Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Trịnh Công Sơn với công trường đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn

Trịnh Công Sơn với công trường đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn

- Webmaster cập nhật lần cuối 09/08/2008 08:27
Nguyễn Hoàn


Sau ngày đất nước thống nhất, “cho dân ta bừng lớn trong tự do”, cho thoả ước nguyện cháy lòng của Mẹ Việt Nam được “dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu” cho Huế-Sài Gòn-Hà Nội “trùng phùng lòng thấy nao nao”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hăm hở nhập cuộc với nhịp sống mới bằng tất cả trách nhiệm công dân Da Vàng và thiên chức dấn thân của người nghệ sĩ, nhập cuộc cả trong đời và trong nghệ thuật, khỏi phải cần đến một sự “lột xác” hay “nhận đường” nào cả. Bút ký “Hai người qua sông Thạch Hãn” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kể lại chuyện Trịnh Công Sơn cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường đi lao động tự nguyện trên công trường đường sắt Thống Nhất tại thị xã Quảng Trị, đoạn qua cầu Thạch Hãn, hai người đã khuân gạch vữa dưới chân Thành Cổ để lát trên đường sắt và rải đá giữa những thanh tà vẹc, bằng sức mạnh của niềm cảm khái trước khát vọng thống nhất đất nước đã thành. Và rồi địa danh Thạch Hãn đã thành nỗi thao thức để Trịnh Công Sơn trở đi trở lại, để sau chuyến đi thực tế công trường đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn trở về, Trịnh Công Sơn đã viết bài bút ký “Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba” (Văn nghệ Bình Trị Thiên, số 9, tháng 7-1978), một bài bút ký tươi tắn chất thơ, chất nhạc và đậm đà chất suy tưởng, triết lý.

“Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba” của Trịnh Công Sơn đã diễn tả sống động khí thế ra quân rộn rã, tưng bừng trên công trường Nam Thạch Hãn trong hai ngày 3 và 4-3-1978. Đặc biệt, nhạc sĩ đã dõi theo và đặc tả nhịp điệu chuyển biến của công trường đến từng khoảnh khắc đáng nhớ trong ngày: 6 giờ, 7 giờ, 7 giờ 30, 9 giờ, 10 giờ 30, từ lúc chuẩn bị với “một rừng cờ đỏ rực trên một rừng người đã đứng thành đội ngũ chỉnh tề như một khối bê tông vững chắc”, đến giờ làm lễ, giờ hạ lệnh xuất quân, pháo ran, mìn nổ náo nức...Để từ đó, với tài thẩm âm thiên phú trác tuyệt, nhạc sĩ đã nghe ra cả công trường đại thuỷ nông “như một làn nhạc chuyển điệu không ngừng, và cứ thế cái tiết tấu chung chuyển theo từ công trường này qua công trường khác”. Trịnh Công Sơn đã cảm nhận không khí công trường bằng hồn nhạc giàu có của mình hay chính nhạc điệu công trường đã xôn xao phả vào trang văn Trịnh Công Sơn, có lẽ là cả hai: “Đầm đơn đầm đôi rập ràng nện chặt bờ đập mới nhú. Tiếng đập nhịp nhàng đến độ muốn khơi dậy một tiếng hò nện đã quen. Nước ứa ra ở đoạn thấp của con kênh dự trù. Một tốp nữ tát nước ra ngoài, đều tay như múa. Hiện trường bỗng chốc mang cái khí hậu của một sân khấu rộng rãi ngoài trời, màu đất đỏ non tươi làm nền cho một đại vũ khúc mang tên “công trình đại thuỷ nông Nam sông Thạch Hãn”.

Trong vũ điệu đó, nổi lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, rạng rỡ của những người phụ nữ. Người viết tình ca hay nhất thế kỷ XX của Việt Nam đã quen dùng màu nắng, màu hồng đào để tả đôi môi thiếu nữ: “Nắng có hồng bằng đôi môi em”, “Một cuộc tình nhỏ bé bên đôi môi hồng đào”, bỗng thay lối tả độc đáo cũ bằng lối tả mới mẻ mà dung dị: “Màu non tươi của đất đỏ đã về đậu trên môi, má của đội nữ gánh đất”. Điều đặc biệt, đằng sau việc thay đổi lối tả là sự thay đổi, đổi mới nếp nghĩ, nếp tư duy. Trước đây, trong dòng nhạc trĩu buồn về thân phận con người của Trịnh Công Sơn, hình ảnh kiếp người chẳng khác nào hòn đá trong tay chàng Sisyphe khổ sai lăn hoài công lên núi rồi thả xuống núi trong tác phẩm “Huyền thoại về Sisyphe” của nhà văn hiện sinh Albert Camus: “Người chợt nhớ mình như đá đá lăn vết lăn buồn” (Vết lăn trầm). Hình ảnh “hiện hữu phi lý” (nói theo ngôn ngữ hiện sinh) này của phương Tây cũng giống như hình ảnh dã tràng xe cát ở ta, và chính Trịnh Công Sơn hồi học ở Trường Sư phạm Quy Nhơn đã từng viết nên một bài ca dài về niềm đau vô vọng của thân phận con người, đó là trường ca “Tiếng hát dã tràng”. Từ ngôn ngữ buồn bã về cảnh đá lăn cũ, Trịnh Công Sơn đã chuyển sang ngôn từ hân hoan mới về cảnh gánh đất trên công trường Nam Thạch Hãn: “Đội nữ gánh đất từ đồi cao lao xuống nhanh như những cánh hải âu vụt xuống mặt sông”, “Đoàn quân chân đất khuôn mặt hiền từ nhưng thách đố. Mỗi bàn chân có năm ngón. Mười ngón chân bám chặt mặt đất như những câu móc bằng thép nguội. Không gì gỡ ra nổi. Những bàn chân bỗng chốc dạy cho tôi biết vì sao mặt đất quê hương này không bao giờ mất được. Những ngón chân rễ cây đại ngàn đã cắm sâu vào lòng đất nước”.

