Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Những ca khúc Da vàng của anh đã đánh thức lòng tự trọng dân tộc…

Những ca khúc Da vàng của anh đã đánh thức lòng tự trọng dân tộc…

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/06/2009 12:01
thực hiện Kim Yến, sgtt.com.vn, 14.06.2009

Cao Lập, ông bầu của các đêm hội ngộ:


Những ca khúc Da vàng của anh đã đánh thức lòng tự trọng dân tộc…



chân dung nhiếp ảnh Quý Hoà


SGTT - Mỗi lần trò chuyện cùng ông, tôi đều có cảm giác bị hút về một không gian trong lành, thảnh thơi, mộc mạc. Trong ông luôn có rất nhiều công việc đang làm, những cái đẹp đang hiện hình, những ý tưởng đang nung nấu: Từ một nơi chốn trong lành để hít thở và thưởng thức những món ăn ngon và lành của Bình Quới, Văn Thánh, một thiên nhiên hoang dã bình an để hồi sinh như resort Hồ Tràm, những đêm nhạc Trịnh thấm đẫm lòng biết ơn, một đường hoa mỗi dịp xuân về để trở lại với những vẻ đẹp đã mất... và bây giờ là Nhà Bè xưa, một bảo tàng “sống” về văn hoá Nam bộ, nơi hội tụ của những dòng sông và hồn người...

Sau một thời gian yên ắng, cứ tưởng ông sẽ... “chậm dần rồi tắt”, vậy mà thật bất ngờ khi thấy ông hết suy nghĩ chuyện làm resort, festival biển... rồi đạo diễn đêm nhạc Trịnh tại Bình Quới... Tại sao nghỉ hưu rồi mà ông còn “sung” thế?

Đối với tôi, làm việc là để được chơi, được sống phong phú hơn, được nghỉ ngơi. Trong đầu tôi luôn có ba, bốn dự án cùng triển khai, và tôi phân thời gian ra để làm. Công việc giúp tôi có niềm vui, có tiền để sống.

Điều gì tương thông giữa các lựa chọn của ông, để tạo ra một “đồng quê Cao Lập”?


Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Tôi yêu quý nhất anh là sự nhiệt tình, dấn thân hết mình, có tình có nghĩa trong cả công việc và cuộc sống. Nếu phải góp ý ư? Chậm chậm một chút nữa. “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” mà!

Nhà báo Nguyễn Trọng Chức
Có thể gọi không ngần ngại rằng anh là một nhà văn hóa du lịch, một người làm du lịch có văn hoá cao

Nhà thơ Nguyễn Duy
Chưa bao giờ thấy anh ủ rũ, cả trong những lúc bệnh tình nguy kịch nhất. Luôn hồn nhiên, lạc quan, cởi mở, chân thành, anh cuốn hút bạn bè bởi năng lượng sống mãnh liệt

May mắn là tôi làm việc gì cũng đam mê, chỉ khi đam mê mới phả được sự cuốn hút cho những người khác. Làm việc này cần lắm khả năng tập hợp sức mạnh của mọi nguồn, từ những người thợ lành nghề đến những bậc nhân sĩ, trí thức, giới văn nghệ sĩ, các nghệ nhân. Cùng làm việc, trao đổi, lắng nghe nhau, để cùng lớn lên, đó cũng là một cách sống. Tất cả đến với tôi chỉ là tình cờ, nhưng may mắn đó là những tình cờ thuộc về mình, ở trong mình, cuốn tôi đi từ cái này sang cái khác một cách tự nhiên. Và tôi đang có một tình cờ khác, nếu làm được thì đó là một tình cờ tuyệt đẹp.

Phải chăng là dự án Nhà Bè xưa trong khu rừng ven sông thuộc xã Phú Xuân? Từng được gọi là “tư lệnh ven sông”, dường như ông rất nhạy cảm với khu rừng ven sông...?

