Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CHIẾN TRANH

TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CHIẾN TRANH

- Webmaster cập nhật lần cuối 22/02/2021 06:10
Phạm Xuân Đài, tạp chí Thế Kỷ 21, 05/2001

Bài viết dưới đây xứng đáng là tri kỷ của Trịnh Công Sơn. Tác giả đã từng bị tù cải tạo ròng rã 13 năm rừng thiêng nước độc, nhưng không để cho ngòi bút của mình vì thế mà kém trung thực với cái nhìn trong sáng, đúng đắn, đích thực về con người và tình cảm của Trịnh Công Sơn, đích thực Trịnh Công Sơn.

Bài này đã được đăng trong tập san Thế Kỷ 21 khi Trịnh Công Sơn vừa mất. Năm nay, nó xứng đáng được tái hiện nhân lúc bên nhà tưởng niệm 20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn.

tcs-home.org


Nửa sau thế kỷ 20, Việt Nam có hai cuộc chiến tranh. Cuộc đầu chống Pháp, chấm dứt chế độ Pháp thuộc, từ 1946 đến 1954, thường gọi cuộc chiến chín năm. Cuộc thứ hai miền Bắc “chiếu cố” miền Nam, thực chất là cuộc chiến tranh ủy nhiệm của hai phe cộng sản và tự do trên thế giới, chấm dứt vào năm 1975.

Cuộc chiến đầu dân tộc Việt Nam mới từ đêm tối của tám mươi năm nô lệ bước ra, ai nấy đều phơi phới tình yêu nước. Các bài hát của thời này là niềm đồng tâm nhất trí náo nức đánh giặc để giành độc lập. Người nghệ sĩ của thời này mang màu xanh ngát của ruộng đồng vườn tược và nỗi ngây ngất của hồn thiêng sông núi vừa sống dậy trong buổi đầu tự do. Văn Cao hát rằng

Bao chiến sĩ anh hùng
Lạnh lùng vung gươm ra sa trường
Quân xung phong!
Nước non đang chờ mong tay ngươi
Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời

Còn Phạm Duy:

Ra biên cương! Ra biên cương!
Thiết tha lòng gái hôm nay nâng khăn hồng
Ðưa chân anh hùng ngàn phương

Cuộc kháng chiến bắt đầu thật trong sáng. Và đẹp.

Nhưng từ sau 1954, khi hai miền Việt Nam biến thành hai “tiền đồn” cho các phe trên thế giới thì cuộc chiến trở thành cuộc đụng độ lớn. Giá trị của máu xương trở nên khó định nghĩa. Và tầm mức chịu đựng của rừng núi, ruộng đồng và con người đã đến mức phi lý. Cuộc sống bình thường bị xé toạc, những ước vọng đơn sơ bị nghiền nát một cách thản nhiên. Cả nước cuốn vào guồng máy chiến tranh lớn lao hơn là sức của chính mình có thể đảm nhiệm. Hai phe trên thế giới phải hà hơi tiếp sức cách này hay cách khác.

Trong bối cảnh ghê gớm ấy, chỉ có một giọng hát cất lên, trình bày mọi cái khổ đau và hủy diệt mà cuộc chiến mang lại. Trịnh Công Sơn.

