Trịnh Công Sơn: Ngôn ngữ & những ám ảnh nghệ thuật (II)
Tựa
Cuốn sách này đáng lẽ đã được ra mắt bạn đọc từ ba hay bốn năm trước. Trịnh Công Sơn mất ngày mồng 1 tháng 4, 2001. Vào tháng Mười cùng năm, nguyệt san Văn Học ở ngoài nước, do nhà văn Nguyễn Mộng Giác chủ biên, đã ra một ấn bản đặc biệt dày khoảng 250 trang, với tựa đề “Trịnh Công Sơn / tình yêu, quê hương, thân phận”. Vào thời điểm này, có thể nói là, trên đại thể, tôi đã viết xong cuốn sách mà các bạn đọc đang cầm trên tay. Thể theo lời đề nghị của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tôi đã trao cho anh nội dung của khoảng một nửa cuốn sách mà tôi đã viết (và dự trù trong đầu là sẽ cho ra mắt toàn bộ nội dung vào một ngày nào đó), với phần cắt ráp những phân đoạn khác nhau, nhưng đủ để nói được những suy nghĩ về Trịnh Công Sơn của tôi cũng như phương pháp luận mà tôi đã dùng để viết cuốn sách.
Tài liệu đó, cùng với những bài viết của các tác giả khác trong ấn bản đặc biệt vừa nói của Văn Học, đã được nhiều bạn đọc đánh giá tốt. Cho đến lúc này, những đóng góp về mặt nghệ thuật của Trịnh Công Sơn, cũng như những câu chuyện, những kỷ niệm, những nhận xét về anh như một con người sống giữa đời thường, vẫn tiếp tục được viết ra. Anh vẫn là một con người tiếp tục sống mãi trong tâm hồn của bao nhiêu con người Việt Nam, cho dù thái độ hoặc sự chọn lựa về mặt chính trị trước và sau thời điểm 1975 của anh, hoặc cung cách dấn thân hay không dấn thân của Trịnh Công Sơn trong suốt cuộc đời mình về mặt xã hội, vẫn còn là những điểm được thảo luận. Trịnh Công Sơn, trong cái nhìn của người viết tập chuyên luận nhỏ này, vẫn là một con người Việt Nam, nếu không nói đó là một thiên tài của đất nước Việt Nam nói riêng, và của thế giới nói chung. Là một con người Việt Nam, anh là một tiêu biểu thật rõ nét về bi kịch của lịch sử Việt Nam hậu bán thế kỷ hai mươi. Anh cũng tiêu biểu cho một vài nét rất đẹp của tâm hồn Việt Nam, những nét tài hoa và tha thiết mà bất cứ một con người nào trên thế giới còn có sự rung động trước cái đẹp của cuộc sống, còn có sự rung động trước cái xót xa và đau thương của thân phận con người trong cuộc sống trần thế này, đều có thể chia sẻ. Qua Trịnh Công Sơn, thế giới phần nào được biết thêm về cuộc chiến kinh hoàng và đau thương của người Việt. Cũng qua Trịnh Công Sơn, thế giới còn biết được đây là một đất nước của bi kịch, nhưng, đồng thời, cũng là một đất nước của những con người tài hoa, tâm hồn hiền hoà thơ mộng và tha thiết với cuộc đời. Đóng góp của Trịnh Công Sơn trên mặt nghệ thuật là đóng góp của một con người Việt Nam vào sự nhận thức cái đẹp, cái đau thương, tình yêu và thân phận làm người của nhân loại nói chung. Cuộc sống của con người là một cuộc tiếp cận khổ đau, nhưng, qua đau khổ, nó tìm thấy cái đẹp và sự cứu rỗi của chính mình cùng với kinh nghiệm sống bi thiết và việc đi đến cùng một cách quả cảm thân phận làm người của mình. Nó làm cho ta nghĩ đến huyền thoại Sisyphe và cái cách nhìn nhận, lý giải về huyền thoại này của Camus, một nhà văn và cũng là một con người được cả thế giới yêu mến vì thái độ sống thiết tha của ông. Đó cũng là một con người “phản kháng”. Nhưng sự phản kháng này không trực tiếp để chống lại cái khát vọng có tính cách lãng mạn để thăng hoa và tiêu diệt những giới hạn ràng buộc con người. Sự phản kháng này nhắm thẳng vào tất cả những âm mưu, những sức cản làm giảm bớt đi cái khả năng của con người trong việc nắm bắt những cơ hội để sống hạnh phúc trong vòng những giới hạn ấy.
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, điều đó đã hẳn. Nhưng, trên và trước, người nhạc sĩ đó lại chính là một thi sĩ tự trong bản chất và trong cách thế sai sử ngôn ngữ của mình. Và chính là từ những dòng ca từ tuyệt đẹp pha lẫn những nét đau đớn xót xa và rất lạ lùng của Trịnh Công Sơn mà cuộc đời này đã mở ra chứa chan những điều tuyệt mộng và bi thiết trước mắt nhìn của chúng ta, những người nghe anh. Chính vì thế, cho dù đây là một nhạc sĩ tài hoa, điểm nổi bật và đáng nói hơn hết trong nghệ thuật của Trịnh Công Sơn lại nằm ở trong những hình ảnh mà anh đã nhìn thấy hoặc khám phá ra, cũng như trong cái ngôn ngữ mà anh đã dùng để cất giấu, hé lộ, bật mở, hoặc nâng đỡ những hình ảnh ấy và làm cho chúng cất cánh bay lên. Trong nhận thức đó, tập chuyên luận nhỏ này muốn đưa ra một nỗ lực phát hiện và phân tích một số ám ảnh nghệ thuật, cũng như phân tích cung cách sai sử ngôn ngữ một cách rất đặc thù của Trịnh Công Sơn.
