Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Phong trào Da Vàng Ca

Phong trào Da Vàng Ca

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/04/2008 20:51
Lê Trương, 1970 (?).


Ảnh Talawas



Vào năm 1966, cuộc chiến Việt Nam trở nên dữ dội hơn. Bom đạn trút xuống quê hương càng ngày càng nhiều, lính ngoại quốc đổ bộ lên đất nước càng ngày càng đông. Những phong trào tranh đấu ở các đô thị bị đàn áp tơi bời. Biến cố miền Trung được mang tên là “một cuộc nội chiến trong một cuộc nội chiến”: Máy bay, xe thiết giáp, lính thiện chiến của chính quyền trung ương Sàigòn tấn công các thành phố Huế, Đà nẵng.

Giữa lúc đó, cũng chính từ miền Trung, có một chàng lãng tử gầy ốm với vầng trán rộng và nụ cười héo hắt đã mang vào Nam hai bài ca nghe rất buồn thảm: bài Người già em bé và bài Ca dao mẹ. Một đám người tới với chàng, họ ngồi dưới đất, trong bóng tối và hát tuyệt vọng như những người nô lệ da đen đêm đêm ngồi than khóc phận mình. Từ đó, tiếng hát lan ra khắp các đô thị, tới đâu nó cũng đi sâu vào lòng người, làm rung lên như một dây đàn từ lâu chờ người gảy. Phong trào càng ngày càng dâng lên cao, nhất là sau biến cố Mậu Thân để rồi không có một sức mạnh nào ngăn cản nổi nữa. Chúng tôi gọi đó là phong trào DA VÀNG CA.

Năm 1966, cuộc chiến Việt Nam lại được mang thêm một tên mới: Chiến tranh diệt chủng. Tất cả khả năng cơ khí của nền văn minh Tây phương đều được tận dụng vào cuộc giết người rất khủng khiếp này. Nông dân Việt Nam đã chịu đựng cảnh bom đạn trong nhiều năm nay, càng ngày sức tàn phá của chiến tranh lại càng gia tăng.

TrịnhCông Sơn đã mô tả sự bi đát hãi hùng của thân phận da vàng Việt Nam trong những lời ca sau:

Từng chuyến bay đêm, con thơ giật mình,
Hầm trú tan hoang, ôi da thịt vàng...
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng,
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.
(Đại bác ru đêm)

Đó là thân phận của nông dân Việt Nam. Nay các đô thị cũng nhiều phen chìm trong khói lửa. Người dân thành phố không những đêm đêm nghe tiếng bom dội về làm rung chuyển cả thành phố mà còn sống trong cảnh tàn phá hủy hoại của bom đạn. Chết chóc đã xuất hiện đầy rẫy trong những đường phố:

Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng,
Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co.
Xác người nằm bên nhau, treo trên gầm cầu,
Trong góc nhà đổ nát, dưới những hàng thông sâu.
Xác người còn xương khô, trong khắp bụi mờ,
Sau những đường phố vắng, trên góc đường mấp mô.
(Bài ca dành cho những xác người)

Trước những biến cố mới đó, quần chúng đô thị bắt đầu hiểu một cách thấm thía cuộc chiến tranh đã kéo dài từ bao lâu nay. Nông thôn cũng như thành thị giờ đây không có một tất đất nào trên quê hương thân yêu này được coi là an toàn. Chiến tranh toàn diện, chiến tranh giành thắng lợi, cho dù thắng lợi là làng mạc hay thành phố biến thành đống tro tàn gạch vụn, trên đó những người được nhân danh cho cuộc chiến này nằm chết ngổn ngang. Cái hình ảnh:

Người già co ro, em bé lõa lồ,
Từng hạt cơm khô, trong miếng hững hờ,
Từng bàn tay khô lấp kín môi cười,
Từng cuộn dây gai xé nát da người,
Cửa nhà Việt Nam, cháy đỏ cuối thôn... (Người già, em bé)

giờ đây cũng chính là hình ảnh của quần chúng đô thị. Nó không còn là một câu chuyện của một chàng lãng tử ngang qua thành phố kể cho họ nghe trong những cảm giác đau nhức, thú vị. Đó là sự thật. Giờ đây họ thật sự sống trong chiến tranh, cho nên những lời ca đó chính là những lời ca nói về họ. Họ bắt đầu tham dự cuộc chiến tranh. Do đó, sinh hoạt văn nghệ cũng thể hiện rõ ràng cái tâm trạng của họ.

