Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Tình yêu đầu tiên

Tình yêu đầu tiên

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/06/2014 18:58
Sâm Thương


Nhờ mối quan hệ với Hà Thanh, một ca sĩ của đài phát thanh Huế, cũng là ca sĩ đã hát những bản nhạc đầu tiên của Sơn vào thời kỳ đó. Sơn quen và yêu Ph. Th., em gái của Hà Thanh. Nhà Ph. Th. ở trên đường Huyền Trân Công Chúa, gần ga xe lửa Huế, trước mặt nhà là con đường, tiếp giáp với một nhánh nhỏ của sông Hương chảy qua Bến Ngự, Phủ Cam, về An Cựu, bên kia sông là trường Pellerin. Lúc quen với Sơn, Ph. Th. mới học đệ tam (lớp 10) trường Đồng Khánh, 16 tuổi và Sơn chỉ mới 18 tuổi chứ không phải tuổi 15 như Sơn viết trong Nhật ký tuổi 30 (1)

Mối tình của đôi trai gái mới lớn, chớm nở giữa một khung trời rất ư thơ mộng với những con đường thẳng tắp, những hàng cây xanh mướt, những dòng sông, những chiếc cầu, những con đò, những lăng tẩm thành quách cổ kính, đến những lá thư hò hẹn, và những nụ hôn vụng về thơ dại… cùng với không biết bao nhiêu buộc ràng thành kiến …

Trong nắng vàng chiều nay
anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
đơn côi bàn tay quên lối
đưa em về nắng vương nhè nhẹ
Đã mấy lần thu sang
công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
anh ghi bằng nhiều thu vắng
đến thu này thì mộng nhạt phai(…)
Nhìn những muà thu đi (2)

Hoặc

Em đứng lên mùa thu tàn tạ,
hàng cây khô cành lá bơ vơ,
hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô.
Em đứng lên mùa xuân vừa mở
nụ xuân xanh cành thênh thang
chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng
Gọi tên bốn muà (2)

Sau khi đậu tú tài bán phần Ph. Th. chuyển qua học lớp đệ nhất trường Quốc Học niên khóa 1961-1962, học chung lớp với nhà thơ Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Châu Văn Thuận và luôn với D., người yêu sau này của Sơn. Vì trước niên khóa 1963-1964 ở Huế chỉ có trường Quốc Học mới có lớp đệ nhất (lớp 12) nên tất cả các nam nữ học sinh đậu tú tài bán phần ở Huế, bao gồm cả Quảng Trị, Đà Nẵng đều được nhận vào đệ nhất ở Quốc Học. Kể từ niên khóa 1963-1964 không còn tình trạng nam nữ học chung, trường Đồng Khánh cũng đã bắt đầu có các lớp đệ nhất.

Niên khóa 1961-1962, Ph. Th. học đệ nhất C2 thì tôi mới học đệ nhị B9, sau Ph. Th. một năm. Nhưng hình ảnh cô với mái tóc thề buông xoã bờ vai, trong chiếc áo dài lụa trắng với dáng đi tha thướt, quý phái giữa đám đông, mỗi sáng mỗi chiều trước giờ học từ cổng trường (cổng chính chỉ dành cho giáo sư và nữ sinh) đi vào vị trí xếp hàng chào cờ của lớp mình. Bước chân cô đi thật nhẹ, tà áo bay bay đã làm xao động biết bao tâm hồn nhạy cảm của đám bạn bè cùng trang lứa với tôi thuở ấy.

Mối tình giữa Sơn và Ph. Th. vẫn lãng mạn và thánh thiện. Đó là mối tình đầu với biết bao nhiêu e ấp vụng dại, chưa định hình như bao mối tình thuở học trò thời đó. Dù lúc ấy, tên tuổi Sơn đã được nhiều người biết đến, nhất là với một thành phố nhỏ như Huế. Sơn vẫn như bao chàng trai xứ Huế khác vào tuổi đó, chưa có kinh nghiệm đời, Sơn cũng chưa bao giờ dùng kinh nghiệm đời của anh trong tình yêu. Anh chỉ biết yêu và hiến dâng, chưa bao giờ toan tính. Cho đến khi Ph. Th. đi lấy chồng, một giáo sư đại học, Sơn mới giật mình, chợt hiểu ra mình đã mất đi tình yêu, nó đã để lại những dư vị đắng cay đối với Sơn. ‘‘Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu tiên. Cũng là thời gian được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi, là một thất vọng không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhau nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm (tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi) đối với thành phố này …” ( 1 )

Ph. Th. hiện sinh sống ở Mỹ, sau khi chồng mất vẫn ở vậy nuôi con ăn học. Năm 2000 Ph. Th. có trở về Việt Nam. Cuộc gặp gỡ giữa Ph. Th. và Sơn lần nầy chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ, khơng hẹn trước sau mấy chục năm, tôi có mặt trong buổi cơm thân mật hôm đó. Nhìn gương mặt Ph. Th. tôi đã cố nhớ lại dáng vẻ của cô trong tà áo lụa trắng, với chiếc cặp ôm trước ngực trên sân trường Quốc Học năm nào. Thời gian có phần nào làm Ph Th. thay đổi, nhưng ở cô vẫn giữ dáng vẻ dịu dàng, đoan hạnh và vẫn chất giọng Huế quen thuộc.

Sâm Thương

________________________

(1) Trịnh Công Sơn, Nhật ký tuổi 30, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 8.4.2001.

(2) Trịnh Công Sơn, Những bài ca không năm tháng, nxb Âm nhạc, 2000.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Sâm Thương