(Cười hạnh phúc) Đây là chỗ đẹp nhất để có thể làm một khu bảo tồn văn hoá Nam bộ... Phục dựng Nhà Bè xưa là phục dựng sự pha trộn văn hoá các cộng đồng dân tộc sống nơi đây để phù hợp với môi trường thiên nhiên qua từng thời kỳ lịch sử. Với dải đất 28 hecta rừng phòng hộ, tôi muốn giữ lại toàn bộ không gian xanh ấy để kiến tạo thành những cộng đồng dân cư khác nhau, mà ở đó, người ta được sống, được làm việc, được ăn ở, đi lại... như ngày xưa: những làng chài với những người dân sống bằng nghề chài lưới, những làng nghề thủ công với những sản vật thô mộc bán được cho du khách, khôi phục lại nghề vẽ tranh trên kiếng, nghề dệt lụa, dệt chiếu, làm bánh tráng, nấu đường... những lò rèn xưa, những nông ngư cụ của đời sống dân dã... chứ không phải là những mô hình bằng sáp, chán lắm.

Một “bảo tàng sống” như thế có khó không?

Nhà văn Vũ Bằng đã viết: “Tôi yêu miếng ngon miền Nam là vì nó lạ - lạ đến nhiều khi không thể tưởng tượng được - và chính những cái lạ đó đã cho tôi thấy rõ hơn tính chất thực thà, bộc lộ và chất phác của người miền Nam. Ăn cháo cóc, nhậu đuông chiên, nhắm món dơi xào lăn với bánh mì, ăn ve con lăn bột, nhắm nấm tràm... rồi tráng miệng bằng một ly chè rùa hay một chén mủ trôm... thoạt nghe, mấy mà du khách không phải cho là “lạ hoắc”, “kỳ cục”, hay “ớn quá”! Nhưng có thưởng thức đủ cả những món lạ của miền Nam mới nhận thức được đất của miền Nam nước Việt phong phú biết chừng nào, người của miền Nam nước Việt hồn nhiên biết chừng nào, và miếng lạ của miền Nam nước Việt lạ biết chừng nào”. Làm thế nào để người dân có thể sống được bằng những sản vật thô mộc ngày xưa quả là một bài toán với người làm bảo tồn. Khách du lịch phải trả một giá cao để mặc áo lụa xưa, đi trên những chiếc xe thổ mộ đầu thế kỷ, chơi những trò chơi dân gian, sống lại cảm giác xưa và ăn những món ăn lạ... Tiền thu được sẽ nuôi tất cả những hoạt động của làng nghề. Nếu được giao quản lý dự án này, tôi tin khu dịch vụ sẽ đủ sức “nuôi” bảo tàng. Đó cũng là việc có ích nhất cho tuổi già ham “bày những cuộc vui” của tôi.

Những khúc quanh nào của cuộc đời làm thay đổi số phận ông?

Đời tôi dài lắm. Chuyện theo cách mạng là bước ngoặt lớn nhất, nó bộc lộ thái độ sống mà tôi có thể chọn lựa ngay từ thời trai trẻ. Sau khi ra tù, tôi hoạt động phong trào thanh niên, làm tuyên huấn, rồi chuyển sang kinh doanh văn hoá, kinh doanh xuất nhập khẩu, làm du lịch... tôi luôn tập để yêu thích công việc của mình. Chính nhờ thế tôi thấy cuộc sống không uổng phí. Bước ngoặt quan trọng thứ hai là đến với Bình Quới. Nếu không có Bình Quới thì khó có những cái sau này.

Nguồn năng lượng nào đã giúp ông biến Hội quán Hội Ngộ thành một “thánh địa” cho những người yêu nhạc Trịnh, với những đêm nhạc đều đặn hàng năm thu hút đông đảo người xem, trong điều kiện kinh phí khó khăn và đời sống âm nhạc đang xuống dốc hiện nay?

chân dung hội hoạ Hoàng Tường

Hồi xưa, tôi theo cách mạng chính là nhờ nhạc Trịnh Công Sơn. Những ca khúc Da vàng của anh đã đánh thức lòng tự trọng dân tộc, cảm nhận rõ đất nước đang bị xâm lược, thôi thúc tôi bước vào con đường tranh đấu. Tôi cũng chịu ơn anh về những bản tình ca...Chính anh Sơn là người đã đến đây chọn đám cây ven sông thơ mộng này, và kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất đã thiết kế nó theo sự gợi mở của anh Sơn. Anh mất đi, nhưng Hội quán Hội Ngộ đã trở thành nơi lưu giữ những kỷ niệm của bạn bè và người hâm mộ Trịnh Công Sơn, một địa điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của công chúng... Những cuộc chơi mộc mạc, đơn sơ, ấm áp tình người.