Quần chúng trí thức đô thị càng ngày càng thích nghe Ca khúc da vàng, Tình ca Trịnh Công Sơn. Và chỉ trong một thời gian ngắn, loại nhạc này đã trở thành những rung cảm chung của quần chúng đô thị, tạo nên một phong trào văn nghệ rất đặc biệt :


1. Đặc tính thứ nhất của phong trào này là phủ nhận cảnh nồi da xáo thịt.

Giữa lúc những người Việt đang tham dự một cuộc chém giết nhau, gán cho nhau là tay sai của đế quốc này hay đế quốc nọ, thì chính trong thâm tâm họ, họ luôn luôn muốn phủ nhận cái cảnh nồi da xáo thịt đó. Họ đã từ bỏ con người của họ để mang những nhản hiệu cho mình, cho người anh em của mình để đánh nhau trên khắp các chiến trường. Thế nhưng, khi họ quên hết những nhản hiệu đó, khi họ xóa bỏ những chiếc mặt nạ mang cho nhau thì họ lại thấy gần gũi nhau, yêu thương nhau :

Tôi có người yêu chết trận Plei-me,
Tôi có người yêu ở chiến khu D,
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà nội,
Chết vội vàng dọc theo biên giới...
(Tình ca người mất trí)

Họ thấy những người chết trong cuộc chiến tranh khủng khiếp này là những người yêu, những người anh em của họ, cho dù những người này ở Plei-me, ở chiến khu D, ở ngoài Hà nội, ở Chu Prong, A Shau, hay bất cứ nơi nào trên giải đất Việt Nam thân yêu này. Tất cả là anh em cùng một màu da, đã cùng nhau trong hành trình vĩ đại của giống nòi từ miền Triết Giang đổ về để hình thành dân tộc Việt Nam. Tất cả là người yêu của họ. Yêu nhau là chấp nhận những đắng cay, ngọt bùi của nhau như câu ca dao : ‘‘Gừng cay muối mặn, xin đừng bỏ nhau’’. Không những tôi nhìn nhận anh là người anh em, mà tôi còn coi anh là người yêu, là gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau, là ‘‘gần nhau trong tiếng nói da vàng’’.

Vậy thì tại sao lại có cảnh nội chiến ? Đây là lời tố cáo :

Hai mươi năm nội chiến từng giờ,
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng,
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình...
(Gia tài của mẹ)

Sự xuất hiện của hai chữ lai căng trong văn nghệ mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Lai căng tức là từ bỏ con ngườI văn hóa dân tộc của mình để biến thành một người khác. Đó là trường hợp của những người nô lệ muốn thoát khỏi cảnh tình nô lệ của mình bằng cách chối bỏ khinh rẻ con người của chính mình và muốn trở thành như chủ nhân ông ngoại bang, cùng với nó cai trị những người nô lệ khác. Bọn lai căng đó trở thành một lũ bội tình dân tộc, vì luôn luôn đứng sát với ngoại bang để bóc lột, giết hại đồng bào của họ. Dĩ nhiên, bọn người này không còn là người Việt nữa, nhưng họ vẫn còn da vàng, mũi tẹt. Do đó ngoại bang mới tạo được cái ảo tưởng nội chiến, một ảo tưởng nằm trong chiêu bài của họ để che mất chế độ thực dân, nô lệ. Người Việt đã cảm thấy điều đó, cho nên dù đang ở trong cái thế chống đối nhau, tự trong thâm tâm của họ, họ vẫn thấy yêu nhau, gần nhau:

Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam,
Ngày gió lớn, tôi đi môi gọi thầm,
Gọi tên anh, tên Việt Nam,
Gần nhau trong tiếng nói da vàng.
(Tình ca người mất trí)

2. Đặc tính thứ hai của phong trào là nói lên tâm trạng nạn nhân của một cuộc chiến.

