Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Trịnh Công Sơn : giữa trùng vây... thập diện mai phục

Trịnh Công Sơn : giữa trùng vây... thập diện mai phục

- Webmaster cập nhật lần cuối 22/09/2006 20:56
Khương Duy, Sài Gòn, 18/09/06.


Rất cám ơn tác giả Khương Duy đã dành ưu tiên cho chúng tôi một bài viết công phu với nhiều nhận xét tinh tế: có lẽ đã nói lên được những điều mà nhiều người muốn nói. Các ảnh trong bài là do chúng tôi. (PvĐ, 21/09/2006).


Tự muôn thuở, chiến tranh, hoà bình, tình yêu, thân phận con người... luôn là những chủ đề vô tận của người nghệ sĩ, nói hoài không hết, tát mãi không vơi... Trong số những chủ đề mênh mông ấy, tình yêu có lẽ là đề tài dễ nhất, còn chiến tranh, hòa bình và thân phận con người quả là những chủ đề khó nuốt, khô nóng và đôi khi khét lẹt như mùi thuốc súng. Nhạc về mảng đề tài khô nóng ấy, đã có không biết bao nhiêu người viết và cũng có không ít tác phẩm đã nằm lại trong ký ức của nhiều người... Trong số những tác phẩm ấy, ta phải nhắc đến những tác phẩm... nằm giữa hai làn đạn của Trịnh Công Sơn.

Từ thế đứng giữa trùng vây thập diện mai phục... ..

Tranh Trần Như Hiến

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, TCS gần như chưa bao giờ đặt mình vào một tọa độ mà từ đó người ta có thể nhanh chóng định vị chỗ đứng hay góc nhìn của ông để rồi sau đó chụp lên đầu ông vô số mũ, đủ thứ màu, từ vàng đến đỏ... Ông luôn khéo léo nép mình trong một cõi riêng, rất riêng, rất Trịnh Công Sơn. Trong cái cõi đi về buồn hiu hắt đó, hình như chỉ tồn tại một mình ông...

buồn như gịọt máu
lặng lẽ nơi này
trời cao đất rộng
một mình tôi đi,
một mình... tôi về với tôi!

Ông như đứng ở đâu đó và luôn ẩn hiện trong cuộc chiến ba mươi năm của dân tộc, để chiêm nghiệm, để hoài niệm, để cho nguồn cảm xúc dâng tràn và trào lên khuôn nhạc một cách hết sức tự nhiên, tự nhiên như là những giọt mưa, rơi tí tách trên phím đàn. Ông đã đứng đâu để chứng kiến “xác người nằm trôi sông, trôi trên ruộng đồng”, ông đã đứng đâu để nhìn và “hát trên những xác người”?; ông đã đứng đâu trong “một buổi sáng mùa xuân” để chứng kiến hình ảnh của ” Một đứa bé ra đồng. Đạp trái mìn nổ chậm? Ông đứng đâu để nghe tiếng “đại bác đêm đêm dội về thành phố”?

Không, hình như TCS không hẳn đứng đâu cả, vì ông đã hoá thân vào cái cõi đi về lặng lẽ và vô định đó để lặng ngắm mọi thứ bằng “những con mắt trần gian”: Đó là vị trí nằm giữa thế trận... thập diện mai phục, giữa chốn tên bay đạn lạc vô chừng... Đó là nơi mà ... ”mai kia về chốn xa xôi, cũng gần!”

Không xa đời, và cũng không xa mộ người
Không xa tình, và cũng không xa thù hận
Không xa trời, và cũng không xa phận người
Không xa ngậm ngùi, và cũng không xa nụ cười
Không xa cửa nhà, và cũng không xa ngục tù
(Đời cho ta thế)

Từ một vị trí “tuy xa mà gần, tuy gần mà xa” ấy ,TCS đã viết về chiến tranh, viết về những mất mát, tan tác, đau thương, chia lìa, đổ vỡ... viết về những nỗi đau đời, nỗi đau của người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha... bằng một bút pháp và ca từ không thể lẫn lộn với bất cứ ai khác, dù rằng đã có không ít tác phẩm khác thành danh về đề tài này.Trong “ Đôi mắt người Sơn Tây” Quang Dũng ngậm ngùi khi viết:

Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi, xác trẻ trôi sông?

Nhưng, cũng trong cùng hoàn cảnh ấy, TCS lại viết một cách dững dưng

Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên con đường quanh co

Hay là
Xác nào là em tôi dưới hố hầm này?

Viết về những người ngã xuống trong chiến tranh, ông viết cứ dửng dưng như thể đó là “chuyện... thường ngày ở huyện,” vì trên thực tế, đó đúng là những hình ảnh đi đâu cũng gặp, nhìn đâu cũng thấy trên quê hương thời chiến! Không cần có sự phân biệt xác ta hay xác thù, ông xung phong trực diện vào vấn đề muốn nói và kể cho ta nghe một cách tự nhiên ...

Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều trên hàng kẽm gai
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều hôm nay rất nhiều trên thành phố ấy
(Xác ta xác thù)

Với những người trong cuộc, ông dành cho họ một lời khuyên rướm máu để có thể tiếp tục sống mà chấp nhận số phận

Đừng buồn chi em, ta như cỏ mọn bên đường
Đừng buồn chi em, ta như giọt lệ vô tình
Cười lên em nhé dẫu đau lòng.
(Xác ta xác thù)

Viết về người mẹ mất con hay người vợ mất chồng, ông không hề phân biệt chiến tuyến, cho dù là người ta luôn muốn xác định nó để phán xét ông, phán xét lập trường và quan điểm trong sáng tác của ông về mảng đề tài khó nuốt ấy, bởi khi dẹp bỏ mọi định kiến, nhìn đâu ông cũng thấy toàn là “xác người Việt nằm!”

Tôi có người yêu, chết trận Pleime
Tôi có người yêu ở chiến khu D
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới
(Tình ca của người mất trí)

Ông viết về chiến tranh bằng những góc nhìn xa lạ với mọi người, đôi khi là cái nhìn của một người điên:

Tôi có người yêu chết trận Chu Prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng chết rừng mịt mù
Chết lạnh lùng mình cháy như than
(Tình ca của người mất trí)

Bấy nhiêu địa danh, bấy nhiêu địa điểm là bấy nhiêu phát đạn, ghim thẳng vào tâm trí người nghe bằng một sự cười cợt, hời hợt đến dửng dưng của một người mất trí...

Tôi có người yêu, chết trận A Sao
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo

Tôi có người yêu, chết trận Ba Gia
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ chết chẳng hẹn hò
Không hận thù nằm chết như mơ
(Tình ca của người mất trí)

Khi khác, ông lại khắc hoạ chiến tranh bằng một âm thanh quen thuộc khác, một âm thanh không hề thiếu vắng trong màn đêm trên quê hương thời chiến, thứ âm thanh đã dần trở thành quen thuộc như tiếng ru con của người mẹ trong đêm khuya thanh vắng

Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác đêm đêm đánh thức mẹ dậy
Đại bác đêm đêm em thơ giật mình
(Đại bác ru đêm)

Thứ âm thanh tử thần ấy, dù là đêm đêm gây kinh hoàng cho giấc ngủ của từng người, nhưng không thấy người trong cuộc có chút thái độ hay phản ứng gay gắt nào, chỉ có duy nhất..”Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe!” Chỉ đứng nghe mà không hề có chút biểu hiện phê phán, thù hận... Và TCS đã kể lại cho chúng ta cũng bằng một thái độ chấp nhận và chịu đựng không than thở... Cho dù TCS có ý lên án cái âm thanh của tử thần ấy hay không thì người trong cuộc chiến, người ở bên này và bên kia chiến tuyến... cũng không ai kết tội được TCS với bài hát này vì ông đã rất khéo léo khi viết rằng nó “DỘI VỀ thành phố” : từ đó không thể xác định đó là tiếng đạn pháo của bên nào cả! Thật may mắn vì bên này thì đã hiểu là nó là của bên kia, bởi nếu chỉ cần thay chữ DỘI VỀ bằng chữ DỘI VÀO thì có thể mọi sự đã khác!

