Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Cuộc hành trình làm người Việt Nam qua Trịnh Công Sơn

Cuộc hành trình làm người Việt Nam qua Trịnh Công Sơn

- Webmaster cập nhật lần cuối 11/04/2008 21:32
Thế Uyên. Trích "Đoạn đường chiến binh", 1971.


Trong căn phòng đã bắt đầu thiếu ánh sáng của trụ sở Tổng hội Sinh viên Huế, tôi vẫn còn cố gắng tranh luận, thuyết phục. Bên trái tôi là anh chủ nhiệm tạp chí tôi đang cộng tác thường xuyên, bên phải tôi là Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trong những bạn học thân nhất của tôi trong những năm đầu ở Viện Đại học Sài Gòn. Bên kia đầu bàn là người trẻ mang kính trắng là chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế, hai bên hiện diện đầy đủ hầu hết các đại diện cho giới trẻ của cố đô. Tôi đang cố gắng thuyết phục tất cả những người đó không nên tham gia và phát động cuộc tranh đấu mà sau này mọi người thường gọi là phong trào Tranh đấu của miền Trung. Tôi không tin là cuộc tranh đấu ấy sẽ thành công: ngồi ở Sài Gòn vào một vị trí khá thuận tiện để nghiên cứu vào thời gian đó, tôi đã ước tính là những người trẻ Việt Nam trong đó có các bạn đang ngồi kia với tôi, cộng với cả Phật giáo nữa, cũng không thể nào làm thay đổi được chính sách của hai đế quốc trắng và đỏ... tại miền Nam này. Vào thời gian đó, tôi hoàn toàn tin tưởng ở một giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề Việt Nam, đó là thực hiện một cuộc cách mạng xã hội. Dĩ nhiên với tin tưởng như thế, tôi gần như muốn chống đối lại mọi phong trào xuống đường của lớp người trẻ dù vài năm trước nữa, chính tôi không vắng mặt trong bất cứ một cuộc xuống đường ngoạn mục nào ở Sài Gòn.

Trời đã hết hẳn nắng từ lâu, phòng họp đã mờ khuôn mặt người, tôi vẫn còn thuyết phục. Cách mạng đâu có thể thực hiện được bằng truyền đơn, biểu ngữ và các cuộc tuần hành ngoài đường phố. Phong trào mà những người bạn tôi đang ngồi kia sắp tham gia, tôi không tin sẽ dẫn tới một thay đổi căn bản nào cho chiến tranh Việt Nam – tại Á châu, lẽ phải nằm ở đầu ngọn lưỡi lê và lưỡi lê ấy, chúng ta không có hay chưa có. Phải dành sinh lực và thiện chí cùng nhân sự để rèn lưỡi lê cần thiết đó đã... Hình như trong không gian mờ tối của căn phòng, tôi đã trình bày như thế. Tôi phải dùng chữ “hình như”, bởi vì thời gian qua cũng đã lâu rồi kể từ ngày ấy.

Vào một lúc nào đó, tôi chợt khám phá ra tôi đang độc thoại. Từ đã lâu rồi, những khoảng người ngồi quanh bàn đã câm nín. Tôi cũng im theo và trong một khắc im lặng ngắn, tôi chợt cảm thấy như có một ranh giới vô hình đã xuất hiện giữa tôi và các bạn. Ngay cả đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường. Không còn gì để nói với nhau nữa, mỗi bên giữ vững lập trường của mình, đường ai người ấy đi. Nhưng tôi không muốn đứt đoạn, phân cách nhau một cách vô lý như thế. Tôi không hề muốn từ giã họ như thù nghịch – bởi vì điều bất đồng ý, không hề nằm ở mục tiêu theo đuổi, mà là ở phương thức thực hiện. Có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng cảm thấy tương tự nên đã cùng với tôi tuyên bố chấm dứt thảo luận chính trị, và kể từ giờ cho tới khi tôi rời Huế, chỉ nói chuyện văn nghệ và sinh hoạt với nhau như bạn mà thôi. Tất cả đều tán đồng và hẹn gặp nhau lại ở Tuyệt Tình cốc.