Sơn là người nhạc sĩ duy nhất cảm nhận sớm sủa nguy cơ của cuộc chiến này, nhìn thấy rõ bản chất tàn phá nó gây ra trên cơ thể của dân tộc mà vượt qua tất cả cái nhìn chính trị đương thời của các phía. Anh viết hàng loạt ca khúc về cuộc chiến khi nó mới chớm màu khốc liệt, bộ thần kinh của anh là những ăng-ten cực nhạy chỉ chuyên bắt những tín hiệu đau buồn mà cuộc chiến mang lại. Trong khi mọi người sống với cuộc chiến đó, nghĩa là nhập ngũ, chiến đấu, tập trung vào ấp chiến lược, nhận giấy báo tử, chạy giấy hoãn dịch, chôn người chết, sửa nhà cửa bị bom đạn... tinh thần hầu như bị tê liệt, bị điều kiện hóa vì đủ mặt của cái guồng máy chiến tranh thì anh dường như đứng từ một vị trí khác biệt để nhìn toàn cảnh, để thấy và hát lên những điều cốt lõi. Những gì anh thấy tất cả chúng ta đều thấy trong hoàn cảnh cuộc chiến đó, nhưng những gì anh viết ra, thây người chết, nhà cháy, trái mìn, tiếng đại bác... đều thăng hoa thành một thứ tinh chất ngân nga như lời kinh, khi chạy vào hồn ta nó khiến ta đau đớn, thổn thức, bàng hoàng. Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với thảm cảnh chiến tranh hàng ngày nhưng ta hầu như vô cảm, một khi chính hình hài ta còn nguyên vẹn, người thân chưa sứt mẻ, nhà cửa chưa bị cháy. Ta coi những chết chóc đổ nát ấy là những điều không tránh được trong chiến tranh, và chấp nhận nó, chịu đựng nó. Chỉ có Trịnh Công Sơn mang một thái độ khác hẳn, anh không chấp nhận nó. Một cách nhất quán không khi nào rời khỏi lập trường của mình, anh tấn công nó bằng thứ vũ khí của anh, đó là mô tả bằng âm nhạc muôn vàn nỗi đau mà chiến tranh mang lại. Tấn công liên tục với các sáng tác dồi dào liên lỉ của anh. Anh là người Việt Nam duy nhất, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, đã tuyên chiến với trận chiến tranh giữa lúc nó đang diễn ra khốc liệt, anh lên tiếng nhân danh nòi giống và đất nước Việt Nam chứ không nhân danh một phe phái chính trị nào. Viết ra được các nỗi đau có nghĩa là chính anh đang chịu các nỗi đau ấy, tâm hồn nghệ sĩ của anh cảm nhận được nỗi đau ấy thực, hơn là đa số chúng ta cùng ở trong một điều kiện sống như anh thời ấy. Các nhạc sĩ khác lúc đó không phải là hoàn toàn vô cảm trước thảm họa chiến tranh. Kỷ vật cho em, Tâm ca số 1, Giọt mưa trên lá của Phạm Duy há không phải là những bản nhạc có thể bị kết án “làm mềm lòng chiến sĩ” đó sao? Nhưng “phản chiến” ấy chỉ là vài nét chấm phá trên một sự nghiệp sáng tác đa dạng, trong khi Sơn thì liên tục, kiên quyết, chiến tranh leo thang tới đâu thì anh leo thang tới đó, nói mãi để người ta phải hiểu rằng điều anh nói không phải là thứ trà dư tửu hậu, một cảm xúc qua đường, mà chính là lương tâm trước một mất còn ghê gớm.

Có người cho rằng ca khúc về chiến tranh của Sơn như có chất ma túy, nó khiến cho người nghe u sầu rã rượi mất hết tinh thần chiến đấu. Có thể đó là cái nhìn của một người đang ở trong cuộc chiến với ý thức ăn thua. Nhưng trong cách thế là nạn nhân của cuộc chiến - mà Sơn thì coi cả dân tộc Việt Nam là nạn nhân của cuộc chiến - thì cái gọi là ma túy ấy không gì khác hơn là tinh chất của nỗi đau. Thảm họa chiến tranh thì đầy rẫy, ngày nào mọi người chẳng nhìn thấy, nhưng tinh luyện được nó vào thành các ca khúc trong hình thức ngôn ngữ âm nhạc và thơ ca để truyền giảng, thì phải là công việc của một ngôn sứ. Anh không ngần ngại gọi đó là kinh, kinh Việt Nam, lời bày tỏ nỗi hủy diệt và khổ đau. Anh chống sự hủy diệt, anh bảo vệ Việt Nam đến kỳ cùng, theo cách của anh. Năm 1968 anh đã viết:

Ðã có điều gì không thật trong suốt hai mươi năm nay. Một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương, như một mũi tên vô tri bỗng lỗi thời trong một nhiệm kỳ vô định.

Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên định hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngắn hạn. Dân ta tàn phế hai mươi năm. Nước mắt và máu đã làm thành những con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo. (...)

Hố thẳm đã mở ra dưới chân dân tộc này. Lương tâm con người đang trên đà bị phát mãi. Ở cuối chân trời Việt Nam, những tia nắng nghèo nàn và bệnh hoạn từ một mặt trời hết sinh khí sắp đi vào hôn mê. (...)

Tiếng hát có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ.

Ta đã có sẵn một hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm để còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai. Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niềm tin và lời hứa hẹn của những người đã nằm xuống. Ta phải tìm lại quê hương bằng sức sống mãnh liệt vì trong cơ thể ta đã luân lưu thêm dòng máu của anh em không còn.