Đáng lẽ quyển sách này, như tôi có dịp thưa ở trên, đã được ra đời từ ba hay bốn năm trước. Sự chậm trễ là do nơi tôi, người viết quyển sách. Tôi không muốn nó chỉ có giá trị thời cuộc hay thương mại, được tung ra ngay khi sự thương tiếc người nhạc sĩ tài hoa còn làm bao nhiêu người ngơ ngẩn và tìm đọc đủ mọi sách vở, tài liệu để biết thêm về con người cũng như nghệ thuật của ông. Tôi muốn giữ nó lại cho mình. Muốn giữ nó lại thêm một ít lâu nữa. Chỉ để cho riêng mình. Tôi cũng còn muốn xem lại, và nếu có thể, sửa đổi, bỏ đi hay thêm thắt ở một số đoạn. Từ đó, quyển sách cứ còn ở mãi trong dự định ban đầu của tôi, là một ngày nào đó, nó sẽ ra mắt bạn đọc. Nhưng rồi tôi cứ tiếp tục triển hạn cho cái ngày ấy.
Dù sao, có những trang mạng điện toán trong và ngoài nước đã, có thể vì yêu mến nội dung của phần tài liệu tôi đã cho phổ biến trên ấn bản đặc biệt về Trịnh Công Sơn của Văn Học, đã tự ý đánh máy và cho phổ biến. Ngoài ra, một tuyển tập các bài viết công phu về Trịnh Công Sơn ở trong nước, bìa cứng, đẹp và trang trọng, dày trên 650 trang, đã thu thập nhiều bài viết về người nhạc sĩ này, từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau ở cả trong lẫn ngoài nước, cũng đã in lại gần như toàn phần nội dung bài viết của tôi trên Văn Học ở trong đó. Những bạn văn chịu trách nhiệm phần soạn thảo tuyển tập này đã có lời xin lỗi vì những trở ngại địa lý nên không kịp liên hệ với một số tác giả sống và làm việc ở nước ngoài, và xin phép sử dụng những bài viết mà họ đánh giá là có giá trị để đưa vào tuyển tập. Tôi thành thật cảm ơn sự quý mến của tất cả những bạn văn có lòng đó. Ở trong nước, với tuyển tập được soạn và in ấn một cách công phu mà tôi vừa nói. Và ở khắp nơi trên thế giới, với những trang mạng về văn học nghệ thuật. Nhờ vậy, những suy nghĩ của tôi về người nhạc sĩ này có thể được phổ biến một cách rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, tất cả các phần giới thiệu ấy đều chỉ dựa trên phần nội dung của khoảng một nửa cuốn sách của tôi đã được công bố trên Văn Học, ấn bản đặc biệt về Trịnh Công Sơn, vào tháng Mười năm 2001. Ngoài ra, vì một số lý do, chính nội dung, mặc dù chưa được toàn vẹn ấy, cũng bị cắt xén chút ít trong phần tôi trình bày về mặt phương pháp luận của cuốn sách, để chỉ tập trung vào mặt phân tích nghệ thuật. Nó cũng có một số lỗi chính tả chưa được khắc phục. Trong cái nhìn của tôi, phần trình bày, dù không quá dài, về phương pháp luận này có một tác dụng soi sáng cho toàn bộ những thao tác nghệ thuật mà tôi sử dụng để phân tích về ngôn ngữ cũng như những ám ảnh nghệ thuật của Trịnh Công Sơn.
Cuốn sách mà các bạn đang đọc là toàn bộ nội dung của tập sách mà tôi dự trù từ ban đầu, với một số sửa đổi và sắp xếp của tôi sau này. Thực tại của cuộc đời, một cách nào đó, hiện ra trước mắt mỗi một chúng ta do chính nơi cái nhìn của ta về nó. Mà tâm hồn ta rung động như thế nào thì cái nhìn, từ đó, sẽ “khúc xạ” thực tại theo sự rung động ấy. Cái nhìn của tôi về “thực tại” Trịnh Công Sơn cũng là một cách nhìn của tôi về cuộc đời. Đúng hơn, đó là một cách biểu lộ mình. Một sự thể hiện cách nhìn và cách sống đời của mình. Khi ta cầm bút viết về bất cứ điều gì trong đời, cũng có nghĩa là ta cầm bút và viết về chính ta. Ta chấm ngòi bút vào bình mực của tâm hồn mình để viết về chính mình. Cái viết nào cũng mang chứa trong nó sự thực đó. Nhưng những “thực tại” được nhìn nhận theo cung cách này, nếu chúng được yêu mến vì đã biểu lộ được một điều gì đó, hoặc vì chúng đã làm cho người đọc nhìn ra được, hoặc liên hệ được, với chính thực tại mà họ đã cảm nhận hay nhìn thấy, thì chúng cũng có một giá trị riêng của mình. Ít nhất là một giá trị trong khía cạnh chia sẻ.
Trong ý nghĩ ấy, tôi xin gửi đến người đọc quyển sách với một tâm tình thiết tha và trân trọng. Mong rằng nó sẽ đánh động được một điều gì đó trong lòng các bạn. Một điều gì đó sâu kín và thiết tha.
Bùi Vĩnh Phúc
tháng 3, 2005
Các thao tác trên Tài liệu