Đến địa điểm hẹn gặp, ở một con đường nào và khu nào của Huế, tôi bây giờ không sao nhớ lại được, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đợi sẵn và dẫn tôi đi theo một con đường nhỏ hai bên hàng rào âm u như một xứ quê. Quả xứng đáng là con đường dẫn vào “Tuyệt Tình cốc”. Một căn nhà tranh vách đất và nền cũng bằng đất, không điện và cũng không có một dấu vết nào chứng tỏ có vết tích của cơ khí Tây phương. Vài chiếc chiếu trải trên đất, các ngọn nến thắp rải rác quanh vài đĩa bánh và các ly cà phê đen sánh, đen như màu mắt của ba thiếu nữ duy nhất hiện diện. Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu chung và vì quá đông, tôi chỉ nhớ được tên vài người như Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân... và một người rất trẻ mặc chiếc áo ka ki, vẻ mặt trong sáng hiền lành sau làn kính trắng có cái tên rất hợp với Tuyệt Tình cốc: Trịnh Công Sơn.

Khi Trịnh Công Sơn bắt đầu hát, tôi chú ý nghe bởi vì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có lần chê tôi là “không biết Trịnh Công Sơn thì kể như chưa biết gì về văn nghệ miền này”. Nhưng ngay lập tức, tôi không cần phải chú ý nữa – tôi đã bị chìm ngập ngay vào trong thế giới âm thanh của Trịnh Công Sơn. Tôi vẩn vơ theo dõi những viên đá, hay một viên đá, lăn trầm bồng bềnh trong cuộc đời, tôi cầu xin mặt trời ngủ yên cho đàn bò đi vào thành phố băng qua những giáo đường tình yêu... Khi Sơn ngừng hát, tôi vẫn còn sững sờ vì không thể ngờ nổi Việt Nam lại có thể xuất hiện những bản nhạc như thế. Những âm thanh lê thê, những hình ảnh hoang tàn, rã rời, nhưng... tôi vẫn cảm thấy một sức mạnh tiềm tàng lẩn khuất trong từng âm thanh của bản nhạc, trong những người đang ngồi quanh dưới các ánh nến chập chờn và những bóng đen lung linh trên vách đất. Đêm khuya, khi ra tới đường lộ, Hoàng Phủ Ngọc Tường tách ra khỏi bạn bè, hỏi riêng tôi: Thực ra còn lý do chi nữa làm anh tin bọn tôi sẽ thất bại? Trước câu hỏi này của người bạn đồng song, tôi đã trả lời khá ngay thẳng rằng tôi đã trông thấy bên cạnh anh cả người của Hoa Kỳ lẫn người của cộng sản. Làm sao thất bại, chết và tù đày không xảy đến cho những người trẻ cứ muốn đi vào cuộc hành trình làm người Việt Nam, muốn khước từ làm tay sai cho bên kia và bồi bếp cho bên này... Và khi bắt tay từ giã Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi đều quyết tâm theo đuổi con đường mình cho là đúng nhất, con đường đã chọn lựa: Hoàng Phủ Ngọc Tường và tất cả những người của Tuyệt Tình cốc – trừ ba người nữ – đã lao vào phong trào tranh đấu do Phật giáo phát động một thời gian sau, còn tôi, về tới Sài Gòn là lo treo ấn từ quan (một chiếc ấn bé xíu của một chức quan hữu danh vô thực) cùng các bạn lập nhóm Thái Độ để lao mình vào cuộc phiêu lưu thực hiện “giấc mơ trăm năm của dân tộc”: hoài bão thực hiện một cuộc vận động văn hoá mới tiến tới cách mạng xã hội. Và trong đêm, khi lái chiếc xe Jeep già nua đưa một trong ba thiếu nữ đã có mặt trong Tuyệt Tình cốc trở về nhà qua những con đường nhỏ ngủ êm, ven một con sông rất nhỏ và rất êm đềm, tôi không thể ngờ đó là lần chót tôi gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường và rất nhiều người trẻ của thành phố cổ xưa này.