Quanh đây, những trường học, những bệnh viện, những đình làng, những phiên chợ, những cánh đồng sẽ được bắt đầu lại với những ngày nhân đạo - với một dân tộc nhân bản.
(Trích “Lời tác giả” của Kinh Việt Nam)

Ðoạn văn lời lẽ có khi hơi huê dạng cầu kỳ này thực ra chỉ là những lời ca của anh diễn thành văn xuôi để chuyển đạt đến mọi người một cách rõ rệt hơn, lý trí hơn thái độ của anh đối với cuộc chiến cùng niềm mơ ước của anh thoát đi từ cuộc chiến ấy.

Những cảnh tượng buồn bã của chiến tranh, buồn bã thôi, chưa nói đến khốc liệt, rất sớm đã được Trịnh Công Sơn nhìn ra như những triệu bất tường. Tiếng đại bác từ mặt trận xa đêm đêm dội về mà tác giả coi như “tiếng ru” đã làm nảy ra bao nhiêu hình ảnh và ý tưởng, chính các hình ảnh và ý tưởng ấy đã cho tiếng đại bác vọng về ấy một ý nghĩa và một sức nặng riêng đối với tâm thức người nghe

Ðại bác đêm đêm dội vào thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Ðại bác đêm đêm tương lai rụng vàng
Ðại bác như kinh không mang lời nguyền
Trẻ thơ quên sống, từng đêm nghe ngóng...

Sơn có thể nhìn chiến tranh trong hình ảnh đàn bò vào thành phố. Hình ảnh chỉ mang tính chất ẩn dụ một cách gián tiếp lại nói lên được rất nhiều về một khung cảnh nông thôn tan hoang, cùng một lúc tan hoang luôn những cái chân thật nhất của Việt Nam, cây lúa, bờ tre, và tâm hồn người dân quê.

Ðàn bò vào thành phố, đêm buồn vắng buồn hơn
Ðàn bò vào thành phố, không còn ai hỏi thăm
Ðàn bò tìm dòng sông, nhưng dòng nước cạn khô
Ðàn bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn
Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn...

Cuộc chiến càng khốc liệt và lan rộng, vết thương trong lòng Sơn càng mở to và tan thương y hệt như một bản sao của thực tế chiến trường. Tuy không tham dự trực tiếp nhưng Sơn lại là người bám sát cuộc chiến nhất, hầu như không rời ra một phút nào. Nếu giai đoạn đầu anh mô tả trận chiến bằng những nét bút khá mông lung của một họa sĩ trừu tượng nặng tính cách biểu trưng, thì càng về sau hình ảnh các đổ nát và chết chóc hiện ra cụ thể rõ nét.

Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn
Hàng vạn chuyến xe claymor lựu đạn
Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành
Từng vùng thịt xương có mẹ có em

Tết Mậu Thân Trịnh Công Sơn có mặt tại Huế. Chiến tranh bây giờ không còn là những bản tin chiến sự hay là tiếng súng tiếng bom vọng về từ xa.

Thực tế chiến trường từ đâu bỗng mang về ngay thành phố mình đang ở, Sơn nghe được tiếng bom đạn thật đập vào màn nhĩ mình, cảm được nỗi sợ hãi chết chóc có thể đến với mình bất cứ lúc nào, và nhất là chứng kiến được mức độ tàn bạo của giết chóc. Một kinh nghiệm đặc biệt cho Sơn. Bài ca dành cho những xác người có thể thay thế hàng trăm thước phim, hàng loạt bài phóng sự chiến trường, nhất là loại phóng sự viết ở nơi an lành qua một ít tin tức thu nhặt và rất nhiều tưởng tượng thêm thắt vào.

Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ
Dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố
Trên thềm nhà hoang vu
...
Xác người nằm quanh đây
Trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu
Có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi
Dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy
Bên những vồng ngô khoai

Toàn là xác người. Gần giống như những thước phim tài liệu của Ðức quốc xã ghi hình ảnh các đống xác người Do Thái, bài hát của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi “anh em ta về” thành phố Huế dịp Tết Mậu Thân.

Chắc chắn đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần túy do động lực chiến tranh. Sơn đã bị ám ảnh bởi xác người, anh đã viết hai bài cùng một đề tài trong hầu cùng một biến cố. Bài thứ nhì là Hát trên những xác người, có một chi tiết từ bài trước được lặp lại, đó là những hố hầm chôn xác tập thể, chi tiết ấy giúp chúng ta định vị được không gian và thời gian của hai bài hát, và những lời lặp đi lặp lại tôi đã thấy, tôi đã thấy như một lời khẳng định sự có mặt của tác giả cùng tính cách xác thực của sự kiện.

Chiều đi lên đồi cao
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy
Trên con đường
Người ta bồng bế nhau chạy trốn

Chiều đi trên đồi cao
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy
Bên khu vườn
Một người mẹ ôm xác đứa con
...
Chiều đi qua bãi dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy
Những hố hầm
Ðã chôn vùi thân xác anh em...