Cái bi thảm nhất là ở chỗ : tay của người Việt ít nhiều đều vấy máu anh em mình, người yêu của mình. Tự trong thâm tâm họ là anh em, là người yêu của nhau, nhưng trên thực tế họ chém giết nhau, nhìn nhau xa lạ. Rồi khi kẻ xa lạ đó nằm xuống, bổng nhiên nó không còn xa lạ nữa, mà chính là những người yêu. Những người yêu đó đã:

Bỏ xác trôi sông,
Chết ngoài ruộng đồng,
Chết rừng mịt mùng,
Chết lạnh lùng,
Mình cháy như than.
Chết cong keo,
Chết vào lòng đèo,
Chết cạnh gầm cầu,
Chết nghẹn ngào,
Mình không manh áo.
(Tình ca người mất trí)

Trong cuộc chiến tranh này, không ai ca khúc khải hoàn, không ai nằm chết trong vinh quang. Những người yêu đó đã:

Chết thật tình cờ,
Chết chẳng hẹn hò,
Chết không hận thù,
Nằm chết như mơ.

Vậy thì đây là cái chết do một trận địa chấn, một cơn hồng thủy. Một cái chết không nằm trong dự tính của họ. Họ bị một thứ gông cùm xiềng xích vô hình xô đẩy họ vào mâu thuẫn, hận thù, nhưng tận trong thâm sâu của tâm hồn họ, họ không thấy sự mâu thuẫn, hận thù mà chỉ thấy một màu da thơm mùa lúa chín, thấy yêu nhau, thấy gần nhau trong tiếng nói Việt Nam. Như vậy thì quả dân tộc ta đang gặp một cơn đại nạn. Và triệu người đã chết bất đắt kỳ tử, chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phát xuất từ đâu tới, chớ không phải từ trong lòng anh em Việt Nam.


3. Đặc tính thứ ba của phong trào là nói lên tâm trạng nô lệ da vàng.

Quê hương bây giờ không còn là quê hương thần thoại nữa mà chỉ là một ngục tù trong đó người Việt da vàng sống như những kẻ bị lưu đày. Họ không còn chủ quyền trong tay, sinh mạng hoàn toàn không được bảo đảm, giá trị làm người bị phủ nhận. Thân phận của họ không khác gì thân phận của những người nô lệ, sống không ra người, mà chết cũng không ra cái chết của một con người. Từ hoàn cảnh bi đát này xuất hiện những tiếng hát mang âm điệu nô lệ da đen, khóc than, kể lể niềm thống khổ, tủi nhục của những người da vàng trong cuộc chiến tranh tàn bạo này.

Những bài ca nổi tiếng như Tình ca người mất trí, Ca dao mẹ, Đi tìm quê hương là những bài ca rất buồn thảm, âm hưởng nhạc da đen. Bài ca bắt đầu bằng điệu Blues dìu dặt, rỉ rít, thở than, kể lể như tiếng khóc của một người đàn bà trong góc phòng tối, rồi bỗng dưng nhạc vút lên cao, nức nở, gào thét thảm thiết. Những gì trong tâm hồn họ bị nổ ra vì quá đau khổ, u uất, vì không thể đè nén lại được nữa. Những ước mơ từ lâu họ không được quyền nói tới, phải được chôn sâu vào trong lòng, nay bỗng nổ tung trong tiếng hát của người mất trí.