Sau những tháng gay cấn dữ dội, phong trào tranh đấu của miền Trung đã thất bại. Trong thời gian này, mặc bộ quân phục bạc phếch, tôi vừa quay ronéo từng trang từng trang cho những tập Thái Độ đầu tiên, vừa cùng các bạn theo dõi cuộc đấu tranh khốc liệt: họ, những người của Tuyệt Tình cốc, đã xuất hiện đầy đủ trong bản hùng ca thê thảm ấy. Một Nguyễn Đắc Xuân, kẻ đã cho tôi nghe lần đầu những bài tâm ca của Phạm Duy, con người thơ mộng bề ngoài ấy, đã làm tiểu đoàn trưởng Quyết tử. Một Hoàng Phủ Ngọc Tường, con người dân tộc cực đoan... Và dù đã ước đoán trước được, tôi vẫn không khỏi buồn khi mấy tháng về sau tôi được tin anh đã bỏ thành phố chạy trốn và bị bắn chết, không biết vì đạn bên nào ở một vùng ven đô Huế. Sau sự tan rã của phong trào, từ Tuyệt Tình cốc, chỉ còn Trịnh Công Sơn xuất hiện, mỗi ngày một nổi danh vì những bản nhạc của mình. Những bản tình ca của anh được lớp trẻ hoan nghênh dữ dội và phổ biến sâu rộng: không ngồi nơi nào không nghe thấy những âm điệu của anh. Nhưng tôi biết anh không thể ngừng ở đấy, không thể chỉ là một người làm tình ca cho thiên hạ yêu nhau.

Kể cũng kỳ lạ. Sơn và tôi cùng những người đồng lứa, chúng tôi có tuổi trẻ, quá nhiều tuổi trẻ để hưởng tình yêu cùng những mật ngọt của trần gian. Nhưng chúng tôi không làm sao nếm mật mà không cảm thấy vị đắng cay. Quân lực Mỹ đã đổ bộ và Việt Nam, chiến tranh đổi hình thái và đặt lại cả vấn đề chính nghĩa nữa. Điều quan trọng nhất chiến tranh đã trở thành vấn đề của mỗi nhà, mỗi người. Phải tìm cho được một cái gì biện minh nổi cho những rừng lá trụi khô ruộng đồng bỏ hoang cả nước đầy mồ. Phải tìm một thái độ, một vị trí – dù trên thực tế mình có phải đứng sau M16, sau AK hay đứng giữa hai lằn đạn giao nhau. Có những người như tôi chấp nhận nổi cuộc chiến chống cộng, với điều kiện là nó bảo vệ cho tự do và xây dựng cho một xã hội mới cho miền Nam – cuộc chiến này sẽ không có lý do biện mình nếu nó chỉ là bán xương máu người trẻ để xây dựng những tài sản bất chính.

Nhưng có rất nhiều, rất nhiều người khác, không sao chấp nhận nổi cuộc chiến: họ đi tìm, họ lục soát, họ nhìn khắp quê hương, ngó đủ khuôn mặt bạn bè, mà không thấy lý do nào biện minh. Họ nhìn bên kia lằn mức: không thấy gì. Họ nhìn bên này: không thấy gì. Không thấy gì ngoài những hình ảnh:

một người già trong công viên
một người điên trong thành phố
một người nằm không hơi thở
một người ngồi nghe bom nổ
một người ngồi hai mươi năm
nhìn hoả châu đêm rực sáng
Ngày thật dài trong âu lo
rồi từng đêm bom đạn phá
người Việt nhìn sao xa lạ
người Việt nhìn nhau căm thù
một ngục tù trên quê hương
người Việt Nam quên nòi giống
(Ngày dài trên quê hương, Trịnh Công Sơn)

