lệ ru người” anh đã viết: Nếu thật hôm nào tôi phải đi ... có còn ai mang hoa tươi về yêu dấu ngồi, quên đời xóa hết cuộc vui. Có còn, có còn em, im lìm trong chiều hôm, nước mắt rơi cho tình nhân. Hay: Anh nằm xuống… không có ai từng ngày, không có ai từng giờ, ru anh ngủ vùi. mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi (Cho một người vừa nằm xuống) Bây giờ thì anh đã đi thật rồi. Hơn 5 năm đã trôi qua. Luôn luôn trên mộ anh đều có những bó hoa tươi, những nén nhang thay nhau được thắp. Vẫn có những người ngày ngày về yêu dấu ngồi với anh, uống rượu, trò chuyện, hát ru anh giấc ngủ vùi. Và có lẽ hàng trăm năm sau, thiên hạ vẫn còn khấp Trịnh Công Sơn.

Hoàng Tá Thích

tuoitre.com.vn, 08-04-2007

Các thao tác trên Tài liệu