Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / THÌ HOÀNG UỐNG CÀ PHÊ...

THÌ HOÀNG UỐNG CÀ PHÊ...

- Webmaster cập nhật lần cuối 14/06/2021 17:36
"Nhật ký của im lặng", Nguyễn Thị Hoàng, Nxb Đồng Nai, 1990

Năm 1990, tôi, người viết lời dẫn này, về Sài Gòn, nhận được một quyển sách tặng. Đó là cuốn "Nhật ký của im lặng" vừa xuất bản của Nguyễn Thị Hoàng. Tôi bàng hoàng. Nguyễn Thị Hoàng sống lại? Chị sợ thiên hạ quên? Chị nổi tiếng quá, ai mà quên được? Dù chị im lặng suốt mười lăm năm từ 1975, ai mà không nhớ Nguyễn Thị Hoàng với "Vòng tay học trò"? Ai quên được hơi thở tình yêu mới lạ chị đã thổi vào văn chương hồi những năm sáu mươi làm dư luận cuống cuồng và văn đàn choáng váng? Quyển sách mới của chị vừa giống vừa khác với những sách trước, khác vì không phải là tiểu thuyết, giống vì đầy những suy tưởng. Suy tưởng về cuộc đời, về con người, về tình yêu, về thân phận, về mình. Vì thế mà bỗng nhiên, lật lật vài trang sách, tôi nghe văng vẳng như đâu đó Nguyễn Thị Hoàng đang nói chuyện với Trịnh Công Sơn, Hoàng nói và Sơn hát: "Từ lúc đưa em về / Là cách xa ngàn trùng". Câu hát mà tôi vốn nghĩ là đặc trưng của tâm hồn Trịnh Công Sơn. Tôi bắt gặp tâm hồn đó trong nội tâm của Nguyễn Thị Hoàng. Như thử nội tâm này đang nói, đang hát cho nội tâm kia.

Hơn ba mươi năm sau, hôm nay, tình cờ tôi cầm lại cuốn sách xưa trong tay. Nơi trang đầu của sách, tác giả viết tặng tôi: "Gửi anh Cao Huy Thuần. Chưa gặp nhưng rất hiểu vì cách cảm". Tôi lặng người vì hai chữ "cách cảm". Bởi vì nơi những trang cuối của sách, Nguyễn Thị Hoàng viết về Trịnh Công Sơn. Như thử tôi đã "cách cảm" được, hơn ba mươi năm về trước, nội tâm của người viết và nội tâm của người hát, cả hai nhập một trong một thần khí. Cuộc đời, thân phận, tình yêu... tất cả trong Nguyễn Thị Hoàng là nửa này dằn xé với nửa kia, trong dằn xé có hòa điệu, trong hòa điệu có dằn xé, về là đi, hy vọng là tuyệt vọng, lời nói là tịch liêu, im lặng là vỡ bờ. Tôi nghe nội tâm ấy trong những lời ca bí hiểm đầy hoang vu và hoan lạc của Trịnh Công Sơn. Đầy những chập chờn giữa tỉnh với say, giữa cô đơn cùng cực và hạnh ngộ tràn lan, giữa nấm mồ hoang và đôi vai cánh vạc, giữa tiền kiếp và lai sinh. Xin cả hai về đây thăm nhau trong một đoạn văn nhật ký để nhớ lại một thời, những đôi môi rồ dại, những hồn cũ người xưa.
Cao Huy Thuần, 01/06/2021

Sau đây là các trang viết về Trịnh Công Sơn trong quyển "Nhật ký của im lặng" :

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, vài lần tôi được gặp chị Nguyễn Thị Hoàng ở Hội Văn Nghệ, Sài Gòn, hoặc ở « terrasse » nhà Trịnh Công Sơn, tôi có hân hạnh được chị nhờ dịch sang tiếng Pháp sách của chị, tôi từ chối, vì trước tiên, tôi không biết gì về tâm hồn và văn phong của chị, ngoài những chuyện trên báo chí của thời « Vòng tay học trò », và thứ nữa, tôi cũng cảm thấy thật sự không đủ sức, tôi nói với chị, theo tôi biết, ở Pháp chỉ có 2, 3 người là đủ khả năng thôi, tôi nghĩ đến Phan Huy Đường, Trần Thiện Đạo, chẳng hạn, hai người bạn với hai văn phong rất khác nhau, một vần vũ sai cuồng, một hàn lâm nhà giáo, tuy đôi khi cũng thử nghiệm (?) các cách cảm khác, thậm chí đối ngược lại, cả hai ông bạn này giờ đây chắc đang chơi rong văn, rong tửu, rong nghệ với Trịnh Công Sơn bên kia núi, khi rừng xưa đã khép? Nhưng cũng có thể “về” đây, các ông ơi, mà ngẫm nghiệm, nhâm nhi với những trang tràn kích cảm của người xưa… không thèm im lặng nữa kìa !
Phạm văn Đỉnh, 07/06/2021

Các thao tác trên Tài liệu