Không tìm thấy gì, nhưng không thể sống mà không có một vị trí trong cuộc đời. Trừ những người tin theo các triết thuyết nhập cảng đóng hộp từ phương Tây và những người buông thả vào trong siêu hình Ấn Độ, không ai có thể sống hàm hồ. Mỗi người đều ước mơ: ước gì được là ta, hay nói theo ngôn ngữ Phạm Duy, làm sao khi thức dậy, tôi tìm thấy tôi. Trong cuộc hành trình đi tìm chính ta chính tôi chính mình này, những người trẻ đã vung tay xé rách các tấm màn để biết rằng mình không phải là Tây con, là phó-hoa-kỳ, đã đập nát tấm bình phong bằng tre để biết mình không phải là người-giải-phóng, người-vô-sản-vùng-lên. Và tệ hơn nữa, là không còn thấy cả quê hương nữa. Cuộc hành trình phải tiếp tục, và lần này, đi lại từ đầu: đi tìm quê hương. Những mốc dấu đầu tiên thực thảm hại:

người nô lệ da vàng ngủ quên trong căn nhà nhỏ
đèn thắp thì mờ, ngủ quên đã bao năm ngủ quên đã bao năm
ngủ quên không thấy quê hương
(Đi tìm quê hương)

Khám phá đầu tiên ấy thực là buồn. Nhưng những người trẻ chấp nhận: chúng ta là nô lệ, chúng ta chưa là người tự do, chúng ta là người nô lệ, không phải nô lệ da trắng, mà là nô lệ da vàng. Màu da vàng là màu da chúng ta, là thân phận chúng ta ở cõi đời này, chúng ta chấp nhận và hãnh diện.

Và người nữ chúng ta yêu, người nữ thần tượng, không phải là những người “tóc vàng sợi nhỏ” những Birgitte Bardot, Sharon Tate, Raquel Welch, mà là người con gái Việt Nam:

Người con gái Việt Nam da vàng
yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Người con gái Việt Nam da vàng
yêu quê hương nước mắt lưng dòng...
Em chưa biết quê hương thanh bình
em chưa thấy xưa kia Việt Nam
em chưa hát ca dao một lần
em chỉ có con tim căm hờn
Người con gái một hôm qua làng
Đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng
người con gái chợt ôm tim mình
trên da thơm vết máu loang dần
Người con gái Việt Nam da vàng
mang giấc mơ quê hương lìa kiếp sống...
(Người con gái Việt Nam, Ca khúc da vàng)

Đã tìm thấy người nữ của mình, người con gái Việt Nam da vàng, tất nhiên cuộc hành trình phải tiếp tục, ổn cố vững vàng hơn:

người nô lệ da vàng bước đi bước đi
Đi về đầu non
người nô lệ da vàng bước đi
Đi về biển xanh
Đi khâu vá con sông Việt Nam 20 năm liền thịt xương

phơi trên đôi miền
Đi cho thấy quê hương
đi cho thây quê hương
đi cho thấy quê hương...
(Đi tìm quê hương)

Và tới cuối chặng thứ nhất của cuộc hành trình, những người trẻ thấy mình là người Việt Nam màu da vàng, với tất cả những khốn khổ cũng như oai hùng của dòng giống. Nhìn sang bên kia, cũng thấy cùng màu da, cùng Việt Nam. Không thấy sao trắng bên này, không thấy sao đỏ sao vàng bên kia: người trẻ chỉ muốn nhìn thấy màu của mình, màu Việt Nam. Họ chỉ muốn nhìn thấy người Việt da vàng mà thôi. Ngừng ở chặng này của hành trình làm người Việt Nam, nhìn lại miền Nam xem còn có những gì, thì dây là di sản họ đang phải tiếp nhận:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ ruộng đồng khô khan
Gia tài của mẹ nhà cháy từng hàng
Già tài của mẹ một rừng xương khô
Gia tài của mẹ một núi đầy mồ
Gia tài của mẹ một lũ bội tình...
(Gia tài của mẹ)