Tất cả những Ca khúc Da Vàng được người ta nghe trong bóng tối, như những lời kinh, những lời vô cùng thảm thiết của những linh hồn bị đày đọa không nơi yên nghỉ, bị một thứ gôm cùm xiềng xích vô hình không cho phép họ sống như những con người. Bây giờ quê hương không còn là quê hương thần thoại nữa mà chỉ là một chốn lưu đày, một ngục tù trong đó người Việt chỉ là loài ma phải chịu cảnh lang thang, đói rét và sự hủy hoại của chiến tranh:

Người già co ro, em bé lõa lồ,
Từng hạt cơm khô trong miếng hững hờ,
Ruộng đồng quê hương dấu vết bom qua.
Từng bàn tay khô lấp kín môi cười,
Từng cuộn dây gai xé nát da người,
Đạn về đêm đêm đốt cháy tương lai...
(Người già, em bé)

Họ sống trong quê hương nhưng luôn mang tâm trạng của kẻ bị lưu đày, ray rức nhớ quê hương:

Một ngục tù nuôi da vàng
Người Việt nằm nhớ nước non.

Người nô lệ da vàng cũng khổ hơn người nô lệ da đen ở chỗ họ mất quê hương chứ không xa quê hương. Người nô lệ da đen nhớ quê hương vì xa quê hương, một quê hương còn nguyên vẹn trong tâm tư với những cánh rừng thiêng liêng huyền diệu. Trong khi đó, người nô lệ da vàng không những nhớ quê hương mà còn thấy quê hương mình trong hình ảnh: Ruộng đồng trơ đất đỏ, Đàn bò không luống cỏ.

Người Việt thấy mình không phải là nô lệ nhưng lại phải sống như những cuộc sống của người nô lệ, bị đánh giá như một người nô lệ. Họ có cả ruộng vườn để tự nuôi sống, nhưng bom đạn, chất độc hóa học làm cho: ruộng đồng trơ đất đỏ. Họ có một mái nhà, cho dù là một mái nhà tranh, nhưng: hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng, cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn. Họ có bàn tay khối óc để dệt nên tấm vải nâu đen, trồng nên cây lúa cho dù phải thêm sắn thêm khoai, nhưng nay đành bó tay : ngồi xin áo xin cơm. Họ có bốn nghìn năm lập quốc, hình thành dân tộc bất khả phân ly, nhưng nay tưởng chừng như là: ôi đất nước u mê ngàn năm. Anh em lại rơi vào cảnh nồi da xáo thịt. Một thứ gông cùm xiềng xích nào đây đã trói buộc đôi chân họ lại. Họ không còn tự do, không còn độc lập, bắt họ thành nô lệ da vàng.

Tới đây một câu hỏi được đặt ra, là tại sao họ dùng những tiếng nô lệ da vàng và tại sao họ lại hát bằng âm thanh nô lệ da đen? Phải chăng họ cảm thấy thân phận của họ giống như thân phận người da đen trong thế kỷ này? Người da đen bị đày xa quê hương, bị mua bán như những đồ vật, bị bắt làm nô lệ, bị bóc lột tận xương tủy, bị coi như không phải là người nữa, bị tất cả mọi tai họa do ngườI da trắng gây nên kể từ khi có những chiếc thuyền vượt biển. Sản phẩm của nền văn minh da trắng là chế độ nô lệ, chế độ thực dân, chế độ thực dân mớI, chế độ đế quốc, là ba mươi triệu người da đen hiện diện trên nước Mỹ, là máu, nước mắt trong rừng núi Phi châu, là chiến tranh Việt Nam trong suốt trăm năm nay. Chữ nô lệ da vàng khiến ta liên tưởng đến chữ nô lệ da đen, rồi chữ nô lệ da đen lại đeo đẳng vào chữ da trắng và sự tàn bạo, vô nhân đạo của nền văn minh vật chất Tây phương. Phải chăng hoàn cảnh da vàng Việt Nam hôm nay cũng là hoàn cảnh da đen Mỹ-Phi? Cho nên đã có nhiều người quá buồn cho phận nước và bật khóc bằng điệu Blues đen vô cùng ảo não qua những “Ca khúc Da Vàng”.