Lại có khi ông làm một cú máy zoom cận cảnh cực kỳ sống động, sống động đến độ tàn khốc trong lời kể chuyện của mình

Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân

Buổi sáng mùa xuân, mặt trời lên đỏ rực chân trời, trên đường “tung tăng ra đồng giữa ngọ”, thằng bé dẫm phải mìn và ngực nó cũng đỏ rực... vì máu! Nếu tưởng tượng đấy là kịch bản phân cảnh cho từng cú máy thì còn gì gây sốc hơn khi ông mô tả cái chết của đứa trẻ với sự thương tiếc của hoa đồng cỏ nội: cây cỏ còn biết bày tỏ sự thương tiếc một cách trân trọng như vậy, còn kẻ gài mìn.. thì sao?

Một buổi sáng mùa xuân
Ngực đứa bé tan tành
Ngàn hoa đồng cỏ nội
Cúi xuống nhìn con tim.

Sau tai nạn thê thảm ấy, liệu ngọn cỏ còn có thể nhìn gì ở trái tim của đứa bé? Không, ngọn cỏ chỉ đơn giản gục đầu bên xác nạn nhân. Nhưng hình như sự đời không chỉ đơn giản có vậy, vì TCS có lẽ còn muốn, khi nhìn thấy cảnh tượng ấy, chúng ta, ít nhất có một lần trong đời, phải “cúi xuống” để nhìn thấu vào những trái tim... không hề biết đau của ai đó vốn đang bị lên án và phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến đang diễn ra.

Rồi TCS lại dẫn ta đi đến mâu thuẩn nội tại cùng cực với hình ảnh của sự níu kéo tuyệt vọng cái sống khi con người đang cận kề cái chết, một hy vọng cũng... mong manh không kém mấy cánh hoa vàng... Cứu cánh cho niềm hy vọng đó có lẽ cũng đã... bật gốc từ lâu rồi! Đó là tất cả những gì đã diễn ra trong... ”một buổi sáng mùa xuân” định mệnh...

Một buổi sáng mùa xuân
một đứa bé yên nằm
bàn tay cầm cỏ dại
có hoa vàng mong manh

TCS không hề nói rằng quê hương ông trong thời chiến là địa ngục, nhưng cứ nghe lời ông kể, nếu như đứa bé đang nằm chết trên thiên đường của chính nó thì nó sẽ không tự hỏi thầm mình như vậy? Không! Đứa bé không thể hỏi, vì nó không hề ngờ rằng cái chết đã đến với nó một cách tức thời và tức tưởi đến thế. Nó chết trong tư thế miệng không kịp kêu la, bờ môi của nó mím chặt như một cử chỉ biểu hiện thái độ chịu đựng đến tận cùng... Chứng kiến cái hình ảnh tàn khốc ấy, chính TCS, và cả chúng ta, chỉ những người còn sống, mới có thể thầm hỏi lại mình : có thiên đường hay không?

Một buổi sáng mùa xuân
một đứa bé im lìm
bờ môi dường thầm hỏi
có thiên đường hay không?

Thay cho câu trả lời trực tiếp, TCS chiếu cho ta thấy những hình ảnh còn lại bằng những băn khoăn ray rứt, bằng tình NGƯỜI của chính mình:

Em thơ ơi chiều nay trường học lại
trong sân chơi bạn và thầy im lời

Trong lớp học, đứa bé ấy đã được dạy những bài học về tình yêu, tình người... và vào cái buổi sáng định mệnh ấy, trái mìn nổ chậm đã cho nó thêm bài học phụ đạo rằng thuộc được bài học ấy quả không dể dàng... và dù chưa có ai thuộc nhưng bài học ấy hình như đã sắp... phai rồi!

bài học về yêu thương trên giấy mới
sao hôm nay nét mực đã phai.

Nếu như những lời kể trên không phải là ca từ, thì nó phải hẳn là những vần thơ máu, đau đáu một nỗi đau đời bất tận! Chính vì xuất phát từ vết thương đời đang mưng mủ trong tim, TCS cứ luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh thê thảm về số phận của những đứa trẻ trong làn tên mủi đạn :

Từng vùng đêm đen hoả châu thắp đỏ
Em bé loã lồ suốt đời lang thang...
hay

Đàn trẻ thơ vẫn đi trong đêm
Đến trường cố chờ ngày bình yên
(Dân ta vẫn sống)

Trong khói lửa chiến tranh, niềm hy vọng về một ngày mai hòa bình cứ ngày càng mờ nhạt, làm cho TCS, từ thế đứng ấy, ngày càng cảm thấy bị chìm sâu trong tuyệt vọng... Không hẳn là hòa bình không đến, nhưng nếu như nó đến quá muộn màng thì liệu điều đó còn có ý nghĩa gì cho cuộc sống của những nạn nhân chiến tranh hiện tại?

Có lẽ là một cảnh tronh phim "Đất Khổ" của Hà Thúc Cần.

ảnh tư liệu của Công Thế Cường

Dân ta đã bao nhiêu năm
Lòng chìm sâu ước mơ hân hoan
Nhìn rừng phơi xác thân anh em
Nhìn trái tim rơi theo đại bác
Thịt người cho thú nhai ngon
Mẹ cha tóc khô như rơm
Chờ đàn con đã đi bao năm không về
Đứa về cụt bàn chân

Cơn mơ nào vừa bừng lên trong giờ cuối
Khi viên đạn vừa cắm vào người
Trên chiếc nạng, một rạng đông chưa kịp lớn
Trong hy vọng đã có nụ tàn

Bằng thủ pháp tường thuật, TCS đã nêu hết những góc cạnh, mảng tối, bóng đen của chiến tranh mà không cần lên án chiến tranh, chỉ cần nêu cảm nhận về hậu quả cuộc chiến là đã quá đủ...

Dân ta đã bao nhiêu năm
Đầu đội bom bước đi mong manh
Tầm đạn bay nhức đau trong xương
Nhìn trái tim treo trên đầu súng
Một đời nước mắt chan cơm
Hờn căm cắt chia anh em
(Dân ta vẫn sống)

Phóng sự trường thiên về cuộc chiến của TCS không cần lời bình, mà chỉ có những cú zoom máy và bức ảnh tĩnh ( không động), nó không nhằm diển tả sự kiện đã xảy tuần tự như thế nào mà chỉ lột tả cái sự thật trần trụi và thê thảm của cuộc chiến, cái thê thảm tê tái đã từng làm cho Henry Dunant rụng rời khi chứng kiến, cái thê thảm đã khai sinh ra lá cờ Hồng Thập Tự...

Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều trên đồi núi xa
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều hôm nay rất nhiều trên giòng sông đó
... ... ... ... .
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều giữa đồng lúa thơm
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều hôm nay rất nhiều trên đồi hoa thắm

Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên con đường quanh co

Từ những “Giọt nước mắt quê hương” ấy, “từ đêm bây giờ, mơ đến đêm mai”, TCS đã mơ, mơ mình sẽ sống mà đợi đến một ngày...

Giọt lệ gian nan cho ta khóc với
Đợi thấy anh em dưới ánh mặt trời
(Đợi có một ngày)

Chiến tranh cứ kéo dài lê thê và hướng về ngỏ cụt, viễn cảnh hòa bình có vẻ như từ hiện thực đi dần về hướng... siêu thực, và con người vẫn hăng say chém giết nhau... . Tất cả những yếu tố đó đã khiến cho TCS lo lắng, sự lo lắng của một người đang quan sát từ... ”cõi trên”: ông lo rằng, trong tâm thức của thế hệ, hình ảnh của hòa bình có nguy cơ sẽ bị lụi tàn trước khi nó kịp đến... Ông lo lắng cũng phải, vì sự hận thù vô hình của thế hệ này, sớm muộn gì cũng sẽ được truyền hết một cách vô thức cho thế hệ sau, và khi đó, sẽ không ai còn bận tâm đến hai tiếng hòa bình, mà chỉ lo tìm cách trả cho xong (một cách vô thức?) cái mối thù truyền kiếp và chồng chất do cha ông và cả lịch sử để lại...
Tuổi trẻ Việt Nam còn vừng trán nhăn nheo
Sáng bên kia rừng tối đã qua lưng đèo
Trong tim người Phật Chúa chìm sâu
Hai mươi năm tội ác còn nhiệm mầu

Dù mùa Xuân đã đến đây
Vẫn còn tiếng khóc thầm
Triệu nụ hoa đang thoát thai
Viên đạn vẫn trên nòng
Hận thù trên cánh tay
Bao mùa Xuân rồi
Hận thù trong trái tim
Hận thù trên cây lá
Trong đêm hồng
(Xanh lòng tàn phai)

Con người cứ chém giết nhau vì chung quanh họ tràn đầy thù hận. Dù chưa hề quen biết hay xích mích nhau, nhưng người ta luôn vẫn nhắm mắt mà bóp cò súng, và nếu cứ kéo dài như vậy thì liệu mai này sẽ còn có đôi mắt nào còn mở ra để đón hòa bình?

Đôi mắt nào mở ra hôm nay
Để nhìn thấy nắng và loài người
Đôi mắt nào mở ra cho nhau
Nhìn đạn bom vũ khí im hơi

Đôi mắt nào mở ra trong tôi
Để nhìn theo nhịp mừng máu chảy
Đôi mắt nào mở ra trên vai
Nhìn bàn tay tìm hướng tương lai
(Đôi mắt nào mở ra)

Mở mắt ra để làm gì? Không phải để nhìn ngắm và phán xét ai sai ai đúng, cũng không phải để thấy chính nghĩa đang thuộc về ai, mà chỉ đơn giản là tìm lại mơ ước và hạnh phúc đơn sơ của cuộc đời...

Tìm lại đôi tay cho mẹ về thăm lúa
Họp chợ đêm nay cho chị gánh em gồng
Tìm lại con đê cho một bầy em bé
Tìm hàng tre xanh cho làng mạc miền quê

Tìm lại thơ ngây cho một bầy em bé
Tìm lại đôi chân cho người lính trở về
(Đôi mắt nào mở ra)

... đến yếu tố chính trị phi chiến tuyến

ảnh tư liệu Công Thế Cường

ảnh tư liệu của Công Thế Cường

Ca từ của TCS trong những “ca khúc Da Vàng” không hề ca ngợi chiến công của bên này hay lên án cuộc chiến đối với phía bên kia... Giữa muôn trùng xác người và biển máu, dường như ông chỉ muốn bày tỏ cái ý “khả liên vô định hà biên cốt!” và “nhất tướng công thành vạn cốt khô!” mà thôi!

Từng phe cho đấy là chiến công
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều trong hầm hố sâu
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều hôm nay rất nhiều trên từng lộ máu

Vậy mà ngưòi ta vẫn cứ đi tìm chứng cớ để lôi ông về phía bên này hoặc không chấp nhận cho ông sống ở phía bên kia: trong cuộc chiến tranh đẫm máu ấy, ai cũng cho rằng chính nghĩa thuộc về mình, và ai cũng muốn lôi kéo TCS ngã về phía mình... Làm như thế chỉ hoài công, vì, như trên đã nói, TCS không nghiêng về bên nào cả và ông đã khéo chọn cho mình một vị trí quan sát nằm ngoài tầm sát thương của súng đạn lẫn tòa án! Từ vị trí ấy, dù là ở giữa trùng vây thập diện diện mai phục, ông vẫn có thể thản nhiên di chuyển trên quỹ đạo của riêng mình để nói lên điều mình muốn, viết lên điều ông suy nghĩ...

Hởi ba miền vùng lên cách mạng!
(Huế Sài Gòn Hà Nội)

Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình!
(Gia tài của mẹ)

Chính chúng ta phải nói hoà bình
Đất nước này loài người đã dã man
Đất nước này chỉ còn lại người điên
Anh em quyết lòng
Đứng lên !
(Chính chúng ta phải nói)

Mới nghe qua hai từ “cách mạng” và “đứng lên!”, nhiều người nóng vội bên này đã lên án và đẩy TCS về phía bên kia, nhưng, ta hãy nghe cho kỷ : rõ ràng khi nói “đất nuớc này loài người dã man”, là đã có ý bao hàm toàn bộ, vì vậy ông mới kêu gọi ba miền (chứ không phải hai miền!) vùng lên cách mạng! “Ba miền” là “ba miền dân tộc”, thể hiện nhiều cái ý thức cộng đồng dân tộc hơn là phân biệt chính kiến, là nói đến tổng thể mà không cụ thể – một cách dùng từ nửa hư nửa thực và hay đáo để! Còn nếu nói “Hai miền” (hoặc “một miền rưởi” như Ông Đặng Tiến đã nói) thì rốt cục rồi cũng sẽ là “hai miền đất nước”, sẽ hướng đến những biện giải, xung khắc, lập trường, chính kiến... nghĩa là sẽ... vô cùng “rách việc!” (Dĩ nhiên sẽ không thể có “một miền” ở đây vì TCS chưa hề xác định bên nào hoàn toàn đúng hoặc sai trong cuộc chiến tranh này).

Còn với những ai cho rằng mình sở hữu độc quyền hai từ “Cách Mạng” vốn thường được hiểu và sử dụng theo kiểu hiếp dâm từ ngữ, thì đây đúng là cú lừa ảo giác cực kỳ ngoạn mục: ông chỉ kêu gọi “ vùng lên cách mạng” bằng cách dùng chữ thường, không viết hoa” để hiểu theo ý nghĩa quy ước vốn phải có của nó: một cuộc cải cách vận mạng.

