Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Trịnh Công Sơn - Ngợi ca và khỏa lấp

Trịnh Công Sơn - Ngợi ca và khỏa lấp

- Webmaster cập nhật lần cuối 10/04/2011 10:18
Tuấn Khanh, 05/04/2011

Ào ạt như những cơn sóng thần và động đất, người Việt Nam cũng vừa tiếp nhận một khối lượng khổng lồ đến ngộp thở về sự sùng kính và ngợi ca nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhân ngày giỗ lần thứ 10 của ông, 1 tháng 4.

Mọi thứ về người nhạc sĩ hiền lành và thơ mộng này đang trở thành một kho vàng cho những khai thác mang lại sự kiện và lợi nhuận, nhân danh lòng thương mến hay đức phục vụ công chúng, bất chấp bản tính khi còn sinh thời của ông là một người thích tế nhị và kín đáo. Và chắc chỉ không riêng năm nay, mà nhiều năm nữa, những chi tiết, những điều riêng tư của ông sẽ còn được phơi bày đến tận cùng.

Người ta nhìn thấy nó như một điều không cưỡng lại được, dài hơi và thu hút, từ những con người tự xưng mình là rành rẽ cho đến nghiên cứu, từ những tờ báo có tiếng chuẩn mực cho đến những bản tin tầm phào. Dĩ nhiên, có thể không loại trừ với sự thoả hiệp của ai đó trong số những người thân của ông Trịnh Công Sơn.

Cuộc đào bới đó, chưa thấy có chặng dừng, dù tiếng dao kéo và búa chày đã cùn mòn và hỗn mang.

Nhưng ngay cả trong cái vẻ của sự diễn đạt lần hồi cạn kiệt đó, trải qua nhiều năm tháng, những người yêu và biết về một Trịnh Công Sơn có thật, vẫn không hiểu sao người ta đang cố bỏ quên những phần rất quan trọng về cuộc đời người nhạc sĩ này.

Người ta không nói rõ đến giá trị lớn nhất của Trịnh Công Sơn, rực rỡ và xứng đáng nhất vẫn là tập Ca khúc Da Vàng, nói về cuộc chiến 30 năm như là một cuộc nội chiến anh em, không có kẻ chiến thắng mà chỉ có thân phận con người trĩu đau. Chính vì điều này, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông gặp nhiều khó khăn, và sau năm 1975, ông cũng phải đi học tập cải tạo – không rõ trong bao lâu.

Người ta cũng không nói về chuyện ước ao đến khi nhắm mắt của Trịnh Công Sơn về việc xin được tái bản bộ Ca Khúc Da Vàng nhưng thất bại, từ thời của ông bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn kéo dài đến bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm. Lời hứa sẽ xem xét và duyệt chính thức cho phép vẫn treo lơ lửng ở đó. Quan điểm hát về nỗi đau của một dân tộc mà không chọn lựa mình đứng về một phía nào đã là viên sỏi khó chịu trong chiếc giày tư tưởng của nhiều quan chức Việt Nam cho đến hôm nay.

Người ta không nói về Trịnh Công Sơn với những sự mòn mỏi và thậm chí vô nghĩa qua nhiều bài hát để ca ngợi thủy điện Trị An, ca ngợi Saigon 20 năm sau ngày thống nhất... v.v. Một giai đoạn mà nhiều bài bình luận đã tạm gọi đó phần đời “sáng tác để tồn tại” của người nhạc sĩ lừng danh này. Dường ai như mọi người cố tình né tránh việc nhìn thấy rõ rằng những năm tháng sáng tác thiếu sự tự do tuyệt đối và tính trung dung thế sự của ông, đã khiến hiện tại lúc ông còn sống thiếu sự rực sáng hơn những gì trong quá sứ son trẻ của đời ông, thậm chí vào lúc cuộc sống mong manh giữa lằn đạn.

Những cuộc lắp ghép tên tuổi của Trịnh Công Sơn với Bob Dylan, rồi có thể đến Joan Baez... sẽ chẳng có giá trị gì nếu phần lịch sử Ca Khúc Da Vàng – vốn gắn liền với một giai đoạn lịch sử của dân tộc – không được nói rõ, làm rõ và nhìn nhận minh bạch với tư duy tử tế nhất.

Phần quá khứ gằn liền với quê hương đầy bom đạn và thân phận của một kẻ sĩ chọn lựa cuộc đời là lẽ sống tự do, trung dung, nếu không được nói đến, ai sẽ hiểu cho ông rằng ông mãi mãi là kẻ cô đơn của bất kỳ hệ thống chính trị nào, dù là trong hay ngoài nước của người Việt. Chắc chắn, nỗi cô đơn đó đáng kính trọng và chia sẻ hơn là những câu chuyện tình được phanh phui mỗi ngày trên báo chí.

Cuộc đời của Trịnh Công Sơn toả sáng khi hát về bi kịch của một dân tộc, và nếu trân trọng một giá trị, có lẽ cần nên trả lại và nói đủ về ông một cách hoàn chỉnh. Hơn là cứ mãi nhảy múa và ngợi ca giả dối chung quanh sự thật. Nếu Trịnh Công Sơn chỉ đơn giản là một người viết tình ca thâm thuý, những cơn sóng thần ngợi ca như hiện nay lại là một điều lố lăng.

Không ai có thể phủ nhận Trịnh Công Sơn là một người tài năng. Nhưng chỉ có tài năng mà thôi, thì đặt tên một con đường cho riêng Trịnh Công Sơn sẽ bất thường, nếu như không có những con đường Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đức Quang hay Phạm Duy.

Và đột nhiên, thiếu sự thật, người ta dễ nhìn thấy những ầm ĩ chung quanh đời Trịnh Công Sơn khiến ông được yêu mến, chỉ là son phấn. Và thậm chí kéo theo một lớp người luôn tung hô và nghe nhạc như là một phong trào muốn chứng tỏ mình là sành điệu và trí thức. Vào mỗi dịp tưởng nhớ về ông, người ta nhìn thấy đúng là có những tấm lòng, nhưng cũng có vô số những tiếng leng keng rao bán sự rỗng tuếch của mình như kiểu tung hê nhạc Trịnh là thiền ca, triết ca… khoả lấp đi những gì thật sự đẹp nhất của cuộc đời Trịnh Công Sơn.

Nghệ sĩ Việt Nam, có vô số những cuộc đời như vậy, gắn liền với chìm nổi của dân tộc, và nếu chỉ nói được một phần, hoặc ồn ào khoả lấp, là giả dối và phi nhân.

Tuấn Khanh
Tuan Khanh's blog, 05/04/2011

Các thao tác trên Tài liệu