4. Đặc tính thứ tư của phong trào là tâm trạng tuyệt vọng trên con đường giải thoát.

Không thể chịu đựng được cảnh tình nô lệ, những người nô lệ da vàng đã tìm cách giải thoát thân phận tù đày của mình: “Phải đập tan gông cùm, xiềng xích vô hình trói buộc dân ta”, phải giành lấy tự do, độc lập, phải xóa bỏ thảm trạng người Việt nhìn nhau xa lạ, căm hờn. Họ đã giải quyết bằng cách: “người nô lệ bước đi, đi về ruộng vườn”.

Giải pháp này cũng được thể hiện rõ ràng qua những phong trào Du Ca, CPS, Chương trình Hè, chủ trương cách mạng xã hội của nhóm Hành Trình, Thái Độ. Họ quan niệm đất nước đã đổ vỡ quá nhiều rồi, phân hóa, chia rẽ đến cùng cực rồi, nên bây giờ phải nghĩ tới việc xây dựng lại, làm cách mạng xã hội hướng về nông thôn v.v...“Bây giờ không phải là lúc ngồi đặt vấn đề nữa”, họ hát như vậy và hăng say cuốc đất, làm nhà, đào ao, bắt cầu. Nhưng khi họ bắt tay vào việc, khi họ va chạm với thực tế thì cũng là khi họ thấy cái giải pháp đó không đưa tới những kết quả như ý muốn, không giải quyết được vấn đề xiềng xích, gông cùm. Những người hăng say nhiệt tình đó trở nên thất vọng, chán nản, không tiếp tục công tác nữa. Giai đoạn công tác xã hội chấm dứt để lại cho chúng ta một bài học quí báu.

Cái lỗi lầm của chúng ta là ở chỗ không chịu ngồi đặt vấn đề để rồi bị sa lầy trong chiêu bài cách mạng xã hội do ngoại bang tung ra để đánh lạc hướng hành động của những người yêu nước. Sự thật não lòng là chúng ta còn quê hương đâu, tự do độc lập đâu để mà cày cuốc, mà làm cách mạng xã hội. Chủ quyền quốc gia đã mất, chân tay ta đã bị gông cùm, ruộng đồng trơ đất đỏ không thể lên được ngọn mạ, nhà cửa trong nháy mắt trở thành đống tro tàn.

“Ca khúc Da Vàng” đã mô tả hết tất cả những tình cảnh đó. Những người nô lệ da vàng này không đặt vấn đề ai đã đặt gông cùm xiềng xích lên đầu cổ họ mà chỉ thấy hậu quả của gông cùm xiềng xích vô hình đó mà thôi. Do đó họ không thể giải quyết đúng để giải thoát cảnh ngục tù nô lệ được. Không giải thoát, họ trở nên tuyệt vọng, hoàn toàn tuyệt vọng. Thôi, thế là trọn đời lưu vong, không còn hy vọng có ngày trở về quê hương thần thoại:

Mẹ ngồi ru con,
Đong đưa võng buồn,
Đong đưa phận mình.
Mẹ ngồi ru con,
Nghe đất gọi thầm,
Trọn đời lưu vong.
Giọt lệ ăn năn,
Đưa con về trần,
Tủi nhục chung thân,
Một dòng sông trôi,
Cuốn mãi về trời,
Bấp bênh phận người.
(Mẹ ru con ngủ)

Họ bị cô lập với quá khứ vinh quang và tương lai tươi sáng của dân tộc. Họ chỉ có một thực tại là “nhà cháy từng hàng, một rừng xương khô, một núi đầy mồ”. Họ tìm thấy gia tài của mẹ chỉ có từng ấy, còn bao nhiêu trân châu khác như những anh hùng liệt nữ, những địa danh ghi dấu những chiến thắng vinh quang họ không hề nhắc tới. Những trân châu này bây giờ không sáng bằng “hỏa châu rực sáng”, không thể kết dài được một nhúm lửa đỏ đủ sưởi ấm hy vọng của họ. Họ tuyệt vọng nên nghĩ rằng mình thành nô lệ thực sự. Vì mình là nô lệ, là u mê ngàn năm, là trọn đời lưu vong, tuyệt vọng trên con đường về quê hương thần thoại, cho nên người da vàng đã có ý nghĩ:

Xin cho tôi quên phận tù đày,
Xin cho tôi là thoáng rượu cay,
Xin cho tôi ra khỏi cuộc đờI,
Để khi nào trời đất yên vui,
Xin cho tôi xin lại cuộc đời.
(Xin cho tôi)

Người nô lệ tìm cách giải thoát thân phận tù đày của mình bằng cách sống trong tù đày nhưng quên phận tù đày, tưởng chừng như mình không sống trong cảnh tù đày. Nhưng làm sao có thể quên được? Chính rượu cay là phương tiện giải thoát. Đó là lý do tại sao phòng trà trở nên tấp nập và tình ca bộc phát thành phong trào. Vậy thì hậu quả của sự tuyệt vọng trên con đường giải thoát ấy chính là Tình ca.

Bây giờ phòng trà trở thành chỗ nghỉ ngơi giải khuây của những người nô lệ da vàng sau những giờ phút sống trong ngục tù của ngày dài trên quê hương. Ở đây có đủ chất cay để giúp họ quên phận tù đày: rượu cay, khói thuốc cay, nhạc cay...Trong cái cảnh đèn thắp thì mờ, những người da vàng ngồi quanh những chiếc bàn nhỏ, có khi họ ngồi dưới đất, họ hút thuốc, uống cà phê đậm, uống rượu mạnh và nghe Da Vàng Ca, Tình Ca. Đó là trường hợp của những quán Văn, Thơ, quán Trăng, Tre, Gió, Bão...

Lại có những phòng trà khác dành cho người ngoại quốc và những người nô lệ không còn thấy mình là nô lệ nữa. Ở đây không khí nhẹ nhàng, thư thả hơn, lộng lẫy, sang trọng hơn, có vẻ tây phương hơn. Điều đáng chú ý là người nô lệ da vàng ở đây khiến ta suy nghĩ: phải chăng mình cứ đeo đẳng vào cái màu da của mình, với quê hương chiến tranh ngục tù, với cái xã hội nhược tiểu, chậm tiến, cho nên tự chuốc lấy khổ đau? Vậy thì phải quên đi, không nhớ thương nữa, phải xóa bỏ ám ảnh trở về quê hương thần thoại. Chúng tôi gọi đó là những người nô lệ không còn thấy mình là nô lệ nữa. Đó là trường hợp các phòng trà Monaco, Queen Bee, International, Tự Do, v.v...

Nhưng người nô lệ nào rồi cũng thích Tình ca bởi vì không có thứ rượu cay nào cay đắng bằng những khúc Tình ca, bởi vì nói như Trịnh Công Sơn: “Tình yêu cũng mở ngỏ cho những lần hóa kiếp, hãy thử bước vào thế giới đó để bắt đầu một cái chết thật vô cùng yêu dấu”.

Tình khúc Trịnh Công Sơn, giọng ca Khánh Ly: đó là một thế giới trong những ngày hoang sơ thời tiền sử, khi tư tưởng chưa xuất hiện để tàn phá con người. Chúng ta không thể khám phá thế giới đó bằng sự suy tưởng được mà chỉ bằng một sự rung động hồn nhiên của tâm hồn. Ở đây tiếng nói không được xếp thành câu, câu này không xếp với câu kia cho có nghĩa này nghĩa nọ, trái lại tiếng nói chỉ là những âm thanh như tiếng chim kêu trong rừng, như tiếng thoảng qua thung lủng. Âm thanh bật ra là con tim rung chuyển, là tình yêu tràn ngập con người. Thế giới Tình ca của Trịnh Công Sơn là như thế. Khi đi vào, ta không được mang theo gì ngoài bộ óc trống rỗng, hồn nhiên với năm giác quan thật nhạy cảm. Người ca sĩ duy nhất của thế giới đó là Khánh Ly. Khánh Ly đứng trước cổng vườn địa đàng và mời gọi những kẻ bị lưu đày di cư vào thế giới tình yêu:

Tình yêu như trái phá,
Con tim mù lòa,
Một mai thức dậy,
Truyện trò với cỏ cây.
(Tình sầu)
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu...
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
(Diễm Xưa)

Nói như Trịnh Công Sơn,họ rủ nhau đi vào cơn mộng du nào đấy để tìm về những cánh san hô cũ kỹ, đọc trên những dòng sông, tức chính là chứng nhân già nua nhất của địa cầu đã ghi những gì về tình yêu. Phải là Khánh Ly mới có thể thực hiện cơn mộng du được, vì Khánh Ly chính là con người của thời hoang sơ tiền sử đó. Trong cơn mộng du, những người nô lệ khám phá lại được con người đích thật của mình. Đó là một thế giới mới khác hẳn với cảnh ngục tù nô lệ trong cuộc đời.

Tình Ca trở thành một giải pháp thoát ly cuộc đời. Nhưng tình ca không phải là nhạc giải thoát cuộc đời, bởi vì nó chỉ là một thứ rượu cay, bởi vì khi con người nô lệ vừa tỉnh cơn say cũng là khi cuộc đời ngục tù nô lệ vây phủ lấy phận nó. Nó lại phải chạy trốn, phải uống thật nhiều rượu cay nữa. Càng ngày nó càng uống thêm, uống thêm. Nhưng dù có chạy trốn, con người vẫn không thể xóa bỏ được cuộc đời trong tâm hồn nó, cho nên nó lại khát khao trở lại cuộc đời :

Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời,
Để khi nào trời đất yên vui, 
Xin cho tôi xin lại cuộc đời.

Người nô lệ vẫn còn đeo đẳng với cuộc đời nhưng không tìm cách giải quyết cuộc đời : Không giải quyết được thân phận nô lệ của mình trong cuộc đời mà chỉ chờ khi nào trời đất yên vui thì xin trở lại cuộc đời. Đó là một thái độ bi thảm nhất của người nô lệ da vàng.

Giờ đây, mùi rượu cay của những tình khúc đang vây phủ lấy đô thị thân yêu này, nó vừa giải tỏa đựoc được sự đau khổ của con người trong giây lát, cũng vừa chôn sâu con người vào cảnh tù đày nô lệ. Bởi vì con người bị coi là nô lệ vẫn còn là con người nhờ sự đề kháng, chiến đấu không ngừng của nó để được làm người. Nếu chối bỏ cuộc đời, chối bỏ sự đề kháng chiến đấu trên thì không còn là người trong cuộc đời nữa mà chỉ là nô lệ : Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời, Xin cho tôi là thoáng rượu cay, chính là những ý nghĩ tai hại nhất ngăn cản không cho tên nô lệ thành người sống trong quê hương yêu dấu mà chỉ làm cho nó thành em bé lõa lồ, suốt đời lang thang.

Có một điều mà Da Vàng Ca không đề cập tới, là ai đã buộc gông cùm xiềng xích vào đôi chân ta. Câu hỏi này mạnh như một cơn lốc cuốn phăng người nô lệ da vàng ra khỏi cơn say, lôi kéo họ về với thực tại, bắt nó tìm cho thấy câu trả lời. Trả lời không được thì phải tìm cách trả lời cho được, chứ không có quyền tuyệt vọng. Bởi vì tuyệt vọng đồng nghĩa với nô lệ. Do đó, nếu không muốn bị làm nô lệ thì không bao giờ được tuyệt vọng trong con đường giải thoát. Thái độ này được thể hiện trong phong trào văn nghệ tranh đấu.

LÊ TRƯƠNG
(Hội Sinh viên sáng tác Sàigòn – 1970)

Các thao tác trên Tài liệu