Không chỉ diễn tả khí thế náo nức công trường bằng lối tả từ xa đến gần, bằng lối nhìn đặc tả, cận cảnh, “Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba” còn triển khai một tầm nhìn trên bình diện rộng và mở rộng “trường liên tưởng” về những năm tháng đánh Mỹ hào hùng, để từ đó phản ánh, phân tích sâu sắc và đầy cảm khái về “quyết tâm dời non lấp biển của dân tộc ta”. Nghe điệu nhạc bài “Quảng Bình quê ta ơi!” nổi lên từ chiếc loa bắc trên công trường, Trịnh Công Sơn ngẫm nghĩ và dường như lý giải cho cả câu hỏi “Tại sao Việt Nam?” mà phương Tây hằng kinh ngạc: “Nếu ai hỏi vì sao...? Đã nhiều câu hỏi như thế mọc lên cùng với nỗi ngạc nhiên của nhân loại trong thời kỳ bom đạn Mỹ rải thảm nơi này. Trong mỗi tấc đất đều chằng chịt vết thương. Thiên nhiên cùng xóm làng đều nằm rạp xuống thành mặt phẳng, chỉ có con người đã bền vững đứng lên. Những con người ấy hôm nay lại có mặt ở nơi này để lao vào trận mới. Nếu ai hỏi vì sao? Có lẽ chẳng phải hỏi gì nhiều mà chỉ thử cố gắng có mặt ở những giờ phút này thì sẽ hiểu vì sao”.

Dòng bút ký chuyển sang dòng triết lý thấm đẫm, vốn là một thế mạnh trác việt của ca từ, ngôn từ Trịnh Công Sơn: “Điểm đáng nói ở những công trường này, hoặc những công trường khác trên khắp đất nước, không chỉ là sự lợi ích đa dạng của con kênh về mặt thuỷ lợi, thông điện, thuỷ sản, lâm sản v.v...mà qua những công trường ấy, chúng ta dễ nhận ra cái triết lý sâu sắc của những sức người bền bỉ. Trong chiến tranh, dân ta ăn môn vót trên rừng để triết lý với giặc bằng cây súng. Giữa mùa xây dựng này cũng những con người ấy triết lý với đồi cao, với đất cứng bằng cái cuốc cái đầm. Một thứ triết lý đơn giản mà đáng kính đáng yêu biết bao để làm nên sự sống”.

Có một câu hỏi vẳng lên như một niềm trở trăn ngọt ngào: Tại sao trong những năm đất nước quá khó khăn, không ít người bỏ nước ra đi, Trịnh Công Sơn vẫn nhập cuộc với nhịp sống mới một cách bén nhạy và hăm hở, nồng nàn? Câu trả lời được tìm thấy trong bài viết “Nhớ lại” của chính Trịnh Công Sơn đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 30-4-1993, viết nhân kỷ niệm 18 năm thống nhất đất nước: “Tôi đi trồng và gặt lúa. Tôi đi trồng khoai, sắn ở Cồn Tiên, trên bãi đất chằng chịt mìn có thể nổ bất cứ lúc nào ở cửa ngõ Trường Sơn...Tôi xếp hàng mua từng điếu thuốc hạng tồi. Tôi lãnh hàng tháng một lóng tay thịt mỡ không đủ cho một con mèo ăn. Và cứ thế nhiều năm, mù mịt. Nhưng có hề gì đâu, vì trên tất cả những vụn vặt, nhiễu nhương đó là Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Là tình yêu chan chứa, là những mặn nồng mà cả một cuộc đời ngày trước chưa bao giờ được đời trao tặng một cách rộn rã, đậm đà và lộng lẫy đến như vậy”. Câu trả lời được tìm thấy trong hồn yêu nước bẩm sinh, trong tinh thần dân tộc son sắt của Trịnh Công Sơn. Có thể nói, chính những năm lăn lộn, gắn bó với thực tế cuộc sống sau ngày đất nước thống nhất, trong đó có vùng đất Quảng Trị, dù trong những năm này, Trịnh Công Sơn viết nhạc mới chưa hay, chưa thành công nhưng những năm tháng khó quên này đã dọn đường, đã chuẩn bị vốn liếng tinh thần cho Trịnh Công Sơn đạt đến độ chín mới sau này với hàng loạt ca khúc nổi tiếng như Huyền thoại mẹ, Em ở nông trường em ra biên giới, Em còn nhớ hay em đã quên...


Nguyễn Hoàn

Các thao tác trên Tài liệu