*

Tố giác chiến tranh thường phải được coi là một hành vi chính trị, như phong trào “phản chiến” trong giới trẻ Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Phong trào phản chiến Tây phương có một lập trường chính trị rõ rệt, là chống sự can thiệp của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam. Các ca khúc về chiến tranh của Trịnh Công Sơn đã bị một số người đồng hóa một cách dễ dàng với phong trào ấy, và cũng được gọi là bài hát phản chiến.

Thật ra về cuộc chiến Việt Nam, Trịnh Công Sơn sáng tác với tâm trạng của một người trong cuộc. Nội dung các bài hát của anh là tình cảm của anh đối với đất nước và dân tộc anh bị tàn phá chứ không nhân danh một lập trường hay phe phái chính trị nào hết.

Trịnh Công Sơn rất nhất quán về chỗ đứng của mình. Hãy đọc lại toàn bộ các bài hát về chiến tranh của anh, sẽ thấy anh không nhân danh gì ngoài tư cách người Việt Nam của mình. Anh thường nhắc đến bà mẹ, người già, em bé, đồng ruộng, núi rừng. Hay xa hơn nữa, trong Ngụ Ngôn của Mùa Ðông, anh Nhớ về nghìn trùng nòi giống của chim và Nhớ rừng mịt mùng nòi giống của Tiên, tức là trong cơn hoạn nạn này, anh vọng tưởng và chắc là cầu nguyện nữa, đến nguồn gốc xa xôi của nòi giống, đến con chim Lạc cùng huyền thoại Rồng Tiên. Như một người hấp hối bỗng nhìn suốt được cuộc đời mình, trong cơn nguy khốn của dân tộc anh nhìn suốt tới chỗ nguồn gốc từ đó dân tộc Việt đã đi ra và lớn lên. Tiếng nói vì thế có thể mang âm hưởng của ngàn xưa.

May mà anh đã lớn lên ở miền Nam, anh đã có đủ tự do để nói lên điều anh cần nói. Nếu ở miền Bắc, chắc chắn anh đã bị bịt miệng ngay bằng một trại cải tạo, và có thể anh đã là một Nguyễn Chí Thiện thứ hai. Các nhà lãnh đạo hai bên của guồng máy chiến tranh không ưa lời lẽ của anh, vì anh chống lại công việc chiến tranh họ đang làm mà họ tin là đúng. Anh không chia sẻ niềm tin ấy. Anh tạo ra những mơ ước của anh, và viết một loạt các bài nhạc về “khi đất nước tôi thanh bình.” Nếu những bản nhạc về chiến tranh là những vết cứa đầy đau thương và u ám vào lòng người nghe thì các ca khúc ước mơ của anh lại đầy hân hoan, phấn khích. Nhưng xem kỹ loạt bài này thì càng thấy anh không phải là người chính trị, vì cái chương trình “đi xây lại Việt Nam” của anh rốt cuộc chỉ thuần túy là một mớ ước mơ rất thông thường của một người dân đã quá lâu bị vùi dập vì chiến tranh. Ðồng ruộng được bình yên cày bừa, trẻ nhỏ an lành đi học, nhà thương, chợ búa, nhà trường thay thế trại giam..., các nhà lý thuyết xã hội chắc sẽ mỉm cười khi đọc các “đề nghị” sơ đẳng như thế. Nhưng mà thương lắm, anh chỉ nói lên một mong mỏi với tấm lòng nghệ sĩ của anh thôi, chứ anh có phải là “nhà” gì đâu! Các đề nghị của anh về thực chất chỉ là để hát mà thôi!

Hát, và gây lòng hứng khởi cho mọi người, nhất là thanh niên, có thể đang trở nên chai đá vì chiến tranh.

Ðó là một con người của Tình Yêu. Có thể định nghĩa tâm hồn anh bằng hai chữ viết hoa đó. Dĩ nhiên anh có tài năng rất cao để diễn đạt tình yêu bằng ngôn ngữ thi ca (lời hát của anh đúng là thơ, một hình thái diễn đạt cao nhất của ngôn ngữ loài người) và âm nhạc, nhưng nếu không có một tâm hồn thuần khiết cho yêu thương thì tài hoa lấy gì mà chuyên chở? Nhạc tình hay nhạc “phản chiến,” xét cho cùng đều bắt nguồn từ một chỗ, là tấm lòng yêu thương.