Còn riêng với hai chữ “nội chiến” đầy hệ lụy: nếu TCS tự ý ... đục bỏ nó và thay vào bằng nhiều dấu chấm lững thì tình hình liệu sẽ có khá hơn không? Dĩ nhiên sẽ không thể khá hơn, mà có thể còn tệ hại hơn, vì trong cái giai điệu luyến láy như thể “đo ni đóng giày” cho riêng hai từ ấy, đố ai chêm được cái gì khác hay hơn, và nếu không thay được bằng từ nào khác thì người ta sẽ vẫn cứ... ung dung nhằm đúng hai chữ “nội chiến” mà hát, và điều này sẽ được hiểu như một cách chơi chử trịch thượng và ngạo mạn, lúc đó ông sẽ mang thêm cái tội... giỡn mặt với nhà cầm quyền! Thật ra, đây chỉ là chuyện giọt nước làm tràn ly, vì nếu có bỏ lững hay “tự ý đục bỏ” hai chữ ấy, TCS cũng không thể thoát được tội phạm úy, bởi cái ý “nội chiến” đó đã được ông thể hiện một cách gián tiếp rất nhiều lần ...

Dân ta đã bao nhiêu năm
Lòng chìm sâu ước mơ hân hoan
Nhìn rừng phơi xác thân anh em
... ... ... ... ... ... ... ... ..
Một đời nước mắt chan cơm
Hờn căm cắt chia anh em
(Dân ta vẫn sống)

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em
(Hát trên những xác người)

Hai mươi năm là xác người Việt nằm
Làm sao ta giết hết những đứa con Việt Nam ?
Xưa ta không thù hận, Vì đâu tay ta vấy máu ?
(Tuổi Trẻ Việt Nam)

Triệu người đã chết, hãy mở mắt ra
Lật xác quân thù, mặt người Việt Nam trên đó
Đi trên những xác người : bao năm thắng những ai ?
(Những Ai còn là Việt Nam)

Ôi bom đạn cày trên những xác
Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát
Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng
(Đêm Bây Giờ, Đêm Mai)

Trò đu dây với chữ nghĩa và những con số một hai ba của TCS quả là mạo hiểm: chỉ cần đổi “Ba” thành “Hai”, hoặc nếu chữ “cách” vô tình hay cố ý bị sửa thành ra “Cách ” như lỗi biên tập, hoặc bỏ lững mấy dấu chấm... thì có thể ông đã nhận từ lâu cái..”quả báo nhãn tiền”. Cuối cùng, tuy đã trở thành bị cáo trong một “bản án văn tự bất thành văn” từ sự lên án của cả hai miền, nhưng ông vẫn có thể đi tiếp con đường của mình!

TCS hô hào “đứng lên – vùng lên cách mạng” không có nghĩa là kích động con người lao vào cuộc chém giết mà là để góp bàn tay chận đứng những mưu mô, toan tính... , để sớm chấm dứt cuộc chém giết cuồng nộ đang diễn ra. Hơn ai hết, vì hiểu rõ cội nguồn cùng nguy cơ của những hận thù đang tràn ngập và đầu độc trái tim của thế hệ, nên ông luôn tìm cơ hội nhắn với mọi người, và nói cả với bản thân để luôn chắc rằng mình vẫn “chưa mất niềm tin”...

Dù hôm nay tôi chưa nhìn Hà Nội
Dù hôm nay em chưa thấy Sài Gòn
Nhưng sao lòng tôi vẫn chưa mất niềm tin
Vì quê hương sẽ có ngày hòa bình
Cố nuôi dưỡng bền những tình thương lớn

Lòng ta ơi hãy biến tan thù hận
Đón nghe tiếng cười trên đất nước nát tan
(Chưa mất niềm tin)

Chính vì muốn tỏ rõ thái độ và quan điểm của mình về cuộc chiến và về những người quen đang đứng trong và ngoài cuộc chiến, TCS đã nhiều phen chơi ván bài... ”bật ngữa” : việc ông lập lại rất nhiều lần như để bày tỏ sự hoang mang và kinh tởm: ”tôi đã thấy... , tôi đã thấy... ” trong Hát trên những xác người đã làm người ta liên tưởng đến những bàn tay đã từng nhúng máu người vô tội năm 1968 tại Huế.

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em

Rõ ràng ông không hề muốn thấy bất kỳ ai, dù là bạn bè, hát mừng chiến thắng của riêng họ trên những xác người vô tội: “Đừng mơ mộng trên xương máu. Chưa bao giờ tôi nghe được một tiếng hát nói về sự sinh nở tốt đẹp của hận thù.” (TCS-Có nghe ra điều gì) Có lẽ vì ông đã nghe ra điều gì đó, và đã thấy, đã được “Dạy từ mưu toan giết chết một người đến kế hoạch giết chết hàng vạn người. Chúng ta biết rõ từ một tên hề mặt phấn môi son đến một tên ngụy quân tử! (TCS-Có nghe ra điều gì)... nên ông đã nói hơi... nhiều về “những thứ không nên thấy” ấy, nên sau này, ông phải đi lao động cải tạo, phải viết lại bản tự kiểm. Dù là việc ông đã “thấy ai và thấy gì” thì chỉ có ông và người trong cuộc mới biết rõ, nhưng cũng nhờ đó, ông đã thấm thía đến tởm lợm đối những “người không có tình người”:

Đời đã cho tôi một ngày
Nhìn thấy gian manh loài người!

Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người
(Sóng về đâu)

và đây nữa...

Đừng xô tôi ngã giữa tim người!
(Sóng về đâu)

Dĩ nhiên trong hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, việc ông buộc phải viết ra những lời không thật sự xuất phát từ ý kiến và mong muốn chủ quan là việc có thể hiểu được, nhưng ông cũng đã công khai tự kiểm mình để nhắc nhớ trách nhiệm của bản thân về những cái thật và không thật trong từng câu chữ của mình...

Ngày nay không còn bé
Tôi quên sống thật thà
(Ngày nay không còn bé)

Và, cũng đã có đôi lần, TCS đã nhắc đến sự cay đắng về một cuộc sống được duy trì trong thế đứng luôn bị cô lập...

Chén rượu cay, một đời tôi uống hoài
Trả lại từng tin vui
Cho nhân gian chờ đợi..
(Phôi pha)

Đời đã cho tôi ngậm ngùi
Đời sẽ cho thêm ngọt bùi
Đời sống chan hoà trong tôi
(Chỉ có ta trong một đời)

Mặc cho người chung quanh nhào nặn ông thành đủ thứ hình dạng, gán ghép cho ông hàng tá những tên gọi, TCS chỉ lặng lẽ tổng kết... xem người ta đã và đang hình dung về bản thân ông giữa cuộc đời thường, là một người như thế nào

Đời vẽ tôi tên mục đồng
Rồi vẽ thêm con ngựa hồng
Từ đó lên đường phiêu linh

Đời vẽ trong tôi một ngày
Rồi vẽ thêm đêm thật dài
Từ đó tôi thề sẽ rong chơi!

Đời vẽ tôi tên tuyệt vọng
Vì lỡ nơi đây nặng tình
Từ đó tôi chìm dưới mênh mông
(Chỉ có ta trong một đời)

Đương nhiên không hẳn là đời vẽ ông thành cái gì thì ông tự hóa thân cái đó một cách đơn giản, mà ông đã tự biết, trong hình dạng đó, ông phải làm gì để mình vẫn mãi mãi là... chính mình! Vì vậy, thay vì ca ngợi chiến công của bên này, bên kia, TCS lại viết... Nối vòng tay lớn, chọc giận biết bao người, rồi sau đó lại nhảy phóc xuống từ vị trí trên cao kia để hát nó trong mùa hè 1975 giữa rừng người hoang mang... TCS hát không phải để mừng người thắng trận hay tống tiển người thua trận, mà chỉ để mừng ngày hòa bình, cái ngày mà ca từ trong nhạc của ông đã không biết bao lần nhắc đến...