Đã gọi là di sản, thì được nhà cao cửa rộng ruộng cả ao liền xã hội thanh bình cả nước hoa đăng... càng tốt. Còn nếu không, gia tài đã là của mẹ, thì dù có là ruộng đồng khô khan, nhà cháy từng hàng, một rừng xương khô, một núi đầy mồ... cũng xin giơ hai tay mà đón nhận. Không phải nhận để rồi mà khóc than thương cho phận mình. Nhân đây là để làm cho khá hơn, trồng cây trên núi, trồng lại lúa trên vùng khai hoang – dù rằng muốn làm thế có phải làm từ đầu là dạy dỗ lại nhau từ đầu:

Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha
Quên hận thù
(Gia tài của mẹ)

Đã ý thức được phân phận mình như thế, đã tiếp nhận gia tài như thế, bây giờ nhìn vào chiến tranh, nhiều người trẻ đã thấy đây không phải là cuộc chiến của họ: bất quá đây chỉ là đấu trường tỉ thí cho hai ý thực hệ ngoại lai (ý thức hệ cộng sản và ý thực hệ tư bản), bất quá người Việt hai miền chỉ là những con tốt thí cho hai đế quốc trắng, đỏ... Như vậy, không có lý do gì để họ cầm súng chiến đấu cả – dù là MI, M16 hay AK50, B40.

Nhưng dù muốn hay không, họ cũng đều phải cầm súng, không trở thành “giải phóng quân” đi “chống Mỹ cứu nước”, thì cũng thành “chiến sĩ bảo vệ tiền đồn” cho cái vẫn thường được gọi là thế giới tự do. Và khi họ gục xuống trong rừng hay ruộng đồng, đô thị, người nữ của họ, nếu không chọn giải pháp thứ nhất như bài ca dao mới đã mô tả:

Giã từ em anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con,
Bao giờ hết việc nước non
Anh về anh có Mỹ con anh bồng.

thì rất dễ tìm thấy tình ca của người mất trí, ngơ ngác nhìn đâu cũng thấy nơi người yêu mình đã gục xuống:

Tôi có người yêu chết trận Pleimé
Tôi có người yêu ở chiến khu D, chết trận Đồng Xoài,
chết ngoài Hà Nội, chết vội vàng dọc theo biên giới.
Tôi có người yêu chết trận Chu Prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông,
chết người ruộng đồng, chết rừng
mịt mùng chết lạnh lùng, mình cháy như than.

Tôi có người yêu chết trận A Sao
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu,
chết nghẹn ngào mình không manh áo.
Tôi có người yêu chết trận Ba Gia
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua,
chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò,
không hận thù, nằm chết như mơ.
(Tình ca của người mất trí)

Bắt đầu từ chặng này cuộc hành trình, những người trẻ đó chỉ còn có thể lên tiếng tuyên bố như trong phần chót của bài ca trên:

Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam
Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh, tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng
Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay, dư làn môi
Từ nay tôi quên hết tiếng người.

Đó là một lời tuyên ngôn dịu dàng nhất và cũng minh bạch nhất: Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam, chứ không phải “tôi muốn yêu anh nước bạn đồng minh Hoa Kỳ”, và cũng chẳng phải “tôi muốn yêu anh nước anh em Trung Xô”.

Tôi được nghe bài ca trên khi phụ trách huấn luyện quân sự cho sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Suốt nhiều buổi trưa, tôi ngồi trong một quán cà phê gần trường, nghe đi nghe lại bản nhạc xót xa buồn thảm đầy chết chóc đau thương ấy, tôi biết Trịnh Công Sơn đang đi vào tuyệt lộ dẫn tới lao tù, của cả hai chế độ Nam Bắc Việt Nam. Làm sao các cán bộ chính ủy của đảng Lao động chịu nổi một bài ca như thế. Cán binh của họ mà nghe, sẽ xúc động, sẽ ý thức được thân phận tốt thí, sẽ yêu thương người Việt da vàng với nhau, thì còn gì là “chính nghĩa chống Mỹ cứu nước” nữa. Họ mà bắt được Trịnh Công Sơn, hẳn không tiếc gì không cho Sơn một đường mã tấu, tặng anh một cái “chết rừng mịt mùng, chết chẳng hẹn hò, không hận thù nằm chết như mơ”.