Cái mạng Sơn cũng lạ, trong chiến tranh, lãnh đạo cả hai phía đều không đồng tình với anh, thậm chí bên phía Mặt trận giải phóng miền Nam có người còn đòi “khử” anh, vì họ là phía gây chiến mà anh thì làm nhạc chống lại cuộc chiến, thế mà rồi anh cũng qua được (chỉ tội Ngô Vương Toại lãnh một phát đạn vào bụng, một phát đạn ngoài chương trình) *. Nhưng từ phát đạn ấy, lần đầu tiên bạn bè thấy một Trịnh Công Sơn phẫn nộ, ngay trong đêm hôm xảy ra biến cố, anh đã viết bài Nhân danh ai mà anh đến đây giết người để sáng hôm sau hát cho một số anh em thân thiết nghe.

Chỉ nghe nhan đề bài hát người ta đã hiểu nội dung nói gì. Chủ trương “bạo lực cách mạng” được áp dụng một cách triệt để và nhất quán, đã đối mặt rất sát với một kẻ gầy ốm cũng rất nhất quán, trong lập trường chống bạo lực. Nhưng bài hát ấy không bao giờ được phổ biến, lý do: sinh mạng tác giả bị trực tiếp đe dọa

nếu nó được công bố rộng rãi.

Ở miền Nam lúc ấy, guồng máy tuyên truyền nhìn anh như cái gai, nhưng các cá nhân trong guồng máy ấy, giống như đám đông say mê anh, có lẽ cũng thấy anh là người nói đúng được mơ ước hòa bình thầm kín trong lòng mọi người. Anh được một số người trong chính quyền ngầm che chở, nhạc anh được Khánh Ly hát khắp các buổi sinh hoạt thanh niên sinh viên và được ghi âm phổ biến rộng rãi, và phía bên kia lại lợi dụng nhạc ấy để đổ thêm dầu vào ngọn lửa phản chiến ở Tây phương. Anh nổi tiếng quốc tế. Sau 1975, bị chính quyền mới đẩy đi “thực tế,” trồng trọt trên một bãi mìn cũ ở Khe Sanh (không biết có phải là một cách “khử” khéo léo không), một con trâu đã đạp hộ cho anh một trái mìn... và anh đã sống mà trở về.

Dù sao trong cuộc đời của mình, Sơn đã nói hết được những gì cần nói về chiến tranh, với thuần túy lòng yêu thương nòi giống và đất nước. Hình như đó là sứ mệnh của đời anh, lên tiếng báo động bằng ngôn ngữ nghệ thuật khi sinh mệnh dân tộc lâm vào chỗ nguy khốn nhất. Ngoài ra anh không đóng vai trò nhà chính trị, nhà phê bình xã hội hay nhà gì khác nữa.

Phạm Duy nức nở khóc (Ảnh : Nguyên Dũng)

Sau cùng, anh quay về với chính mình, và đối diện với cái mà nhạc sĩ Phạm Duy nói người nghệ sĩ nào rồi cũng gặp phải, là nỗi cô đơn. Từ khi còn rất trẻ, Văn Cao đã đặt mình trong vai trò của anh Trương Chi mà hát

Ngồi đây ta gõ mạn thuyền
Ta ca
Trái đất còn riêng ta.

Và người tình già Phạm Duy đến một lúc cũng tự hóa thân thành một kẻ tuyệt đối cô độc đứng trên đầu non để cảm nhận hết cái bát ngát của cuộc nhân sinh trước cái vô cùng. Sơn cũng thế thôi, một khi đã phải ta ru ta ngậm ngùi thì thế giới bốn bên đã vắng lặng hết rồi

Ðời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm.

Có lẽ hoàn toàn đồng cảm với nỗi cô đơn nghiệt ngã có tính cách định mệnh ấy, Phạm Duy đã nức nở khóc khi phát biểu trong đêm tưởng niệm Trịnh Công Sơn tại Westminster, Nam California, hôm 3 tháng Tư, 2001. Tuổi già giọt lệ như sương và nỗi cô đơn không cùng của nòi nghệ sĩ, sau khi đã đóng góp những gì mình phải đóng góp, cho đời.

PXĐ
tạp chí Thế Kỷ 21, số 145, 05/2001



* Vào tối ngày 20 tháng 12 năm 1967, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát tại Ðại học Văn Khoa Sài Gòn (đường Cường Để), một số người đã cướp diễn đàn để tuyên truyền cho Mặt trận giải phóng Miền Nam. Ngô Vương Toại ngăn chặn, và bị bắn vào bụng nhưng thoát chết.

Các thao tác trên Tài liệu

Sách mới