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi vòng tay lớn mãi, để nối sơn hà...

Thay vì tỏ rõ vị trí độc lập và khách quan của mình, TCS lại viết Cho một người nằm xuống

Những sớm mai lửa đạn
Những máu xương chập chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.

Ngọn gió thời đại và mặt trời chân lý đã di chuyển liên tục, làm cho cái bóng từ phía trên cao của ông cứ mãi lung linh, khi thì hắt bóng xuống phía bên này, khi thì bên kia... Và, như một thể nghiệm cảm xúc của chính mình qua thời gian, TCS đã viết, đôi khi đến hai lần, cho cùng một đề tài. Người ta trách rằng, sau này, TCS không còn là chính mình khi trước... Cũng phải thôi, vì ông không còn cần phải mang cái áo giáp chống đạn để đứng ở giữa hai lằn đạn, lời của ông không còn là “tiếng chim hót trong bụi mận gai”, vì ông có thể đứng trong trùng vây thập diện mai phục ngay giữa cuộc đời này, để nói cái cảm xúc thật, cái cảm nhận mới của chính bản thân về những hình tượng cũ trong hoàn cảnh mới, chính nhờ vậy mà ta được nghe hai lần cho cùng một đề tài với biết bao điều mới lạ, bằng hai cảm xúc hoàn toàn khác nhau và cũng đều xuất sắc như nhau. Điều này không có gì mâu thuẩn, có chăng là do hoàn cảnh đã thay đổi, và vì TCS viết theo cảm nhận của chính ông, như là một chứng nhân của từng thời kỳ lịch sử, chứ không hề là của ai khác.

Chứng kiến cái chết của đứa bé trong “Một buổi sáng mùa xuân”, ông mơ về sự an lành cho trẻ em, rồi ông đã gặp lại hình tượng “em bé lõa lồ suốt đời lang thang” của ngày xưa, giờ đang đến với cuộc sống mới cùng với mùa xuân, ông đã từng “ đợi có một ngày em bước vui” mà không sợ... dẫm phải mìn, và ông đã thể hiện bằng ca khúc “Em đến cùng mùa xuân”.

Trong chiến tranh, đã có không ít lần, người con gái Việt Nam ngã xuống. Có khi đó là những người dấn thân vào cuộc chiến như Vũ Cao đã hình dung và đã viết trong bài thơ Núi Đôi nổi tiếng..

Mới đến đầu ao, tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
... ... ... ... ...
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Em sống trung thành, chết thủy chung

Nhưng cũng có khi đó là những người bình thường và luôn mong muốn thoát ra ngoài cuộc chiến một cách vô vọng, và rồi họ đã ngã xuống theo motif “hoa trắng thôi cài trên áo tím”. Tưởng rằng những cái chết như vậy sẽ không còn nữa, nhưng sau đó, trong không khí còn tươi nguyên của ngày hòa bình, ông lại viết tiếp... ”Em ở nông trường, em ra biên giới”.. đó là sự thấm thía nỗi đau mới về cái chết “nhẹ nhàng như những bước chân” của những cô gái TNXP còn rất trẻ, được lệnh lên đường làm dân công hỏa tuyến, làm nhiệm vụ cáng thương, tải đạn, phục vụ trên chiến trường, khi quân Pol Pot tràn qua biên giới Tây Nam. Tất cả họ, đã cùng ra trận bằng những “đôi chân đi không ngại ngần”.

Rồi, trong khi cuộc chiến chưa tàn,”hai mươi cô gái tuổi hai mươi ấy” đã chết. Vào thời điểm đó, tin tức thật về chiến sự cũng như những tổn thất nhân mạng xảy ra trong cuộc chiến ấy, tuy đều thuộc vào loại “ không nói ra thì...ai cũng biết” nhưng lại cũng là “bí mật quốc gia”. Vì vậy, chi tiết về họ không được phổ biến, chỉ nghe thoang thoáng rằng lán trại của họ bị quân địch bất ngờ tập kích trong đêm, và tất cả đã bị bắt, bị hãm hiếp tập thể và bị hành hình tại chổ một cách hết sức dã man. Sau đó khá lâu, chỉ một phần nhỏ trong câu chuyện này được phục dựng trong phim “Ngọc trong đá”.

Cho dù không rõ họ đã lần lượt ngã xuống trên chiến trường hay bị thảm sát tập thể trong một đêm, nhưng có một sự thật phải tin là, cuối cùng tất cả họ đều đã hy sinh. Âm vang về số phận của họ đã làm TCS thật sự bàng hoàng. Ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của họ đã ám ảnh và thôi thúc ông phải trả cho đời, và cho cả chính họ, món nợ văn chương ấy. Dù là trong thời kỳ chiến sự, viết về sự mất mát vốn là chuyện không hợp thời và không được khuyến khích, nhưng ông cũng sẽ không thể tự tha thứ cho chính mình nếu không viết về họ. ... vì theo ông, không viết là “đã phạm tội với đời” rồi vậy! Trong bối cảnh đó, giải pháp hay nhất là viết về số phận của họ một cách hết sức... nhẹ nhàng

Xa nông trường, ra biên giới
Có đôi khi đi không trở lại
Nhưng trong lòng nghe tiếng nói
Những gian nan sẽ đo lòng người!

Lẽ ra, với một việc chính đáng như vậy, TCS không cần phải giải bày để mọi người thấu hiểu và đồng cảm về thái độ của ông, nhưng thực tế không rõ tại sao và vì áp lực nào mà ông đã phải biện giải như một bản tự kiểm và như thể việc viết bài hát ấy là một cái... tội đối với nhiều người :

“..... Nhưng ở Nhị Xuân, có hai mươi người con gái Thanh niên Xung phong đi về phía khác. Mấy tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp trong đêm hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây-Nam. Những tiếng hát, giọng cười còn đó. Những cây mía, cây dứa của các bạn trồng vẫn còn đó, vẫn lớn lên. Tôi bồi hồi nhìn ra quãng trời rộng và thấy lại trong trí nhớ những con người trẻ trung ấy. Trong những trái tim ấy có cái gì khác chúng ta không. Trong giấc ngủ ban đêm, trên những vầng trán khoẻ mạnh ấy, đã có những cơn mơ nào. Chúng ta nói quá nhiều sự tròn đầy và chúng ta quên đi sự mất mát. Chúng ta vẽ ra lắm nụ cười mà quên đi những nỗi ngậm ngùi riêng tư (chúng tôi nhấn mạnh, KD). Những người bạn nhỏ ấy đã ra đi thật vĩnh viễn, nhưng nỗi nhớ về họ chưa được hát đủ. Như một nỗi đau. Còn thiếu sót biết bao nhiêu điều chưa nói hết lúc ở nông trường và còn chưa nói được một mảy may lúc ra biên giới. Làm một điều gì chưa đến nơi đến chốn với một người không còn nữa, có phải cũng đã phạm tội với cuộc đời rồi hay không. Nhưng hãy tha thứ cho những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đo xuôi chèo thuận lái.”
(Trịnh Công Sơn)

Và trước đó, năm 1973, trong bài “Có nghe ra điều gì”, TCS cũng đã từng viết

“Tôi đã đi qua nhiều thành phố của quê hương. Mỗi nơi đều có những đêm gặp gỡ cùng tuổi trẻ. Chúng tôi nuôi dưỡng hy vọng và gửi đến nhau sự phân ưu chung bằng tiếng hát. Chính trong lúc, khi tiếng vỗ tay đập vào nhau nhịp nhàng và đều đặn cùng tiếng hát, lòng tôi bỗng chùng lại trong một ái ngại vô bờ. Tôi bỗng muốn thu mình thành một bóng tối nhỏ trước những con mắt trong sáng vây quanh. Với những trái tim quí báu kia, có thật tôi đã mang đến một điều gì tốt đẹp? Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tự đề nghị với mình một trách nhiệm quá lớn. Nhưng khi đã lỡ nhận chịu những cảm tình nồng hậu từ đám đông, thì những tình cảm kia phải được đền bồi (Chúng tôi nhấn mạnh, KD).”