Khi Bình Quới và Văn Thánh đang trong thời kỳ khởi sắc, ông lại quyết định nghỉ hưu sớm một năm. Ông không tiếc danh thơm, tiền bạc mà mình đã mất bao công sức để gầy dựng sao?

Lúc ấy tôi phát hiện mình mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, dù đang rất sung sức, nhưng chưa bao giờ tôi thấm thía như vậy về ý nghĩa của sự sống. Hơi thở mà mình còn không biết có giữ được không, nói gì đến ba cái thứ phù phiếm đó. Lúc ấy, tôi xác định đi là đi thôi, chẳng nuối tiếc điều gì, nên thấy bình thản lắm. Qua đau buồn, lắng lại, thấy yêu cuộc sống nhiều hơn, biết phải làm gì để sống vui vẻ hết thời gian mà mình đang sống.

... Và ông lại biến resort Hồ Tràm có hồn trở lại?

Vậy ư? Tôi rất mừng khi bạn nói thế. Thực ra tôi nhận lời chính là vì Tú, chủ nhân của Hồ Tràm, người bạn từ thời trai trẻ cùng bị tù chung với tôi ở Côn Đảo. Tú là người đã giúp tôi kinh phí để chữa bệnh.

Theo ông, cái thiếu nhất của đời sống con người hiện nay là gì, kể cả trong thưởng thức cuộc sống?


Những con số tăng trưởng kinh tế ào ạt đang xô đẩy những giá trị nhân văn. Chính Nhà nước phải cầm trịch để hướng cho người dân biết xây gì, giữ gì, chống cái gì, có như vậy mới tạo ra những giá trị tốt đẹp

Nếu nói về kinh tế, đời sống vật chất của chúng ta đã được cải thiện đáng kể, nhưng những giá trị tinh thần thì càng ngày càng mất đi quá nhanh. Không phải ngẫu nhiên người ta hay mơ về ngày xưa, bởi như thế cảm thấy dễ thở hơn. Người ta đang bị vong thân, những giá trị mà số đông đang theo đuổi không phải là những giá trị tốt đẹp, con người ngày càng định giá nhiều thứ bằng tiền. Tôi rất đau xót khi nghe “Cường đôla”, con một đại gia nói: “Tiền của nhà tao chỉ thua tiền nhà... nước”. Những con số tăng trưởng kinh tế ào ạt đang xô đẩy những giá trị nhân văn. Chính Nhà nước phải cầm trịch để hướng cho người dân biết xây gì, giữ gì, chống cái gì, có như vậy mới tạo ra những giá trị tốt đẹp. Nhưng nhìn lại đời sống tinh thần, thấy còn ngổn ngang hàng loạt vấn đề...

Ông thường kết thúc một ngày với tâm trạng như thế nào?

Cũng còn tuỳ. Có những đêm mất ngủ, tôi thường đi bộ dọc bờ biển. Vừa đi, vừa nghe nhạc, vừa nghĩ, sau đó về tắm, tôi thấy mình như được hồi sinh, khoẻ hẳn ra, lại thấy cuộc đời rất đẹp...

Yêu quá một cái gì đẹp, hay ghét quá một cái gì xấu, rất dễ trở thành một người cực đoan?

Người quá cực đoan như tôi cũng phải trả giá nhiều lắm. Bạn bè nhiều khi cũng phê bình tôi tại sao phải quyết liệt như thế để cho mọi người được hát ca khúc Da vàng của anh Sơn? Nhưng tôi nghĩ nếu không làm được điều đó, có gì đó không phải với người nhạc sĩ tài hoa này. Nếu như tôi có độc đoán, thì cũng là để làm được điều gì có ích. Có thể những người thợ mộc, thợ trồng cây của tôi cho rằng tôi là người... độc tài, nhưng họ biết tôi thương họ thế nào.


Năm 2005, Cao Lập đến Pháp thăm gia đình André Menras người bạn tù cũ (đứng phía mặt). Ảnh nhân vật cung cấp


thực hiện Kim Yến


tcs-home : Chúng tôi đã mạn phép đổi tít bài phỏng vấn (Cao Lập, giám đốc resort Hồ Tràm: "Nếu không gìn giữ vẻ đẹp quá khứ, sẽ chẳng có gì ở tương lai") cho nó phù hợp với trọng tâm của tcs-home và cũng đã bổ sung ghi chú của tấm ảnh chót để độc giả dễ nhận dạng anh André Menras.

Các thao tác trên Tài liệu