Trịnh Công Sơn giữa chúng ta
Trịnh Công Sơn thuở sinh thời luôn cần đến hơi người. Anh cần thấy và nghe tiếng nói cười, luôn cả nơi xao náo, tranh luận, rồi sau đó mới rút lui về góc riêng. Đặt chân đến một nơi nào đó, dù quen hay lạ, anh vẫn cảm thấy cái nhu cầu "xuống phố".
Phố, hiển nhiên là một ngã tư của con người và thông tin, một nơi lý tưởng để hóng, để ngóng.
Rất nhiều người từng chia sẻ sở thích này với anh như Vũ Bằng, Thạch Lam và biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ khác.
Phía trời Tây cũng có những nhà thơ như André Breton từng ngao du từ bắc xuống nam, qua từng thành phố, để mắt tới từng ngọn gió đổi chiều, từng ánh đèn trong ngôi nhà khuất, để rồi cuối cùng bắt gặp một bóng hồng vô cùng mộng mị là Nadja đã làm xoay chiều cả cuộc đời mình. Hay như là thi sĩ Jacques Prévert dạo chơi bát phố hằng ngày như người đi xem lễ để săn từng chữ, câu từng lời, nơi người qua đường hay nơi kẻ bán báo. André Breton, người trưởng tràng của phong trào siêu thực, không ngần ngại thổ lộ: "Đường phố với những lo toan cùng các ánh mắt đúng là môi trường của tôi. Không có nơi nào bằng nơi này khiến tôi hóng lấy cái thoảng qua của những gì xảy ra bất chợt" (Tự bạch tự trào, 1942). Phong trào siêu thực này, nối tiếp phong trào lãng mạn, đã từng vượt đại dương tràn sang nước ta và châm ngòi cho nhóm Xuân Thu nhã tập, hoặc một số thi sĩ độc lập như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Ngô Kha... Nhà văn hiện đại J.K.Rowling, người mẹ tinh thần của Harry Potter chắc hẳn sẵn sàng đồng tình với Trịnh Công Sơn khi bà từng tâm sự: "Trước kia tôi có thói quen viết trong tiệm cà phê. Tôi thích có nhiều người xung quanh tôi".
Bao giờ mới có nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế?
Câu hỏi trên đây được đặt ra từ lâu, tối thiểu là trước năm 2001, năm Trịnh Công Sơn vĩnh biệt chúng ta, và từ đó đến nay không ngớt đặt đi đặt lại mãi, vì không ai cảm thấy yên tâm khi một ngôi nhà lưu niệm như thế này từ lâu đã thành hình ở Thủ Đức, ở thành phố Torino (Ý), hoặc tượng Trịnh Công Sơn được đặt ở một vài nơi công cộng khác (Sài Gòn, Đà Lạt...), trong khi tại quê hương của Trịnh Công Sơn là Huế một ngôi nhà như vậy hãy còn trừu tượng, có thể đã chớm thành hình, nhưng chỉ trong ý định hoặc may mắn hơn, trong thiện chí mà thôi.
Thiện chí có thừa, chỉ thiếu hành động.
Có lẽ mọi người, từ những người có quyền hành phê duyệt cho tới người ái mộ và công dân bình thường, ai nấy đều đồng ý rằng một ngôi nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn trên đất Huế là điều hợp lẽ. Hợp lẽ về mọi phương diện mà không ai hoài công phủ nhận hay bài bác.
Trịnh Công Sơn là người con của Huế, lớn lên tại đất này, sống trọn vẹn tuổi thanh niên của mình ở đây và nhờ phong thể văn hóa Huế viết nên những tác phẩm để đời cho hôm nay và mai sau. Đến nỗi, về cuối đời, anh ra đi sống nơi khác, người ta vẫn tìm thấy trong ca khúc của anh những câu chữ, ý tình được hun đúc dày năm từ mảnh đất quê hương.
Những năm cuối thế kỷ, trở về Huế gặp bạn bè và chính quyền địa phương, anh đã có lần mở lòng mình về chuyện ngôi nhà nhưng lần này lại gọi tên đó là "Nhà nguyện tình yêu" mà anh cho rằng Huế đúng là nơi được dành phần tạo dựng. Và mẫu nhà này, đúng như tên gọi, sẽ không là nhà của riêng ai, của Trịnh Công Sơn cũng không nốt, đó là nhà của mọi người, của tuổi trẻ, của tình yêu.
Ngôi nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn, vạn nhất thành sự thực, sẽ là nơi lui tới thường xuyên, hằng ngày, suốt năm, không riêng của thanh niên, bởi không chỉ thanh niên mới biết yêu thích nhạc của Trịnh Công Sơn, mà là mọi người, từ già xuống trẻ, từ trong đến ngoài nước, không những đến nơi này chỉ vì nhạc, còn vì những tư liệu kỷ vật khác, để đọc, để ngắm, để nhớ và nhất là để nuôi dưỡng tâm hồn...
Bản thân tôi cầu mong sao ý kiến thô thiển của mình không đến nỗi rát tai và lạc điệu.
B.Y
Bản thân tôi, thú thật, sẵn sàng nhập ngũ vào đạo quân này. Bởi, còn gì nhàn nhã, thú vị, ấm áp cho bằng viết văn, viết báo bên hè phố, trước mặt là tách cà phê, giữa tiếng lanh canh nói cười, như thể mình lọt vào một an bài vĩ đại và phải chi, thêm vào đó, lòng giắt sẵn hình bóng người yêu thì quả là hạnh phúc! Mà cái khoản người yêu, một kẻ như Trịnh Công Sơn không hề thiếu. Chính nhờ những con người như thế này mà quán tiệm luôn có khách. Cứ ngồi đó thôi, một mình cũng tốt, vì dễ viết, trong khi con mắt không ngớt phóng ra bên ngoài lục lạo hình ảnh quen biết trong đoàn người qua lại. Nhưng một mình mà chẳng khác con "chim mồi", trước sau gì cũng có kẻ sà vào, và cứ thế, không hẹn mà nên, chiếc bàn cà phê thành nơi quây quần tụ hội. Trường hợp người thân quen chưa xuất hiện, ta được dịp phóng bút. Và, đừng quên, giữa hai câu viết, giở ký ức ra điểm danh người yêu đang khuất nẻo. Cái vòng tròn màu hồng ấy cứ vần xoay.