Vậy là đã rỏ : “vì lỡ nhận chịu những cảm tình từ đám đông”, nên ông phải cố sức đền bồi, dù rằng ông biết rỏ hậu quả của việc ấy sẽ như thế nào.

Vì lỡ nơi đây nặng tình
Từ đó tôi chìm dưới mênh mông
(Chỉ có ta trong một đời)

Trong khói lửa chiến tranh, người ta đã ghi nhận hình ảnh của các bà mẹ ở cả hai chiến tuyến : cho dù có khác nhau về động cơ, về hoàn cảnh, về nhận thức... nhưng rốt lại, sự chịu đựng, sự hy sinh và cả sự mất mát của họ lại hoàn toàn giống nhau.Trong chiến tranh, không còn hình ảnh của những Bà mẹ quê của Phạm Duy trong thời bình, mà chỉ còn những bà mẹ và những cảnh đời thật và bi tráng như Hồ Dzếnh đã ghi nhận

Quê mẹ Hương Khê đất sỏi cằn
Gió Lào từng trận, bão từng năm
Mẹ như cổ thụ cành khô quắt
Đến mỗi mùa hoa lại nẩy mầm

Còn nỗi đau nào trang trọng hơn
Một đời mẹ tiễn... tám đời con!
Tuy nhiên thuyền vẫn bền tay lái
Cặp bến mùa xuân với nước non
(Bà mẹ Hương Khê- Hồ Dzếnh)

Ơi chị hai phen kỳ diệu
Tiễn con liệt sỹ hai lần
Góp với cuộc đời xương máu
Góp phần nước mắt gian truân
(Quả táo – Hồ Dzếnh)

Thấm thía nỗi niềm của những người mẹ của cả hai bên, đang nhìn con mình lao vào một cuộc chiến mà không rõ sẽ có lợi cho ai, TCS đã viết “Ca dao mẹ”:

Mẹ ngồi ru con
Đong đưa võng buồn
Năm qua tuổi mòn
Mẹ nhìn quê hương
Nghe con mình buồn
Giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn
Đưa con về trần
Tủi nhục chung thân
Một giòng sông trôi
Cuốn mãi về trời
Bấp bênh phận người
(Ca dao mẹ)

Thời điểm cầm bút viết Ca Dao Mẹ, ông phải đứng quay lưng về phía bên này để nhìn thấy bên kia và ngược lại, cho nên cuối cùng những gì ông nhìn thấy cũng còn phiến diện, như thể chỉ giới hạn trong cái góc nhìn nhỏ hơn 180O. Rồi sau đó, khi đất nước đã thống nhất “ba miền thành một mối”, cái vị trí của ông bỗng lọt thỏm giữa lòng thời đại mới, nhờ đó góc nhìn của ông trở thành toàn cảnh với đủ 360O. Trong niềm cảm xúc về hình ảnh những người mẹ trong Người mẹ của tôi (Xuân Hồng), Người mẹ (Nguyễn Ngọc Thiện ), ông lại có điều kiện để ghi nhận đến thấm thía sự hy sinh của những bà mẹ khác trong thời chiến và trên một chiến tuyến khác, ông tiếp tục viết “Huyền thoại mẹ”. Nếu không phân biệt chiến tuyến và quan điểm chính trị thì có gì khác nhau giữa sự hy sinh, mất mát và chịu đựng của hai bà mẹ Việt Nam này, và có gì khác nhau giữa sự cảm nhận về cuộc chiến của hai người trong cuộc ấy?

Mẹ là nước chứa chan
Trôi dùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan.
(Huyền thoại mẹ)

Tại sao lại phải viết tiếp đề tài ấy trong những ngày hòa bình?

Đơn giản lắm, bởi vì chỉ sau khi không còn nghe tiếng súng, người ta mới có dịp để biết thêm về những người đang phải bắt đầu gậm nhấm và thấm thía cả nỗi đau cũ và mới về sự mất mát của chính mình. Ngày xưa, nghe tin con mình bị “mang ra giữa chợ cắt đầu”, Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy chỉ còn biết nén cơn đau xé lòng trong câm lặng.., một sự câm lặng vì uất nghẹn đến tê tái, rợn người:

Mẹ già không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa réo...
(Phạm Duy)

Và Người mẹ của Xuân Hồng cũng vậy :

Nước mắt mẹ không còn
Vì khóc những đứa con
Lần lượt ra đi..mãi mãi
(Người mẹ của tôi-Xuân Hồng)

Với một mất mát quá lớn, ngay lúc đó mấy ai còn có thể cảm nhận được cái đau? Nhưng sau đó, trong không khí hòa bình, người ta mới chợt nhận ra

Thời gian trôi qua
Vết thương trên thịt da
Đã lành theo năm tháng
Nhưng vết thương lòng
Mẹ vẫn còn nặng mang!
(Người mẹ của tôi-Xuân Hồng)

Sau chiến tranh, số phận của những bà mẹ ấy ra sao? Chắc là sẽ được đền đáp xứng đáng? Đúng ra phải là như vậy, nhưng sự đời đã không đơn giản chút nào, vì “Mọi sự hoàn tất đều có đôi chút bị hiểu lầm. Người trong cuộc mới thấu hiểu được cái tang thương của từng kết quả. Lịch sử có niềm đau riêng của nó. Cá nhân cũng có cái xót xa riêng. Bởi lẽ chưa có một tổng hợp đích xác nào về thân phận con người”(TCS-Có nghe ra điều gì - 1973).

Khi phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhiều người bàng hoàng khi biết rằng họ đang sống tiếp chuổi ngày tàn trong nghèo túng, khổ sở và cô đơn cùng cực. Người được họ giúp đở cưu mang ngày xưa giờ đang yên vị trong vinh hoa phú quý, còn bản thân họ thì, như Xuân Hồng đã viết

Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Viẽt Nam ơi!
Cho con xin chia sớt nỗi buồn
Cho con xin xẻ đôi bát cơm...
(Người mẹ của tôi)

Họ đang sống vất vưởng như một giọt sương trên cành, mà chỉ với một cơn gió nhẹ, sẽ rơi vào cỏi vô thường...

Xin cho cơn mưa gió vô thường
Không lung lay làm rớt hạt sương
(Người mẹ của tôi)

Với một người từng suốt đời dùng tay che mắt để dõi theo những bóng chim, vạt nắng, hàng cây, ngọn cỏ... như TCS, thì làm sao ông có thể lặng thinh hoặc cho phép mình lặng thinh trước một nỗi đau như thế, nỗi đau căm lặng triền miên, đau từ thời chiến kéo dài qua thời bình, đau từ quá khứ đến hiện tại, và, mặc cho tình đời cay đắng, người trong cuộc hay những nạn nhân còn sống sót thường chỉ biết nuốt nghẹn vào lòng, không lời một thổ lộ, thở than..