Còn đối với miền Nam, anh còn dễ nguy hơn. Bởi vì ở miền Nam có một thành phần rất sợ hoà bình – bất cứ hoà bình kiểu gì và bất kể từ đâu tới! Lý do bởi vì quyền lợi và danh vọng hiện tại của họ xây dựng trên căn bản là trục lợi chiến tranh, đấu thầu cuộc chiến. Kêu gọi tới tình tự dân tộc, tới hoà bình, kể như lay động tới nền tảng quyền lợi của họ rồi. Chính thành phần này đã bao năm hô hào chiến đấu chống cộng bằng mồm (hô hào mọi người bằng mồm thôi, còn thân họ thì không bao giờ dám đưa ra gần nơi lửa đạn, và con cái họ đều được trốn lính hợp pháp để du học bên Mỹ, bên Âu), chính những người này bao giờ cũng muốn chính quyền bắt bỏ tù, cho đi hải đảo bất cứ ai khơi dậy, đề cao tình tự làm người Việt Nam...

Và tất nhiên Trịnh Công Sơn không thoát được số phận của mình. Các biện pháp nặng nhẹ đủ loại đã được đưa ra áp dụng cho con người hiền lành dễ thương nhất của Tuyệt Tình cốc, nhưng không đưa được anh tới lao tù đày ải: quá nhiều người Việt đã lên đường vào cuộc hành trình làm người Việt Nam, và không ai nỡ để con người thư sinh giản dị, tối ôm đàn đi hát, khuya về ngủ trên ghế bố của căn nhà gỗ Hội Hoạ sĩ trẻ trên thầm Khám Lớn xưa, phải chịu đoạ đày hay thủ tiêu từ từ trong chuồng cọp.

Vẫn được tự do dù là thứ tự do hạn chế, anh vẫn làm nhạc: cuộc hành trình vẫn tiếp tục. Lần cuối cùng gặp nhau trước khi Trịnh Công Sơn trở về Huế, trong căn gác xép mưa dột đầy một góc, ngồi trên chiếu rách, anh có hỏi tôi: Khi đất nước thanh bình, bạn bè hai bên trở về, sẽ ra sao nhỉ? Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy, nhưng tôi biết khi thanh bình, tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ ra Huế, kiếm Trịnh Công Sơn, và sẽ rủ anh làm như trong một bản nhạc anh đã đặt tên Tôi sẽ đi thăm.

Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm
Tôi sẽ đi thăm một phố đầy hầm,
Đi thăm một con đường nhiều hố.
Khi đất nước tôi thanh bình
Tôi sẽ đi thăm cầu gãy vì mìn,
đi thăm hầm chông và mã tấu
Khi đất nước tôi không còn giết nhau
trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường.
Khi đất nước tôi thanh bình
Tôi sẽ đi không ngừng,
Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam
Tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình...

Tới đây có lẽ mới là tận cùng của cuộc hành trình làm người Việt Nam, và có lẽ cũng tới đây Sơn và tôi mới hy vọng sẽ chỉ còn một việc là: làm tình ca và viết chuyện tình rất viễn mơ. Dĩ nhiên là với điều kiện lúc đó phải quên được:

“Khi đất nước tôi không còn chiến tranh
Bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ...”


Thế Uyên
Đoạn đường chiến binh

Nguồn: Lá Bối in lần thứ nhất năm 1971, Sài Gòn – Việt Nam. Giấy phép số 3792 BTT/PHN ngày 9 tháng 9 năm 1970. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Các thao tác trên Tài liệu