Nhiều tác giả nghiên cứu phần nhạc trong ca khúc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là Trần Hữu Thục, có ghi nhận rằng nhạc sĩ này thích sử dụng cung mi và cung la. Và ở hai cung sở trường này, anh chuyển từ bậc thứ sang bậc trưởng và ngược lại. Đặc điểm này khiến tôi liên tưởng đến đời sống của anh, nhất là những năm "khó sống" nhiều biến động chính trị ở miền Nam. Thuở ấy, anh sống những tháng ngày thật thăng trầm, khi thì thênh thang tự do, khi thì sống núp lánh, nay được phép hát bài này mai bị cấm hát bài kia, vừa "hát cho đồng bào tôi nghe" vừa uống rượu trên lầu cao, có hôm tụ họp với sinh viên có hôm trình diện quân cảnh. Một đời sống đầy rẫy bóng tối giữa ban ngày mà lại lóe sáng trong đêm khuya.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1981, ông Georger Simeron, một nhà văn Pháp gốc Bỉ nổi tiếng với nhiều truyện trinh thám mang tính chất phân tích tâm lý, bị nhà báo Berrard Pirot chất vấn như thế này: "Ông hô hào cho hạng "dân dã" còn ông thì chưa hề là một kẻ dân dã. Ngay khi ông nổi tiếng, ở Paris, ông lui tới những lễ trình diễn ra mắt, ông được trọng đãi...". Nhà văn đáp: "Tôi quả có sống như thế suốt hai năm, vì tôi muốn biết. Tôi muốn hiểu con người. Tôi săn đuổi con người suốt đời. Muốn hiểu người, thì đọc báo hoặc nhìn từ xa là không đủ: phải vào cuộc. Tôi đã vào cuộc trong giới thượng lưu Paris suốt hai năm. Tôi mặc dạ phục hằng ngày và dự trình diễn ra mắt, dự yến tiệc...".
Kinh nghiệm thu thập được đối với nghệ sĩ hiển nhiên là đa tạp, mắc mỏ, lắm khi nghệ sĩ phải khoác lên mình những lớp áo của hoàn cảnh. Nhưng chung quy lớp áo vẫn chỉ là lớp áo.
Nhà văn Gaston Kelman, một tác giả Pháp gốc Cameroun, có viết một cuốn truyện nhan đề là Tôi là người da đen không thích ăn sắn. Một nhan đề truyện độc đáo về nhiều phương diện. Trước hết là nó dài, nhưng hẳn tác giả cảm thấy cần phải dài trên mặt bìa như vậy mới thật sự trọn nghĩa, mới tự giới thiệu mình một cách tránh gây ngộ nhận. Cái đề truyện lòng thòng ấy - nó giống như cả một... cương lĩnh, khắc ghi vào tâm khảm một chương trình sống, được dán lên bản thân vừa đập mạnh vào mắt mọi người. Tôi là da đen nhưng không phải hễ da đen là ăn sắn. Và tôi sực nghĩ tới Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ của chúng ta có thể nhại tác giả da đen để tuyên bố: tôi là người da vàng mà thích uống rượu ngon, tôi sống trong thời chiến nhưng làm nhạc phản chiến, tôi không có tiền vẫn khoái mặc đẹp...
Cách thế sống không phải chỉ có một, cũng không nhất thiết trước sau là một, có khi nó vừa vặn với người này mà bó rọ với người kia và lại thùng thình với người nọ, nó biến chuyển theo từng người, theo từng "tạng" người, nói theo cách nôm na.
Trịnh Công Sơn không khỏi có khi ngẫm mình như người phu quét đường, được trao cho một việc làm mà người khác không buồn để ý, một việc làm như tuồng lạc lõng, không ăn nhập với toàn cảnh, như trong ca khúc Đại bác ru đêm:
Đại bác ru đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe...
Người phu vẫn miệt mài cắm cúi làm công việc "dọn sạch để đón chờ ngày mới":
...Người phu quét lá bên đường
quét cả nắng hồng quét hạ buồn tênh...
...Người phu thôi quét bên đường
quét chỗ em nằm quét cả mùa xuân...
(Trịnh Công Sơn, Góp lá mùa xuân)
Trong số Báo Thanh Niên chủ nhật 25/4/2004, tác giả Lê Trọng Nhi đã cảm nhận điều này và liên tưởng đến "người phu quét đường Martin Luther King", giải Nobel Hòa bình năm 1964, khi người mục sư Mỹ da đen này giảng giải cho sinh viên đại học Mỹ năm 1967 như sau:
"Nếu một người đã được gọi để làm một người phu quét đường, hãy quét những con đường như đại nhạc sư Beethoven đã soạn nhạc, hãy quét những con đường như đại văn hào Shakespeare đã làm thơ. Người phu quét đường phải quét những con đường một cách tốt đẹp nhất để tất cả khán thính giả trên thiên đàng và nơi trần gian sẽ ngẫm nghĩ và nói: Đây là đời sống của một người phu quét đường vĩ đại - ông ta đã làm công việc của mình thật tốt đẹp".
Bửu Ý
thanhnien.com.vn, 31/03/2007
Các thao tác trên Tài liệu