Chiến tranh đã là quá khứ, nhưng những bà mẹ ấy vẫn còn tồn tại, và nỗi đau ấy vẫn là một thực tại đáng buồn. Một hiện thực rất gần, ở khắp nơi mà như thể chưa từng tồn tại, không phải ở bên kia vĩ tuyến mà ở ngay phía bên này... Nó ở ngay trong những góc khuất mà khi xưa ông chưa có dịp nhìn thấy. Vì vậy, một khi ông đã thấy, đã biết, đã nghe... thì ông buộc phải lên tiếng và không ai có thể buộc ông phải lặng thinh, nhất là khi sáng tác của ông về những đề tài ấy, cho dù là ông nói đến bản chất hay hiện tượng, cũng là những tác phẩm mang tính nhân bản (humanity) chứ không phải những là sản phẩm “nhân bản” (cloning) từ cảm xúc của bất kỳ ai.

Nếu phải đặt câu hỏi “Vì sao sáng tác của TCS lại có vẻ “đa mang” đến vậy?” thì cũng phải nên lật lại vấn đề :” Nếu như đã công nhận rằng những chủ đề Mẹ - Quê hương - Chiến tranh – Thân phận con người... luôn xuất hiện bàng bạc trong sáng tác của TCS, thì tại sao ta xét nét xem nên hay không nên có thêm những tác phẩm ấy?

Nếu vì yêu mến ông nên người ta luôn mong muốn ông toàn bích trong cả ánh mắt và quan điểm khác biệt của riêng từng người, thì về tổng thể, trong cái cảnh làm dâu trăm họ với chín người mười ý như vậy, ông sẽ xoay sở ra sao? Ông đã chọn cách tốt nhất: làm những gì mà bản thân ông cho là nên làm! Có lẽ vì thế mà ông luôn bị đặt trong tình huống cực kỳ khó xử, mà Hồ Xuân Hương đã từng thốt lên

Thân này ví xẻ làm đôi được,
Mãnh để trong nhà, mãnh đệ ra...
(Hồ Xuân Hương)

Đã trót yêu thì phải yêu cho trót, nhưng yêu mến nhạc của ông, nếu phải kèm thêm những định kiến như là điều kiện bắt buộc, thì, yêu nhau kiểu ấy cũng là... phụ nhau!

Trong những ngày gian nguy ấy
Biết bao nhiêu những câu chuyện đời!
(Em ở nông trường-Em ra biên giới)

Ai đã từng sống trong cùng một hoàn cảnh và trong “những ngày gian nguy ấy” mới hiểu thế nào là “tiến thoái lưỡng nan – đi về lận đận”, mới biết tại sao ông đã từng phải nhủ với chính mình rằng “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng!” và cũng đã từng thú nhận” Mỏi mệt vì tôi biết rõ mình chỉ cưu mang nổi một tiếng thở than quá ư phù du từ một con tim bén nhạy”( TCS-Có nghe ra điều gì)... Có như thế, mới có thể thấm thía nỗi lòng của TCS qua lời tâm sự bằng “biết bao nhiêu những câu chuyện đời” ấy của ông, những lời mà ông đã viết bằng một cảm xúc rất NGƯỜI và rất... Trịnh Công Sơn!

Nhạc phản chiến trong dòng ca khúc Da vàng của TCS quả là một đề tài lớn và khó nuốt, động đến nó là một việc tế nhị và có khi mạo phạm, động đến nó là tự đặt mình vào thế đứng giữa... hai làn đạn, là tự đưa mình vào thế trận... thập diện mai phục, bởi có rất nhiều điều ai cũng biết, nhưng chẳng ai nói ra hoặc viết lại vì ngại đụng chạm, vì ngại rằng sẽ không tìm được sự đồng cảm, hay vì ngại lý do này, khác... Đã có không ít bài viết, và cả luận văn, về đề tài này, trong đó người ta phân tích TCS từ vô số góc cạnh và từ những góc nhìn khác nhau, nhưng cũng cùng nhau bỏ ngỏ hay né tránh nhiều vấn đề nhạy cảm. Khen chê là việc thường tình, nhưng xin hãy thử một lần tự đặt mình vào vị trí của TCS trong cùng một hoàn cảnh và thời điểm như vậy, để xét xem chúng ta sẽ làm gì. Nếu chúng ta có khả năng viết và cũng sẽ làm như TCS thì liệu có ai làm được như ông đã làm hay không? Ba mươi năm trước, từng có người vỗ ngực, đại ý bảo rằng: “ Nếu viết nhạc như TCS thì một ngày họ có thể viết được ... đến mươi bài!” Vậy đấy, người ta nóng máu vì thấy nhạc TCS, dù là nội dung toàn là “xác người – biển máu ” nhưng lại có giai điệu du dương, nhẹ nhàng như một bài tình ca, cấu trúc khá đơn giản... ., đơn giản đến độ cứ như là... đang giỡn với các notes nhạc, hoặc đôi khi giống như đồng dao cho trẻ con... vậy mà bài nào của ông cũng đều..”nghe được” và TCS vẫn nổi lên thành một hiện tượng âm nhạc, chiếm được cảm tình của nhiều tầng lớp thính giả khác nhau, cả trong và ngoài nước, cả người Việt Nam lẫn ngoại quốc.

Nhạc phản chiến của TCS đã sinh ra khá nhiều tranh cãi, và ngay cả sau khi ông đã ra đi, vẫn chưa được phép phổ biến tại chính nơi mà ông đã từng dùng nó làm công cụ để lên tiếng bảo vệ, nơi mà nó từng bị chụp mũ và kết án... Việc tranh cải chưa đi đến hồi kết thúc thì lại có thêm..Em ở nông trường-Em ra biên giới. Đây có thể xem là bản nhạc”phản chiến” cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của TCS, và phải chăng vì thế mà việc nó phải chịu chung số phận với các bậc tiền bối lão làng như Ca dao mẹ, Gia tài của mẹ, Đại bác ru đêm, Hát trên những xác người... là điều tất nhiên?

Người ta đã nói, đã viết về những điều chưa viết ở mức độ nào, liều lượng bao nhiêu và đã đủ để tìm ra một sự đồng cảm hay chưa? Liệu còn phải làm gì thêm nữa để, vào một ngày đẹp trời nào đó, sẽ không còn những thị phi, ngộ nhận, khi đó công chúng yêu nhạc Trịnh sẽ cùng chia xẻ một quan điểm thông thoáng hơn trong cách nhìn về ông và về nhạc của ông. Người ta đã viết, đã làm nhiều, khá nhiều rồi, nhưng... hãy thử xem lại lời tự sự của ông, tuy đã rất lâu rồi, nhưng hình như, với nhiều người, vẫn còn nóng hổi tính thời sự...

“... Làm một điều gì chưa đến nơi đến chốn với một người không còn nữa, có phải cũng đã phạm tội với cuộc đời rồi hay không. Nhưng hãy tha thứ cho những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đo xuôi chèo thuận lái.” (Trịnh Công Sơn)

Giấy mực và công sức của chúng ta, sao không dành để phát hiện những cái thú vị như Ông Đặng Tiến đã từng làm? Công chúng yêu nhạc Trịnh cần và sẽ thích thú biết bao với những nhận xét về hình tượng người phụ nữ trong ca từ của TCS như thế này:

“... Trịnh công Sơn đã gặp gỡ, trên dòng nhạc, dòng thơ, dòng tâm tư. Và dòng lịch sử, dân tộc và thế giới. Trong cao trào lớn của loài người, giữa lòng thế kỷ hai mươi : cao trào giải phóng dân tộc, chủng tộc và giai cấp. Đừng quên việc giải phóng phụ nữ : người phụ nữ Pháp đi phá ngục Bastille từ 1789, mãi đến 1944 mới có quyền đầu phiếu. Người phụ nữ Việt Nam cũng vậy thôi : sau khi chờ chồng hoá đá, họ bước chân vào thế kỷ XX, thì ngồi đan áo. Từ Buồn Tàn Thu của Văn Cao, qua Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, thơ hiện đại của Ý Nhi, cho đến năm 2000, trong ca khúc Đêm Xanh của Bảo Chấn, cô ấy vẫn ngồi đan áo, trong khi dọc hè phố, áo pull bán rẻ mạt. Đan áo là hình ảnh ẩn nhẫn, thụ động mà người đàn ông đòi hỏi. Đan áo cho ai đó, hay để tưởng nhớ, chờ đợi ai đó. Ca khúc Trịnh Công Sơn, rất nhiều phụ nữ, nhưng không thấy họ đan áo. Mà chỉ ... ngồi chơi, khi nghiêng vai, khi nghiêng đầu, khi nghiêng sầu. Ngồi chơi chán rồi thì Đứng lên gọi mưa vào Hạ. Nếu khóc, cũng chỉ khóc cho những Chiều mưa đỉnh cao .... Mai kia, có ra đi, thì cũng là Như những dòng sông nhỏ.

Người đàn bà trong Trịnh Công Sơn đẹp dung dị và tự do bình thường. Tự do với cuộc đời, với tình yêu, thậm chí với tình dục. Nhạc Trịnh Công Sơn không nói đến tình dục, vì nói đến ... làm gì?

Người phụ nữ nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn thoải mái, vì chỉ hát, hay nghe, mà không phải làm gì cả, không phải Hái Mơ, Lái Đò, bán Hàng Cà Phê, Hàng Nước, không phải thay quần áo làm cô Sơn Nữ, cô Láng Giềng hay mua lấy số phận Người Yêu của Lính. Và nhất là không phải ... đi lấy chồng: hạnh phúc không thấy đâu mà chỉ nghe oán trách dài dài suốt nửa thế kỷ : Em đi trên xác pháo, anh đi trong nước mắt... Em ơi tình duyên lỡ làng rồi, còn chi nữa mà chờ!”
(Trích Đời và nhạc TCS – Đặng Tiến)

Có lẽ lúc này không ai muốn để TCS phải thốt lên lần nữa rằng: “Đôi tay nhân gian ... chưa từng độ lượng” với ông. Thật ra, cũng chẳng cần phải tỏ ra độ lượng với ông, vì ông có mắc tội với ai đâu và liệu trong trái tim của người hâm mộ, ai có thể có đủ tư cách –và cả sự can đảm- để có thể nói được với ông một lời tha thứ!

Nếu như không thể nói lên được lời ấy, thì với một người đã từng “đi nửa đời người chưa thấy được một ngày vui”... như TCS, thôi thì nay, khi ông đã lìa nơi ở trọ, hãy để cho ông được thanh thản “quay về lại nơi cuối trời, làm mây trôi... .” bằng cách ban cho những ca khúc ấy một cái nhìn bao dung và thông thoáng hơn, vì xem ra, đối với chuyện của ông, đã “cái quan” từ lâu mà, “định luận” mãi hoài vẫn chưa ngã ngũ!. Việc những ca khúc “sinh nhằm cửa tử” ấy khi nào mới được chính thức phổ biến là chuyện nhỏ, nhưng việc giúp cho những ca khúc ấy được xem xét một cách công bằng hơn, được có một chỗ đứng chính thức để tồn tại trong trái tim của người yêu mến nhạc Trịnh, thì với ông, đó đã từng là nguyện vọng, còn với chúng ta, đó là chuyện không khó và cũng không nhỏ chút nào! Hát hay không hát là quyền của mỗi người, nhưng đừng nên tiếp tục xem nó là “những đứa con ngoài giá thú” của TCS.

Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi!
(Hồ Xuân Hương)

Về bản chất, TCS vốn không phải là một người “nhị trùng bản ngã”, hay nói cách khác, một người hai mặt vốn chuyên nghĩ thế này mà nói thế khác, nên ta không nên bắt ông phải thành cái mà ông không muốn, cũng không nên khổ công nhào nặn để biến ông vừa vặn trở thành cái mà mỗi chúng ta muốn, vì ca từ của ông chỉ viết về mọi sự việc diễn ra chung quanh ông bằng thứ tình cảm thật, thứ tình cảm không hề cố ý chuyển tải quan điểm chính trị, một thứ tình cảm sâu nặng tình người, dành riêng cho người, tuy rằng có đôi khi vẫn còn gượng ép, nhưng vẫn xuất phát từ cái tâm và cái nhìn của một người trí thức nghệ sỹ trong mọi thời kỳ...

Đừng cố tìm kiếm trong ca từ của ông những vết tích để chứng minh rằng ông là sản phẩm của chế độ này hay chế độ khác, mà nên hỏi “vì sao nhiều ca khúc của ông, khi thì bị bên này, khi thì bị bên kia hoặc cả hai bên cùng... khai tử?” Vì đó chính là sản phẩm tổng hợp của cả yếu tố thời đại, nhân văn và lịch sử, là tiếng nói chung của những người bị lôi vào vòng xoáy chiến tranh và mong muốn hòa bình, nên nó hoàn toàn không thể phù hợp với tiếng nói của những người đang lèo lái cuộc chiến ấy theo ý đồ của riêng mình. Đó là những yếu tố nội tại quan trọng mà, cả hai bên trong cuộc chiến, không bên nào đạt được trọn vẹn.

Công chúng yêu nhạc của ông hiện đã vượt qua giới hạn người của cả ba miền, tên tuổi ông đã vượt ra ngoài biên cương tổ quốc để đến với tất cả người hâm mộ trên toàn thế giới. Nếu thử làm một cuộc điều tra nho nhỏ, ta sẽ thấy, trong cộng đồng người yêu nhạc Trịnh, với yêu cầu “ kể theo thứ tự xếp hạng tên của vài chục bản nhạc Trịnh mà mình yêu thích nhất” thì sẽ khó mà có một kết quả hoàn toàn giống nhau, có khi cũng có cả những bản nhạc sinh nhằm cửa tử ấy lọt vào danh sách. Điều này chứng tỏ dù có chính kiến khác nhau nhưng người ta vẫn có thể yêu nhạc của ông, bởi sự cảm thụ trong âm nhạc thường không có biên giới, không trùng lắp và có thể nằm ngoài rào cản về ý thức hệ.

Hãy giúp ông được “làm mây trôi” ở chính tại nơi ông đã từng cả đời uống chén đắng để được là... chính mình, nơi ông đã từng “dành trong bao la con đường thật nhỏ”: con đường ấy chính là quỹ tích của những toạ độ quan sát từ giữa trùng vây thập diện mai phục, con đường len lỏi giữa hai chiến tuyến mà ông đã chọn cho cả cuộc đời mình, và cũng chính con đường định mệnh ấy, khởi đi từ cõi đời thường, đã và đang dẩn ông đi vào cõi vô thường!

Khương Duy
Sài Gòn, 18/09/06.


Các thao tác trên Tài liệu